Bùi Hoàng Tám
Nhậu mọi lúc, nhậu mọi nơi từ Mục Nam
Quan đến mũi Cà Mau và với mọi lý do ái, ố, hỉ, nộ. Vui uống, buồn uống, yêu uống
mà ghét cũng uống.
Các đệ tử Lưu Linh trên toàn thế giới về
cơ bản là giống nhau mà người xưa đã đúc kết thành “thất ẩm tửu”. Đó là tiên tửu,
thánh tửu, hiền tửu, phật tửu, nhân tửu, cuồng tửu, cẩu tửu. Tuy nhiên, tùy
theo các điều kiện địa lý, văn hóa, thói quen… mà có những cách nhậu khác nhau.
“Sài Gòn nhậu tối, Hà Nội nhậu trưa” là
đúc kết rất chính xác của một nhà báo, nhà thơ và ông cũng là một trong những đệ
tử ruột của thần tửu Lưu Linh.
Đã có không ít người từ Sòn Gòn ra đã
không nắm được “tập tính” này của người Hà Nội và ngược lại, cũng không ít người
từ Hà Nội vào không biết được thói quen này của người Sài Gòn và hậu quả là
không ít cuộc nhậu có nguy cơ … tan vỡ.
Vậy vì sao lại có tập tính này?
Theo người viết bài này thì đầu tiên có
lẽ do điều kiện địa lý. Miền Nam nắng nóng quanh năm nên nhậu vào buổi tối, khi
khí trời dịu mát là thích hợp nhất. Ngược lại, miền Bắc mùa đông thường lạnh,
nhất là các tháng cuối năm, cái rét cắt da cắt thịt khiến người ta không muốn
bước ra khỏi nhà.
Nguyên nhân thứ hai có lẽ do người Sài
Gòn làm ra làm mà nhậu ra nhậu.
Cái lối nhậu “tới bến” này mà diễn ra
vào buổi trưa là toi mất cả ngày và kéo đến hết đêm. Hà Nội thì khác. Dân Hà Nội
phần nhiều là công chức, làm lằng nhằng mà nhậu cũng lằng nhằng nên không ít cuộc
nhậu kéo dài từ trưa sang 3 - 4 giờ chiều để rồi đảo về cơ quan làm dăm ba việc,
chấn chỉnh tư trang, dung mạo cắp cặp về nhà như vừa trở về từ … cơ sở.
Nguyên nhân thứ ba có lẽ do đàn ông Hà Nội
tinh ranh, ma giáo nên rất chú trọng bữa cơm gia đình buổi tối. Đi đâu thì đi,
làm gì thì làm nhưng buổi tối là dứt khoát về nhà quây quần quanh mâm cơm với vợ,
với con kiểu thực hiện chính sách “hậu phương quân đội”.
Có lẽ vì vậy mới có câu “Sáng dẫn cơm đi
ăn phở, trưa đưa phở đi ăn cơm, tối cơm về nhà cơm, phở về nhà phở”.
Đàn ông Hà Nội nhậu đâu thì nhậu, say mấy
thì say nhưng vẫn nhớ điện về cho vợ phần cơm anh nhé để rồi khi ngật ngưỡng bước
qua khung cửa là xì xúp bát nước rau muống luộc, miệng rối rít khen nước rau vợ
luộc sao ngon thế.
Có lẽ về khoản này, đàn ông Sài Gòn ít
kinh nghiệm hơn và phụ nữ miền Nam cũng ít sư tử Hà Đông hơn chăng?
Một nguyên nhân nữa là người Hà Nội thường
đã về nhà là không muốn đi đâu nữa vì đường xá đông đúc, chật chội và bụi bặm.
Cái ngõ nhỏi, hun hút lúc nào cũng đông người, lạch được cái xe ra ngoài là cả
một sự kiện.
Có một đặc điểm người Hà Nội khác người
Sài Gòn nữa. Người Sài Gòn thích mời khách đến nhậu ở nhà nhưng người Hà Nội
thì ngược lại, chỉ thật thân thiết mới mời nhau đến nhà còn chủ yếu là kéo nhau
ra quán.
Lý giải điều này có lẽ do người Hà Nội
giàu thì kín đáo, không muốn phôi trương, sợ người khác nhờ vả hay suy diễn mà
nghèo thì muốn giấu đi bởi “xấu xa đậy điệm”. Chả ai muốn khoe cái nghèo, cái
khổ của mình trừ thời cải cách ruộng đất. Đối với các vị có chức, có quyền thì
việc đến nhà gần như là quá hiếm.
“Sài Gòn nhậu tối, Hà Nội nhậu trưa”.
Cái đúc kết tưởng như vớ vẩn này nhiều khi lại rất quan trọng. Đã không ít các
cuộc nhậu trên bờ phá sản bởi không biết đến điều này. Tuy bản chất của nhậu giống
nhau nhưng phong tục mỗi nơi mỗi khác.