Thứ Hai, 9 tháng 7, 2012

NHÂN TÍNH CỦA CHÚA GIÊSU: NHÃN QUAN TIN MỪNG THÁNH MARCÔ

Chúa Giêsu đối thoại với các kinh sư trong Đền Thờ
Tranh của họa sĩ He Qi

Ronald D. Witherup, S.S.
The Priest, 2/1/2012
Một trong những điểm đặc sắc của Tin Mừng Thánh Marcô là phô bày rất nhiều nhân tính khi phác họa về Chúa Giêsu. Đây là chủ đề đáng quan tâm trong năm phụng vụ này. 
Bối cảnh Nhân Tính của Chúa Giêsu
Khi nói về “nhân tính”, ta không bàn về lòng trắc ẩn hay sự quan tâm của Chúa Giêsu đối với tha nhân mà là căn tính của chính Ngài trong hình dạng một con người. Đôi khi, ta nghe thấy có lời phàn nàn rằng có ai đó từ chối hoặc xem nhẹ thần tính của Chúa Giêsu. Họ quá chú trọng đến nhân tính của Ngài và nghĩ rằng Ngài chỉ là một ngôn sứ được ơn đoàn sủng hay chỉ là một nhà cải cách. Họ lấy làm khó chịu khi nghĩ Ngài là một vị Thiên Chúa. Đây cũng là mối bận tâm chính đáng bởi vì lạc giáo đầu tiên trong Giáo Hội là từ chối thần tính của Chúa Giêsu.
Đàng khác, ngày nay cũng có những khuynh hướng nguy hiểm, tinh tế và hấp dẫn: không coi trọng nhân tính của Chúa Giêsu. Tôi xin đan cử ví dụ. Trong một lần giảng bài về Chúa Giêsu “lịch sử”, người ta hỏi tôi rằng Chúa Giêsu có biết đọc biết viết không. Tôi trả lời bằng cách trưng dẫn đoạn Tin Mừng Thánh Luca nói về việc Chúa Giêsu đọc bản cuộn Sách Thánh trong hội đường (Lc 4, 16-19) và nói rằng Ngài có thể đọc và viết được ít nhất là tiếng Hebreu và Aram, và có lẽ thêm một ít tiếng Hy Lạp (ngôn ngữ của đế quốc Roma thời đó). Và thật ngạc nhiên, một thính giả phản đối tôi dữ dội vì cho rằng Chúa Giêsu là Thiên Chúa nên Ngài biết hết mọi ngôn ngữ! Đây hiển nhiên là nhân tính của Chúa Giêsu đã bị thần tính của Ngài phá giá đến nỗi che khuất đi phần “con người” của Chúa Giêsu. Tôi nghĩ anh này không thích thú gì với Tin Mừng Marcô vì Thánh Marcô không ngần ngại trình bày Chúa Giêsu như một con người thật sự.
Nhân tính của Chúa Giêsu trong Tin Mừng Thánh Marcô
Chỉ nêu ra một vài ví dụ đủ để bảo vệ cho quan điểm này. Vẫn có những lúc Chúa Giêsu và các môn đệ phải lánh xa đám đông để “nghỉ ngơi” (6, 31). Hàm ý rằng họ đã làm việc quá mệt mỏi và cần một dịp nào đó để phục hồi sức lực. Một cảnh khác cho thấy Chúa Giêsu đói bụng (11, 12) và tìm ít trái vả để ăn, khi thấy cây vả không trái, Ngài tức giận và nguyền rủa nó (11, 14). Chúa Giêsu cũng tỏ ra giận dữ với các đối thủ (3, 5) và bộc lộ cơn giận chính đáng khi đánh đuổi những người đổi tiền khỏi Đền Thờ (11, 15-16)[1]. Người ta nói rằng Chúa Giêsu cũng đã kinh qua những tình cảm khác của con người như lòng trắc ẩn (6, 34), yêu thương (10, 21), phẫn nộ (10, 14), ngạc nhiên vì dân chúng thiếu lòng tin (6, 6), buồn sầu và lo lắng (14, 34).
Đáng ngạc nhiên hơn nữa có lẽ là giới hạn quyền lực của Chúa Giêsu theo Thánh Marcô. Ngài không thể làm phép lạ tại “quê hương mình” vì họ thiếu lòng tin (6, 5), và thú nhận rằng ngay cả “Người Con” cũng không biết được ngày hoặc giờ khắc cuối cùng (13, 32), một dẫn chứng rõ ràng cho tri thức hữu hạn của Ngài[2]. Thánh Marcô cũng không giấu diếm tiếng kêu đau đớn của Chúa Giêsu vì bị bỏ rơi trên thập giá (15, 34)[3], cũng không lược qua ý kiến của gia đình Chúa Giêsu rằng Ngài bị “mất trí” (3, 21).
Xa hơn nữa, ta có thể lưu ý đến việc chọn lựa 12 môn đệ mà Ngài gọi là “tông đồ” và sai đi truyền giáo, thoạt đầu Ngài đã không mấy thành công. Giuđa thì phản bội, Phêrô – người phát ngôn cho cả nhóm – thì chối Ngài ngay sau khi tuyên xưng mạnh mẽ rằng mình sẽ chẳng bao giờ làm điều tồi tệ đó, còn các môn đệ khác thì chuồn đi đâu mất từ khi Ngài bị bắt. Trong khi sự kiện này chứng tỏ trước hết sự hèn yếu của các môn đệ, song ít ra là một phần nào đó cũng có thể chứng tỏ giới hạn của Chúa Giêsu trong việc lựa chọn các lãnh đạo.
Ý nghĩa nhân tính của Chúa Giêsu
Bức chân dung khác thường này muốn nói lên điều gì? Thánh Marcô có chệch bước so với các Tin Mừng khác, và với đức tin của Giáo Hội, khi quá nhấn mạnh đến nhân tính của Chúa Giêsu không? Không chút nào!
Trái lại, Thánh Marcô hoàn toàn xác quyết rằng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, là Con Người chịu đau khổ, là Đấng Cứu Thế được mong đợi từ lâu của dân Israel, những sứ điệp Tin Mừng của Thánh Marcô không có mâu thuẫn giữa nhân tính và thần tính của Chúa Giêsu. Cho dù Tin Mừng Marcô có thiếu đi trình thuật về thời thơ ấu so với Matthêô và Luca cũng như không có nhãn quan đầy thi vị về sự “tiền hiện hữu” (pre-existence) như trong Tin Mừng Thánh Gioan, song chân dung của Chúa Giêsu theo Thánh Marcô là chân dung thực tiễn của một ngôn sứ cánh chung, được Thiên Chúa sai đến như là Người Con duy nhất của Ngài, để hoàn thành một nhiệm vụ quan trọng bằng cách đổ máu mình ra trong cái chết nhục nhã trên Thập giá.
Tương hợp với Thư Do Thái
Tuy không sử dụng cùng một từ ngữ, nhưng bằng cách kể chuyện, Thánh Marcô khẳng định điều mà Thư Do Thái tuyên xưng qua hai câu:
• “Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội” (Dt 4, 15).
• “Vị ấy có khả năng cảm thông với những kẻ ngu muội và những kẻ lầm lạc, bởi vì chính người cũng đầy yếu đuối” (Dt 5, 2).
Những lời lẽ trang trọng này nói lên chân lý cơ bản của đức tin. Chúa Giêsu giống như chúng ta mọi sự ngoại trừ tội lỗi, nơi Ngài vẫn có những cảm xúc thường tình và những mặt hạn chế của một con người.
Lập trường này luôn gây những khó khăn trong lịch sử Kitô giáo. Xét theo quan điểm lý luận, chẳng ai có thể vừa là Thiên Chúa vừa là con người, bởi vì phần thuộc về Thiên Chúa dường như áp đảo phần con người, vì không ai có thể giới hạn được Thiên Chúa. Song chứng cứ đức tin muôn đời, được trân trọng gìn giữ trong Kinh Tin Kính của Giáo Hội và sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo[4], tin rằng Chúa Giêsu vừa là Chúa thật và là người thật, và Ngài đã kinh nghiệm kiếp sống nhân sinh như hết thảy mọi người khác. Ngài vẫn đói, vẫn khát và mỏi mệt. Ngài yêu thích người này hơn người kia (yêu người nghèo và kẻ yếu thế!) và vẫn có lúc nổi giận. Thánh Marcô trình bày dưới hình thức câu chuyện những gì mà Thư Do Thái tuyên bố bằng đức tin.
Sự ủng hộ từ Thánh Phaolô
Một tác giả khác trong Tân Ước cũng ủng hộ cho quan điểm này. Thánh Phaolô không lạ lẫm gì với dòng tư tưởng này khi viết trong Thư gởi tín hữu Côrintô: “Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người” (2 Cr 5, 21). Bằng lối nói trịnh trọng, Thánh Phaolô trình bày sự chia sẻ thẳm sâu của Chúa Giêsu với nhân tính chúng ta (trừ tội lỗi), để chúng ta có thể trở nên công chính trước mặt Thiên Chúa.
Ở nơi khác, Thánh Phaolô cũng nói rằng Đức Kitô đã trở nên “đồ bị nguyền rủa vì chúng ta” (Gl 3, 13), ám chỉ đến cái chết của Ngài trên thập giá, được Cựu Ước định nghĩa như là một “lời nguyền rủa” (Đnl 21, 23). Lời mạnh mẽ này nhấn mạnh đến sự tham gia đến tận cùng của Đức Giêsu vào trong nhân tính của chúng ta qua kinh nghiệm cái chết. Chúa Giêsu đã nhập thân trọn vẹn vào kiếp con người để đưa chúng ta trở về Nước Trời.
Sứ điệp hôm nay của Thánh Marcô
Bổn phận phải áp dụng sứ điệp của Thánh Marcô vào trong hiện trạng của chúng ta, điều này dẫn đưa chúng ta đi đến đâu? Tôi tin rằng năm phụng vụ theo Tin Mừng Marcô này cho chúng ta cơ hội để quan tâm nhiều hơn đến “thuyết Docetism”[5] tinh vi mà ngày nay vẫn còn sống động và hấp dẫn.
Nếu có ai đó chối từ thần tính của Chúa Giêsu để nhằm đề cao cách sai lệch khía cạnh con người thì khuynh hướng ngược lại cũng là lối hiểu méo mó của đức tin. Kinh Tin Kính nhấn mạnh rằng Chúa Giêsu là “Chúa thật và là người thật”. Khía cạnh này không thể lẫn át hay thâu tóm khía cạnh kia. Cả hai đều ngang nhau. Đây là mầu nhiệm của sự  Nhập Thể. Thiên Chúa hạ cố tham dự vào thế giới nhân loại của chúng ta cách thâm sâu đến nỗi sai phái Người Con của mình đến trong hình thức con người để kinh nghiệm thế giới từ nhãn quan của chúng ta nhưng cũng để chỉ cho chúng ta một lối sống khác.
Ta có thể cho rằng Tin Mừng Marcô là hình thức kể chuyện của bài Đại Thánh Ca trong thư Philipphê (2, 5-11), một bài thánh ca đã diễn tả cách sinh động sự thông phần trọn vẹn của Chúa Giêsu trong cả chiều kích con người lẫn Thiên Chúa, với hy tế của Ngài trên thập giá và sự vinh thắng với “danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu”.
Nếu chúng ta muốn loan báo Tin Mừng Thánh Marcô cách thích đáng thì nên chú trọng đến khía cạnh này trong sứ điệp của ngài.
Tôi tin rằng nhiều Kitô hữu chứ không chỉ một ít người Công giáo đã thật sự cảm thấy bối rối vì khía cạnh con người của Đức Giêsu được phác họa trong Tin Mừng Marcô. Là Tin Mừng được viết sớm nhất, Tin Mừng Thánh Marcô có thể chứa đựng những thông tin sơ sài về đời sống và sứ vụ của Chúa Giêsu so với Tin Mừng Matthêô và Luca, những người đã sử dụng Tin Mừng Marcô để làm nền tảng cho Tin Mừng của mình, nhưng không phải vì thế mà chúng ta bỏ qua bức chân dung này trong Tin Mừng Marcô.
Giáo Hội khôn ngoan xếp đặt chu kỳ phụng vụ ba năm (với Tin Mừng Thánh Gioan rãi đều). Như vậy, chúng ta không chỉ nghe một “cung giọng” mà là một bài hợp xướng phức tạp với bốn cung giọng khác nhau nhưng giai điệu hài hòa đến độ tất cả đều góp phần giúp ta hiểu đúng về Chúa Giêsu Kitô, là Thiên Chúa và là con người. Năm nay, chúng ta cứ để cho cung giọng của Thánh Marcô lĩnh xướng.
chuyển ngữ
Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính


[1] Điều khẳng định này không lấn át những chú giải quan trọng khác về đoạn văn này, thường có tính thần học hơn. Tuy nhiên, ở đây chỉ nhắm đến tính “người” của Chúa Giêsu trong Tin Mừng Thánh Marcô.
[2] Đoạn song song này đã bị bỏ qua trong  Lc 21, 32-33 và một vài bản thảo của Mt 24, 36.
[3] Tiếng kêu than này trích từ Thánh Vịnh 22, 2 lời than vãn theo truyền thống, cho thấy Chúa Giêsu cầu nguyện thật thắm thiết vào giờ chết.
[4] Xem Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, số 464-65, chú thích rằng những tà thuyết đầu tiên không chối bỏ thần tính của Chúa Giêsu cho bằng chối bỏ nhân tính (thuyết Docétisme).
[5] “Ảo thân thuyết” hay “docetism (do tiếng Hy Lạp là δοκεἲν/δόκησις (dokein =  có vẻ như; dókēsis = ảo ảnh) được hiểu rộng như là một giáo thuyết mà theo đó hiện tượng Đức Kitô, sự hiện hữu bằng thân xác và trong lịch sử của Ngài, và như vậy tất cả hình thức con người của Ngài ch là mt s tương t nào đó ch không là thc tại. Ngài chỉ có vẻ như con người và thân xác thể lý của Ngài chỉ là một ảo thân. Thuyết Docetism do một nhóm người trong Giáo Hội sơ thời đã từ chối nhân tính của Chúa Giêsu mà Giám mục Serapion Thành Antiokia (197-203) đã khám phá ra trong Tin Mừng Thánh Phêrô khi ngài viếng thăm mục vụ một cộng đoàn Kitô giáo đang sử dụng Tin Mừng này tại Rhosus, và sau đó đã lên án đây là một ngụy thư. Dường như giáo thuyết này xuất hiện khi có cuộc tranh luận thần học về ý nghĩa biểu tượng và nghĩa văn tự của câu trong Tin Mừng Thánh Gioan: “Lời đã thành Xác Phàm”. (NdT. theo Wikipedia)