Đàm Hà Phú
Người
ĐưaTin
Tôi đến Sài Gòn lần đầu tiên năm 1991,
trên một cái xe cấp cứu. Không phải xe chở tôi, là tôi quá giang xe cấp cứu chở
một bệnh nhân viêm màng não từ bệnh viện Khánh Hòa chuyển viện vào Chợ Rẫy. Tôi
nhớ như in khi người tài xế lần đầu vào Sài Gòn đã đi vào đường một chiều và bị
hàng loạt xe gắn máy suýt đụng phải. Tôi nhớ mình đã tháo cái nhẫn 2 chỉ vàng
trên tay để nhét vô vớ vì nghe nói cướp ở Sài gòn sẳn sàng chặt tay bạn chỉ để
cướp một chỉ vàng.
Ngày đó, ấn tượng đầu tiên của tôi là
Sài Gòn quá lớn và quá đông.
Tới bây giờ, ấn tượng của tôi cũng vẫn
là Sài Gòn quá lớn và quá đông.
Sài Gòn lớn. Tôi đồ nó phải lớn hơn cả
Singapore hay HongKong. Từ ruộng đồng Hóc Môn ra đến biển Cần Giờ, từ vườn cây
Thủ Đức mút đến miệt Bình Chánh xa xôi. Ở đâu cũng là đất Sài Gòn. Câu nói ấn
tượng nhất về Sài Gòn tôi nghe từ một ông già đã 40 năm chạy xe xích lô: “Không
thằng nào dám vỗ ngực nói mình biết hết đất Sài Gòn”.
Sài Gòn đông. Ngoài đường, trong chợ,
hàng quán… đều ngùn ngụt người. Từ khu Chợ Lớn đầy người Hoa nói tiếng Hoa đến
khu dân sinh kiếm cái gì cũng có, mà không có người ta cũng kiếm cho bằng được.
Từ những đường phố luôn tấp nập người xe đến những cái chợ bán buôn thâu đêm suốt
sáng. Đâu đâu cũng đầy người, càng ngày càng đông. Tôi dám cá rằng hơn phân nửa
số người bạn gặp ở Sài Gòn đều không phải là người Sài gòn chính gốc. Như tôi.
Ở Sài Gòn có một thứ không khí khác, có
lẽ được quánh đặc bởi bụi, khói, bởi mùi mồ hôi, mùi đồ ăn, bởi tiếng xe, tiếng
người, bởi muôn ngàn thanh âm, màu sắc mà một khi đã quen hít thở với nó, bạn sẽ
không bao giờ quên được, nếu không nói là khó mà rời xa được.
Ở Sài Gòn, đất dung nạp vào nó đủ mọi hạng
người, từ anh trí thức hàn lâm đến chị bán trôn nuôi miệng đều cảm thấy đất này
dễ sống hơn chỗ khác, từ giới nghệ sĩ có tài và bất tài đến mấy bà buôn thúng
bán bưng đều nuôi mộng lập nghiệp nơi mảnh đất lắm người nhiều xe này.
Ở Sài Gòn, bạn hay chứng kiến những tai
nạn giao thông nho nhỏ do xe máy, thường cả hai bên va chạm đều tự dựng xe lên,
nhìn ngó xe của mình, xuýt xoa vài tiếng rồi nổ máy xe, mạnh ai nấy đi, thậm
chí họ cũng chẳng nhìn nhau. Ở Sài Gòn thỉnh thoảng có người chạy theo bạn
ngoài đường chỉ để nhắc bạn nhớ gạt chân chống xe hoặc coi chừng bị rớt cái ví
lòi ở túi quần sau.
Ở Sài Gòn, bạn dễ thấy những quán xá tạm
bợ và tối giản đến không ngờ, nhiều quán cà phê chỉ với một cái lon bò húc làm
biểu tượng vậy mà một ngày bán không dưới 300 ly café bằng cách bưng đến tận
nơi, có một xe bánh mì nhỏ chỉ bán buổi chiều tối mà doanh thu hằng ngày lên đến
cả chục triệu, có một bà chỉ bán nước sâm vỉa hè mà sau ba năm đã mua được căn
nhà mặt tiền to vật ở chính nơi mà bà xin đặt xe nước sâm của mình.
Ở Sài Gòn có nhiều bạn trẻ mặc đồ như
tây, ngồi ở café máy lạnh với laptop trước mặt và viết đơn xin việc, nhưng cũng
có nhiều bậc trung niên mặc quần đùi uống café cóc ở vỉa hè bàn chuyện xây cao ốc
cho thuê. Ở Sài Gòn bạn có thể xin làm phụ việc ở bất cứ đâu mà lương tháng vẫn
bằng một kế toán mới tốt nghiệp đại học, người ta có thể mua cùng một món đồ với
giá chênh lệch nhau đến cả chục lần mà không hề áy náy.
…
Có nhiều thứ nữa ở Sài Gòn mà tôi muốn
viết mà vẫn không viết được, tôi xin kết bằng một câu chuyện nhỏ, của tôi.
Công việc đầu tiên mà tôi làm để sinh
nhai ở đất Sài Gòn này là làm bốc xếp ở cảng. Một bữa tối nọ, chừng hơn mười giờ,
trời mưa lớn, tôi đạp xe từ cảng về sau ca làm. Đói, lạnh và mệt làm tôi lả đi,
tôi tấp đại xe đạp vào một mái hiên và ngồi bệt xuống, ngủ thiếp đi.
Đột nhiên tôi chợt thức vì tiếng cửa sắt
kéo ra, một người phụ nữ mở cửa và hỏi thăm tôi bằng giọng nam bộ rất phúc hậu.
Bà mở rộng cánh cửa cho tôi vào, bà đưa cho tôi một cái áo để thay và chỉ ít
phút sau, bà lại xuất hiện với một tô mì gói nghi ngút khói, có cả mấy cọng
ngò. Bà chỉ nói gọn: “Ăn vô là khỏe liền hà”. Mà thiệt tình, ăn hết tô mì tự
nhiên tôi thấy “phẻ” quá, có lẽ vì từ đó, tôi không nghĩ mình có thể sống ở đâu
tốt hơn mảnh đất này. Tôi khỏe luôn từ đó đến giờ.
Tôi chịu không thể nhớ căn nhà ấy, nó nằm
đâu đó trên đường Lý Chính Thắng. Tôi cũng chịu, không nhớ nổi gương mặt người
đàn bà ấy, như mọi người đàn bà ở thành phố này. Bạn đừng nói tôi vô ơn. Ở Sài
Gòn, nói chuyện đó chỉ nhận được một cái khoát tay và câu trả lời trớt quớt: “Bỏ
đi. Ơn nghĩa gì cậu ơi”.
Rồi tôi cũng giúp một người khác như thế,
rồi tôi cũng nói giọng Sài Gòn, tôi cũng khoát tay khi người ta cảm ơn: “Bỏ đi.
Ơn nghĩa gì cậu ơi”.
Sài Gòn là một mảnh đất lạ kỳ. Nó lạ kỳ
đến nỗi người ta nhớ về nó khi đang ở trong lòng nó. Vậy đó.