Kim Huỳnh và Trần Hoàng Tuấn
Gửi cho BBCVietnamese.com từ
Canberra và Hà Nội
Stan sống ở tầng trên cùng trong khu
căn hộ của tôi ở Việt Nam và anh được coi là một người thành đạt. Trông anh cao
ráo và ưa nhìn. Anh đã sống ở nhiều nước và là một bác sĩ kiêm nhà quản lý được
đánh giá cao. Stan không đến Việt Nam để kiếm tiền mà để giúp người Việt, vì
thế anh kỳ vọng rất nhiều.
Mặc dù công việc của Stan thành công
mỹ mãn nhưng anh vẫn thường nản lòng khi về đến căn hộ của mình. Mùi hôi thối
tỏa ra từ ống dẫn trong nhà tắm, điều hòa nhiệt độ thường xuyên hỏng và hơn nữa
là anh không bao giờ bắt được kênh BBC World trên TV.
Hầu hết những người sống cùng khu
này đều gặp phải vấn đề tương tự, nhưng mà từ lâu mọi người đã từ bỏ ý định
thay đổi gì đó. Chúng tôi chấp nhận những mùi mẽ ấy, thời tiết nóng điên người
và mọi thứ không được sửa sang.
Nhưng Stan thì khác: anh ấy nghĩ
rằng đó là vấn đề nguyên tắc. Anh trả tiền thuê nhà theo giá quốc tế với suy
nghĩ rằng sẽ nhận được dịch vụ và chất lượng theo chuẩn quốc tế. Hơn nữa, Stan
cũng tin rằng bằng việc giữ tiêu chuẩn của mình, anh cũng đang giúp Việt Nam.
Làm sao mà người Việt có thể đạt được chuẩn quốc tế ở bất kì lĩnh vực nào đó
nếu ai cũng từ bỏ kỳ vọng của chính mình?
Đôi lúc Stan đúng. Sau khi khăng
khăng là mùi trong nhà tắm không thể chấp nhận được, người ta đã cử một nhóm
thợ ống nước đến và rồi vấn đề cũng được giải quyết theo hướng có lợi cho tất
cả mọi người.
Nhưng đôi khi tính cố chấp của anh
chỉ khiến anh thêm thất vọng. Đơn giản là anh không thể có một chiếc điều hòa
nhiệt độ mới trong khi cái anh đang dùng có thể được sửa lại. Tín hiệu BBC ở
phòng anh chập chờn là vì đường dây cáp loằng ngoằng dẫn lên tầng áp mái nơi
anh ở. Vì chuyện nọ chuyện kia cùng những vấn đề cố hữu ở đây mà mối quan hệ
giữa Stan và quản lý khu nhà ngày càng căng thẳng và xấu đi trông thấy.
Nhưng Stan cũng xây dựng được một số
mối quan hệ thân tình với những người làm trong khu nhà, như chàng trai tên Sơn
trẻ trung nhanh nhẹn.
Stan hướng dẫn Sơn cách ngồi thẳng
lưng trên ghế khi sử dụng máy vi tính, anh bảo Sơn rằng chiếc mũ bảo hiểm nhãn
Manchester United của cậu chẳng có công dụng bảo vệ gì hết, không khác gì cái
hộp nhựa. Và nhất là Stan còn giật thuốc lá ra khỏi miệng Sơn và ném đi khi anh
bắt gặp Sơn hút thuốc.
Gần đây, tôi có cơ hội hỏi Sơn về
cảm giác của cậu về cách mà Stan đối xử với cậu. Tôi bảo: “Anh ta hành xử như
thể cậu là một đứa trẻ không thể tự đưa ra quyết định được vậy.”
Sơn đưa ra phản ứng của mình. “Cả
lời nói và cách ứng xử của Stan đều đúng. Tư thế của tôi sai nên lưng tôi bị
đau, tôi thực sự nên mang một chiếc mũ bảo hiểm tốt hơn và lái xe cẩn thận hơn,
và ai cũng biết là hút thuốc lá có hại cho sức khỏe nữa. Nhưng đôi lúc tôi
không thể tự nhắc mình những điều ấy.”
Nhưng tôi cũng biết rằng, mặc dù
phóng khoáng, nhưng Sơn vẫn không ưa Stan vài điểm. Sơn là người tự tôn và yêu
nước; cậu am tường lịch sử Việt Nam, văn hóa, ca dao tục ngữ và cảm thấy tự hào
khi thảo luận những điều đó với người sống trong khu nhà này (đặc biệt là những
ai biết chút tiếng Việt). Tôi biết cậu giận dỗi vì cuối mỗi tháng Sơn lại cộng
thêm 2,000 đồng vào hóa đơn tiền điện của Stan cho mỗi điếu thuốc bị vứt đi.
Mối quan hệ của Sơn và Stan cho thấy
vẫn còn một hố sâu ngăn cách giữa Việt Nam và phương Tây.
Văn minh Phương Tây và Phương Đông
Chúng ta hãy bắt đầu bằng việc xem
xét nền văn minh và sự văn minh nghĩa là thế nào. Văn hóa và văn minh có mối
liên hệ rất gần gũi. Tuy nhiên, nếu như văn hóa được xem là nhân dạn và tính
cách của một xã hội thì văn minh có thể được coi là dân trí và đạo đức của xã
hội ấy.
Ở phương Tây, văn minh đồng nghĩa
với hiện đại hóa cho nên trở nên văn minh là tiến từ đói khổ lên giàu có, từ
tĩnh thành động, từ định hướng nhóm sang định hướng cá nhân, từ bó buộc trong
phạm vi địa phương sang những biên giới phổ quát hơn. Quan niệm của phương Tây
về văn minh vì thế tập trung vào sự tiến lên và nhu cầu bỏ lại đằng sau những
tập tục cũ, cách nghĩ cũ và giá trị cũ.
Người Việt và nói chung người Đông Á
hiểu về văn minh khác, nhấn mạnh đến mở rộng thay vì tiến lên. Trong khi cá
nhân ở phương Tây tìm kiếm sự độc lập thì cá nhân ở phương Đông lại tìm kiếm sự
hòa nhập. Theo Khổng Tử việc phát triển bản ngã (tu thân) là cái điều kiện tiên
quyết để điều hành gia đình (tề gia), và gia đình làm nền tảng cho việc trị
quốc và bình thiên hạ. Theo mô hình này, việc mở rộng dần dần cho phép duy trì
tính liên kết xã hội trong khi có biến.
Đương nhiên, không có nền văn minh
nào là hoàn hảo hoặc là đồng nhất, và Phương Đông và Phương Tây hay giao thoa
qua lại. Tuy thế, trong những diễn đàn tôi tham gia gần đây, quan điểm của mọi
người chủ yếu xoay quanh lập trường tiến lên của Stan và mở rộng của Sơn đối
với các vấn đề gây tranh cãi ở Việt Nam như gia trưởng, ăn thịt chó, karaoke và
ách tắc giao thông. Một số tranh luận mạnh mẽ nhất từ cả hai phía được tóm tắt
dưới đây:
Gia trưởng
Quan điểm của Stan
Theo tôi, đầu tiên là phụ nữ Việt
cần được giải phóng khỏi những áp bức ở nhà và cả ngoài xã hội.
Niềm tin cho rằng chỉ đàn ông mới có
thể nối dõi tông đường khiến người phụ nữ Việt bị phân biệt đối xử ngay từ
trước khi lọt lòng mẹ. Đây không chỉ là tàn tích từ thời phong kiến Nho giáo
của Việt Nam. Có thể thấy rõ điều này qua tỉ lệ trẻ sơ sinh nam nữ chênh lệch
hiện nay, và nhà nước đã phải cấm bác sĩ tiết lộ giới tính thai nhi cho các cặp
vợ chồng có thai.
Người vợ hầu như bị phụ thuộc toàn
bộ vào chồng. Tôi gần như không bao giờ thấy đàn ông làm việc nhà và thường là
ít hoặc không chịu trách nhiệm nuôi dưỡng con cái.
Ngoài xã hội, tôi thấy phụ nữ phải
quét tước, mang vác và bán hàng, làm bất cứ việc gì để trợ giúp gia đình; trong
khi đàn ông ngồi hàng giờ uống bia, chè và cà phê, nói chuyện bóng đá, chơi bài
hay chơi cờ. Những người phụ nữ học vấn cao mà tôi biết cũng không khá khẩm
hơn, họ cũng phải đối mặt với áp lực và thách thức trong công việc chuyên môn
rồi về nhà vẫn phải hoàn thành tất cả những nghĩa vụ truyền thống trong gia
đình.
Vì thế, tôi cho rằng không gì khiến
xã hội Việt văn minh hơn là dành tự do và công bằng hơn nữa cho phụ nữ Việt.
Quan điểm của Sơn
Chỉ đơn giản là vì phụ nữ Việt không
giống phụ nữ phương Tây không có nghĩa là họ bị áp bức. Ở Việt Nam phụ nữ cũng
được tôn vinh như anh hùng (Hai Bà Trưng và Bà Triệu), nhà thơ (Hồ Xuân Hương
và Bà Huyện Thanh Quan) và những vị thần thánh (thánh mẫu). Việt Nam có Hội Phụ
nữ hoạt động mạnh và rộng khắp, đồng thời là nước có tỉ lệ nữ đại biểu Quốc hội
lớn hơn cả Anh và Mỹ.
Không phải cái gì thuộc về gia
trưởng cũng xấu và cần loại bỏ ngay lập tức. Người đàn ông và đàn bà Việt có
những vai trò khác nhau bởi vì về cơ bản họ có những mong muốn, phẩm chất, và
tính khí khác nhau.
Sự khác biệt này không hẳn là đồng
nghĩa với sự nô dịch; mà hơn hết, sự tổng hòa đàn bà và đàn ông, âm và dương,
là nền tảng để xây dựng cộng đồng hòa hợp.
Vì thế trước khi phá bỏ hoàn toàn cấu
trúc gia đình phụ hệ là nền tảng cho văn hóa Việt bao thế kỉ nay thì chúng ta
cần xem xét thận trọng xem hành động đó có ý nghĩa như thế nào đối với các giá
trị gia đình vốn tồn tại làm nền tảng cho xã hội Việt Nam.
Ăn thịt chó
Quan điểm của Stan
Người văn minh không ăn thịt chó vì
chúng gần gũi với con người. Chó là “người bạn thân cận nhất của con người.”
Nhiều người trong chúng ta lớn lên cùng với loài vật này và xem chúng như là
anh chị em. Khi chúng ta lập gia đình, chúng ta thường nuôi chó như “những đứa
trẻ có lông” của chúng ta.
Là động vật có vú ăn thịt, chó là
loài rất gần gũi với con người. Thịt của chúng “ô uế” vì rằng chúng ăn thịt của
các loại động vật khác. Ngoài ra, (đây không phải là điều tôi muốn nghĩ đến!),
thịt chó thật kinh tởm vì chúng ăn cả phân.
Ở Hàn Quốc người ta vẫn đôi khi đánh
chó để giết thịt, nhưng làm thế để làm tăng mùi vị của thịt là rất tàn bạo và
cần dừng lại ngay, trong trường hợp không thể cấm việc tiêu thụ thịt chó.
Quan điểm của Sơn
Việc nuôi chó làm thú cảnh không
phải truyền thống ở Việt Nam nên người ta cũng chỉ coi chúng như lợn mà thôi,
thứ thực phẩm mà người phương Tây tiêu thụ với một ý thức rõ ràng. Mà trên thực
tế lợn còn gần gũi với con người hơn chó về nhiều mặt vì lợn đặc biệt thông
minh, và tình cảm nữa và các bộ phận của lợn thậm chí còn được dùng để cấy ghép
cho người.
Đánh chó trước khi đem giết thịt là
vô nhân đạo. Nhưng mà người phương Tây nhốt những con vật ấy cả đời trong những
cũi bé tí trong những trại tập trung thì cũng vô nhân đạo chẳng kém.
Tất nhiên với nhiều người, ăn chay
là cách ăn duy nhất lành mạnh và có đạo đức. Đứng từ góc độ đó thì người dân
Việt không hẳn là chay tịnh, nhưng vẫn còn tiêu thụ ít thịt và có nhiều tín đồ
Phật giáo ăn chay hơn bất cứ nước phương Tây nào.
Karaoke
Quan điểm của Stan
Ở Việt Nam, tôi không sợ gì bằng đi
công cán hay dự hội nghị và được mời – hay đúng hơn là bị “ép” – hát karaoke.
Điều đó thậm chí còn tồi tệ hơn cả việc xung quanh đầy rẫy những vodka, cognac
và gái gọi.
Như thế không phải là tôi không thích
nhạc, ngược lại là đằng khác. Vấn đề là ở chỗ karaoke không thực sự là nhạc, kể
cả khi hát đúng chăng nữa. Nó giống như ảnh cưới của nhiều người Việt , sắp đặt
và chỉnh sửa quá nhiều, không thật, lòe loẹt, khoa trương và ngớ ngẩn.
Khái niệm kitsch (tạm dịch là lòe
loẹt, giả tạo) có vẻ tương đối lạ lẫm đối với người Việt, nhưng lại rất phổ
biến ở phương Tây. Hát karaoke có thể được coi là một biểu hiện của khoe mẽ bởi
lẽ đó là hành động giả làm ngôi sao chứ không phải là phát triển kĩ năng và
tính sáng tạo cần thiết để trở thành một nghệ sĩ chuyên nghiệp.
Nó thổi phồng cái tôi của những kẻ
nghiệp dư trong khi tôn vinh cái ăn theo. Nên khi tôi hát hay nghe hát karaoke,
tôi thấy nó đúng là kiểu giả tạo và khoe mẽ, thế nên tôi chẳng thích karaoke tí
nào cả.
Quan điểm của Sơn
Tiếng Việt với những dấu lên xuống
dập dờn rất giàu tính nhạc. Tất cả mọi thứ từ lời chào, đến thơ phú hay thậm
chí cả những câu chửi cũng được cất lên như những bài ca khi chúng thoát ra
khỏi miệng người nói. Chúng tôi không thấy việc đó có gì sai trái mà trái lại
nhà cửa và đường phố tràn ngập lời ca tiếng hát lại rất hay. Ở Việt Nam hát là
cách biểu hiện đầy đủ và chân thật những gì trong trái tim và khối óc; karaoke
không gì khác là một sự biểu hiện ở mức cao hơn quá trình đó.
Tôi cũng không thích việc có đầy rẫy
gái gọi và những cách hành xử thô lỗ ở các quán karaoke, nhưng tôi cũng biết là
ở phương Tây cũng chẳng thiếu nạn mại dâm, kích dục và bất lịch sự. Trước tiên
người Tây nên tập trung vào việc là hình mẫu cho chính xã hội của mình trước
khi áp đặt đánh giá lên người khác.
Vậy nên nếu người Tây cho rằng ai đó
hát hết sức bình sinh ở chốn công cộng là điên rồ thì chính họ mới là có vấn
đề. Nếu người Tây không thể thưởng thức karaoke mà không hề nghi ngại thì đó
chính là vấn đề của họ. Và nếu người Tây không biết hát thì đó cũng lại là vấn
đề của họ.
Giao thông hỗn loạn
Quan điểm của Stan
Nếu nhìn lướt qua giao thông ở Hà
Nội hay Sài Gòn thì thấy người Việt đang ngày một kém văn minh. Đường thì càng
ngày càng tắc, người đi đường tranh giành nhau từng tấc đường một, họ leo lên
cả vỉa hè, đi sai đường, không chú ý đèn đỏ, và chẳng để ý gì đến lối đi cho
người đi bộ hay cả người đi bộ. Buổi tối thì càng kinh khủng hơn khi có người
say rượu lái xe và những tay hooligan trẻ măng lao ra đường hàng loạt.
Tình trạng thiếu văn hóa giao thông
cho thấy Việt Nam ngày càng thịnh vượng không đi cùng với văn minh được nâng
lên hay dân trí tăng.
Kinh khủng nhất là trẻ con bị nhồi
nhét và để cho ngồi vắt vẻo trên mô tô: lắc lư trong nôi hay yếu ớt trong vòng
tay mẹ; được nhấc lên cao để có thể nhìn qua vai bố; hay núp giữa hai chân
người lái, thò mũi qua đằng trước. Một xã hội đối xử với trẻ em tệ thế thì
không thể văn minh được.
Quan điểm của Sơn
An toàn giao thông là vấn đề lớn với
tất cả người Việt. Tuy nhiên, thủ phạm là thiếu vốn và kế hoạch đầu tư thiếu
sát thực và tầm nhìn chứ không phải do dân trí.
Mặc dù lộn xộn nhưng giao thông Việt
Nam cũng có những điểm kì diệu khiến việc lái xe không đến nỗi kinh khủng lắm.
Đôi khi tôi rất ngạc nhiên khi thấy dòng xe cộ lưu thông được (nếu nhìn vào áp
lực lên những con đường và cơ sở hạ tầng). Nhưng mọi thứ vẫn đang diễn ra, đôi
lúc còn tốt là đằng khác. Nó giống như thể mỗi một người lái xe là một con cá
bơi trong một đàn lớn, một thành viên trong dàn nhạc giao hưởng hỗn loạn. Nếu
bạn đào sâu hơn thì có thể thấy là giao thông chỉ là một dấu hiệu của dân trí
và sự hòa hợp trong xã hội Việt Nam vì đó là lạc hậu và lộn xộn.
Tất nhiên là tôi quan tâm đến trẻ em
và tương lai và mong muốn góp lời khuyên để giúp bảo vệ chúng tốt hơn nữa.
Tuy nhiên, điều tôi không bao giờ
ủng hộ là quan điểm cho rằng người Việt không quý trọng mạng người như người
Tây; hay thậm chí suy nghĩ rằng cuộc sống của người Việt là rẻ rúng và có thể
hi sinh mà không cần tưởng niệm hay trả thù. Sự tàn khốc của chất độc màu da
cam và vô số ví dụ khác nữa về những vụ giết người hàng loạt và dồn dân mà Việt
Nam đã từng gánh chịu trong quá khứ là những hành động hết sức vô đạo đức nếu
hiểu theo khái niệm văn minh.
Những diễn đàn này còn thảo luận về việc
không xếp hàng, sử dụng điện thoại di động cộc cằn, đái bậy, cùng với tập tục
kéo “chim” bé trai để thể hiện là chúng được quý ở miền Bắc. Trên thực tế chúng
tôi đạt được không nhiều sự đồng thuận về bất cứ vấn đề nào kể trên. Nhưng mục
đích của việc thảo luận “Người Việt có cần văn minh hơn…hoặc là mọi người
khác?” không nhằm thay đổi quan điểm của mọi người và tạo ra sự đồng thuận mà
trên hết là nhằm giúp chúng ta thoải mái hơn với những khác biệt và từ đó hiểu
hơn về nhau.
Tiến sĩ Kim Huỳnh, giảng viên tại
Đại Học Quốc Gia Úc, đã viết tiểu sử về gia đình mình trong cuốn Where the
Sea Takes Us: A Vietnamese-Australian Story (HarperCollins 2008). Trần Hoàng
Tuấn là một dịch giả tự do và hiện đang viết tiểu thuyết đầu tay về người đồng
tính nam ở Việt Nam.
Bấm
Bản gốc tiếng Việt được bà Hà Thị Thu Hương từ Trung tâm
Integrated Culture and Language Studies (ICLS) chỉnh sửa đôi chút và BBC biên
tập lại.