Chủ Nhật, 25 tháng 3, 2012

CÓ PHẢI LÀ HÌNH VẼ "LÍNH TÂY SƠN"?




Tôn Thất Thọ
 Nguồn: Tạp chí Xưa & Nay
Số 399, tháng 3/2012 

Trên bìa tạp chí Xưa&Nay số 391 tháng 11/2011 có bức họa hình một người lính quấn khăn trên đầu, áo rộng. Ở trang 4, để minh họa cho bài viết “Tình hình Đại Việt khi quân Tây Sơn ra Bắc” của tác giả Nguyễn Duy Chính, hình vẽ đó được chú thích là Người lính Tây Sơn. Nguồn: John Barrow, A Voyage to Cochichina (Kuala Lumpur: Oxford University Press, 1975, tr 284) (X&N 391 trang 4).
Tác phẩm A Voyage to Co­chichina(1), của John Barrow cho biết ông sinh năm 1764. Do năng động và có vốn kiến thức rộng, ông được bổ nhiệm làm thư ký ở Bộ Hải Quân Hoàng gia Anh. Cuốn sách này được ông khởi thảo trong chuyến đi tới Trung Quốc, và có ghé lưu lại vùng biển Đà Nẵng, thuộc vùng đất mà bấy giờ người phương Tây gọi là Cochichina hay Cochinchinese .
Ở phần mục lục của sách nơi trang 284, nhà xuất bản ghi: Portrait of Cochi­nchinese Soldier… 284. Dưới bức tra­nh này, ghi chú thích rất rõ: Cochi­nchinese Soldier. Dịch giả Nguyễn Thừa Hỷ khi dịch tác phẩm này sang tiếng Việt đã dịch là “Một người lính Nam Hà”(2).
Cũng cần nói thêm, tác giả của bức tranh này là William Alexan­der, một họa sĩ người Anh. Năm 1792, họa sĩ đã cùng với John Barow tham gia phái đoàn của bá tước Macartney khi ông được cử sang Trung Quốc làm đại sứ đầu tiên, ông ta cũng có ghé Đà Nẵng cùng với tác giả tập sách. Năm 1806, khi xuất bản cuốn sách này đầu tiên tại London, John Barrow đã chọn hình vẽ của họa sĩ để minh họa cho tập du ký của mình.
Vậy bức tranh này tác giả vẽ người lính Tây Sơn hay người lính Nam Hà – tức lính của Nguyễn Ánh thời bấy giờ?.
Căn cứ vào nội dung cuốn du ký của John Barrow, ta thấy hầu hết nội dung của tập sách là nói về xứ Đàng Trong-Nam Hà vào thời điểm cuối thế kỷ XVIII đến thế kỷ XIX. Được biết, theo lời tác giả, khi biên soạn cuốn này, ông đã tham khảo bản thảo những ghi chép của ông Barisy, một trợ thủ tình nguyện đắc lực giúp Nguyễn Ánh trong công cuộc chống lại Tây Sơn, ông này đảm trách việc tiếp tế quân dụng của quân đội Đàng Trong. Trong chương Xứ Nam Hà, tác giả đã phác họa những nét khái quát về địa lý, lịch sử của hai xứ Nam Hà và Bắc Hà. Điều đáng chú ý là bức tranh minh họa này được tác giả xen vào trong một đoạn viết khá dài về các hoạt động quân sự của vua Gia Long (ma ông ghi la The King of Cochinchina), cũng như những công việc ban đầu khác như lập xưởng chế diêm tiêu, mở đường giao thông, định luật pháp, việc ngoại giao, lập trường quân chính, đó ng tà uthuyề n… nhưng chu yế uvẫn là các hoạt động về thủy binh. Ở đây, không có phần nào tác giả đề cập đến hoạt động hay nói về binh lính của Tây Sơn cả .
“Nhà vua Nam Hà, ngay sau khi lập lại được sự an bình trên lãnh thổ của mình, sẽ cam kết cung cấp 14 tàu, với số quân dụng, lương thực đủ để có thể đưa ngay những tàu đó ra biển theo yêu cầu của viên sứ thần của vua nước Pháp. Và để thực thi tốt hơn mục đích đó, một đội các sĩ quan và hạ sĩ quan Hải quân sẽ được gửi từ châu Âu đến để thiết lập một cơ quan thường trực tại Nam Hà” ( Nguyễn Thừa Hỷ dịch, Sđd, tr.37).
Tác giả viết chương này sau khi nhà Tây Sơn đã thất trận và Gia Long đã lên ngôi vua. Do đó ta thấy thái độ của tác giả phê phán Tây Sơn là “kẻ tiếm ngôi”, cũng như ủng hộ và ca ngợi Nguyễn Ánh, đó cũng là điều dễ hiểu.
Nhận xét về nội dung, khi dịch phần này sang tiếng Việt, dịch giả Nguyễn Thừa Hỷ đã nhận định: “Đáng lưu ý là các trang viết của tác giả về việc Nguyễn Ánh đã xây dựng, tổ chức và cải tiến các lực lượng hải quân của mình như thế nào, trong hoàn cảnh đã có một truyền thống nổi trội về phương diện đóng tàu thuyền đi biển của người Việt, điều mà tất cả các chứng nhân người nước ngoài đương thời đều thừa nhận”. (Một chuyến du hành…, Sđd, tr.9).
Một điểm cần lưu ý thêm là sau tấm hình minh họa “Người lính Nam Hà” mấy chục trang, là tranh vẽ “Thuyền bè trên sông Faifo” (Hội An) miêu tả cảnh binh lính của Nguyễn Ánh nhộn nhịp qua lại.
Tóm lại, căn cứ vào nội dung của đoạn ghi chép có tranh minh họa, cũng như nếu hiểu rằng The King of Cochinchina như tác giả đã viết là chỉ vua Gia Long, thì Cochinchinese Soldier không thể là lính Tây Sơn được. Thiết tưởng, đây chính là hình ảnh một người lính thủy binh đầu thời Gia Long được vẽ lại. Có thể bấy giờ, quân lính Tây Sơn cũng có cách ăn vận tương tự, nhưng khi sử dụng để sáng tỏ vấn đề thì cần thiết nhất là căn cứ vào “bản lai diện mục”!

Chú thích:

1. John Barrow, A Voyage to Cochichina, London, 1806.
2. John Barrow, Một chuyến du hành đến xứ Nam Hà, Nguyễn Thừa Hỷ dịch, Nxb Thế Giới, 2008, tr.56.