Thứ Hai, 26 tháng 3, 2012

NGƯỜI GIÀU HAY HÀNH XỬ TRÁI ĐẠO LÝ



Nguyễn Văn Tuấn

Một nghiên cứu rất thú vị mới công bố trên PNAS (Proceedings of the National Academy of Science USA) [1] cho thấy những người có địa vị xã hội cao hay hành xử trái với đạo lí. Kết quả nghiên cứu này có lẽ cũng phù hợp với những kiểu hành xử của một số “đại gia” và gia đình của họ ở Việt Nam mà báo chí đề cập gần đây.
Thỉnh thoảng chúng ta đọc những bản tin về cách hành xử phi đạo đức hay lệch chuẩn đạo lí (nói chung là unethical) của giới trung lưu và thượng lưu. Tôi gọi chung họ là những người giàu có. Ở Úc, mấy năm trước báo chí tốn rất nhiều giấy mực về một ông chánh án toà án tối cao lái xe trong lúc say rượu, tông vào xe đang đậu trên đường, bị cảnh sát phạt và lấy mẫu máu để xét nghiệm nồng độ alcohol trong máu; ông dùng những mối liên hệ của mình để đánh tráo mẫu máu trong bệnh viện. Sự việc đổ bể, báo chí “la ầm” lên, ông bị phạt nặng (đi tù 2 năm), và dĩ nhiên là mất chức chánh án. Trước đó, một ông bộ trưởng giao thông (cấp tiểu bang) lái xe quá tốc độ, bị cảnh sát phạt, thế mà ông còn xưng “tao là bộ trưởng”, và thế là bị phạt nặng hơn nữa! Các chuyên gia tâm lí và xã hội học tốn nhiều giấy mực và chữ nghĩa để phân tích những yếu tố đằng sau những vụ đình đám trên, nhưng hình như chưa ai làm nghiên cứu so sánh khả năng hành xử phi đạo đức của những người giàu có (và quyền thế) này với những người thuộc giai cấp lao động.
Ở Việt Nam cũng không thiếu những trường hợp đại gia và thiếu gia hành xử kém đạo đức, thậm chí trái đạo đức. Những bản tin có thể xếp vào nhóm này thì đếm không xuể: thiếu tá công an (con của đại tá công an) đánh tài xế giữa phố; thiếu gia đánh vở mồm trung tá công công an; thiếu gia đánh bài; thiếu gia Hà thành và thú chơi chó khủng; chủ trang trại thả chó cắn chết người nghèo; v.v. Lại có những trường hợp có thể xếp vào lằn ranh giữa lệch chuẩn đạo đức xã hội và hợm hĩnh như hết đại gia xây mộ triệu đôla, đến đại gia xây nhà cho chó, và đại gia tổ chức đám cưới “khủng” ở tỉnh nghèo, v.v. Những hành vi và cách hành xử như thế có khi khó giải thích bằng logic. Người nghèo, vì ít tiền của và luôn đối đầu với khó khăn về kinh tế, lúc nào cũng cảm thấy cuộc sống bị đe doạ, nên họ liều lĩnh làm những việc trái với đạo đức thì còn có thể hiểu được. Nhưng tại sao những người giàu, tiền của dư thừa, cuộc sống thoải mái, mà lại vi phạm luật pháp và hành xử thiếu đạo đức vẫn là một câu hỏi thú vị cần được khai thác.
Một nhóm nhà khoa học xã hội Mĩ và Canada thực hiện một loạt 7 thí nghiệm rất thú vị để trả lời câu hỏi: giai cấp nào trong xã hội có khả năng hành xử lệch đạo lí? Người giàu có hay kẻ nghèo khó? Họ làm hai loại thí nghiệm, có thể tạm gọi là thí nghiệm tự nhiên và thí nghiệm có kiểm soát. Ba thí nghiệm tiêu biểu có thể tóm lược như dưới đây.
Thí nghiệm 1 bao gồm 274 người lái xe auto tại một ngả tư đường rất dày đặt xe ở một vùng thuộc thành phố San Francisco. Họ xem loại xe auto và dựa vào đó để xếp loại thành phần xã hội. Thành phần xã hội được chia thành 5 nhóm: nhóm 1 là giai cấp thấp nhất (lái xe loại rẻ tiền như Toyota và cũ), đến nhóm 5 là giai cấp cao nhất (lái xe loại sang trọng như Mercedes, BMW, Lexus … và đời mới). Họ quan sát xem bao nhiêu lần và loại xe nào hay vi phạm luật lệ giao thông (như không nhường đường, lạn lách một cách nguy hiểm, vượt đèn đỏ, v.v.).
Thí nghiệm 2 bao gồm 152 người lái xe gần một crosswalk (tức lằn dành cho người đi bộ băng qua đường) cũng ở San Francisco. Loại xe cũng được phân thành 5 nhóm như thí nghiệm 1. Nhưng trong thí nghiệm này, các nhà nghiên cứu quan sát hành vi nhường đường hay lấn đường dành cho người đi bộ.
Thí nghiệm 3 được thực hiện trên 105 sinh viên bậc cử nhân của trường UC Berkeley, tuổi từ 18 đến 36. Thành phần xã hội, thu nhập gia đình, và xuất thân của những sinh viên này được thu thập và phân thành 5 nhóm giai cấp như hai thí nghiệm trên. Mỗi sinh viên được trình bày với 8 tình huống mang tính giả thuyết về những hành động sai trái, chẳng hạn như câu hỏi “bạn có muốn ăn trộm thức ăn nếu bạn làm trong một nhà hàng bán thức ăn nhanh”, hay “bạn có ăn trộm giấy ở công sở đem về nhà sử dụng”, v.v.
Kết quả ra sao? Thật thú vị: người thuộc giai cấp cao trong xã hội có xu hướng hành xử thiếu đạo lí và vi phạm luật pháp hơn người thuộc giai cấp thấp trong xã hội. Chẳng hạn như trong thí nghiệm 1, có đến 30% những người lái xe sang trọng vi phạm luật giao thông, so với 8% những người lái xe rẻ tiền và cũ kĩ. Trong thí nghiệm 2, gần 50% những người lá xe sang trọng lờ đi luật giao thông và không nhường người đi bộ, trong khi tỉ lệ này ở những người lái xe rẻ tiền là 29%. Trong thí nghiệm 3, sinh viên xuất thân từ giai cấp trung và thượng lưu có xu hướng ăn trộm cao hơn những sinh viên xuất thân từ giai cấp lao động. Các thí nghiệm 4 đến 7 cũng cho ra một kết quả nhất quán với các thí nghiệm trên: người giàu có thường có xu hướng hành xử lệch chuẩn mực đạo lí so với người nghèo khó.
Tại sao người giàu có lại hành xử thiếu đạo đức? Các nhà nghiên cứu lí giải rằng những người giàu có hay thuộc giai tầng cao trong xã hội tương đối độc lập với những người khác, và có tính riêng tư cao trong nghề nghiệp, ít bị ràng buộc, và do đó có nhận thức thấp về rủi ro liên quan đến những hành vi thiếu đạo đức của họ. Ngoài ra, người giàu có dư thừa phương tiện và tài lực để đối phó khi họ vi phạm luật. Đối với những người này, một hình phạt vài trăm đôla không phải là một chi phí lớn, nên họ tỏ ra … bất cần. Người có quyền thế cũng có khi suy nghĩ rằng họ “có quyền” thỉnh thoảng vi phạm luật pháp hay có những hành vi trái với đạo lí, vì họ nghĩ họ có công hay chính là những người xây dựng nên qui chuẩn đạo đức.
Nhà xã hội học trứ danh Durkheim từng cho rằng tính tham lam phát sinh trong mọi giai tầng xã hội, từ những người thuộc giai cấp thấp nhất đến giai cấp cao nhất. Nhưng kết quả của những thí nghiệm này thách thức nhận định của Durkheim. Thật vậy, mức độ tham lam trong nghiên cứu này tăng dần theo tỉ lệ thuận với giai cấp xã hội, chứ không phải đồng đều giữa các giai tầng xã hội. Người càng giàu càng tham lam và hành xử càng trái với qui chuẩn đạo đức. Đối với những người giàu có, những hành vi phi đạo đức hay đi ngược với đạo lí nhằm phục vụ cho tư lợi có hiệu quả làm cho họ giàu hơn, và làm cho khoảng cách giữa người giàu và người nghèo càng xa hơn. Khoảng cách giàu - nghèo ở VN hiện nay là 9.2 lần
Đọc qua những kết quả những nghiên cứu trên đây tôi chợt liên tưởng đến những ứng xử “coi trời bằng vung” của các đại gia, thiếu gia, và người có quyền thế ở nước ta. Tôi cũng liên tưởng đến câu hỏi tại sao các tập đoàn kinh tế (như EVN chẳng hạn) trong khi họ trả lương cho nhân viên rất hậu hĩ mà lại đòi tăng giá điện để gây khó khăn cho người nghèo. Tại sao các nhóm lợi ích hết đòi yêu sách này đến yêu sách khác? Tại sao những lô-cốt được dựng lên ở tất cả phi trường và dầy đặt trên các con lộ chính để thu phí, chẳng biết cho mục đích gì, nhưng rõ ràng là làm hao hụt túi tiền của người dân nghèo. Nếu lí giải của các nhà nghiên cứu trên là đúng, thì câu trả lời có lẽ là tính tham lam và ích kỉ của các đại gia -- cá nhân và tập thể -- và của các nhóm lợi ích.
Chú thích:
[1] Piff PK, et al. Higher social class predicts increased unethical behavior. PNAS 3/2012