Thứ Tư, 21 tháng 3, 2012

GIẢ DỐI LÀ CON ĐƯỜNG TẮT, LÊN NHANH XUỐNG NHANH ...



Trần Thị Trường (nhà văn)
Vietnamnet

Giả dối là con đường tắt, đi nhanh về cũng nhanh, nhưng cái kết không hậu, mà buồn tê tái ở chặng cuối cùng.

Tôi có hai người bạn chí cốt. Cả ba chúng tôi đều học cùng lớp từ hồi phổ thông, đến bây giờ tuổi ngoài 60 vẫn chơi với nhau mặc dù hơn 40 năm, cuộc đời ba chúng tôi mỗi người mỗi con đường mưu sinh khác biệt.
Hồi còn đi học cả ba đều thuộc lòng hai câu châm ngôn, và thường cùng nhau bàn luận. Một của Khổng tử, một của người Việt. Khổng tử nói, đại ý: "Thật thà quá dễ thành thô lỗ, khôn khéo quá dễ thành giả dối", dân gian Việt nói: "Thật thà là cha quỷ quái".
Nhưng con đường đời đã dẫn chúng tôi theo ba ngả. Về tôi, không nói, để bạn đọc tìm hiểu. Còn hai người kia. Cũng xin không nói tên, chỉ gọi là M và X.
Lên rất nhanh nhờ nói dối...
X nổi tiếng là khôn khéo, đến mức trong trường ai cũng phải ngạc nhiên về điểm số học tập của bạn ấy mặc dù sức học vừa phải, thậm chí dưới trung bình. Song, bạn ấy rất được lòng các thầy cô và ban giám hiệu nhà trường. Bạn ấy còn là lớp trưởng, phó bí thư Đoàn.
Còn M thì trái ngược, sức học rất khá, trong lớp đôi khi tranh luận bài vở với thầy. Có lần, tranh cãi về "bất bạo động" của Gandhi, M khiến cả lớp chúng tôi "mắt tròn mắt dẹt" còn thầy thì nổi cáu. Khi chiến tranh leo thang, chúng tôi học hết phổ thông vào trung cấp cơ khí, với phong trào vì miền Nam ruột thịt. Tôi và M tham gia đoàn bảo vệ các cung đường giao thông ở Vinh, Bến Thủy, Quảng Bình còn X được ra nước ngoài.
Chiến tranh chưa kết thúc. Tôi và M được quay trở về, tiếp tục học. M thi vào ĐH Mỹ thuật.
Kể từ năm 1985, là năm X về nước, tôi và M tốt nghiệp ĐH. Ba chúng tôi gặp lại nhau. Chúng tôi vẫn thân với nhau nhưng mỗi đứa một hoàn cảnh.
M không có việc làm. X lên tới vụ phó một vụ chức năng ở một bộ. X bảo tôi, chung tiền "lo lót" trưởng phòng nhân sự để chạy chỗ làm cho M: Thời thế thế thời. Các cậu biết đấy, không "chạy" tớ không thể có ngày nay. "Chạy" cũng là bỏ vốn đầu tư, rồi sẽ thu lại! X bảo.
Nhưng M không chịu. Anh bảo đó là sự giả dối đáng lên án nhất. Chọn con đường ấy là rất nhục. Thật tiếc cho anh, tiếc cho cả tờ báo mà X muốn gửi anh vào, vì anh là một họa sĩ có tài. Không chỉ vẽ tranh lớn mà các bức ký họa, minh họa, khả năng trình bày (desgined) của M là rất tuyệt...
Cuộc sống tiếp tục thay đổi. X làm đến hiệu trưởng một trường lớn. Đi làm có xe hơi và lái xe công. Hai đứa con lớn lên trong sự bận bịu thăng tiến. Đứa nào đứa nấy rất sành điệu: Từ ăn mặc thời trang đến xe máy đời mới.
Còn M vẫn là họa sĩ tự do. Không là người bán nhiều như dòng tranh thị trường nhưng tranh của anh "bức nào ra bức ấy", người ta đã mua là mua ở mức cao. Nhờ đó anh mua được mảnh đất ở ngoại thành và tự thiết kế một nhà vườn rất đẹp. Đó là nơi các văn nghệ sĩ trong và ngoài nước thường chọn làm địa điểm viếng thăm.
Anh lấy vợ muộn, nhưng hai đứa con được học hành cẩn thận. Đi học chúng đi xe đạp. Nhưng sau đó đều tự kiếm được học bổng nước ngoài. Ấy là lúc chúng tôi chuẩn bị về hưu.
Xuống rất nhanh vì... sự thật được phơi bầy
X "chạy đủ các cửa" mong chuyển sang làm công tác Hội đoàn, nhưng trước đó bị đồng nghiệp tố cáo là dùng bằng giả. Thực tế X chưa tốt nghiệp ở nước ngoài, nên hạ cánh an toàn đã là một may mắn.
Về chuyên môn X không biết làm gì, nên bây giờ chỉ ở nhà với lương hưu, cuộc sống khá chật vật vì tất cả những gì kiếm được, dù rất nhiều thời đương chức đều dành lo "chạy" và thăm nuôi đứa con trong trại giam và bù đắp cho đứa con gái bị chồng bỏ.
M mỗi lần bán tranh lại rủ tôi đem tiền đến giúp X. Đấy là những lần tinh tế đầu tiên và duy nhất ở M, anh nói khéo để X không chạnh lòng khi nhận.
Cả ba chúng tôi không còn bàn đến ý nghĩa sâu sắc của những câu châm ngôn trên nhưng trong lòng thì ai cũng hiểu. Giả dối là con đường tắt, đi nhanh về cũng nhanh, nhưng cái kết không hậu, mà buồn tê tái ở chặng cuối cùng.
Ngày nay sự giả dối đạt đến độ tinh vi
Ai cũng nói ghét giả dối thích chân thật. Ai cũng biết chân thật là uy lực, là sức mạnh, là tín nhiệm nhưng để giữ cho mình cuộc sống tuân theo các chuẩn mực của chân thật là điều chẳng... dễ dàng gì.
Ai cũng thuộc truyện ngụ ngôn về thằng bé hai lần nói dối, hai lần giả vờ kêu bị sói cắn để mọi người chạy đến cứu. Lần bị sói cắn thật lại không ai đến cả vì không ai thích bị lừa như hai lần trước.
Song, người đời vẫn chọn giả dối, vì giả không thể", "Tôi không biết", "Tôi không hiểu", "nếu", "có thể", "đôi khi", "không dối lọt tai hơn, có lợi hơn, dễ dàng hơn...
Ngày nay sự giả dối đạt đến độ tinh vi.
Vào bệnh viện người ta đọc thấy các khẩu hiệu dán từ cổng, hành lang đến cửa phòng khám: "Ở đây không nhận phong bì, ai đưa người đó phải tự chịu trách nhiệm".
Nhưng thực tế, thì người bệnh không thể không đưa. Bệnh viện (bác sĩ y tá) đã tạo ra sự sợ hãi vô hình cho bệnh nhân: Không đưa sợ bị rủi ro, thờ ơ và lạnh nhạt...
Cũng như thế với một số người vi phạm giao thông và người xử lý vi phạm: Đôi bên cùng chấp nhận dối trá để cùng có lợi. Cũng như thế với một số tội phạm, người chạy án và quan tòa. Cũng như thế với các khẩu hiệu ở học đường, ở trên các phố xá, trong các hội nghị, trong các bản báo cáo...
Người ta "hô"nhiều, nói nhiều những điều đạo đức, những kế hoạch nhưng người ta không làm theo lời người ta "hô", người ta nói. Đó là sự giả dối không chỉ ở mức cá nhân nữa mà ở phạm vi cộng đồng. Cuối cùng là sự mất niềm tin xảy ra ở diện rộng.