Đoan
Trang
Cuốn sách Death by China (Chết vì tay
Trung Quốc) dành riêng một chương để nói về một đại chiến lược của Trung Quốc
nhằm khai thác tài nguyên của các nước nhỏ, xuất khẩu nhân công ồ ạt sang các
nước này và tiến tới biến họ thành “thuộc địa kiểu mới”.
Các tác giả cho rằng đây là một thứ chủ
nghĩa thực dân mới, mạnh mẽ và quyết liệt hơn chủ nghĩa thực dân cũ của phương
Tây nhiều.Chiến lược đó được gọi (không rõ khởi nguồn từ ai và vào lúc nào) bằng
cái tên “Thả mồi và lật lọng” (bait and switch).
Thả mồi và lật lọng
Peter Navarro và Greg Autry viết: Chiến
lược thả mồi và lật lọng của Trung Quốc luôn bắt đầu theo cùng một cách: Chủ tịch,
hoặc thủ tướng, hoặc bộ trưởng thương mại nước này đến thăm thủ đô của một nước
nào đó rất xa, như Djibouti, Niger hay Somalia chẳng hạn. Ông ta đến đó và vẫy
vẫy một cuốn sổ séc lớn, chào mời hứa hẹn những khoản vay hào phóng, lãi suất
thấp, để xây dựng cơ sở hạ tầng dân sự hoặc quân sự của nước sở tại - bất kể đó
là đường sá, cảng biển, hay quốc lộ, có ích lợi, hay một cung điện xa hoa lãng
phí cho nhà độc tài đang cầm quyền, hay là súng AK-47s để kìm giữ những người
dân cứng đầu cứng cổ dưới gót giày đàn áp.
Và để đổi lấy sự hào phóng của Trung Quốc,
tất cả những gì đất nước chớm thuộc địa kia phải làm gồm hai việc. Thứ nhất, họ
phải trao quyền kiểm soát tài nguyên thiên nhiên cho Trung Quốc để đổi lấy khoản
vay. Từ đó, Trung Quốc phong tỏa luôn nguồn tài nguyên của đất nước, phục vụ mục
đích sử dụng riêng. Thứ hai, họ phải mở cửa thị trường cho tất cả những thành
phẩm mà các nhà máy, công xưởng ở Trung Quốc sẽ sản xuất bằng nguyên vật liệu
thô mà xứ thuộc địa kia cung cấp. Từ đó Trung Quốc phong tỏa luôn một thị trường
mới nổi.
Theo hai tác giả, chiến lược “Thả mồi và
lật lọng” này đang được Trung Quốc tiến hành trên toàn thế giới. Ví dụ, CHDC
Congo đã “tặng” cho Trung Quốc kho tài nguyên đồng đỏ trị giá hàng tỉ đô la để
nhận về dự án xây dựng cơ sở hạ tầng. Ghana đổi ca cao lấy cơ sở hạ tầng.
Nigeria đổi khí đốt lấy nhà máy điện, vv Song đáng tiếc là chẳng nước nào trong
số này đạt được mục đích thịnh vượng.
Khát tài nguyên
Như nhiều tài liệu khác bàn về chiến lược
của Trung Quốc “thu mua” tài nguyên trên toàn cầu, Death by China cũng cho rằng
một trong các nguyên nhân dẫn đến việc Trung Quốc kiếm tìm tài nguyên khắp nơi
là do nhu cầu tiêu thụ khổng lồ của họ. Cuốn sách cho biết Trung Quốc là nơi
tiêu thụ: một nửa lượng xi măng của thế giới, gần nửa lượng thép, một phần ba
lượng đồng đỏ, một phần tư lượng nhôm, khối lượng cực lớn crôm, côban, liti, kẽm,
gỗ vv
Tuy nhiên, vấn đề là không phải nước nào
khát tài nguyên cũng đều hành xử như vậy. Hai tác giả nhận xét rằng, trong khi
phần lớn các quốc gia trên thế giới đều xuất nhập khẩu tài nguyên thông qua hệ
thống giá cả trên thị trường quốc tế, tức là đều dựa vào thị trường tự do để
phân phối (hai ông gọi đây là “chủ nghĩa tư bản hợp tác”), thì Bắc Kinh thực
thi “chủ nghĩa tư bản thực dân” trên khắp châu Phi, châu Mỹ Latin và nhiều nước
châu Á. Death by China đưa ra một định nghĩa về chủ nghĩa thực dân Đại Hán này:
“Nắm quyền kiểm soát tài nguyên thiên nhiên - tài sản thật sự của quốc gia thuộc
địa. Xuất khẩu tài nguyên đó về Trung Quốc, thay vì để cho nước sở tại sử dụng
tài nguyên ấy để phát triển kinh tế. Sau đó tái xuất nguyên vật liệu thô ấy trở
lại nước sở tại nhưng lần này dưới hình thức thành phẩm, hàng hóa. Toàn bộ quá
trình tạo ra công ăn việc làm ở Trung Hoa lục địa, gia tăng lợi nhuận cho các
công ty của Trung Hoa lục địa và kéo dài thêm dòng người thất nghiệp ở nước thuộc
địa. Ở các nước thuộc địa kiểu mới đó, chỉ còn lại những công việc nguy hiểm nhất,
độc hại nhất, nghèo nhất, trong những ngành công nghiệp bóc lột, còn những việc
làm có giá trị cao thì đã chuyển hết sang Quảng Châu, Thành Đô hay Thượng Hải”.
“Biển người” phủ khắp lục địa Đen
Một khía cạnh khác của “chủ nghĩa thực
dân Đại Hán” là xuất khẩu nhân công. Một dân biểu Ai Cập, ông Mustafa al-Gindi,
từng nói: “Sự thực là đến châu Phi, Trung Quốc không chỉ đem theo kỹ sư và nhà
khoa học. Họ đến đây mang theo rất nhiều nông dân. Đó là chủ nghĩa thực dân kiểu
mới. Không còn đạo đức, luân lý, giá trị gì nữa cả”.
Theo Death by China , sau khi đã “thả mồi”,
tức là cho nước thuộc địa vay tiền để xây dựng cơ sở hạ tầng, Trung Quốc sẽ “lật
lọng” bằng nhiều hình thức, trong đó có việc xuất khẩu nhân công sang nước sở tại
để tiến hành công trình xây dựng đó. Các tác giả trích dẫn một cuốn sách có tựa
đề China Safari (Cuộc đi săn của người Trung Quốc), nói rằng: “Người Trung Quốc
sẽ hút dầu và bơm dầu ấy vào những đường ống do Trung Quốc sản xuất và canh
gác, đến một cảng biển do Trung Quốc xây. Tại đây, dầu được đưa vào các bồn của
người Trung Quốc và chở về Trung Quốc. Nhân công Trung Quốc sẽ xây cầu đường,
đê đập, buộc hàng chục ngàn dân sở tại phải di dời. Người Trung Quốc sẽ trồng
trọt, chăn nuôi, để những người dân sở tại sẽ chỉ ăn đồ ăn Trung Quốc, rau cỏ
Trung Quốc, với các nguyên vật liệu nhập khẩu từ Trung Quốc...”.
Thực ra, những “giai thoại”, “huyền thoại”
về chủ nghĩa thực dân kiểu Trung Hoa đã được nhắc đến từ lâu. Tháng 6-2011,
trong một cuộc trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Đại tá Quách Hải Lượng, nguyên
tùy viên quân sự Việt Nam tại Trung Quốc nửa đầu thập niên 1980, cũng nhận định:
“Họ tiến hành một thứ chủ nghĩa bành trướng hiện đại, chủ nghĩa thực dân mới. Cả
thế giới hiện nay không nước nào đi xâm lược, lấy đất của nước khác. Nói đúng
hơn, họ có thể xâm chiếm nước khác bằng kinh tế, văn hóa, như Mỹ chẳng hạn
nhưng không có nhu cầu lấy đất. Còn Trung Quốc thì vừa lấy đất vừa di dân để
chiếm và giữ”, “Cứ nơi nào họ sang làm giúp ta thì họ rào lại, coi như lãnh địa
của họ, không ai được vào nữa. Họ nhập hàng hóa, từ đồ ăn thức uống, bát đĩa tới
cái... hố xí bệt đều là từ Trung Quốc, không dùng hàng Việt Nam”.
Nguyên do của tình trạng này được hai
tác giả của Death by China lý giải: Bắc Kinh cần phải xuất khẩu một cách có hệ
thống hàng triệu nhân công lao động sang “các nhà nước vệ tinh” ở châu Phi,
châu Mỹ Latin, châu Á, để giảm áp lực của nạn “nhân mãn”.
Một cách thẳng thừng, Peter Navarro và
Greg Autry so sánh việc Trung Quốc sử dụng chiến lược thực dân “Thả mồi và lật
lọng” trên khắp thế giới cũng giống như việc thắt một thòng lọng quanh cổ tất cả
các nền kinh tế, kể cả Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc. Hai ông cho rằng chiếc
thòng lọng này sẽ siết lại nếu Mỹ (và các đồng minh, đối tác) không sớm hành động
quyết liệt để ngăn chặn. Có lẽ vì tinh thần ấy mà cuốn Death by China mang cái
tên “dữ dằn” là Chết vì tay Trung Quốc - Đối đầu với con rồng - Lời kêu gọi
hành động toàn cầu .
* * *
Hiện nay, Trung Quốc là đối tác thương mại
lớn thứ hai của châu Phi, sau Mỹ. Tính đến tháng 8-2007, có khoảng 750.000 công
dân Trung Quốc ở lại sau khi đã hết thời gian làm việc tại châu Phi, hơn 700
công ty Trung Quốc làm ăn ở 49 nước châu Phi.
Trung Quốc gom nhặt tài nguyên thiên
nhiên của châu Phi - dầu hỏa, khoáng sản quý - để nuôi nền kinh tế đang mở rộng,
cũng như tìm kiếm thị trường mới cho các doanh nghiệp đang lớn của họ. Năm
2006, thương mại hai chiều tăng tới 50 tỉ USD. Không phải mọi giao dịch đều
liên quan đến trao đổi tiền tệ trực tiếp: Năm 2007, chính phủ Trung Quốc và
Congo đã đạt thỏa thuận, theo đó những công ty quốc doanh Trung Hoa sẽ tham gia
những dự án xây dựng cơ sở hạ tầng cho Congo, đổi lấy một lượng lớn nguyên vật
liệu khai thác từ các mỏ đồng của Congo. (Wikipedia)