Hoài Nam
Vănchươngplus
Với một nhan đề như thế này (Về vài
phương diện trong tính cách của người Việt), nếu có đủ sự hiểu biết, thời gian
đầm mình trong sách vở cũng như trong thực tế đời sống, và cả sự dũng cảm đương
đầu với cái khó, có lẽ người viết sẽ phải tính đến chuyện cho ra đời một công
trình nghiên cứu đồ sộ nhằm trả lời câu hỏi: tính cách/ nhân cách văn hóa thực
sự của người Việt là gì?
Tuy nhiên, tài vốn sơ, trí vốn đoản, vả
lại trong khuôn khổ của một bài báo, thì đó là điều muôn lần bất khả. Vì thế,
tôi sẽ tự giới hạn công việc của mình chỉ ở một nội dung thôi, đó là “lẩy” ra một
vài nét trội (tôi sẽ học theo cách của tác giả Bá Dương khi ông viết cuốn Người
Trung Quốc xấu xí, nhưng trên cơ sở đọc kho tàng tục ngữ Việt Nam. Tại sao lại
là tục ngữ?
Trên bìa bốn cuốn Tục ngữ Việt Nam do
Nguyễn Cừ biên soạn và giới thiệu, có viết: “Tục ngữ là sản phẩm tinh thần tập
thể của nhân dân lao động. Đó là sự tổng kết cao nhất về kinh nghiệm sống, nhân
sinh, ứng xử, đạo đức và cả trong lao động sản xuất, dự báo thiên nhiên” (NXB
Văn Học, 2008). Cách hiểu này không xa mấy so với những cách hiểu về tục ngữ
trong các công trình nghiên cứu, các giáo trình về văn học dân gian có uy tín
(của Vũ Ngọc Phan, Chu Xuân Diên, Đinh Gia Khánh, Nguyễn Xuân Kính v.v...). Nó
cho thấy rằng, không gì khác, tục ngữ Việt vừa là túi khôn của người Việt, vừa
là kết tủa tâm tính, sắc thái tinh thần, diện mạo nhân cách của người Việt. Tục
ngữ Việt, có thể nói, chứa đựng trong nó những cái gì chung nhất, mang tính phổ
quát nhất, phản ánh rõ ràng nhất những nét đậm trong tính cách của người Việt.
Trước hết, phải nói tới tính bất nhất của
người Việt như nó được thể hiện qua kho tàng tục ngữ. Bất nhất có thể hiểu là sự
lệch pha, thậm chí là sự trái ngược trong quan niệm, trong cách hành xử của con
người, dù vẫn là tình huống ấy, bối cảnh ấy, đối tượng được nói đến ấy. Khảo
sát/ đọc tục ngữ Việt Nam, không ít phen chúng ta sẽ phải “ngớ” người ra trước
những biến đổi - như một con tắc kè hoa - trong thái độ ứng xử của người Việt.
Hãy thử đặt câu “Một giọt máu đào hơn một ao nước lã” (hoặc câu “Họ chín đời
còn hơn người dưng”) bên cạnh câu “Bán anh em xa mua láng giềng gần”. Hãy thử đặt
câu “Đời cua cua máy, đời cáy cáy đào” bên cạnh câu “Đời trước đắp nấm, đời sau
ấm mồ”. Hãy thử đặt câu “Hàng xóm tối lửa tắt đèn” bên cạnh câu “Cháy nhà hàng
xóm, bình chân như vại”,v.v và v.v...
Cặp thứ nhất: câu đầu khuyên người ta
coi trọng những mối quan hệ cộng đồng thân tộc, câu sau lại khuyên người ta coi
trọng những mối quan hệ cộng đồng xã hội. Cặp thứ hai: câu đầu nhấn mạnh vào
tính độc lập, khả năng tự chịu trách nhiệm về cuộc đời mình của mỗi thế hệ, câu
sau lại nhấn mạnh vào mối liên hệ nhân - quả trong hành động giữa các thế hệ. Cặp
thứ ba thì mới thật kỳ lạ làm sao: câu đầu dạy rằng hàng xóm láng giềng phải biết
quan tâm giúp đỡ lẫn nhau khi hoạn nạn cơ nhỡ, câu sau lại “xui” người ta mặc kệ
nhau lúc xảy ra chuyện! Tôi chỉ lấy ba ví dụ, thực tế thì chúng ta có thể “lẩy”
ra có vô số ví dụ như vậy từ kho tàng tục ngữ Việt Nam, nhất là ở mảng tục ngữ
về quan hệ gia đình - xã hội.
Đến mức thậm chí có thể khẳng định: ở mảng
tục ngữ này, nếu có một câu mang ý nghĩa A, thế nào cũng phải có một câu mang ý
nghĩa - A, như cực đối lập không thể thiếu của A! Nếu chúng ta quan niệm rằng mỗi
câu tục ngữ là một bài học về đạo đức hoặc ứng xử, hay nói cho mạnh mẽ hơn, một
chân lý, thì chẳng phải là các chân lý đang lớn tiếng cãi lộn nhau đó sao? Và,
điều này có nhiều khả năng sẽ đưa đến một hậu quả: nếu người Việt Nam nào đó muốn
đi vào kho tàng tục ngữ Việt Nam, muốn tìm ở tục ngữ một chỉ dẫn hoặc một niềm
tin xác quyết nào đó cho hành vi ứng xử của mình trong đời sống, có thể anh ta
sẽ rất hoang mang, không biết phải theo cái nào, phải làm thế nào mới đúng? Vậy,
đâu là bí mật ở đây?
Bí mật, có lẽ nằm trong kiểu tư duy “mềm”,
tư duy với biên độ co dãn cao của người Việt. Kiểu tư duy này không cần biết đến
nguyên tắc “dĩ nhất quán chi” (lấy một cái mà bao trùm tất cả) mà đức Khổng Tử
đã dạy, và nó càng không thèm quan tâm đến tính hệ thống, tính logic chặt chẽ
như kiểu tư duy khách quan lạnh lùng của triết học phương Tây. Nói một cách hơi
vu khoát: năng lực tư duy trừu tượng của người Việt nói chung chỉ cao đến mức
có thể nắm bắt được những tình huống cụ thể, những quan hệ cụ thể, những phương
diện cụ thể mà thôi, không nâng sự phán đoán của mình lên thành nguyên tắc phổ
quát được. Vì thế mà các chân lý của chúng ta cứ cãi lộn nhau! Diễn đạt cho dễ
hiểu: chân lý chỉ có một, đã là chân lý thì trong trường hợp nào cũng đúng,
nhưng chúng ta, những người Việt, ưa thích sự đồng tồn tại của nhiều chân lý
khác nhau. Để, trong những khoảng thời gian khác nhau, những chân lý khác nhau ấy
- về cùng một đối tượng - sẽ được lấy ra và sử dụng cho phù hợp với những mục
đích cụ thể khác nhau của chúng ta.
Hãy thử hình dung: một người đang gặp
khó khăn, về tiền bạc chẳng hạn, nếu anh ta được một người bà con xa giúp đỡ,
câu “Một giọt máu đào hơn một ao nước lã” sẽ trở thành câu đầu miệng, nhưng nếu
người giúp anh ta là người hàng xóm không có quan hệ máu mủ ruột rà gì, thì
không gì hợp cảnh hơn câu “Bán anh em xa mua láng giềng gần”. (Trong những trường
hợp như thế này, tính bất nhất tỏ ra rất gần với chủ nghĩa cơ hội và tinh thần
thực dụng: “Gió chiều nào, che chiều ấy”). Thử thoát ra khỏi thế giới của tục
ngữ, nhìn vào thực tế lịch sử dân tộc, chúng ta sẽ thấy rằng đây cũng chính là
đặc điểm trội trong cách ứng xử của người Việt. Tôi xin dẫn ra một ví dụ.
Năm Đinh Mùi 1427, sau khi chiến thắng
quân Minh xâm lược, Lê Thái Tổ đã chỉ đạo Nguyễn Trãi thảo hai bản văn cực kỳ
quan trọng: Bình Ngô đại cáo và Biểu cầu phong. Bản văn đầu là ta viết cho ta,
nên đến cả Hoàng đế Tuyên Tông nhà Minh cũng bị xem thường rất mực: “Thằng nhãi
con Tuyên Đức”.
Bản văn sau là ta viết cho địch - một kẻ
địch tuy thua nhưng cực kỳ hùng mạnh - thì vẫn “thằng nhãi con” ấy, nhưng lại
được ca tụng rất mực: “Cúi nghĩ bệ hạ là bậc thánh thần văn võ, trí tuệ thông
minh, đức hiếu sinh đây đó thấm đều, lòng nhất thị xa gần không khác...”. (Phan
Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí. Bản dịch của Viện Sử học. NXB Giáo Dục
2008. Tập II, tr. 544). Có hai chân lý xem ra tốt hơn là chỉ có một chân lý!
Tiếp theo, phải nói tới tính khôn vặt của
người Việt, như nó được thể hiện qua tục ngữ. Khôn vặt, nghĩa là chỉ nhìn thấy
cái lợi be bé trước mắt, và chỉ là cái lợi cho bản thân mình mà thôi. Người
khôn vặt, thường là người thông minh theo kiểu láu cá. Anh ta nhận định tình huống
rất nhanh, và cũng rất nhanh để đưa ra cách xử lý sao cho có thể thu lợi nhiều
nhất cho mình, bất chấp việc mối lợi ấy được đánh đổi bằng sự thiệt hại của người
khác.
Tục ngữ Việt Nam có khá nhiều câu “xui”
người ta khôn vặt như vậy: “Trâu chậm uống nước đục”, “Ăn cỗ đi trước, lội nước
đi sau”, “Ăn sau là đầu quét dọn” v.v... Không gì khác, những câu tục ngữ trên
chính là sự chỉ dẫn cho người ta con đường ngắn nhất để trục lợi: tranh cướp.
Mang cái vẻ khách quan đến mức gần như “trong suốt” - nghĩa là chỉ nêu hiện tượng,
không bình luận - thế nhưng chúng lại bày ra trước mắt người đọc một thứ quan hệ
nhân quả rất sòng phẳng, rất logic: nếu anh chỉ làm thế này, thì anh sẽ nhận được
chỉ thế này. Nếu không nhanh tay, anh sẽ chỉ nhận được phần thiệt về mình. Bằng
“khôn ngoan” ra, biết đi trước thiên hạ, anh sẽ hưởng lợi và đẩy phần thiệt cho
những người khác.
Để chứng minh cho cái tính khôn vặt kiểu
này, không gì tốt bằng hãy cứ nhìn vào sự phát triển kịch phát của thị trường
chứng khoán Việt Nam vài năm trước. Có mấy “nhà đầu tư” có những hiểu biết sơ đẳng
về thị trường chứng khoán? Có mấy “nhà đầu tư” định “đầu tư” một cách tử tế,
hay là chỉ nhanh tay trong việc mua cổ phiếu sao cho rẻ nhất, rồi bán ngay khi
có thể để kiếm chênh lệch, bán qua bán lại đến lúc mớ cổ phiếu chỉ còn là đống
giấy lộn? Có mấy “nhà đầu tư” đã kịp nghĩ đến sự phát triển chung của nền kinh
tế quốc dân?
Tính khôn vặt của người Việt còn có những
biến thể khác, in dấu trong tục ngữ. Biến thể 1: nếu không nhanh tay tranh cướp
để hưởng lợi được, thì ít ra, anh cũng phải biết cách giảm thiểu rủi ro cho
mình, bằng việc lảng tránh đương đầu với những khó khăn, quay lưng lại hoặc đi
đường vòng trước những thách thức: “Một điều nhịn, chín điều lành”, “Tránh voi
chẳng xấu mặt nào”, “Lắm người yêu hơn nhiều kẻ ghét”, “Biết tay ăn mặn thì chừa/
Đừng trêu mẹ mướp mà xơ có ngày”, “Chú bạo chú khốn, tôi dát tôi trốn, tôi hãy
còn đây” v.v... (Nhà nghiên cứu Trần Ngọc Vương từng nói về chuyện này: tục ngữ
Việt Nam dạy con người Việt Nam cách biết sống... hèn!). Biến thể 2: anh cần phải
biết cách nắm cho chặt, giữ cho chắc quyền lợi của mình, của gia đình mình, của
cộng đồng mình, và chỉ cần quan tâm đến điều đó thôi, mọi thứ quyền lợi khác của
những người khác đều không đáng phải để ý: “Ăn cây nào rào cây ấy”, “Lệnh làng
nào làng ấy đánh, thánh làng nào làng ấy thờ”, “Ai có thân người ấy lo, ai có
bò người ấy giữ”, “Thừa người nhà mới ra người ngoài”, “Thương, cái xương chẳng
còn”, “Thương người thì khó đến thân” v.v... Biến thể 3: anh cần phải biết một
trong những phương cách tốt nhất để giữ an toàn cho mình, đó là xóa bỏ sự tồn tại
độc lập của cá nhân, chạy trốn vào tập thể, lấy tập thể và cơ chế chịu trách
nhiệm liên đới của chủ nghĩa tập thể làm thành luỹ, làm lá chắn: “Lụt, thì lút
cả làng”, “Toét mắt là tại hướng đình/ Cả làng toét mắt riêng mình ai đâu”, “Dại
đàn còn hơn tốt lỏi”, “Xấu mặt xin tương, cả phường cùng húp” v.v... (Về điểm
này, nhiều nhà nghiên cứu, từ góc độ xã hội học, dân tộc học, sử học v.v..., đã
lý giải bằng cách chỉ ra căn tính tiểu nông của người Việt Nam, những con người
được cố kết và bị chi phối rất chặt bởi những quan hệ cộng đồng huyết tộc, quan
hệ làng - họ, nếu muốn diễn đạt theo cách khác).
Từ kho tàng tục ngữ của người Việt, nói
chung, có thể đọc ra khá nhiều nét trội trong tính cách của người Việt được
“găm” vào đó. Tôi mới chỉ nói đến tính bất nhất và tính khôn vặt mà thôi, dù rằng
thực ra có thể và cần phải liệt kê nhiều hơn thế. Nhưng chỉ thế thôi đã thấy gợn
lên một mối lo: những câu tục ngữ xưa - chứ không phải tục ngữ hiện đại - nhưng
hình như tính bất nhất và tính khôn vặt của người Việt được phản ánh trong đó
không xưa một chút nào. Nó vẫn vậy, tươi rói, sống động và đặc biệt phổ biến
trong lối suy nghĩ, lối ứng xử của người Việt ngày hôm nay. Với những “phẩm chất”
ấy, đến lúc nào mỗi người Việt Nam mới trở thành một công dân thế giới đích thực,
cho dẫu không phủ nhận được là rất nhiều người trong số chúng ta đang sở hữu và
sử dụng thành thạo các phương tiện của nền văn minh hiện đại không thua kém gì
ai? Đây là câu hỏi chắc chắn không dễ trả lời.