Trích Mémorial, Mission de Quinhon
số 155, 25 Octobre 1919, tr. 139-144
Cha Simon Chính sinh tại họ Đồng Hâu, địa phận Đồng Quả năm 1856. Có
hai em cũng làm thầy cả là cha Antoniô Chân và Tôma Thiềng. Cha mẹ đạo dòng. Mẹ
là người đạo đức sốt sắng, ân cần dạy dỗ con cái cho biết đàng thờ Chúa, giữ
nết na, nên đặng ba con làm linh mục, cũng có nhờ mẹ.
Vừa khôn lớn, Simon Chính chuyên
học nho cho đến 18 tuổi, học đã khá, đối đoạn bài vở giỏi, nên sau cũng là một
người thông chữ nho. Cha Phan thấy tính nết nhu mì, sáng trí ham học, lại có bề
đức hạnh, thì bắt nuôi gởi đi học Latinh tại Làng Sông, năm 1874, đến năm 1877
ra học trường Nước Nhỉ.
Hột giống tốt, gieo nhằm đất
tốt, ắt sẽ trỗ sanh bông trái xuê xang. Simon Chính thấy mình đặng gọi ở nhà
trường, cầm mình rất nên có phước, thì ra sức dồi mài đức hạnh, chuyên lo học
hành, cho xứng đáng ơn Chúa kêu gọi. Việc học hành mau tấn tới, được nhứt nhì
trong bọn, đạo đức cũng khá khen, giữ luật chín chắn, vưng kính các đấng bề
trên, thuận hòa hiền lành với chúng bạn, cho nên trong trường ai nấy đều thương
mến.
Học Philosophia tại trường Nước
Nhỉ xong rồi, thì năm 1882, vô dạy học trò Làng Sông. Năm 1884, trở về Nước Nhỉ
học sách đoán một năm rưỡi, cùng chịu chức Cắt tóc. Lúc đó trong các thầy học,
có nhiều thầy bị bịnh sưng chơn, thầy Chính cũng bị, nên ra yếu đuối, song cũng
rán sức học chẳng bỏ bữa nào.
Kế năm Ất Dậu (1885) chạy xuống
Qui Nhơn, lúc đó thầy chịu bốn chức. Yên giặc trở về Làng Sông, và đầu năm 1888
chịu chức thầy năm.
Vã mấy năm sau giặc, người ta
trở lại đạo đông lắm, mà kẻ dạy thì thiếu. Các thầy phần nhiều đã bị thiêu sát,
kẻ còn sống không còn bao nhiêu, nên bề trên phải giãn trường lý đoán, mà sai
các thầy đi dạy giúp các địa phận. Thầy năm Chính đi giúp cố Huệ, địa phận Gò
Thị, mà lập mấy họ mới như Vinh Quan, Phước Thiện, Tân Giảng.
Đầu năm 1890 bề trên đòi về học
sách đoán lại cùng chịu chức thầy sáu, qua 19 Décembre năm sau thăng chức linh
mục.
Chịu chức thầy cả đoạn, trở ra
Gò Thị giúp cố Huệ. Năm 1894 lãnh địa phận Kim Châu, cùng đã lập được nhiều họ
mới. Người ở một mình được hai năm rưỡi, rồi Đức Cha Hân thấy người một ngày
một yếu, mà việc địa phận càng ngày càng nặng, một mình gánh không nổi, lại lúc
ấy bịnh rét rất dữ tại Trung Ái, Kim Châu, cha cũng năng bị rét, thì sai cố Lực
lãnh thế, năm1897, người cũng còn ở lại phụ giúp cố hơn một năm nữa.
Năm 1898 Đức Cha đổi về trường
Đại An dạy giáo tập, sau hết năm 1909 nhà thương các cha bổn quốc làm đã hoàn
thành, thì Đức Cha dạy người lãnh việc giữ nhà và sửa sang mọi sự.
Ta thấy cha Chính dầu lúc ở nhà
cha mẹ, dầu khi ở nhà trường đã chí quyết giữ nết na, tập đi đàng nhơn đức, thì
khi đã đặng thêm ơn rất trọng là chức thầy cả, âu là chẳng đổi chẳng dời mà lại
càng thêm tấn phát.Thật là một thầy cả pius, prudens, zelosus, nên thấy đời
người đã ra sức làm sáng danh Chúa, giúp phần rỗi linh hồn người ta, cùng ép
mình chịu nhục chịu khó giữ làm mọi việc theo đứng bực mình chín chắn tử tế.
Người hằng ra sức ở khiêm
nhượng, khó khăn, hiền lành, nhịn nhục, áo mặc đồ dùng chẳng ưa sang trọng lòa
loẹt, gặp sự khó cho mấy cũng vui lòng chịu, như mấy năm coi giữ nhà thương,
tuy không khỏi nhiều điều khó, mà người biết nhịn nhục ở cho vừa bụng mọi
người, ấy là sự giữ bổn phận riêng mình.
Về sự ở đời với người ta, thì
cũng khôn ngoan từng trải, gặp sự rối rắm khó liệu, tính cũng xong. Ở với bổn
đạo như cha với con, ai có việc, bất luận sang hèn, muốn tới thì tiếp rước vui
vẻ, tỏ tình ái yêu an ủi giúp đỡ. Bổn đạo thấy vậy thì thiệt tỏ tình trìu mến
cha, nên mấy nơi người đã ở, thì chẳng mang tiếng gì xấu, một để danh thơm
tiếng tốt, người ta những thương những tiếc mà thôi.
Người vốn yếu đuối, lại thêm
bịnh khi học Nước Nhỉ, mà khi chịu chức thầy cả, thì chẳng nệ khó nhọc làm việc
xốc vác là dường nào. Khi người lãnh địa phận Kim Châu, thì có bốn sở mà thôi,
là Kim Châu, Vườn Vông, Cù Lâm, Trung Ái, còn một vài chỗ khác cũng đã có ít
người chịu phép Rửa tội, nhưng chưa thành họ.
Vậy người đã lập thêm những sở
sau nầy, là Đông Viên, Mĩ Nhọc, Trường Cửu, Hòa Tân, Đông Lâm, Trán Long, Nhơn
Nghĩa, Thủ Thiện. Biết bao nhiêu công khó! Chẳng phải lập cho có nhiều họ mà
thôi, song cũng lo sửa sang chỉnh đốn, họ nào cũng lo cho có nhà thờ sạch sẽ
xứng đáng tùy sức. Người cũng lo dạy nghĩa thiên phần, mà thấy bổn đạo mới
thiên phần ít thuộc, lẽ đạo chưa thông, khó bề giữ đạo, thì chép cuốn sách nhỏ
(nhãn đề Học tắt), tóm các điều đại
cái phải tin phải giữ trong đạo, và cách xưng tội. Ai biết chữ thì dạy sao lại
mà coi, ai không biết chữ, thì cai sĩ các họ phải lo dạy. Người ân cần việc
giảng dạy khuyên lơn thúc dục cho ai nấy càng thêm lòng sốt sắng mà giữ đạo,
nên thay đổi đi họ nọ họ kia làm lễ Chúa nhựt, chẳng làm thường một chỗ.
Bổn đạo ai hỗ thế phá phách
thiên hạ, thì người lấy phép thẳng mà mà sửa trị, song tình cha con, nên đạo
ngoại đều ưng phục.
Đến khi chẳng còn gánh nổi việc
địa phận nữa, đã về nhà trường, nhà thương, thì lòng người cũng hãy còn nông nả
ước ao làm sáng danh Chúa. Mỗi lần gặp anh em đồng liêu, thì năng nói về sự
giảng đạo, bàn lẽ nọ tính lẽ kia, làm sao cho địa phận mau thạnh, chầu nhưng
mau đông. Người đã rủ ít cha lập hội viết sách nhỏ nhỏ, để phát thí cho người
ta coi, lần lần thấm lẽ đạo. Người cũng đã đặng phép Đức Cha ban mà viết thơ
cho các Cha tây nam xin giúp, kẻ nhiều người ít tùy nghi, cho đặng liệu việc
hữu ích ấy.
Khi yếu lắm phải về nhà thương
mà nghỉ, thì cũng chẳng nghĩ gì. Nhà thương khi mới cất rồi, có một mình đứng
trụi trụi giữa gò đất không. Người ra sức sửa sang mọi sự trong ngoài, rày nên
một tòa nguy nga, vườn tược cây cối, sum sê mát mẻ, bông hoa sắc sở, thảy đều
có thứ tự lớp lang, ai tới đều khen.
Lại cũng gia công, đóng một bàn
thờ gỗ, khéo léo ýchỉ, sơn thếp rực rỡ, ai coi cũng trằm trồ.
Mấy năm ở nhà thương, hễ rảnh
việc trong nhà, thì ra dạo sửa vườn, rồi đọc kinh, coi sách hay là viết.
Có kẻ thấy người rán quá, thì
can người, song người đáp rằng: Con làm được chừng nào thì làm, có nghỉ mạnh
đâu không thấy, thấy mất ngày giờ uổng công.
Sách người chép thì kiểu nói êm
xuôi dễ hiểu, đạo đức ý vị. Những sách người làm là: Con nít học nói, Học tắt, Tự vị nho, Bảy mối tội đầu, Thiên Chúa luận, Hiếu
kính cha mẹ, Chơn đạo đại ích, Gương tốt đồng nhi, Thang Trời. Thang trời là sách sau hết nằm mà viết
não ra, rồi cậy cha khác viết lại, vì đã yếu liệt quá. Khi sống đã hết sức lo
bề sanh thuận, ắt giờ chết sẽ đặng tử an mà chớ. Nhớ đến mấy tháng cha nằm
liệt, dọn mình chết cách tốt lành, ai mà chẳng động lòng!
Người thiệt hết sức chẳng còn vô
ra dạo vườn được, là từ tháng Augustô năm 1918. Tuy vậy mà cũng còn gắn gương
làm lễ, đến đỗi đôi khi giữa mùa lễ nổi mệt ngất, phải ngồi mà nghỉ hơi.
Còn officium cũng rán đọc, dầu
nhọc mệt, có bữa nội Matutinum et Laudes đọc một giờ rưỡi hai giờ, cũng không
bỏ, xác còn thế làm được thì bắt ép làm luôn chẳng cho nghỉ khi nào.
Người xin chịu các phép sau hết
là ngày 15 Juniô, từ ấy cho đến khi qua đời nằm không mà thôi, chẳng còn làm gì
được nữa. Mọi ngày thức dậy lo dọn mình rước Mình Thánh Chúa, và lần hột ngày
hai buổi chẳng hề bỏ qua, cho đến ngày tắt hơi, sáng sớm ngày ấy cũng còn tỉnh
táo, thấy trong mình khác, biết giờ lâm chung gần đến, nên xin xưng tội lại và
xin chịu viaticum, rồi cũng còn tỉnh, dầu không nói đặng như trước, song ra dấu
hiểu biết được,sau hết nằm yên bất tỉnh chừng 10 phút, thì linh hồn ra khỏi xác
êm ái dịu dàng.
Sự thường hễ đau đớn liệt nhược
thì hay bẳn hẳn, khó cho kẻ giúp, song cha Chính hằng giữ một mực, vui vẻ, dễ
dàng, nằm im im thiếp thiếp một mình, một mình với kẻ giúp thì đủ, không muốn
làm khó làm cực cho ai, cho nên trong nhà có kẻ liệt nặng, mà cũng bằng yên như
chẳng có, dầu đương khi mệt nhọc, mà có ai vào thăm, thì cũng tỏ mặt hớn hở
mừng chào vui vẻ như tuồng không đau đớn gì vậy.
Người qua đời tại ngày 31
Augustô, giờ thứ nhứt rưỡi chiều,ngày Septembrê bảy giờ mai cha bề trên Lý rước
xác, cha Sanh làm lễ qui lăng,Đức Cha Mẫn làm phép mồ, cố Lộc đưa xác, có hai
Đức Cha, mười cha tây, mười bảy cha annam, các thầy các chú đông đủ vì là đầu
tháng học, lại cũng có bà con bổn đạo quen biết người xưa. Ôi! Cuộc tống táng
vinh quang trọng thể dường ấy, thuở nay chưa thấy ai được như vậy! thật là cha
Simon Chính có phước lắm, âu là bởi công đức người, Chúa cho như thể!
Chôn tại đất thánh nhà trường
Đại An, xác nằm đó đợi ngày sau sẽ sống lại, linh hồn về cùng Chúa, vì trót đời
đã hết dạ thờ Chúa,trọn đạo con thảo tôi ngay, ắt rày cũng đặng nghe lời êm ái
dịu ngọt: Euge serve bone et fidelis
intra in gaudium Domini tui.