Thứ Hai, 3 tháng 1, 2011

CHA BARRAT CHUNG (1859 -1885)



Nos missionnaires, précédés d’une étude historique sur la Société des Missions Étrangères
Adrien Launay
Retaux-Bray, Paris, 1886

j

Vào tháng 8 năm 1876, đây là lần thứ năm mà người ta thấy ở Lộ Đức có nhiều trẻ em của giáo phận Công giáo Nantes đến sấp mình trên mảnh đất được chúc phúc này. Để mang cờ hiệu Đức Maria Vô Nhiễm có các ngài de Sonis và Cazenoves de Pradines cầm các dây tua, người ta đã chọn một chủng sinh trẻ có vẻ khiêm tốn và trang nghiêm.
Hôm sau ngày trọng đại này, cậu chủng sinh đến gần một linh mục, người dường như quý mến cậu với tình phụ tử. Cậu nói với ngài:  - Thưa Cha, con đã xin với Đức Thánh Nữ Trinh một điều, bây giờ tất cả đều tùy thuộc Mẹ.
-       Vậy con đã xin điều gì nào?
-       Con xin được lành bệnh, hoặc ít nhất là cho con đủ sức khoẻ.
-       Đủ sức khoẻ ư, để làm gì thế?
Cậu chủng sinh không trả lời, và cha xứ bị phân tâm bởi những tiếng hát tạ ơn của những người đồng hành nên đã không gặn hỏi.
Người thanh niên quay về lại chủng viện và vị linh mục ở lại trong giáo xứ mình; một năm sau, hai người gặp lại nhau. Cậu chủng sinh nói:
- Thưa Cha, con đã hứa với Đức Mẹ Lộ Đức là sẽ làm nhà truyền giáo nếu được lành bệnh, Mẹ đã chữa con lành bệnh rồi.
-  Con ạ, hãy ra đi, nếu đó là thánh ý Chúa; Cha sẽ chăm sóc mẹ của con.
Vị linh mục đáng kính mà nhờ ngài chúng tôi biết được câu chuyện này đã nói thêm: - Con trai tôi đã ra đi, nó đã chết vì Đức Giêsu-Kitô: vinh danh Thiên Chúa!
k
Người chủng sinh trẻ tên là Francois – Xaviê – Louis Barrat, để làm tròn lời hứa với Đức Nữ Trinh Lộ Đức, đã gia nhập Hội Truyền Giáo Hải Ngoại. Cậu sinh ra trong giáo xứ Rougé, ở ngôi làng nhỏ Grée-Pothin, nằm trên sườn một cái đồi khô cằn và nhiều cát, mà con sông Bruz nước trong vắt như ôm lấy các khúc khuỷu quanh co của nó.
Tuổi thơ của cậu trôi qua yên lặng và dịu dàng ở nhà cha mẹ cho đến ngày bề trên của trường trung học Sainte-Marie, gần Chateaubriant, thấy cậu có lòng đạo đức và đức tính tốt nên đã bảo cậu đi học. Thừa sai Barrat đáp lại cách xứng đáng sự tin cậy của vị linh mục thánh thiện: làm việc chăm chỉ, nết ở gương mẫu, lòng đạo đức luôn luôn mạnh mẽ, tuổi trẻ của ngài là như vậy. Cha xứ Rougé viết cho chúng tôi: “Francois được các thầy giáo và các bạn học yêu mến, và mỗi năm tôi vui mừng thấy cậu ấy được phần thưởng danh dự.”
Còn trẻ, nhưng ngài đã nghĩ đến việc hiến mình cho Hội Truyền Giáo Hải Ngoại, nhưng thể trạng mảnh khảnh và ốm yếu của ngài hình như là một trở ngại không thể vượt qua đựoc.
Chúng ta thấy Đức Bà Lộ Đức đã ban cho ngài sức khoẻ như thế nào.
Vào chủng viện Hội Truyền Giáo Hải Ngoại ngày 14 tháng 10 năm 1877, ở đó, ngài đã tỏ ra đầy lòng đạo đức nồng cháy này mà khi còn ở Nantes ngài đã cố gầy dựng. Chúng tôi sẽ trích dẫn một trong các bức thư của ngài, viết trong một lúc sốt sắng, và sẽ cho phép chúng ta hiểu thấu đến tận nơi sâu kín nhất của linh hồn ngài:
“Con vừa mới lặp lại những lời hứa giáo sĩ; sấp mình dưới chân Đức Vua vinh hiển đang ngự trên ngai tình yêu của Người, trước mặt toàn thể triều thần thiên quốc, và nhất là các thánh giáo sĩ, trước mặt các thầy giáo mới và các bạn đồng hội mới, con đã dâng hiến trọn vẹn tôi cho Thiên Chúa. Còn tình huống nào thuận lợi hơn cho một hành động cao cả như thế không? Con đang mặt đối mặt với Giêsu, và lướt nhìn chung quanh, con đã chỉ thấy những gương mặt mới đây chưa được biết. Đây không còn là ngôi nhà thờ mà nước thánh rửa tội đã chảy trên trán con, nơi mà lần đầu tiên Thiên Chúa tình yêu đã đến ở trong tâm hồn con nữa; đây không còn là ngôi nhà thờ mà con đã lãnh nhận chức cắt tóc, những chức nhỏ đầu tiên trong phẩm trật Giáo Hội. Cái gì đã xảy ra vậy? Con đang ở đâu? A! thưa cha, con đã hiểu rằng con đã bỏ tất cả để hoàn toàn lo việc phục vụ Thầy mình: một người mẹ dịu dàng yêu dấu, những người bà con, các ân nhân, những vị linh mục mà con sẽ không bao giờ quên, các bạn bè, quê hương sinh trưởng của con, tóm lại là tất cả; và giờ đây, con hoàn toàn tự do, chẳng vướng bận điều chi, con có thể nói với Giêsu với tất cả lòng chân thật: Dominus pars haereditatis meae et calicis mei; tu es qui restitues haereditatem meam mihi. (Chúa là phần gia nghiệp và chén của con; Chúa là Đấng sẽ hoàn lại phần gia nghiệp cho con). Ôi! Vậy con đã lặp lại những lời tốt đẹp này với lòng tin cậy và tràn đầy yêu mến! Con dâng trọn vẹn mình con cho Thiên Chúa, con không để dành lại cái gì cho tạo vật, để Người cũng trao trọn vẹn Người cho con.”
l
Sau hai năm lưu lại chủng viện Hội Truyền Giáo Hải Ngoại, Francois Barrat lãnh nhiệm vụ đến miền truyền giáo Đông Đàng Trong. Ngày 22 tháng 11 năm 1879, ngài rời Paris: mọi người đều biết nghi lễ tiển chân. Nhiều tác giả đã dành nhiều thời gian và tài năng của họ để thuật lại cuộc đời của vài vị truyền giáo, đã chép lại những bài hát, những kinh nguyện, những niềm vui, những nỗi đau của cảnh đầy xúc động khôn tả này. Trước khi nghi lễ kết thúc, Cha Barrat đến, cùng với những người bạn đường của ngài, sấp mình dưới chân bàn thờ và trước mặt những người cha của ngài trong chức linh mục và những anh em của ngài trong sứ vụ tông đồ, ngài hứa với Thiên Chúa là dâng hiến trọn cuộc đời của ngài để hoán cải những lương dân. Đây là nội dung của bản tuyên thệ:
“Tôi, Francois Barrat, được đánh động bởi gương của Đức Giêsu-Kitô, Chúa chúng ta, và của các thánh tông đồ của Người, muốn tận hiến mình chỉ để việc phục vụ Thiên Chúa, và khát khao ước muốn tìm kiếm sự vinh quang của Người bằng cách truyền bá đức tin chân thật trong những xứ sở không có đức tin; sau khi đã suy nghĩ chín chắn trước mặt Thiên Chúa, Đấng mà tôi đã khấn xin giúp đỡ, vả lại tin cậy vào sự chở che của Đức Trinh Nữ Vô Nhiễm, Mẹ Thiên Chúa, của thánh Thiên Thần Hộ Thủ, của Thánh Giuse và của Thánh Francois Xavier mà tôi tôn kính như là những vị bảo trợ của mình, tôi tuyên bố gia nhập Hội Truyền Giáo Hải Ngoại được thiết lập bởi thẩm quyền tông đồ, và tôi dự định dứt khoát kết hợp cuộc sống tôi với cuộc sống của các nhà truyền giáo đã thuộc về cùng Hội này.
“Bởi đó, với sự giúp đỡ của Thiên Chúa, tôi kiên quyết dự định sẽ hết sức trung thành tuân giữ các luật chung của Hội này và các luật của miền Truyền giáo hoặc của nhiệm sở mà tôi được chỉ định. Tôi còn dốc quyết chiến đấu hết mình cho đến cuối cuộc đời và chết trong ơn gọi thánh thiêng của tôi.
“Vậy, tôi hết lòng cầu xin Thiên Chúa, Người là Đấng tôi đã chọn làm phần gia sản của tôi cho đến muôn đời, gìn giữ và tăng thêm trong tôi tinh thần đức ái mà Người đã dùng để gợi hứng cho tôi ý định này! Xin Người, sau khi đã cho tôi ý muốn, cũng khấn ban cho tôi được hoàn thành tốt đẹp công việc này. Amen.”
Ngày hôm sau, Cha Barrat đã ở Marseille, và trước khi xuống tàu, ngài viết cho gia đình ngài:
“Có cần phải nói lại điều này với gia đình không, con ra đi với sự vui vẻ và hài lòng. Ôi, con hạnh phúc biết bao vì phần gia sản thuộc về con! Có hơi khổ tâm một chút đối với bản tính tự nhiên, thực vậy, nhưng biết bao niềm an ủi bù lại cho những hy sinh nho nhỏ này, Và kìa thiên đàng, được ở trên thiên đàng hạnh phúc, mãi mãi, mãi mãi! Suy nghĩ này mang lại cho con sức mạnh và sự can đảm biết bao!”
Ngày 26 tháng 11, ngài rời nước Pháp. Hai ngày sau, ngài đã được nhìn ngắm Naples và vịnh đẹp tuyệt vời của nó. Ngày 4 tháng 12, ngài đi vào kênh đào Suez: những bãi cát vàng, những vũng nước ở hai bên bờ và sự im lặng mênh mông của hoang mạc mà người ta thấy như lướt qua trên mình; thỉnh thoảng, vài đoàn người Ả Rập dắt theo những con lạc đà gầy ốm, một con tàu từ Viễn Đông trở về và người ta vẫy tay chào mừng nó; trong một ngày, đã qua hết con kênh và con tàu tiến vào biển Đỏ.
Đã là giữa tháng mười hai, biển yên lặng, trời nóng rực, nhưng sức nóng còn có thể chịu được một chút.
Các nhà truyền giáo trầm tư suy nghĩ, họ nghĩ đến những kỷ niệm vĩ đại trong sách thánh mà những nơi này nhắc lại cho họ: Ai Cập, biển Đỏ, núi Sinai; con tầu luôn đi về phía trước và Aden xuất hiện với những núi đá dốc đứng cũng như những thung lũng khô cằn của nó, không một bóng cây, không một bông hoa nào mọc lên được.
Từ vùng đất vô cùng cằn cỗi này, sau bảy ngày vượt biển, Cha Barrat đã đi qua xứ sở ngọc hồng bảo và ngọc rubi, đảo Tích Lan. Ngài đã vượt qua 5.066 hải lý, còn gần 3.000 hải lý nữa. Ở Singapore và ở Saigon, ngài được các thừa sai đón tiếp, họ đều là thành viên của Hội Truyền Giáo Hải Ngoại như ngài; cuối cùng, đầu tháng giêng, ngài cập bến cảng Qui Nhơn.
Ngài đã đến miền truyền giáo của ngài, ngài đang ở nhà mình.
m
Trước tiên, ngài được gởi đến Xóm Chuối, trên bờ biển, để học tiếng. Ngài nói: “Không gì nghèo khó như nhà thờ của tôi; mỗi buổi sáng khi dâng lễ, tôi không thể nào mà không nghĩ đến chuồng súc vật của Bêlem.”
Năm 1881, ngài được bổ nhiệm làm quản lý miền truyền giáo. Ngài viết: “Đây không phải là cương vị mà tôi mơ ước; chung quy tôi chỉ làm công việc đếm những đồng trinh và tôi đã không có được niềm vui sinh hạ những đứa con cho Chúa, nhưng tôi đang ở chỗ mà Giám mục đã đặt cho tôi.”
Cuối cùng, những ước nguyện của ngài đã được chấp thuận: ngài được ủy thác địa hạt Thác Đá, trong tỉnh Bình Định. Khi ngài bắt đầu thu lượm những hoa trái của lòng nhiệt thành của mình thì cơn bách hại bùng nổ.
Cha Barat hiểu ngay rằng ngài chỉ còn việc dọn mình chết thôi; ngài đã viết cho vị linh mục đáng kính là người đã cổ vũ ơn gọi tông đồ của ngài, một bức thư mà chúng tôi vui mừng trích dẫn vài đoạn:
Kính thưa Cha xứ và cha kính mến,
Có lẽ đây là lần cuối cùng con viết thư …. vì chưng, từ mười lăm ngày nay, chúng con bị một cơn bách hại khủng khiếp đe doạ; người ta báo động liên lỉ. Cuối cùng, sẽ chỉ xảy ra điều Thiên Chúa muốn. Có lẽ một ngày nào đó gần đây sẽ có tàu thuyền đến cứu chúng con: điều đó vẫn là bí mật của Thiên Chúa. In manus tuas, Domine, commendo spiritum meum (Lạy Chúa, con xin phó thác tâm hồn con trong tay Chúa). Mặc dù rất hồi hộp, thưa Cha xứ, con vẫn hy vọng Thiên Chúa sẽ ban cho con ân sủng và sức mạnh để can đảm chịu chết vì vinh quang của danh thánh Người. Từ vài ngày nay, ở cùng với con là một linh mục già tốt lành, người Annam; con đã có thể xưng tội cách đây khoảng mười lăm ngày, và con còn hy vọng ngày mai con sẽ xưng tội nữa…
Sau đó, con cậy vào lòng nhân từ của Thiên Chúa, sự chở che của Đức Thánh Nữ Trinh và của Thánh Giuse, và sau nữa, vào lời cầu nguyện của tất cả những người thương yêu con trong Chúa chúng ta. Nếu ngộ xảy ra con bị sát hại, thì người ta cũng đừng đi nói rằng: “Ông ấy đã là vị tử đạo rồi, ông ấy không cần gì đến những lời cầu nguyện”, và thế là trong thời gian này, người ta để cho con phải mòn mỏi đợi chờ trong luyện ngục. Không, không! Con xin những lời cầu nguyện, và nếu Chúa nhận con vào lòng nhân từ của Người, thì lúc bấy giờ con sẽ trả những món nợ của con cho các ân nhân của con.
Con viết cho Cha như vậy, nhưng con khẩn khoản xin Cha giữ im lặng về tất cả những điều này cho đến khi Cha nghe tin con chết hoặc sự nguy hiểm đã qua đi. Cha đã luôn luôn là một người cha đối với con: một đứa con trai không bao giờ được giấu điều gì với cha mình.
Trong trường hợp Thiên Chúa đòi con hy sinh mạng sống, thì ngay khi Cha có được tin chắc chắn về việc ấy, xin Cha vui lòng báo tin từ từ cho người mẹ đáng thương của con. Con sợ bà sẽ chết vì đau buồn. Nhưng Thiên Chúa tốt lành, con hy vọng, sẽ cứu giúp bà trong dịp này, như Người đã cứu giúp bà trước đây.
Con ôm hôn Cha trong các Trái Tim cực thánh của Đức Giêsu, Đức Maria, Thánh Giuse, thưa Cha thân yêu và tôn kính, và con xin Cha ban phép lành cho con.
                           Thừa sai đáng thương của Cha,
                                                           F. BARRAT
Các linh cảm của Cha Barrat đã không đánh lừa ngài. Khoảng cuối tháng bảy, Đức Giêsu-Kitô, Chúa chúng ta, đòi ngài hy sinh mạng sống.
Ngài đã hy sinh một cách can đảm như ngài đã làm mọi sự. Vả lại, chẳng phải là ngài đã biết máu của các vị tử đạo có hiệu lực để hoán cải các dân tộc hơn là lời rao giảng của các nhà truyền giáo sao?
chuyển ngữ
Phêrô Võ Sum