Cảnh Thái
Vanhoanghean
Lương tâm người rũ áo từ quan
Ngày nay con người sống tới 60 - 70 tuổi mà vẫn còn minh mẫn, khỏe
mạnh không còn hiếm nữa. Nhiều người quyết định nghỉ hưu sớm vì nhiều lý do
khác nhau, để theo đuổi một sự nghiệp khác hoặc đơn giản hơn là muốn tận hưởng
một cuộc sống “an nhiên tự tại” không phải bon chen giữa danh lợi đời thường.
Tuy vậy, muốn được nghỉ hưu sớm thì phải có “duyên may” hay tài
năng để đã kịp “làm giàu nhanh”, tích lũy của cải vật chất trước đó, đủ để an
hưởng tuổi già, hoặc phải có một phương cách kiếm tiền nào nhẹ nhàng hơn, đủ để
trang trải cho cuộc sống khi đời người đã đi qua vài quãng dốc.
Để làm được việc “làm giàu nhanh, nghỉ hưu sớm” và được thanh thản
yên bình ngắm nhìn, thưởng ngoạn “những hạt sương mai buổi sớm dịu mát” hay
“nắng vàng trên khóm lá linh diệu muôn sắc” này, đa phần những người này đều
phải có chút ít “tài năng” hay “may mắn” có được một vai trò quan trọng nào đó
trong xã hội.
Thậm chí, họ là những quan chức, công chức trong các bộ máy quản
lý nhà nước hay các thương gia, doanh nghiệp, hoặc có học vấn và nghề nghiệp
cao cấp như bác sĩ, kỹ sư, kiến trúc sư, luật sư, chuyên gia tài chính, ngân
hàng, giảng viên, giáo viên, thợ giỏi tay nghề cao v.v...
Việc một số quan chức nhà nước, công chức với các cấp bực nhỏ hay
lớn khi nghỉ hưu, “rũ áo về làm dân”, vẫn tiếp tục một số công ăn, việc làm
mang tính cá nhân, gia đình hay bạn bè hùn hạp, góp vốn làm ăn cũng là chuyện
bình thường. Không ai có quy định pháp luật nào cấm họ không được tiếp tục hoạt
động, làm ăn vì sinh kế gia đình hay lý tưởng cuộc sống.
Có điều ai cũng thấy rằng những người đã từng là quan chức lớn, có
uy tín, tầm ảnh hưởng lớn trong xã hội thì phải càng cẩn trọng trong lời ăn
tiếng nói hay mỗi khi liên hệ công tác và sẽ sử dụng uy tín, danh hiệu của mình
khi còn làm “quan” để đạt được các mục tiêu cụ thể, trong khi mình chỉ còn
chính thức là một người “dân thường” hay một ông “quan hưu trí”.
Một số vị tổng thống nước ngoài khi về hưu chỉ dành thời gian để
viết hồi ký, đi diễn thuyết tại các trường đại học làm cố vấn có hạn chế cho
một số doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp v.v... một số vị quan chức khác
thì quay về công tác giảng dạy tại các trường đại học, hoặc tham gia làm thành
viên hội đồng quản trị cho các doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp hoạch định chiến
lược phát triển dài hạn.
Số quan chức khác tự làm doanh nghiệp riêng tư của mình và gia
đình, trực tiếp tham gia quản lý điều hành doanh nghiệp. Đây chính là vấn đề
tương đối nhạy cảm đối với dư luận xã hội với một số quan ngại rằng, các “quan
chức hưu trí” này vẫn còn các mối quan hệ ảnh hưởng nhất định sẽ dễ dàng gây
ảnh hưởng nhất định đến các chính sách công, các hợp đồng thương mại béo bở, và
các dự án đầu tư lớn có nguy cơ chịu ảnh hưởng bởi yếu tố “tham nhũng chính
sách”.
“Tham nhũng chính sách” là nguy cơ lớn nhất và nguy hiểm nhất
Một vị đại sứ nước ngoài cho hay trong các loại tham nhũng, thất
thoát lớn của quốc gia thì “tham nhũng chính sách” luôn là nguy hiểm và gây
thiệt hại lớn nhất! Các loại tham nhũng “vặt”, kiểu “phong bì” tại bệnh viện,
trường học, cơ quan hành chính nhà nước, các cơ quan quản lý thuế, hải quan,
công an cũng nguy hiểm vì nếu không kịp thời ngăn chặn bằng các thể chế pháp lý
thì nó sẽ diễn biến phức tạp và có nguy cơ tràn lan khắp nơi và trở thành bệnh
dịch hoặc thói quen rất xấu, rất khó chữa tại mỗi quốc gia.
Nhưng “tham nhũng chính sách” vẫn được xem là nguy hiểm bậc nhất
vì cũng là loại tham nhũng khó chống nhất, gây tổn thất lớn nhất, do đặc thù là
những người trong đường dây tham nhũng thường có chức vụ rất cao, quan trọng và
cấu kết chặt chẽ với nhau, thậm chí họ có thể vô hiệu hóa cả hệ thống pháp luật
quốc gia, trong khi cách thức đưa hối lộ không phải là “phong bì” hay tiền mặt
lộ liễu nên không thể bắt quả tang được.
Chúng ta đã được biết có nhiều thiết chế để phòng chống tham nhũng
như Luật Phòng chống tham nhũng, Ủy Ban Quốc gia về phòng chống tham nhũng, các
sở ban ngành đều có cơ quan kiểm tra, kiểm soát, thanh tra, v.v... nhưng tham
nhũng và thất thoát vẫn rất phức tạp, khó giảm nếu căn cứ vào các biểu hiện như
thực tế hiện nay.
Tại sao lại như vậy? Tham nhũng xuất phát từ đâu?
Tham nhũng và thất thoát là nhắm vào các tài sản của công, tài
nguyên thiên nhiên của đất nước và nhân dân. Không thấy ai nói “tham nhũng của
tư nhân” vì “tư nhân” tự thân họ biết cách gìn giữ tài sản của mình - họ chính
là “chủ nhân” thực sự của tài sản tư nhân nên phải ra sức bảo vệ thành quả của
mình. Nếu có ai đó lấy tài sản của tư nhân một cách không hợp pháp thì có thể
gọi là “hành vi lừa đảo”, chiếm đoạt chứ không ai gọi là “tham nhũng của tư” !
Vậy có phải tham nhũng xuất phát từ “lòng tham của con người” hay
xuất phát từ việc “của công” hay “tài nguyên đất nước” được quản lý chưa chặt
chẽ, quá lỏng lẻo, không có “chủ nhân” thực sự hay “cha chung không ai khóc”,
nên mới làm mồi ngon cho tham nhũng? Hoặc do chính các thiết chế, các cách thức
tổ chức thực hiện việc quản lý tài sản công chưa hợp lý, là nguồn gốc của “tham
nhũng”?
Ở đây chúng ta khó nói con người sinh ra vốn đã có tính tham lam
hay không, dù rằng rất nhiều người hay các triết lý đạo giáo đều cho rằng “tham,
sân, si”, thì con người bình thường khó ai mà tránh khỏi. Do vậy, vấn đề còn
lại có lẽ thuộc về “thể chế”, các thiết chế kiểm soát các quyền lực có khả năng
gây ra tham nhũng, thất thoát, nhằm trục lợi cá nhân hay nhóm lợi ích.
Ví dụ: Các tham nhũng về đất đai lớn thường xảy ra khi các vị quan được
trao quyền lực cấp phép quá lớn mà không có cơ chế giám sát, kiểm soát các hành
vi cấu kết giữa “các quan chức có thẩm quyền cấp phép” và các doanh nghiệp sân
sau. Cơ chế thu hồi đất của dân còn quá nhiều phạm vi điều chỉnh chưa rõ ràng,
là kẽ hở để ra quyết định thu hồi đất của dân, đền bù giá quá rẻ, sau đó giao
lại cho các doanh nghiệp sân sau bán ngay hưởng lợi từ chênh lệch giá đền bù và
giá thị trường mà không phải đầu tư giá trị gia tăng thực sự nào.
“Nhân chi sơ tính… chưa chắc bản thiện”
Nhiều người cho rằng con người nào, dù bạn là ai, nếu đặt vào hoàn
cảnh thử thách lòng tham, ngồi vào chiếc ghế “quan chức lớn” thì cũng dễ dàng
bị lòng tham quyến rũ dẫn đến tham ô, tham nhũng.
Do đó, không thể chủ quan kêu gọi lòng tốt của ai đó “không nên
tham nhũng”, mà phải xem là “quyền lực luôn luôn có xu hướng tham nhũng”
và “nhân chi sơ… tính không luôn bản thiện”!
Ví dụ về các trường hợp “quyền lực cao” dẫn đến tham nhũng thì
trong đời sống hàng ngày, chúng ta ai cũng ít nhiều nhìn thấy, nghe thấy, gián
tiếp hoặc thậm chí trực tiếp chứng kiến như người trong cuộc!
Tham nhũng thậm chí có thể diễn ra từ cấp cao nhất cho tới cấp
thấp nhất trong các thang bậc chức vụ của mỗi quốc gia. Kêu gọi lương tâm hay
lòng tốt của mỗi cá nhân, thúc ép mỗi quan chức phải tự đấu tranh tư tưởng, tự
phê bình, góp ý, để phòng chống tham nhũng là điều rất khó.
Hầu hết các quốc gia đều đã từ bỏ giải pháp “tự vấn lương tâm” hay
đạo đức cá nhân và thay bằng cách xây dựng nhà nước pháp quyền có quá trình xây
dựng pháp luật đầy đủ để phòng và chống tham nhũng.
Các quan chức đang đương chức hay nghỉ hưu sớm hay tham gia hoạt
động doanh nghiệp để mưu cầu sinh lợi có gì sai trái với pháp luật chưa? Làm
sao để chế tài khi họ có hành vi phạm luật ? Các quyền lực dùng để chế tài hay
giám sát tham nhũng, thất thoát là gì, là ai, và được tổ chức như thế nào?
Lương tâm người “rũ áo từ quan” liệu có gì tốt đẹp hơn lương tâm
của người “đương chức quan” hoặc có hơn hay kém thế nào so với một đứa bé “nhân
chi sơ tính bổn thiện” trong một gia cảnh bình thường?
Cho dù chúng ta biết tự vấn lương tâm mình, biết học hỏi các tấm
gương đạo đức tốt đẹp trong gia đình và ngoài xã hội, biết phê và tự phê bình,
thì liệu khi ai đó hay số phận đặt ta vào vị trí có quyền đưa ra các quyết định
quan trọng, có khả năng mang lại lợi ích cá nhân lớn, chúng ta có giữ được mình
không?
Câu trả lời có thể sẽ luôn là một nhà nước pháp quyền mạnh với các
quyền lực được phân bổ, chia sẻ và kiểm soát chéo lẫn nhau thì mới hạn chế được
phần nào các thiệt hại do “tham nhũng chính sách” đối với quốc gia