Thứ Hai, 14 tháng 5, 2012

BỜM ƠI LÀ BỜM






Bùi Công Thuấn
vnscl



1.”Bờm ơi là bờm !”

Có lần, tôi hí hửng đi chợ mua một miếng heo quay về ăn, gọi mừng món mới ngày lĩnh lương. Những tưởng thế nào cũng được người bạn đời khen, “ trời ơi! sao hôm nay anh đảm đang thế!”, và tôi sẽ ưỡn tấm ngực ra đầy tự hào:”Xưa nay anh vẫn đảm đang, ấy chứ lị”. Ai ngờ, nàng cầm miếng thịt lên nhìn và lắc đầu, “bờm ơi làm bờm! đàn ông đàn ang các anh đi chợ là dễ bị lừa lắm. Nó bán được cho anh chỗ này nó vừa mừng lại vừa cười vào mũi cho, bờm ạ!. Tôi ớ người ra, tôi bị nàng gọi là bờm, mà sao là bờm ? Tôi hỏi nàng, sao em bảo anh bờm? Nàng nói, chính câu hỏi của anh đã chỉ ra anh là thằng bờm thứ thiệt rồi chứ còn là sao nữa. “Bờm ơi là bờm! lại còn hỏi”. Tôi là thằng bờm, tôi là thắng bờm? thế nào là bờm ?

Tôi chợt nhớ đến bài ca dao.

Thằng Bờm có cái quạt mo

Phú ông xin đổi ba bò chín trâu

Bờm rằng Bờm chẳng lấy trâu

Phú ông xin đổi một xâu cá mè

Bờm rằng Bờm chẳng lấy mè

Phú ông xin đổi một bè gỗ lim

Bờm rằng Bờm chẳng lấy lim

Phú ông xin đổi con chim đồi mồi

Bờm rằng Bờm chẳng lấy mồi

Phú ông xin đổi nắm xôi Bờm cười

Bài ca dao giúp tôi hiểu Bờm là thằng khờ, là thật thà quá đến mức không biết tính toán lợi lộc gì cả. Ba bò chính trâu, ao sâu cá mè, bè gỗ lim không lấy, lại lấy nắm xôi! Vâng bờm là khờ, là quá thật thà, dưới mức trung bình của thói thường tình trong đời sống.

Tôi những tưởng rằng bài ca dao thằng bờm do nhân dân làm ra là để giải thích thuộc tính “bờm” của một loại người chất phác, thật thà, không biết tính toán lợi lộc cho mình. Nhưng khi đọc bài viết của Nguyễn Trọng Bình, Lê Tiến Dũng, Đỗ Minh Tuấn thì các tác giả “giải mã” ý nghĩa bài ca dao không phải là vậy. Nguyễn Trọng bình tổng kết ý kiến người đi trước và đưa ra các lý giải ý nghĩa bài ca dao như sau:

1.” Bài ca dao Thằng Bờm là tiếng cười châm biếm, đả kích những hạng người giàu có nhưng tham lam, ngu dốt và đặc biệt là rất hay khoe khoang, vênh váo, tự đắc, mình là số một trong thiên hạ – một dạng “trọc phú” hay “trưởng giả học làm sang” trong xã hội mà Đông Tây, kim, cổ đều có.

2. Bài ca dao Thằng Bờm phản ánh sự bất công trong xã hội. ..Tiếng cười của thằng Bờm ở cuối bài ca dao là tiếng cười để tác giả dân gian qua đó bộc lộ những khát vọng, những ước mơ chính đáng về một cuộc sống, một xã hội công bằng, dân chủ.

3 Bài ca dao thể hiện một triết lý nhân sinh có ý nghĩa muôn thuở của người xưa đó là: trong cuộc sống không phải anh có tiền, có của là anh muốn gì cũng được, mua gì cũng được, đổi gì cũng được, làm gì cũng được...

4 Bài ca dao Thằng Bờm khẳng định chiều sâu của vẻ đẹp trí tuệ và tư duy dân gian sâu sắc và độc đáo của người xưa: những kẻ mà trong cuộc sống tuy giàu về tiền bạc, của cải nhưng chưa chắc đã “giàu” về trí tuệ, ngược lại những người nghèo khó về tiền bạc nhưng có khi họ rất “giàu” về trí tuệ “(Kiến thức ngày nay, số 740,ngày 01/03/2011

2. Hạn chế của phương pháp phê bình.

Bây giờ thì tôi hoang mang thật sự, không còn biết ý nghĩa thực của bài ca dao là gì. Ý kiến của những nhà nghiên cứu trên có thật là chân lý của vấn đề hay không. Tôi mơ hồ rằng những kiến giải ấy nằm ngoài văn bản bài ca dao, điều này thúc giục tôi bước vào một cuộc truy tìm ý nghĩa khả tín mà nhân dân muốn gửi trong bài ca dao này

Nguyễn Trọng Bình cho rằng Phú Ông là kiểu người như Thạch Sùng, tự hào có mọi thứ, chỉ thiếu cái quạt mo. “Lão trọc phú đã huênh hoang cho rằng nhà ta “cái gì cũng có” nhưng khi thằng Bờm trưng ra “cái quạt mo” thì lão mới tá hỏa. Nếu “Thạch Sùng thiếu mẻ cá kho” thì tên Phú Ông này thiếu cái “cái quạt mo” cũng không có gì là lạ và khó hiểu.”(đd). Tôi đọc đi đọc lại bài ca dao, rõ ràng là trong văn bản bài ca dao trên tuyệt nhiên không có bất cứ một dấu chỉ nào, rằng nội dung cuộc trao đổi của thằng bờm với phú ông giống như cuộc trao đổi trong truyện Thạch Sùng. Tác giả bài viết đã tưởng tượng ra câu chuyện Thạch Sùng ngoài văn bản bài ca dao, hay nói cách khác tác giả đã áp đặt cái nghĩa chủ quan của mình cho văn bản mà bản thân văn bản không hề có. Vì thế, những suy diễn tiếp theo càng lạc xa ngoài văn bản hơn nữa. Ấy là, tác giả kết luận :“Bài ca dao Thằng Bờm là tiếng cười châm biếm, đả kích những hạng người giàu có nhưng tham lam, ngu dốt và đặc biệt là rất hay khoe khoang, vênh váo, tự đắc, mình là số một trong thiên hạ”.

Kết luận rằng :” Bài ca dao Thằng Bờm phản ánh sự bất công trong xã hội, bộc lộ những khát vọng, những ước mơ chính đáng về một cuộc sống, một xã hội công bằng, dân chủ.nghe như là tác giả đang nói về thằng bờm trong thời đại hôm nay, ước mơ xây dựng một nước Việt Nam XHCN văn minh, tiến bộ, công bằng, dân chủ, và giàu mạnh. Đọc bài ca dao, người đọc đều nhận rõ Bờm đâu có ước mơ gì. Tất cả những gì phú ông hứa đổi đều bị Bờm gạt phăng đi. Bờm đâu có mơ giàu có để công bằng với phú ông. Phú ông cũng không dùng quyền lực để tước đoạt quạt mo của thằng bờm. Trong tương quan xã hội, địa vị Bờm, vẫn ngang hàng với phú ông. Nó vẫn làm chủ tài sản của nó. Phú ông chẳng làm gì được.

Kết luận sau đây có lẽ là một ngẫu hứng lãng mạn không hơn không kém:” Bài ca dao Thằng Bờm khẳng định chiều sâu của vẻ đẹp trí tuệ và tư duy dân gian sâu sắc và độc đáo của người xưa: những kẻ mà trong cuộc sống tuy giàu về tiền bạc, của cải nhưng chưa chắc đã “giàu” về trí tuệ, ngược lại những người nghèo khó về tiền bạc nhưng có khi họ rất “giàu” về trí tuệ”(đd). Hóa ra tác giả ám chỉ thằng bờm là nhân vật trí tuệ, là người giàu có, còn phú ông mới là kẻ ngu dốt, nghèo nàn ! nếu được như vậy thì quả là phúc đức 10 đời cho thằng bờm. Hoan hô Bờm, hoan hô thằng Bờm rất giàu có về trí tuệ !!! (hoan hô người bạn đời đã mắng yêu tôi là Bờm! Hóa ra nàng khen tôi trí tuệ!)

Tôi không tin điều ấy, bởi đã là bờm thì làm gì có trí tuệ! Dân gian không ai gọi Bờm là người tuy nghèo về vật chất mà rất giàu có về trí tuệ cả. Bờm là bờm, là khờ khạo, thậm chí thiểu năng trước những người khôn ngoan.Thế thôi. Vậy do đâu lại có những giải mã như vậy. Tôi nhận ra rằng các tác giả đã áp dụng phương pháp phê bình MarxistPhản ánh luận của Lê Nin để phân tích bài ca dao. Đọc tác phẩm văn học bằng phương pháp này, người ta luôn tìm xem đâu là cuộc đấu tranh giai cấp được phản ánh trong tác phẩm, tìm xem ý nghĩa xã hội của tác phẩm là gì, và luôn đứng trên lập trường quần chúng, lập trường cách mạng để đánh giá tốt xấu, hay dở. Từ đó người ta gán cho phú ông là giai cấp địa chủ bóc lột muốn cướp đoạt hết thành quả lao động của người nông dân kể cả cái quạt mo là thứ chẳng có giá trị gì; Từ đó suy ra câu chuyện trong bài ca dao là cuộc đấu tranh giai cấp mà nhân dân là kẻ chiến thắng; cũng từ đó nói đến sự phản ánh sự bất công trong xã hội” phản ánh khát vọng về một cuộc sống, một xã hội công bằng, dân chủ. Những suy diễn như thế hoàn toàn là áp đặt chủ quan của tác giả, nằm ngoài ý nghĩa của chính văn bản bài ca dao.

3.Đâu là căn cốt của vấn đề ?

Bài ca dao này nói đến phú ông - thằng Bờm, nói đến trâu bò, ao cá, bè gỗ… chắc chắn nó đã ra đời trước khi chủ nghĩa Marx truyền vào Việt Nam. Như thế tác giả dân gian đâu có sáng tác theo quan điểm cách mạng, đâu có xây dựng nhân vật điển hình cho các giai cấp trong xã hội, đâu có miêu tả hoàn cảnh điển hình mà ở đó tập trung mâu thuẫn giai cấp, đâu có mở ra tương lai theo cách nhìn lãng mạn cách mạng. Bờm không đại diện cho một giai cấp nào trong xã hội Việt Nam. Cuộc đổi chác giữa bờm và phú ông không phải là một cuộc đấu tranh giai cấp, nó rất khác với “cảnh mua bán ở nhà Nghị Quế “ trong Tắt Đèn. Người ta không thể tìm thấy bất cứ yêu cầu nào của của chủ nghĩa Hiện Thực Xã Hội Chủ nghĩa trong bài ca dao này. Vì thế, làm gì có chuyện tố cáo giai cấp thống trị bóc lột, làm gì có “ai thắng ai ”. Rõ ràng phương pháp phê bình Marxist không phù hợp để phân tích bài ca dao này, đơn giản phương pháp này chỉ áp dụng cho các tác phẩm viết bằng phương pháp tả thực. Tức là những tác phẩm mà nhà văn hướng về hiện thực để sáng tác, tìm nhân vật, tìm cốt truyện, quan tâm đến những vấn đề xã hội. Nhà văn viết tác phẩm là để lên tiếng nói với hiện thực, để góp phần cải tạo xã hội. Nói như Sóng Hồng :“Dùng bút làm đòn chuyển xoay chế độ/ mỗi vần thơ bom đạn phá cường quyền” hay như Thạch Lam, “văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có , để vừa tố cáo vừa thay đổi một cái thế giới giả dối và tàn ác , vừa làm cho lòng người thêm trong sạch và phong phú hơn” . Bút pháp tả thực buộc nhà văn phải tuân thủ những quy luật vận động khách quan của hiện thực.

Bài ca dao Thằng Bờm được viết bằng bút pháp gì?

Tác giả dân gian thuật lại câu chuyện trao đổi giữa phú ông và thằng Bờm. Như vậy bài ca dao là một câu chuyện (phương thức tự sự), nhưng người thuật truyện đã tước bỏ hết không gian, thời gian, tước bỏ những chi tiết về nhân thân của nhân vật. Ta không biết sự việc xảy ra ở đâu, vào lúc nào, mặt mũi, thái độ của nhân vật ra sao. Câu chuyện chỉ còn là lời thoại được thuật gián tiếp :”Bờm rằng bờm chẳng lấy…”. Xem xét thái độ trong cuộc đối thoại của hai nhân vật, ta thấyThái độ của phú ông rất ẩn nhẫn và từ tốn. Tác giả dân gian thuật lại rằng: “Phú ông xin đổi”nhiều lần, có vẻ như nài nỉ. Phú ông không quát nạt, hăm dọa hay tạo bất cứ áp lực trên Bờm. Phú ông xin đổi, đó không phải là thái độ trịch thượng, bất nhân như vợ chồng Nghị Quế khi thương lượng mua ép mua rẻ cái Tý và đàn chó của chị Dậu (Tắt Đèn). Trong thực tế không hề có câu chuyện trao đổi như thế. Chuyện ngã giá, lẽ ra phú ông phải tăng giá để đổi được quạt mo, trái lại ông cứ giảm giá dần dần. Điều này trái với quy luật khách quan của hiện thực. Như vậy ta có thể khẳng định bài ca dao Thằng Bờm không được viết bằng bút pháp hiện thực. Thế nghĩa là ta không thể khai thác ý nghĩ bài ca dao như một câu chuyện có thật trong đời, không thể coi những chi tiết của câu truyện là thật, để từ đó chỉ ra ý nghĩa xã hội của bài ca dao. Tất cả hệ thống truyện chỉ có ý nghĩa biểu trưng như một câu chuyện ngụ ngôn.

Chẳng ai lại tin rằng trong ngụ ngon Trí Khôn Của Ta Đây (1), cọp lại đi đứng nói năng như người, và để bác nông dân trói vào cây mà đập, mà đốt. Chủ đề của truyện Trí Khôn Của Ta Đây thật đơn giản: con người hơn loài vật, làm chủ muôn loài nhờ có trí khôn. Truyện cũng giải thích tại sao trâu không có răng cửa , tại sao trên mình cọp lại có những sọc vằn. Cũng vậy câu chuyển trao đổi giữa phú ông và thằng bờm chứa đựng một bài học nào đó cần khám phá như một ngụ ngôn.

Thông điệp từ bài ca dao Thằng Bờm cũng thật rõ ràng. Trước tiên bài ca dao giải thích thuộc tính “bờm”. “Bờm” là “khờ”, là không biết gì, là ngây thơ trước thực tại. Đơn giản là vậy, như truyện Trí Khôn của Ta Đây giải thích tại sao trâu không có răng cửa, tại sao cọp lại có vằn vện trên thân. Tuy nhiên, cũng cần xem xét vấn đề này là, khi thuật lại câu chuyện trao đổi này, thái độ tình cảm của nhân dân nghiêng về nhân vật nào ? phú ông hay thằng Bờm? Câu trả lời hiển nhiên là, nhân dân dành cho bờm nhiều thiện cảm. Tại sao vậy? bởi Bờm chân thật, thẳng thắn, không thủ đoạn để vụ lợi, không ham mê vật chất, không thấy kẻ giàu có mà xun xoe đeo bám, nhờ vả, không hạ thấp nhân cách trước những kẻ có quyền lực trong xã hội. Những phẩm chất này vốn là những giá trị căn bản của nhân dân ta. Bạn có thể kiểm tra điều này: Nếu về thăm quê, bạn giản dị, chân thực, nghĩa tình, hòa đồng với mọi người, bạn sẽ được mọi người quý mến, trái lại nếu bạn ăn diện, bộ dạng khệnh khạng trưởng giả, thái độ quan cách trịch thượng, chắc chắn sẽ bị xa lánh.

Có một bí mật cần giải mã là thái độ “bờm cười” ở cuối bài ca dao. Có người cho rằng bờm đồng ý đổi lấy xôi cho chắc ăn, vì tính thực dụng nông dân vốn thế. Có nguời cho đó là thái độ minh triết. “dù thằng Bờm cười - đồng ý hay cười - không đồng ý đổi “cái quạt mo” thì trong cuộc đấu trí giữa tên “trọc phú” và anh “dân đen” cuối cùng tên trọc phú cũng thua một cách thật thảm hại và nhục nhã”(đd). Tôi không nghĩ vậy. Thái độ của bờm trước sau chỉ một mực từ chối :”bờm rằng bờm chẳng lấy..” Khi đã quá nhiều lần Bờm nói thẳng ra ý kiến của mình mà phú ông vẫn nài nỉ, thì Bờm không thèm trả lời nữa, mà bày tỏ thái độ bằng một nụ cười. Nụ cười ấy tiếp tục là sự từ chối, là không đối thoại nữa, là sự bày tỏ thái độ khinh miệt vào mặt phú ông, bởi lão đang dùng thủ đoạn. không phải Bờm đồng ý đổi lấy nắm xôi như người người đã giải thích một cách bôi bác tính thực dụng, tính phàm ăn tục uống, thói dĩ thực vi tiên của người nông dân. Bài ca dao kết lửng, ta không rõ thái độ phú ông thế nào sau cái cười của Bờm, có điều chính nụ cười này làm lộ ra rằng Bờm không “bờm” chút nào.

Muốn biết Bờm không “bờm” chút nào , ta hãy xem chiến thuật chiến lược của phú ông trong cuộc thương lượng, và thái độ ứng phó của Bờm. Phú ông liên tiếp đưa ra các đòn nặng cân để hạ knock out “đối thủ”. Phú ông đặt trước mặt Bờm “ba bò chín trân”, “ao sâu cá mà”, “ một bè gỗ lim”. Theo lẽ thường, chẳng đối thủ nào chống đỡ nổi với lòng tham trước những lợi lộc lớn lao như vậy. Ngày xưa người nông dân làm việc cật lực, dành dụm mãi mới có thể mua được hai chân sau con trâu cày, rồi lại làm cận lực và dành dụm nữa mới mua được cả con trân, vậy mà nếu Bờm chỉ cần đồng ý là có ngay “ba bò chín trâu”. Quả là một tài sản hết sức lớn đối với một nông dân nghèo. Nếu bây giờ, bỗng dưng có ai đem một triệu USD đến đổi cái nhà rách của mình, hẳn nhiều người sẽ choáng ngợp không cưỡng lại được. Thí dụ, Ngày 3/5/ 2012, Công an tỉnh Vĩnh Phúc bắt tạm giam ông Lại Hữu Lân, nguyên chủ tịch UBND và Bí Thư Thành Ủy TP Vĩnh yên (Vĩnh Phúc ) về tội nhận quà biếu là một chiếc ô tô Toyota Camry biển số 30T-7703, mà theo thời giá hiện nay là khoảng một tỷ rưỡi đồng VN. Làm sao từ chối lòng tham một món quà như thế? Thế nhưng trước những món lợi lớn như vậy, Bờm đã không bị lòng tham quật ngã. Bờm từ chối dứt khoát, một thái độ thẳng băng, trước sau lập trường không thay đổi, bụng dạ không nao núng, không đắn đo nghĩ suy hơn thiệt. Điệp ngữ “Bờm rằng bờm chẳng lấy” bộc lộ một thái độ lạnh lùng như không của Bờm trước những dụ dỗ vật chất.

Phú ông chuyển sang đổi con chim đồi mồi, nắm xôi . Chiêu gì đây ? là đánh vào cái sở thích của trẻ con, trẻ con vốn thích chim, trẻ thích xôi, bởi nông thôn xưa, xôi là món quý. Phú ông đánh vào lòng tham không được thì đánh vào sở thích. Mấy ai trong cuộc sống lại không có sở thích, nhiều khi đam mê một thứ gì đó. Mê đánh cờ, mê thả diều, chơi chim hoa cá cảnh, hòn non bộ, thích đi du lịch, mê đánh bạc, mê gái, mê nổi tiếng (thói háo danh), mê quyền lực (ngồi bắt ốc vít vào cái ghế quyền lực). Đối phương có thể dùng cái đam mê này mà quật ngã ta. Hãy lấy thí dụ , mới đây (24&25/12/2011), cơ quan CSĐT công an tỉnh Sóc Trăng đã đề nghị truy tố quan chức đánh cờ bạc tỷ là các ông Nguyễn Thanh Lèo, nguyên PGĐ Sở GTVT Sóc Trăng; Trần Văn Tân, nguyên Giám đốc TT Đào tạo lái xe loại 3 và Đinh Văn Mười, nguyên Phó chủ nhiệm UBKT thành ủy Sóc Trăng. Số tiền đặt cược trong mỗi ván cờ từ 500 nghìn đồng rồi tăng lên 5 tỷ đồng. Máu mê cờ bạc đã quật ngã các quan chức. Thế nhưng phú ông đã không quật ngã được Bờm, dù liên tiếp đánh vào sở thích trẻ con của Bờm.

Đến đây thì ngụ ngôn thằng bờm lộ ra thông điệp về giữ gìn nhân cách làm người trong đời. Bao nhiêu kẻ đã thân bại danh liệt vì lòng tham không cùng trước những lợi lộc do hợp đồng, do quà biếu, do hối lộ đem lại, để rồi tự bán thân làm nô lệ. Cũng vậy không biết bao nhiêu người vì “máu mê” mà đánh đổi tất cả. Những thí dụ tôi nêu ở trên đủ làm rõ bài học mà ngụ ngôn thằng Bờm nhắc nhở chúng ta. Thế còn thằng Bờm, nói với chúng ta thông điệp gì? Bờm không chỉ giữ vững nhân cách trước những cám dỗ vật chất, nhưng Bờm còn sáng lên nhiều phẩm tính đẹp khác, Bờm không sợ hãi, không quỵ lụy, trước phú ông (kẻ giàu có, quyền lực), Bờm biết rõ giá trị cái mình có và không đánh mất giá trị đó (cái quạt- có người bảo đó là cuộc sống thanh thảnh nhàn nhã). Bờm có cách ứng xử khôn khéo khi từ chối phú ông bằng nụ cười im lặng. Nụ cười vượt lên tất cả. Có người bảo nụ cười của Bờm là nụ cười của Thiền Sư :” Nụ cười của Bờm quả là nụ cười của thiền sư, vì trở thành câu hỏi cho nhiều người. Hãy thử hình dung vào buổi trưa hè ấy, ngài cầm quạt mo, cử chỉ ung dung tự tại, an lạc...”,” Chẳng thấy đức Phật, các vị cao tăng đắc đạo, nét mặt luôn hoan hỉ, lúc nào cũng cười đó sao? (2). Xin thưa rằng, bài ca dao không thể hiện tư tưởng Thiền, không viết bằng thi pháp Thiền mà đặc trưng là vô ngôn, vì thế không thể áp đặt nụ cười của Bờm là nụ cười Thiền được.(Xin cứ so sánh với thơ Thiền Lý-Trần)(3)

Quả là thú vị. Bài ca dao thằng Bờm gợi mở ra nhiều điều cho bạn đọc. Đó là sự giao thoa về thi pháp giữa kiểu truyện hiện thực và kiểu ngụ ngôn, có những điều nghịch lý trong truyện so với hiện thực, khiến cho thật khó nắm bắt ý nghĩa đích thực của bài ca dao (phú ông năn nỉ xin đổi một gia tài lớn để lấy cái quạt chẳng có giá trị gì, nghịch lý về sự giảm giá), một kết thúc mở bằng nụ cười đa nghĩa của thằng Bờm (Bờm đồng ý- Bờm từ chối- Bờm Thiền sư…). Bản thân tôi hiểu đơn giản Bờm là “bờm”, và mỗi lần làm việc gì, tôi phải hết sức ý tứ nếu không lại được nghe người bạn đường cười cười bảo “Bờm ơi là bờm!!!”

Ôi! thằng Bờm thật đáng yêu.

Tháng 5.2012






Bác nông dân hàng ngày dắt trâu đi cày. Con trâu đi trước kéo cái cày thật nặng theo sau. Dù công việc nặng nhọc nhưng trâu ta vẫn vui vẻ đi làm.

Một hôm, sau buổi cày, bác nông dân đang ngồi nghỉ dưới gốc cây, cho trâu ăn cỏ bên bờ ruộng. Cọp đến hỏi trâu rằng: "Này trâu, sao mày to xác như vậy mà lại để cho một thằng người bé nhỏ xỏ mũi kéo, đánh đập, mà mày cứ chịu lép vế". Trâu trả lời cọp: "Tuy người bé nhỏ, nhưng nó có trí khôn".

Cọp đến chỗ bác nông dân chặn hỏi: "Nghe trâu nói là người tuy bé nhỏ nhưng có trí khôn. Vậy trí khôn đâu, cho ta xem với". Bác nông dân đáp: "Trí khôn tôi để ở nhà". Cọp bảo: "Hãy về nhà lấy trí khôn cho ta xem". Bác nông dân trả lời: "Được chứ... Nhưng e rằng trong lúc tôi vắng mặt, thì ông cọp ăn mất trâu của tôi thì sao?"

Cọp không biết trả lời thế nào. Bác nông dân thấy vậy nói: "Vậy, cọp có bằng lòng cho tôi trói lại đã, rồi tôi về nhà lấy trí khôn cho mà xem?". Cọp ta bằng lòng. Bác nông dân bèn lấy dây thừng, cột cọp thật kỹ vào gốc cây, lấy tay cày đập vào đầu cọp rồi châm lửa đốt. Bác vừa đốt, vừa nói rằng: "Trí khôn của tao đây... Trí khôn của tao đây".

Trâu thấy vậy, nó cười ngã nghiêng, cắm đầu xuống đất, gãy mất hàm răng trên. Lửa cháy làm đứt sợi dây trói, cọp thoát được. Từ đó trên mình cọp có vết vằn, cọp sợ lửa là vậy.

(1) http://rongmotamhon.net/mainpage/detail.php?ID=500&p_id=16&tg=2

(2) Thơ Thiền Lý-Trần

Không Lộ Thiền Sư






Ngôn hoài

Trạch đắc long xà địa khả cư

Dã tình chung nhật lạc vô dư

Hữu thì trực thượng cô phong đỉnh

Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư.

Tỏ lòng

Kiểu đất long xà chọn được nơi

Tình quê nào chán suốt ngày vui

Có khi đỉnh núi trèo lên thẳng

Một tiếng kêu vang lạnh cả trời.

(Người dịch: Phan Võ)

Mãn Giác Thiền Sư:

告疾示眾






Cáo tật thị chúng

Xuân khứ bách hoa lạc

Xuân đáo bách hoa khai

Sự trục nhãn tiền quá

Lão tùng đầu thượng lai

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận

Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.

Có bệnh bảo mọi người

Xuân ruổi trăm hoa rụng

Xuân tới, trăm hoa cười

Trước mắt việc đi mãi

Trên đầu già đến rồi

Đừng bảo xuân tàn hoa rụng hết

Đêm qua, sân trước một nhành mai

(Người dịch: Ngô Tất Tố)

Vạn Hạnh Thiền Sư

示弟子




Thị đệ tử

Thân như điện ảnh hữu hoàn vô,

Vạn mộc xuân vinh, thu hựu khô.

Nhậm vận thịnh suy vô bố úy,

Thịnh suy như lộ thảo đầu phô.

Dặn học trò

Thân như bóng chớp, có rồi không,

Cây cối xuân tươi, thu não nùng.

Mặc cho thịnh suy đừng sợ hãi,

Kìa kìa ngọn cỏ giọt sương đông.

(Người dịch: Ngô Tất Tố)