Thứ Bảy, 26 tháng 5, 2012

TỔ TIÊN, ÔNG BÀ TRONG TÔN GIÁO NỘI SINH TẠI ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG


Đinh Văn Hạnh
Không giống với các vùng miền khác trên lãnh thổ Việt Nam, Đồng bằng sông Cửu Long là quê hương của nhiều tôn giáo nội sinh, như đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Hòa Hảo… và rất nhiều những Ông Đạo khác, kiểu đạo Dừa, đạo Nằm, đạo Ngồi, đạo Tưởng v.v…

Các tôn giáo nội sinh vùng Đồng bằng sông Cửu Long ra đời trong hoàn cảnh đất nước bị ngoại xâm. Ngọn cờ giải phóng dân tộc, bảo vệ nòi giống, giữ gìn truyền thống cha ông, hướng về tổ tiên… luôn được tín đồ đặt lên hàng đầu trong quan niệm đạo lý, hành đạo cũng như trong ứng xử hằng ngày.

Các tôn giáo nội sinh Đồng bằng sông Cửu Long đều có mục đích, tôn chỉ, hệ thống giáo lý, nghi thức hành đạo, đối tượng tôn thờ riêng. Nhưng chúng ta dễ dàng nhận thấy hầu hết các tôn giáo này đều hướng về tổ tiên, ông bà. Tổ tiên ông bà là một trong những đối tượng tôn thờ chính của các tôn giáo nội sinh trên vùng đất Đồng bằng sông Cửu Long. Trong quan niệm đạo lý, cách thức hành xử, lễ nghi tôn giáo, tổ tiên ông bà giữ một vị trí hết sức quan trọng, thậm chí có những tôn giáo xem tổ tiên ông bà là đối tượng trung tâm của sự tôn thờ. Từ đạo lý truyền thống phát triển thành giáo thuyết tôn giáo mà tổ tiên, ông bà trở thành đối tượng tín ngưỡng chính là đặc trưng cơ bản của tôn giáo nội sinh Đồng bằng sông Cửu Long.

Đạo Bửu Sơn Kỳ Hương

Đạo Bửu Sơn Kỳ Hương (được hiểu là núi báu [núi Cấm-Thất Sơn] có hương lạ) ra đời từ năm 1849. Đây là tôn giáo địa phương đầu tiên của Nam Bộ. Sự ra đời của nó ảnh hưởng trên nhiều mặt đối với đời sống nhân dân Đồng bằng sông Cửu Long lúc ấy cũng như quan niệm đạo lý của các tôn giáo địa phương ra đời sau này...

Người sáng lập và truyền đạo Bửu Sơn Kỳ Hương là Đoàn Minh Huyên (1807-1856). Năm Kỷ Dậu (1849), Đoàn Minh Huyên về làng Kiến Thạnh, giữa lúc dịch thời khí đang hoành hành, số người mắc bệnh chết rất nhiều... Ông đã chữa bệnh cho nông dân bằng pháp thuật và bùa chú: dùng nước cúng trên bàn thờ, bao nhang, giấy vàng bạc, bông vạn thọ dâng Phật... Theo lưu truyền cách chữa bệnh của ông đạt kết quả rất cao, không những đối với bệnh thời khí mà những bệnh khác ông cũng đều chữa khỏi. Ông vừa chữa bệnh vừa khuyên mọi người hãy tu niệm theo những quan niệm đạo lý đơn giản, dễ đi vào lòng người, trước là khuyên bảo với những người được chữa bệnh, sau đó rộng rãi trong nhân dân, đã cuốn hút rất nhiều người tin theo... Do nhu cầu chữa bệnh và truyền đạo ngày càng lớn, dân chúng đến thọ giáo ngày một đông nên Đoàn Minh Huyên đã cho đệ tử dựng một ngôi chùa, sau này gọi là Tây An Cổ Tự, chính thức khai đạo, mở đường lối tu hành riêng, hình thành cơ cấu, nghi thức thờ phượng lễ bái của một tôn giáo mới.

Ở làng Long Kiến vừa chữa bệnh, vừa truyền đạo được tín đồ tin theo rất đông một thời gian, Đoàn Minh Huyên bị chính quyền địa phương cho là “gian đạo sỹ”, tụ họp người làm loạn, chống triều đình. Ông bị bắt đưa về Châu Đốc. Sau đó, quan Trấn Châu Đốc đã thả ông ra, cho hành đạo tại chùa Tây An núi Sam (vì vậy sau này Đoàn Minh Huyên được gọi là Phật Thầy Tây An). Có thể nói Đoàn Minh Huyên “bị quản thúc” tại đây đúng hơn là ông đã chọn nơi này để hành đạo (vì Tây An vốn là một ngôi chùa Phật giáo). Tại đây, Đoàn Minh Huyên đã tiếp tục những công việc còn bỏ dở ở làng Long Kiến ngày trước, tức truyền bá, phát triển một mối đạo mà đến lúc này ông gọi là Bửu Sơn Kỳ Hương.

Các đại đệ tử nổi tiếng của Đoàn Minh Huyên có ông Cố Quản (Trần Văn Thành-lãnh tụ khởi nghĩa chống Pháp ở Bảy Thưa, Láng Linh 1867-1873), ông Tăng Chủ (người được Đoàn Minh Huyên giao cho nhiệm vụ trông coi trại ruộng Thới Sơn), ông Đình Tây (Bùi Văn Tây, một người có tinh thần chống Pháp tích cực), ông Đạo Xuyến (Nguyễn Văn Xuyến), ông Đạo Lập, ông Đạo Sỹ, ông Đạo Thắng (Nguyễn Văn Thắng), ông Đạo Chợ, ông Đạo Đọt, ông Nguyễn Đa (Cử Đa, một người giàu lòng yêu nước, tích cực chống Pháp)... Hầu hết họ là những người quê ở An Giang và các tỉnh miền Tây Nam Bộ. họ không chỉ giúp Đoàn Minh Huyên trong việc khai phá đất mới, xây dựng trại ruộng, chùa chiền, mà còn là những người truyền đạo Bửu Sơn Kỳ Hương một cách tích cực, rộng khắp Đồng bằng sông Cửu Long.

Những ngôi chùa Bửu Sơn Kỳ Hương không bài trí một hình ảnh hay cốt tượng Phật giáo nào, chỉ cho thờ một tấm vải màu đỏ, gọi là Trần Điều, treo trước tường chính điện. Bàn thờ bày hoa, nước lã, nhang đèn, không có chuông, mõ... Tấm Trần Điều được hiểu là tiêu biểu cho tấm lòng từ bi, bác ái, đoàn kết, yêu mến đồng bào, nhân loại... Trong chùa cũng không có hình bóng màu áo tu sỹ nhà Phật (người quản tự mặc áo quần đen), không có tiếng tụng kinh, gõ mõ. Mọi người, từ đại đệ tử đến tín đồ đều được tự do để tóc, để râu, không bị kiêng cấm việc dựng vợ gả chồng. Tất cả đều có gia đình riêng và tự làm ăn sinh sống.

Theo Đoàn Minh Huyên, muốn được dự Hội Long Hoa, mỗi người phải loại trừ cái xấu, vượt lên trên bằng cách thực hiện tu nhân học Phật. Tu nhân được cắt nghĩa là rèn sửa tâm tính, làm lành lánh dữ để tích đức. Tu nhân, trước nhằm đem con người trở lại đường thiện, nẻo ngay, sống đúng với đạo làm người đối với gia đình, xã hội, phù hợp với luân thường đạo lý, theo tiêu chuẩn nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Muốn tu nhân phải thực hiện Tứ đại trọng ân, tức coi trọng việc thực hiện đền trả bốn ân lớn. Đó là ân tổ tiên cha mẹ, ân đất nước, ân Tam bảo (Phật, Pháp, Tăng) và ân đồng bào, nhân loại. Theo Phật Thầy Đoàn Minh Huyên: muốn tròn cái đạo làm người thì không ai không có bổn phận đền đáp bốn cái ơn ấy, vì đó là căn bản của cả cái đạo làm người, là nấc thang thứ nhất đưa con người tiến trên đường đạo hạnh. Tứ đại trọng ân là nền tảng đạo lý của đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, chi phối tư tưởng, đời sống của tín đồ theo yêu cầu của tôn giáo này.

Học Phật là niệm Phật, tức trì niệm danh hiệu Phật-A-di-Đà, không phải khó nhọc nhiều công gì là đã có thể được vãng sanh, được về cõi Tây phương cực lạc. Phật Thầy Tây An không thuyết giáo nhiều và không đặt nặng vấn đề học Phật đối với tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương-thực tế cho thấy tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương chỉ chú trọng tứ đại trọng ân (đền trả bốn ơn) và trì niệm danh niệm Phật A-Di-Đà. Học Phật tức là noi gương theo đức Phật mà thôi...

Tất cả tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương đều không phải ly gia cát ái, không phải ăn chay trường. Họ được xem là cư sỹ tại gia. Phật Thầy dạy cho tín đồ nghi thức thờ cúng tại nhà như sau: Trong nhà, ngoài bàn thờ Tổ tiên, ông bà, cha mẹ còn có ngôi Tam bảo, trên chỉ bài trí một tấm Trần Điều, hương hoa, nườc lã, giống như ở chùa Bửu Sơn Kỳ Hương. Như vậy, gia đình tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương chỉ có hai bàn thờ, đó là bàn thờ tổ tiên, ông bà, cha mẹ và bàn thờ Tam Bảo…

Mục đích cuối cùng của việc tu nhân là để được dự Hội Long Hoa-Đại hội để chọn người hiền đức, hầu tạo dựng xã hội mới an lạc, sau đó tiếp tục học đạo để trở lại cứu vớt cuộc đời trần thế. Về mặt xã hội, nội dung của tu nhân học Phật, mà cốt lõi là lý thuyết Tứ Ân, đặc biệt ân đất nước, được Đoàn Minh Huyên nhấn mạnh, rất có ý nghĩa trong công việc bảo vệ độc lập dân tộc trong hoàn cảnh thực dân Pháp đánh chiếm các tỉnh Nam Bộ. Bởi vậy, không phải ngẫu nhiên chúng ta thấy các đại đệ tử của Bửu Sơn Kỳ Hương đều là những lãnh tụ của các cuộc khởi nghĩa chống Pháp ở miền Tây Nam Bộ nửa cuối thế kỷ XIX... Họ tham gia kháng chiến chống Pháp với khẩu hiệu hết sức rõ ràng, có sức lay động mọi tầng lớp nhân dân bấy giờ là: đền trả ân đất nước, giữ gìn truyền thống tổ tiên, báo đáp công ơn ông bà, cha mẹ đã gầy dựng giang sơn...

Hiện nay, đạo Bửu Sơn Kỳ Hương có khoảng vài chục ngàn tín đồ với nhiều cơ sở thờ tự (vẫn giữ được truyền thống như thời kỳ đầu) ở vùng Bảy Núi, An Giang và một số tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long...

Đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa

Trong thời gian tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương ở vùng Bảy Thưa-Láng Linh đang chuẩn bị và thực hiện cuộc khởi nghĩa chống Pháp (1867), do người đứng đầu tôn giáo của họ là Trần Văn Thành lãnh đạo, thì ở vùng Châu Đốc (An Giang) dân chúng xôn xao về một người vừa được giáng thế, truyền đạo cứu đời. Người ấy có tên là Ngô Lợi (1831-1890) và tôn giáo do ông truyền dạy đó, sau này, được gọi là đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa hoặc gọi tắt theo cách của người Nam Bộ là đạo Hiếu Nghĩa.

Ngô Lợi vừa khuyên người đời tu niệm, vừa chữa bệnh (dịch) cho mọi người theo phương pháp như trước đây Đoàn Minh Huyên đã làm: cho bệnh nhân uống nước lã, giấy vàng vẽ bùa và có thêm niệm thần chú. Ông đã cứu sống được nhiều người, danh tiếng vang dội khắp nơi, thu hút hàng ngàn người tìm đến ông để chữa bệnh và học đạo.

Tháng 5 năm 1867, Ngô Lợi chính thức khai đạo và dạy nghi thức hành đạo cho nông dân. Đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa lúc mới ra đời chưa có tên gọi chính thức. Nhiều người theo ông học đạo, hay gia nhập tôn giáo của ông, hỏi danh xưng của đạo là gì? Ông đáp vắn tắt là Đạo Thờ Ông Bà, đúng như tinh thần đạo lý đã truyền giảng. Sau này, khoảng năm 1870 trở đi, tôn giáo do Ngô Lợi sáng lập mới được gọi là Tứ Ân Hiếu Nghĩa (cũng có tài liệu nói danh xưng này chỉ xuất hiện khi thực dân Pháp bắt xưng danh mối đạo để tiện việc kiểm tra sau khi Ngô Lợi đã mất, 1890). Các tên gọi của đạo phản ánh nội dung hành xử của giáo lý. Đạo Thờ Ông Bà là nhằm chỉ một trong những đối tượng quan trọng nhất của nghi thức thờ cúng, đồng thời cũng nhấn mạnh tinh thần “hiếu nghĩa” đối với tổ tiên của những người theo tôn giáo này. Trong Kinh Hiếu Nghĩa, phần Phụng bái Bác Như Lai, Ngô Lợi viết: “Hiếu Nghĩa là đầu mối của tứ ân, thực hành được hiếu nghĩa (theo tinh thần của kinh này), thì đền trả được ơn tổ tiên, cha mẹ, đất nước, đồng bào, nhân loại và tam bảo... công đức của đạo Hiếu thật là rộng lớn”. Như vậy, tên gọi đạo Hiếu Nghĩa đã phản ánh cứu cánh quan trọng của tôn giáo này... Không giống với các tôn giáo khác, tên gọi thường gắn với đấng sáng lập, hay đức tin, hoặc địa điểm ra đời. Tứ Ân Hiếu Nghĩa là tên gọi bao hàm chỉ mục đích và nội dung hành đạo mà chỉ mới nghe qua tên gọi người chưa biết về giáo lý của đạo cũng đã phần nào hình dung đây là một tôn giáo chú trọng đạo hiếu, đền trả ơn nghĩa tổ tiên, ông bà...

Tháng Giêng năm Nhâm Thân (1872), Ngô Lợi cùng rất nhiều tín đồ dùng thuyền ngược dòng Cửu Long đến xã An Lộc, tổng An Lương, An Giang truyền giảng giáo pháp. Đến tháng 7, ông đã xây cất ngôi chùa Tứ Ân Hiếu Nghĩa đầu tiên tại xã Bình Long. Từ đây, Ngô Lợi mở rộng việc truyền đạo ra khắp vùng (sang cù lao Ba, xã Vĩnh Thành nay là Vĩnh Trường, An Phú; ngược miền Thất Sơn). Đầu năm 1876, Đức Bổn Sư Ngô Lợi đã cử một đại đệ tử trung tín là Trần Tịnh đi thám sát núi Tượng, chọn địa điểm thuận tiện để đưa tín đồ vào đây khai hoang lập ấp, xây dựng cuộc sống ổn định. Sau khi công việc tiền trạm đạt kết quả, Ngô Lợi đã dẫn nhiều tín đồ vào núi Tượng “trảm thảo khai sơn”, xây dựng xóm làng, hình thành các làng mới An Định, An Hòa, An Thành, An Lập với 100% dân chúng là tín đồ Tứ Ân Hiếu Nghĩa[1]. Ông khuyên tín đồ phải tự lực, siêng năng khai mở đất đai, trồng tỉa nuôi thân, đốn cây rừng, lấy đá núi cất nhà mà ở, cùng chung sức giúp đỡ nhau làm ăn, sinh sống và tu niệm. Dân chúng khắp nơi không quản ngại xa xôi, khó khăn gian khổ đã tụ họp về đây rất đông, nhà cửa mới cất lên san sát như “bánh ếch sắp trên sàng” (theo cách gọi trong các tài liệu của người Pháp lúc ấy). Để có nơi thờ phượng, lễ bái trong thời gian đầu đến núi Tượng, Ngô Lợi đã cho dựng tạm một ngôi chùa tại vị trí của ngôi Phi Lai hiện nay (thị trấn Ba Chúc). Cuối năm 1877, khi cuộc sống tín đồ tạm ổn định bước đầu, Ngô Lợi đã bắt tay vào việc xây dựng một ngôi đình và một ngôi chùa. Đó là đình làng An Định thờ trăm quan cựu thần, anh hùng liệt sĩ và phía sau, nối tiếp với đình là chùa Phi Lai. Chùa Phi Lai, bên trong thờ Trần Điều ở chính điện, Tứ Đại Thần Châu xung quanh bàn thờ Chư Phật, hai bên tả hữu thờ các vị Tiền hiền, Hậu hiền... Trong quá trình ổn định cuộc sống của tín đồ tới khai hoang núi Tượng xây dựng chùa miếu, thực hành nghi lễ... Ngô Lợi còn đẩy mạnh việc truyền đạo rộng rãi ở vùng Thất Sơn và lân cận. Ông đến kênh Vĩnh Tế, qua Giang Thành (nay là Vĩnh Điều, Hà Tiên, Kiên Giang)... truyền đạo, thu nhận tín đồ. Số tín đồ ở đây tin theo ông rất đông. Cho đến trước khi Ngô Lợi mất (1890), chỉ riêng bốn làng đạo vùng núi Tượng ông đã xây dựng hoàn thành 12 ngôi đình, chùa, miếu khá quy mô để làm nơi thờ tự của bổn đạo. Nhiều cơ sở thờ tự đó hiện nay đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa.

Những người theo đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa tin rằng thời kỳ Đức Bổn sư giáng thế, truyền đạo, loài người đang bước vào giai đoạn cuối của đời Hạ Nguyên-giai đoạn khổ cực, điêu linh, loạn lạc vì bệnh tật, chiến tranh và bất công đang làm xã hội suy đồi. Hạ Nguyên mạt pháp sẽ mãn bằng Hội Long Hoa với sự xuất hiện của Phật Di Lặc. Hội Long Hoa được mở ra để cứu độ người hiền, tiêu diệt kẻ ác, theo tinh thần: Hạ Nguyên nay đã hết rồi, Minh Hoàng cầu Phật lập đời Thượng Nguyên. Quan điểm này được kế thừa và vận dụng từ đạo Phật cũng như một số tôn giáo khác ra đời trước nhưng có sức lay động lòng tin của dân chúng vì nó được nhấn mạnh và đề cao vào đúng thời kỳ đen tối của xã hội Nam Bộ lúc ấy.

Điều mới mẻ trong quan niệm (được kế thừa từ Bửu Sơn Kỳ Hương) của người sáng lập và tín đồ đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa là lòng tin về Hội Long Hoa do Phật Di Lặc khai mở vào một ngày gần kề không diễn ra ở một nơi nào khác trên thế giới mà ngay tại núi Cấm-Thất Sơn, Nam Bộ-Việt Nam.

Như vậy, đức tin của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa kế thừa từ căn bản đức tin của đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, vốn được tiếp thu từ Phật giáo. Nhưng tuyệt nhiên không đề cập tới cõi Niết bàn như đạo Phật. Hội Long Hoa được nói đến như là một cái đích và cũng là cái mốc của sự đổi đời...

Tôn chỉ của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa là “tu nhân học Phật” cho cư sỹ tại gia. Mọi người theo đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, không phân biệt chức sắc, ngôi thứ, hay đảm nhận bất cứ một trọng trách nào của bổn đạo đều không bị kiêng cấm trong làm ăn và sinh hoạt đời thường. Đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa xem việc hạn chế sát sinh đặc biệt là việc cữ ăn 12 con giáp như một thành tựu trên bước đường tu thân. Những người theo đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa cho rằng mỗi một con người đều “cầm tinh” một trong 12 con giáp. Vì vậy nếu ăn thịt (dùng bữa) có một trong 12 con giáp nói trên tức là đã ăn đồng loại của mình (có thể hiểu tượng trưng là đã ăn linh hồn của đồng loại).

Đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa cho rằng đạo Phật, đạo Nho và đạo Lão có cùng một nguồn gốc. Do đó, yêu cầu tín đồ kính trọng chung tam giáo: Phật-Thánh-Tiên. Tinh thần ấy được biểu hiện trong thực tiễn: “Cúng dường trì niệm theo hình thức Phật giáo. Lễ nghi, học vấn, văn tự theo hình thức Nho giáo. Rèn luyện tinh, khí, thần theo hình thức Lão giáo”. Điều này thể hiện rõ nét trong cách tu học, luyện tập của những người theo đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa.

Tôn chỉ đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa dành cho mọi người tự nguyện nhập đạo, không phân biệt giữa ông Trò, ông Gánh, thông tín, cư sỹ, người hộ tự (trông coi, thực hiện nghi lễ tại chùa Tứ Ân Hiếu Nghĩa) hay tín đồ. Tất cả phải thực hiện đầy đủ các nguyên tắc, cách thức hành đạo, các lễ nghi, cúng bái tại chùa, miếu, Tam bửu gia và tại nhà riêng do người lập đạo truyền dạy và quy định.

Tóm lại, có thể khái quát tôn chỉ của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa trong bốn chữ Tu Nhân Học Phật để so sánh sự khác biệt với đạo Phật-vốn lấy Hư Vô, và đạo Lão-vốn lấy Thanh Tịnh Tự Nhiên, làm tôn chỉ. Tôn chỉ của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa cũng có một số điểm cụ thể khác hẳn với Bửu Sơn Kỳ Hương: chẳng hạn ở việc cữ ăn thịt 12 con giáp, ở tinh thần kính trọng chung tam giáo, cũng như những quy định chặt chẽ, có tính bắt buộc trong nghi thức cúng lễ ở chùa, miếu, Tam bửu gia[2]... là những điểm mà Bửu Sơn Kỳ Hương không có. So với học Phật của Bửu Sơn Kỳ Hương do Đoàn Minh Huyên truyền dạy thì học Phật của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa có nhiều điểm mới. Tín đồ đạo Bửu Sơn Kỳ Hương với học Phật chỉ cần niệm danh hiệu Phật A di đà là đủ, trong khi tín đồ Tứ Ân Hiếu Nghĩa ngoài việc tưởng niệm danh hiệu đó còn thực hiện việc đánh chuông, gõ mõ, lần pháp trường (xâu chuỗi) và trì niệm kinh chú do Đức Bổn Sư Ngô Lợi soạn ra. Trong khi đó thinh, âm, sắc, tướng là những điều Phật Thầy Tây An bài bỏ…

Nội dung căn bản chỉ đạo hành động (tức nguyên lý) của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa cũng giống như Bửu Sơn Kỳ Hương là Tu nhân Học Phật. Tuy nhiên, so với Bửu Sơn Kỳ Hương, tu nhân học Phật của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa được phát triển ở nhiều khía cạnh, cụ thể hóa hơn và cũng có những điểm tương phản. Nguyên lý tu nhân học Phật trình bày không thành hệ thống nhưng thể hiện rõ trong các sách kinh sách, sấm vãn Ngũ giáo và lưu truyền rộng rãi trong tín đồ, được xem là lời giáo huấn của Đức Bổn Sư Ngô Lợi...

Theo Đức Bổn sư, sở dĩ tín đồ Tứ Ân Hiếu Nghĩa hay con người nói chung phải tu nhân vì có trau dồi được đạo đức làm người thì mới có thể làm tốt được mọi việc, sống tốt với mọi người-cả người sống lẫn người đã khuất, có ích cho đất nước, cho xã hội và cho nhân loại nói chung. Hơn nữa đã nhập đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa tức là phải học Phật. Muốn học Phật thì phải tu nhân: “Nhân đạo bất tu, tiên đạo viễn hỷ” (muốn tu đạo Tiên trước hết phải trau dồi đạo làm người, không làm trọn bổn phận con người thì khó mong thành tiên được). Muốn tu nhân phải thực hiện Tứ đại trọng ân là ân cha mẹ, ân đất nước, ân Tam bảo và ân đồng bào nhân loại.

Đức Bổn sư lưu ý với tín đồ câu nói của người xưa “Thiên kinh vạn điển hiếu nghĩa vi tiên” (muôn ngàn sách vở đều dạy nghĩa thảo làm đầu). Trong Hiếu Nghĩa kinh, quyển Hạ, ông viết (đại ý): con người ta do sự phối hợp âm dương của cha mẹ mà sinh ra. Do đó, công ơn của cha mẹ rộng lớn như trời đất ta phải lo đền ơn cao nghĩa dày ấy. Làm được như thế mới đúng là tu nhân, mới xứng đáng đạo làm người. Và, có được trọn đạo làm người mới nói đến chuyện học được đạo cao xa hơn. Mặt khác, khi biết ơn cha mẹ đã sinh ra ta, nuôi dưỡng ta nên người thì cũng phải biết ơn ông bà, tổ tiên là những người ở thế hệ trước đã sinh ra cha mẹ ta. Để trả được ơn cha mẹ, ông bà tổ tiên, trước hết phải làm tròn bổn phận làm người, làm những điều tốt đẹp để cha mẹ vui và tự hào về mình. Tránh làm những điều xấu ảnh hưởng đến tổ tông. Đền ơn cha mẹ, tổ tiên còn phải biết hy sinh vì đạo nghĩa, biết chăm lo cúng kiến tổ đường. Đức Bổn Sư cũng lưu ý là: “Song thân ân lớn bằng trời/ Làm con lo trả biết đời nào xong”

Chính quan niệm không ly gia cát ái và lấy hiếu nghĩa với cha mẹ làm đầu của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa đã rất phù hợp, thích ứng với quan niệm “Tu đâu cho bằng tu nhà, thờ cha kính mẹ hơn là đi tu”“Vô chùa thấy Phật muốn tu, về nhà thấy mẹ công phu chưa đành” của người Nam Bộ. Dân tộc Việt Nam vốn xem đạo hiếu là giềng mối của đạo nhân, là sợi dây truyền thống của các thế hệ. Đó là một truyền thống tốt đẹp. Với Tứ Ân Hiếu Nghĩa đặt hiếu nghĩa làm đầu trong “tứ ân” cũng không ngoài sự kế thừa truyền thống đó.

Nho giáo có câu “Hiếu giả bách hạng chi tiên” (Tăng Tử, có nghĩa là đạo hiếu đứng đầu trong trăm hạng tốt), hoặc lấy chuyện Nhị thập tứ hiếu làm điều răn dạy sự hiếu thảo với cha mẹ. Phật giáo cũng nói: Thờ cha mẹ chẳng ra gì, dù hằng ngày ăn chay niệm Phật cũng vô ích. Trong mười điều răn của Đức Chúa Trời, điều thứ tư dạy rằng: Làm con phải thảo kính cha mẹ...

Như vậy, ân tổ tiên, cha mẹ-ân đầu tiên trong Tứ Ân Hiếu Nghĩa là một đức tính tốt đẹp của dân tộc, của nhiều tôn giáo, được chỉ định như một bài học bắt buộc trước hết cho tín đồ Tứ Ân Hiếu Nghĩa...

Đối với Ân đất nước, đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa cho rằng trong gia đình có làm được một người con hiếu thảo với tổ tiên, ông bà, cha mẹ thì ra ngoài xã hội mới mong làm được một con người có ích cho đất nước. Mặt khác, tổ tiên, ông bà, cha mẹ và bản thân chúng ta, ai cũng có quê hương đất nước. Do đó, muốn đền ơn đất nước phải có bổn phận bảo vệ đất nước khi giặc ngoài xâm lăng, giày xéo, phải góp sức xây dựng quê hương xứ sở cường thịnh. Đền ơn đất nước cũng chính là giúp ích cho gia đình, bản thân. Vì đất nước giàu mạnh thì bản thân mới được ấm no. Trong cuộc sống cần tránh sơ suất làm cho đất nước nghèo khổ hay tiếp tay cho ngoại xâm làm tổn hại đến đất nước, dân tộc[3]...

Tháng 9 năm 2006, đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa được Nhà nước công nhận là một tổ chức tôn giáo. Hiện nay, đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa có trên 80.000 tín đồ tại 16 tỉnh thành trong cả nước với 74 cơ sở thờ tự (12 tỉnh thành có cơ sở thờ tự). Tín đồ Tứ Ân Hiếu Nghĩa chủ yếu sống ở An Giang, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, một số ở Đồng Nai và các tỉnh duyên hải nam Trung Bộ.

Đình, chùa, miếu, Tam bửu gia… đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa thờ rất nhiều đối tượng (chỉ có bàn thờ, tuyệt đối không có tượng, ảnh). Mỗi cơ sở thờ tự có hàng chục bàn thờ. Nhưng dù đình, chùa, miếu hay Tam bửu gia tùy theo mục đích mà có những đối tượng thờ cúng khác nhau thì tất cả các cơ sở thờ tự của đạo (đình, chùa, miếu, Tam bửu gia) đều có rất nhiều bàn liên quan đến tổ tiên, ông bà, anh hùng dân tộc… được đặt ở vị trí trang trọng, như bàn thờ Tiền hiền, Hậu hiền, bàn thờ Cửu huyền bá tánh, bàn thờ Cửu huyền thất tổ, bàn thờ Chư vị, bàn thờ trăm quan đằng cựu, anh hùng liệt sỹ hy sinh vì nước…

Trong nghi thức hành lễ tại các cơ sở thờ tự cũng như ở nhà bàn thờ tổ tiên, ông bà luôn được dâng những lễ vật quý và thực hiện những nghi thức trang trọng.

Nói chung, đối với đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, tổ tiên ông bà là một đối tượng quan trọng của tín ngưỡng xuyên suốt trong quan niệm đạo lý cũng như trong hành lễ (theo nghi thức tôn giáo).

Phật giáo Hòa Hảo

Năm 1939, Đức Huỳnh Phú Sổ khai sáng đạo Hòa Hảo tại làng Hòa Hảo (nay là thị trấn Phú Mỹ, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) với nhiệm vụ truyền bá tư tưởng Bửu Sơn Kỳ Hương do Phật Thầy Tây An khởi xướng 90 năm trước.

Về mặt giáo lý, đạo Hòa Hảo tiếp thu căn bản giáo lý Học Phật, Tu Nhân của Bửu Sơn Kỳ Hương. Kinh sách của Đức Huỳnh Giáo chủ nói rằng: đạo Phật từ xưa đến nay luôn phân hai hạng người: xuất gia và tại gia. Xuất gia là nhà sư, ni cô đã hoàn toàn li khai với gia đình, quê hương, bạn bè và dựa vào cửa thiền để lo kinh kệ, trau luyện đức lành, không còn thiết đến việc đời… Còn hạng người tại gia gồm tất cả thiện nam, tín nữ chưa đủ điều kiện xuất gia, vì cảm thấy mình còn nặng nợ với Tổ quốc, với gia đình, với đồng bào xã hội nên chưa thể làm như nhà sư và ni cô. Tuy vậy họ cũng sẵn sàng hoan nghinh ca tụng lý tưởng từ bi, bác ái đại đồng của nhà Phật. Cho nên dù ở tại nhà họ thờ phượng Phật, phát nguyện quy y, giữ gìn ít điều luật giới, sửa tánh, răn lòng… dần dần cũng lên con đường giải thoát. Tu tại gia như vậy là thực hiện Học Phật Tu Nhân, lo tròn câu hiếu nghĩa. Và muốn làm xong hiếu nghĩa, có bốn điều ân phải hy sinh, thật nhiều cố gắng mới mong làm tròn. Đó là đền trả ân Tổ tiên cha mẹ; đất nước; Tam bảo; đồng bào và nhân loại. Quan niệm về “tứ ân” và đền trả “tứ ân” của Hòa Hảo cũng tương tự Bửu Sơn Kỳ Hương và Tứ Ân Hiếu Nghĩa. “Luận về tam nghiệp” giáo lý Hòa Hảo dạy: con người sinh ra, dù muốn hay không cũng phải chịu chi phối của Đạo. Đạo của con người là “Đạo Nhân”-một con đường mà nếu đi đúng thì sống, bước trật tất chết. Muốn làm tròn Nhân Đạo phải giữ vẹn “tứ ân”, nhưng trước hết phải tránh “tam nghiệp” (thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp) và chừa “thập ác” (sát sanh, đạo tặc, tà dâm, lưỡng thiệt, ý ngôn, ác khẩu, vọng ngữ, tham lam, sân nộ, mê si). Sự tiến bộ của cư sĩ Hòa Hảo đòi hỏi phải hành luôn Đạo Bát Chánh (Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh nghiệp, Chánh tin tấn, Chánh mạng, Chánh ngữ, Chánh niệm, Chánh định)[4]

Tín đồ Hòa Hảo là cư sĩ tại gia. Việc đi lễ chùa chỉ được thực hiện trong những dịp lễ trọng, như: lễ khai đạo (18-5 âl), lễ Vía Phật Thầy Tây An (12-8 âl), lễ sinh nhật giáo chủ Huỳnh Phú Sổ (25-11 âl), lễ Phật thành đạo (8-12 âl)…

Đạo Hòa Hảo không thờ hình tượng. Đức Huỳnh giáo chủ chủ trương thờ phượng đơn giản cho lòng tin tưởng trở lại tâm hồn hơn là sự hào nhoáng bên ngoài. Nơi thờ tự bày biện đơn giản, “sự tu hành cốt ở chỗ trau tâm trỉa tánh hơn là do lễ bái ở ngoài”[5]. Trên bàn thờ gia đình Hòa Hảo chỉ có tấm Trần Dà (màu đà, là màu kết hợp của tất cả các màu khác-tượng trưng cho sự hòa hiệp, là màu biểu hiện của sự thoát tục, tiêu biểu cho tinh thần vô thượng của nhà Phật)[6], lư hương. Trước sân nhà có bàn thờ Thông thiên, trên chỉ có lư hương, chung nước. Vật phẩm dâng trong lễ cúng cũng chỉ có nước lạnh (tiêu biểu cho sự trong sạch), bông hoa (tiêu biểu cho sự tinh khiết) và nhang (dùng tẩy mùi uế trược). Đối với bàn thờ tổ tiên ông bà vào các ngày lễ hiếu dâng cúng món gì cũng được, không quy định.

Những người theo đạo Hòa Hảo chỉ thờ lạy đức Phật, tổ tiên, ông bà, cha mẹ và các anh hùng cứu quốc, không thờ tà thần nào nếu không rõ căn tích. Bàn thờ trong nhà và bàn thờ Thông thiên được thắp đèn sáng suốt đêm.

Khi cúng lạy trước bàn thờ tổ tiên, ông bà, tín đồ Hòa Hảo niệm hương: “cúi kính dâng hương trước cửu huyền/ Cầu trên Thất tổ chứng lòng thành/ Nay con tỉnh ngộ quy y Phật/ Chí dốc tu hiền tạo phước duyên/ Cúi đầu lạy tạ tổ tông/ Báo ơn sanh dưỡng dày công nhọc nhằn/ Rày con xin giữ đạo hằng/ Tu cầu Tổ tông siêu thăng Phật đài/ Nguyện làm cho đẹp mặt mày/ Thoát nơi khổ hải Liên đài được lên/ Mong nhờ đức cả bề trên/ Độ con yên ổn vững bền cội tu”. Tiếp đến nguyện hương trước bàn thờ Phật (Tam bảo), tín đồ xin Phật Tổ, Phật Thầy, quan Thượng Đẳng Đại thần, chư quan cựu thần, chư vị sơn thần, chư vị năm non bảy núi cảm ứng chứng minh cho sự ăn năn hối cải, làm lành lánh dữ… Sau đó tín đồ ra bàn thờ Thông thiên cũng cầu nguyện với tinh thần đó. Lời cầu nguyện của tín đồ Hòa Hảo thể hiện rõ tinh thần trọng ân, đạo lý với tổ tiên ông bà được đặt lên hàng đầu, vừa thể hiện sự điều chỉnh cá nhân trong cuộc sống hàng ngày, vừa bày tỏ tri ân tổ tiên ông bà, đó cũng là nâng thang đầu tiên của “tu hiền” để học Phật (học phẩm hạnh, trí tuệ của Phật tổ để đạt chân thiện mỹ, “tứ vô lượng tâm” của Phật).

Trong cuộc sống, những người theo đạo Hòa Hảo quan tâm giúp đỡ người nghèo. Họ quan niệm dùng tiền giúp người có hoàn cảnh khó khăn hơn là để xây dựng chùa chiền, tổ chức lễ hội, tang chế, hôn nhân tốn kém.

Hiện nay, trong cả nước có khoảng 2 triệu tín đồ, nhưng chỉ có 39 cơ sở thờ tự. Chủ trương tu tại gia và tu tại tâm (Phật tại tâm, tâm tức Phật) của tín đồ Hòa Hảo với tiêu chí đền trả ơn đất nước, ơn tổ tiên cha mẹ… không những giúp tôn giáo này giữ được tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên truyền thống mà hơn thế đã nâng tinh thần đó thành giáo thuyết tôn giáo.

*

Những nét cơ bản trên cho chúng ta thấy các tôn giáo nội sinh vùng Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều điểm giống nhau nhưng cũng có những nét khác nhau trong quan niệm đạo lý, cách thức hành đạo, đối tượng tín ngưỡng, cách bài trí bàn thờ, thực hành nghi lễ… Sự phát triển của tôn giáo nội sinh vùng Đồng bằng sông Cửu Long khởi đầu với sự ra đời của Bửu Sơn Kỳ Hương, phát triển tiếp theo ở Tứ Ân Hiếu Nghĩa và trở lại ở một bước phát triển mới với sự xuất hiện của Hỏa Hảo trong vòng 90 năm tính từ khi Bửu Sơn Kỳ Hương khai đạo. Mặc dù có sự kế thừa, phát triển với nhiều điểm tương đồng, nhưng danh xưng mối đạo khác nhau, các cộng đồng tín đồ không có mối liên hệ với nhau về mặt tôn giáo, do đó sự tồn tại của Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa và Hòa Hảo hoàn toàn độc lập. Điểm giống nhau từ quan niệm cho đến thực hiện nghi lễ, vị trí của đối tượng tôn thờ trong cả ba tôn giáo nội sinh nói trên đó là tổ tiên, ông bà. Đền đáp tổ tiên, ông bà chi phối toàn bộ đường lối tu đạo và hành động thực tiễn; xuyên suốt quá trình phát triển của các tôn giáo nội sinh vùng Đồng bằng sông Cửu Long-trong bối cảnh đất nước chìm đắm trong ách nô lệ thực dân, buộc họ phải cầm vũ khí, tổ chức chống lại xâm lược của ngoại bang. Đó cũng là một lý do giải thích vì sao trong nhiều thời kỳ các tôn giáo này cũng đồng thời là tổ chức tôn giáo-chính trị…








[1] Ngày 17-10-2003, Chính phủ ban hành Nghị định số 119/2003/NĐ-CP về việc điều chỉnh địa giới thành phố, xã, thị trấn trong đó có việc thành lập thị trấn Ba Chúc thuộc huyện Tri Tôn, An Giang với bốn làng trên. Như vậy, vùng đất xa xôi, vốn rất hoang vu được Ngô Lợi tổ chức khẩn hoang, lập làng cuối thế kỷ XIX sau hơn 100 năm phát triển đã trở thành một thị trấn.

[2] Tam bửu gia là nhà thờ của dòng họ nhưng cũng là nơi thờ cúng của một gánh đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa theo tinh thần “Làng (đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa) có Tam bửu tự, gánh (họ) có Tam bửu gia”. Tam bửu gia thể hiện mối liên kết đồng đạo của những tín đồ cùng một gánh, đồng thời cũng thể hiện mối liên kết dòng họ của Trưởng gánh đạo. Chức Trưởng gánh đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa cũng được cha truyền con nối (xem thêm: Đinh Văn Hạnh, Đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa của người Việt ở Nam Bộ, 1867-1975, NXB Trẻ, thành phố Hồ Chí Minh, 1999).

[3] Cũng xin nói thêm: đạo Phật quan niệm Tứ Ân (hay còn gọi là Tứ trọng ân) là bốn ơn: cha mẹ (phụ mẫu), chúng sinh, vua trong nước (quốc vương thủy thổ) và tam bảo. Thực ra, khái niệm Tứ đại trọng ân của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa không đơn thuần chỉ là sự cụ thể hóa và Việt hóa khái niệm “tứ trọng ân” của Phật giáo. Ở đây còn có sự nâng cao về chất trong mục đích của việc đền trả tứ ân, đó là chưa nói đến thứ tự quan trọng của từng “ân” không giống nhau giữa Phật giáo và Tứ Ân Hiếu Nghĩa (đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa đề cao ân đất nước ở vị trí thứ hai). Mục đích của ân cha mẹ (phụ mẫu) trong Phật giáo là cầu cho cha mẹ mau thoát khỏi vòng sinh tử, của ân chúng sinh là cầu cho tất cả đều được giải thoát, của ân quốc vương thủy thổ là để độ cho vua chúa, của ân tam bảo là để cho chính bản thân sẽ được giải thoát. Trái lại, mục đích của việc đền trả Tứ ân của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa không nhằm vào việc giải thoát hay đắc quả như đạo Phật mà nhằm vào những nhu cầu thực tiễn cuộc sống đời thường hằng ngày luôn đòi hỏi ở đạo lý của con người-hướng vào cuộc sống, nhập thế, chứ không xuất thế. Điều này đáp ứng được hoàn cảnh lịch sử cụ thể bấy giờ, đồng thời cũng phù hợp với bản sắc văn hóa và tiêu chuẩn đạo đức của người dân Nam Bộ.

[4] Theo Tôn chỉ hành đạo Phật giáo Hòa Hảo của Đức huỳnh giáo chủ, NXB Tôn giáo, Hà Nội, 2010.

[5] Theo Tôn chỉ hành đạo Phật giáo Hòa Hảo của Đức huỳnh giáo chủ, sđd.

[6] Trên bàn thờ Bửu Sơn Kỳ Hương là tấm Trần Điều (màu đỏ), Huỳnh Phú Sổ chủ trương phát triển sự nghiệp Đoàn Minh Huyên nhưng đổi Trần Điều thành Trần Dà vì cho rằng: có nhiều kẻ thờ Trần Điều tự xưng cùng tông phái với Hòa Hảo nhưng “làm sái phép, sái với tôn chỉ của Đức Phật, nên toàn thể Đạo đổi lại màu dà” (Theo Tôn chỉ hành đạo Phật giáo Hòa Hảo của Đức huỳnh giáo chủ, sđd).