Thứ Hai, 30 tháng 7, 2012

QUI NHƠN SẼ LÀ ĐIỂM HẸN CHO NHỮNG PHÁT MINH



Mô hình Trung Tâm Quốc tế khoa học và giáo dục Qui Nhơn


GS.TS Trần Thanh Vân

SGTT.VN - “Chúng tôi muốn các nhà khoa học quốc tế trình bày những sáng kiến, phát hiện mới nhất của mình tại trung tâm Quốc tế khoa học và giáo dục Quy Nhơn...”, đó là lời nhấn mạnh của GS.TS vật lý nguyên tử người Pháp gốc Việt Trần Thanh Vân (ảnh bên) trong cuộc trao đổi ngắn dành riêng cho phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị ngay khi hội thảo khoa học quốc tế về vật lý tại Quy Nhơn (16 – 22.7) vừa khép lại.

Được biết, hội Gặp gỡ Việt Nam do giáo sư làm chủ tịch đang xây dựng trung tâm Quốc tế khoa học và giáo dục tại Quy Nhơn. Giáo sư có thể cho biết vài nét ban đầu về trung tâm này?

Tại Quy Nhơn, hai năm qua chúng tôi đang tiến hành xây dựng trung tâm Quốc tế khoa học và giáo dục trên khu đất rộng 20ha nằm giữa một bãi tắm dài 300m ở phía đông, một rừng dừa ở phía bắc và vách đá ở phía nam. Tổng kinh phí xây dựng trung tâm là 6 triệu USD, từ đóng góp của hội. Tất cả những người trong hội phải làm việc thật nhiều mới có số tiền này. Khi đi vào hoạt động, trung tâm có một hội trường 200 chỗ ngồi, ba hội trường nhỏ, có trên dưới mười phòng làm việc, khách sạn ba sao, 60 phòng ở, có cả bể bơi, bar – càphê và các dịch vụ khác nữa. Nói chung, trung tâm là nơi yên tĩnh, đẹp, rất phù hợp để phát triển ý tưởng, sáng kiến của mọi người. Dự kiến, trung tâm sẽ đi vào hoạt động vào năm 2013.
Khi đi vào hoạt động, ngoài trao đổi khoa học trong mối quan hệ song phương Pháp – Việt, trung tâm còn là nơi lý tưởng cho các nhà khoa học ở khắp các châu lục, trong đó có những nhà bác học nổi tiếng và các nhà nghiên cứu trẻ, các kỹ sư chuyên sâu ở nhiều lĩnh vực gặp gỡ, trao đổi ý tưởng, kinh nghiệm và sự hiểu biết lẫn nhau. Không quá lạc quan, nhưng với uy tín và kinh nghiệm của chúng tôi cũng như sự ủng hộ của lãnh đạo trong nước, chúng tôi tin các nhà khoa học sẽ đến trình bày những phát minh, sáng kiến, phát hiện mới nhất của mình tại trung tâm Quốc tế khoa học và giáo dục Quy Nhơn... Trong hai năm liên tiếp gần đây, chúng tôi đưa các hội thảo về đây là để các nhà khoa học làm quen với vùng đất này, biết nơi đây đang xây dựng có một trung tâm hội thảo quốc tế về khoa học và giáo dục.

Việt Nam có rất nhiều thành phố lớn, vì sao giáo sư và hội Gặp gỡ Việt Nam lại chọn xây dựng trung tâm này ở Quy Nhơn?

Tôi là người Đồng Hới, lớn lên thì phần lớn thời gian học ở Huế. Khi khảo sát xây dựng trung tâm, chúng tôi đã đi bảy thành phố lớn cả nước, xem có ủng hộ dự án này không. Rất mừng là ở đâu cũng ủng hộ, đặc biệt là Huế và Quy Nhơn. Mặc dù lãnh đạo Huế rất thiết tha nhưng điều kiện thời tiết không đảm bảo, nên chúng tôi chọn Quy Nhơn. Lãnh đạo tỉnh Bình Định cũng đặc biệt quan tâm dự án này, ủng hộ hết mình. Hơn nữa, tại đây còn có một trường đại học đã thành lập rất lâu. Chúng tôi muốn giúp trường này nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học và giáo dục. Một lý do nữa là tại Quy Nhơn – Bình Định và miền Trung nói chung, khoa học kỹ thuật chưa phát triển mạnh. Sự phát triển của kinh tế – xã hội luôn gắn kết với phát triển khoa học. Nghĩa là, muốn phát triển kinh tế, thì việc đầu tư phát triển khoa học là rất cần thiết.

Thưa giáo sư, trong tương lai, trung tâm này hoạt động ra sao?

Với 45 năm kinh nghiệm, chúng tôi có mối quan hệ với mạng lưới rộng lớn các nhà khoa học hàng đầu thế giới, trong đó có các nhà bác học từng nhận giải Nobel. Những hội nghị chúng tôi tổ chức từ trước đến nay đã có hàng ngàn nhà khoa học tham gia. Nói cách khác, nhờ uy tín của mình, các nhà khoa học hiện nay rất thiện cảm với chúng tôi và đất nước Việt Nam. Đây là tiềm năng rất lớn khi trung tâm đi vào hoạt động. Bởi khi đó, chúng tôi sẽ kết nối, đưa nhà khoa học các châu lục đến trung tâm để trình bày sáng kiến. Với môi trường khoa học sôi động, Việt Nam sẽ đưa các nhà khoa học đến trao đổi, trình bày ý tưởng của mình. Từ đó, sẽ nâng cao được sự nghiệp phát triển khoa học ở Việt Nam. Chúng tôi nghĩ, nếu làm việc tốt và có lòng tin thì sẽ có động lực lớn để làm, trung tâm sẽ hoạt động chất lượng hơn và trong 10 – 20 năm nữa, đây sẽ là trung tâm khoa học của Đông Nam Á và châu lục.
Điều hiển nhiên là trong những năm đầu hoạt động, có lẽ tôi sẽ có mặt thường xuyên để giúp trung tâm hoạt động tốt. Còn trong tương lai, nó phụ thuộc vào lãnh đạo của Việt Nam và giới khoa học trong nước. Có như vậy, trung tâm mới phát triển mạnh và đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng. Tôi xin nhấn mạnh, trung tâm này khi hoạt động, không là của riêng ai. Mục đích cuối cùng của nó là thu hút các nhà khoa học về đây giúp Việt Nam phát triển sự nghiệp khoa học, để đóng góp khoa học cho đất nước và cộng đồng.

Giáo sư nhận xét gì về sự phát triển khoa học trong nước?

Tại hội nghị lần này, Việt Nam có ba nhà khoa học tham dự. Đạt trình độ nghe và hiểu các vấn đề trao đổi tại hội nghị là giỏi. Ngay như Ấn Độ, khoa học của họ phát triển mạnh hơn Việt Nam, nhưng chỉ có bốn nhà khoa học tham dự.
Tuy nhiên, dù chưa tường tận nhưng qua theo dõi, tôi cho rằng sự nghiệp khoa học trong nước phát triển chậm. Ngay như các trường đại học, rất ít cá nhân nghiên cứu khoa học. Tại đây, họ chuyên lo cho giáo dục hơn là nghiên cứu...

PHẠM ANH