Thứ Sáu, 7 tháng 1, 2011

LỜI CỦA BIỂN


Tản văn của Hạt Cát
Câu lạc bộ sáng tác thơ văn Công giáo
Đồng Xanh Thơ Qui Nhơn

            Ông nội tôi mất trong một chuyến ra khơi đánh cá gặp cơn bão lớn. Biển vĩnh viễn giữ ông lại trong thẳm sâu lòng mình. Bà nội tôi bảo: “Ông yêu biển và biển cũng yêu ông... Họ đã hoà làm một...”.
            Thuở nhỏ, chiều chiều tôi vẫn theo bà ra bãi cát, nơi rừng phi lao vắng bóng người, ngồi ngắm sóng biển. Tôi không ngồi yên được lâu. Trong lúc tôi mãi rượt theo những chú còng gió tinh nghịch thì bà vẫn ngồi lặng lẽ, mắt nhìn xa xăm, thỉnh thoảng lại lẩm nhẩm một điều gì đó. Đôi khi bà kéo tôi vào lòng, mắt như chợt sáng lên: “Cháu nghe kìa... Ông đang nói đó... Ông đang trò chuyện với bà bằng lời của biển...”. Tôi cố nghiêng tai lắng nghe mà chẳng nghe được gì ngoài tiếng sóng vỗ ì oạp...
            Bố tôi bỏ không theo nghề biển như bác tôi. Ông đậu tú tài rồi đi làm công chức. Nhưng có điều kỳ lạ là ông cũng rất yêu biển. Đã mấy lần dời nhà, ông đều nhất quyết chọn nhà ở gần bờ biển. Mẹ tôi bảo: “Bố mày nghiện tiếng sóng!”. Cũng phải thôi, bố tôi lớn lên bằng lời ru êm đềm của sóng biển. Hằng đêm, sóng hát ru cho những giấc mơ lấp lánh ánh sao của tuổi thơ ông... Có lần đi công tác ở miền núi, mới hai ngày ông đã quay về, bảo: “Nhớ biển quá! Đêm thiếu tiếng sóng không ngủ được...”_ Mẹ nguýt dài: “Vớ vẩn!”_ Nhưng dường như trong mắt có chút màu tối thoảng qua như cũng thầm ghen với biển...

           
            Tôi không biết mình có “thừa hưởng” được lòng yêu biển như ông bà nội và bố tôi không. Biển đẹp và hấp dẫn thật nhưng tôi thấy ngắm mãi cũng chán! Tôi chỉ ra biển mỗi khi lòng có chút muộn phiền muốn được thanh thản. Biển giúp tôi làm dịu đi tất cả... Khi tôi có mấy bài thơ viết về biển được đăng báo, tụi bạn khen lắm, tôi tự hào: “Mình là dân biển mà!”... Nhưng sao tôi thấy chúng chỉ là một “mớ chữ nghĩa” vô hồn, dường như  chưa thấy hơi thở của biển trong ấy...
            Chiều nay tôi lại lang thang mãi trên bờ cát, cố tìm những cảm xúc đang trôi dạt đâu đó. Bất chợt tôi bắt gặp một cô gái với dáng ngồi lặng yên trên ghềnh đá như bà nội tôi thuở nào. Tôi mon men gợi chuyện: “Cô làm gì ở đây mà ngồi có vẻ mê mẩn vậy?”. Cô gái thản nhiên đáp: “Nói chuyện với biển”. Tôi lắc đầu: “Tôi có nghe thấy biển nói gì đâu...”. Chẳng ngờ cô gái bỗng quắc mắt nhìn tôi: “Người điếc như ông làm sao nghe được!”... Tôi thảng thốt nhận ra đã bao năm mình sống bên biển, nhưng chưa bao giờ mình nghe được tiếng biển. Tôi chỉ biết ngắm những vẻ đẹp bên ngoài của biển chứ không hoà được hồn mình vào biển, lắng nghe tiếng nói từ sâu thẳm trái tim, như bà nội tôi, như bố tôi, như cô gái kia...
            Tôi lững thững đi về, lòng như một khoảng lặng dù chung quanh vẫn đầy sóng và gió. Tôi biết mình thật khó để có thể nghe được lời của biển khi mình không thật sự yêu biển... Chợt nhớ đến lời cha sở từng than vãn: “Nhiều người đọc Lời Chúa, nghe Lời Chúa mà chẳng hiểu gì, chẳng thấm được chút nào vào lòng mình!”. Phải chăng vì Kinh Thánh quá khó hiểu, quá mênh mông như biển vậy? Không đâu! Chỉ những người yêu nhau mới nghe được tiếng lòng của nhau... Chúng ta đã thực sự yêu Chúa chưa? Hay trái tim ta đã nên chai lì để trở thành kẻ “điếc” Lời Chúa? Và như thế, Lời Chúa mãi chỉ là “ngàn năm sóng vỗ, đá còn trơ trơ”!...