Thứ Năm, 31 tháng 5, 2012

CÀ PHÊ PARIS



Cà phê Pháp nổi tiếng, nhưng có lẽ không phải là ngon nhất thế giới về hương vị, có chăng là dân Tây đã kết hợp cả hai thứ, hương cà phê, và nhịp sống rộn ràng, vào cái tách nhỏ sánh đen như một thói quen hàng ngày. Cho nên nếu đem tặng cà phê cho bạn bè, thì chắc phải tặng cả cái vỉa hè thì mới đủ.
     Thưởng thức cà phê ở mỗi nơi mỗi khác.
     Ở bên mình thì ngày xưa có “cà phê phin”, rảnh rang, thi vị ngồi chờ từng giọt đắng rơi xuống đáy cốc.
     Ở Nữu Ước, thì thấy nhiều người đi trên hè phố với ly cà phê to tướng, vừa đi vừa uống trên đường đến sở làm. Cà phê bên Mỹ thì thường pha loãng, có thể dùng thêm đường hay sữa tươi tùy thích.
     Ở LasVegas, cho dù chưa đi vào sòng bài, mới chỉ ở khách sạn, cà phê được tặng thoải mái như một loại nước giải khát.
     Khu phố Việt ở Cali, cà phê Pháp được pha đặc sánh trong một cái cốc, và một bình thuỷ nhỏ xinh xắn đựng nước sôi, khách tự thêm nước vào theo sở thích.
     TD cũng không biết, thật sự Tây họ uống cà phê ra sao, chỉ biết riêng mình những khi đi làm sớm, 6 giờ rưỡi sáng, trời mùa Đông mù sương, xuống xe Tram ở Porte de Versailles, TD chỉ muốn chui vào cái tiệm nhỏ ở ngay đầu đường.
     Quán cà phê nào ở Paris cũng có nhiều đèn, màu đèn vàng ấm áp, mời gọi một chỗ ấm, người hầu bàn thường là đàn ông, mặc sơ mi trắng, tạp dề trắng dài đến gối, quần tây đen, ông ấy sẽ đem đến cho khách một tách cà phê đen nóng đầy bọt nâu mịn, trong chiếc đĩa tách, ngoài chiếc thìa nhỏ nhắn, là một viên đường, một viên chocolat bọc giấy xinh xắn, và một mẩu giấy tính tiền nhỏ xíu, đặt trên bàn.
     Mỗi tách cà phê giá từ 1 đến 3 euros, tuỳ theo vị trí quán cà phê ở đâu, Paris 16, hay bên bờ sông Seine, hoặc ở ngoại ô. Nhưng cái tách cà phê thì ở đâu cũng đại khái giống nhau, tách bằng sứ dầy, độ dầy đủ để giữ cà phê nóng lâu, tách nhỏ, để đừng làm hương vị cà phê bay mau, và không làm tan nhanh chất bọt nâu sánh ở trên mặt.
     Hầu như ở bên Tây, người ta uống cà phê suốt ngày đêm. Quán cà phê chỉ bán thức ăn nhẹ buổi trưa, điểm tâm buổi sáng, thường thì khách vào uống cà phê, hoặc vài loại thức uống nóng, và ít khi gọi thêm, do đó, người hầu bàn khi đem cà phê ra, họ đem theo cả giấy tính tiền, khi uống xong, khách chỉ việc để lại tiền trên mặt bàn, bỏ thêm vài xu tặng anh bồi bàn, rồi khoác áo mà đi.
     Uống cà phê trong sở Tây thì lại khác, cái góc cà phê là nơi đến và đi của dăm ba nhân viên, có khi cũng có mặt Sếp, đó là nơi để bàn tán chuyện trên trời, dưới đất, cũng là nơi để chào nhau buổi sáng, và hôn xã giao !
     Cũng có người từ Hà Nội đến Paris, hỏi thăm quán cà phê ở Pont Neuf, vì đọc thấy trong truyện ký. Có người ở trong thơ Nguyên Sa trở về quán cà phê cũ, ngồi nhớ kỷ niệm xưa.
     Nếu chỉ có vậy, thì Paris không nổi tiếng với cà phê đâu, mà những người đi làm túi bụi như TD thì cũng chẳng làm sao mà biết được cà phê Tây ra sao, duy chỉ những dịp tình cờ, gặp bạn bè nơi góc phố, kéo nhau vào khu Latin, hoặc tạt vào bất cứ vỉa hè nào.
     Mùa Hè, quán cà phê mở toang các cánh cửa xếp, bày bàn ghế ngoài sân, cho dân Paris vừa uống cà phê, vừa tán gẫu, sưởi nắng.
     Mùa Đông thì càng có lý do, để người ta ngồi thu mình sau khung cửa kính, nhìn bông tuyết lặng lẽ rơi mà thưởng thức tách cà phê tỏa khói.
     Nếu có bạn bè, người thân đến từ các xứ khác, chúng ta có dịp đưa họ đi uống cà phê dọc sông Seine, chẳng có gì thơ mộng lắm đâu, nước sông Seine lúc nào cũng ngầu đục, du thuyền chở khách thăm Paris ngược xuôi lên xuống, vỉa hè khi nào cũng tấp nập, ngưòi qua kẻ lại vội vã.
     Mùa Thu Paris nắng còn hanh nhẹ, lá mới chớm vàng, nhưng gió đã đủ se sắt lạnh.
     Cà phê uống ở Paris, có thể đến từ nhiều quốc gia khác, với nhiều chủng loại khác nhau, cách rang, ướp, khác nhau, và pha theo kiểu cà phê Tây, hay đặc sánh như cà phê Ý, nhưng nó vẫn mặc nhiên nổi tiếng là cà phê Pháp, vì người ta đã uống cả nhịp sống Paris vào trong, có khi cả phong cảnh và thời tiết của nó, nếu lúc ấy là mùa Thu, thì phải kể cả cái màn mưa nhỏ, rất xám, rất nhẹ, mờ mờ giăng trên gác chuông nhà thờ Notre-Dame bên kia sông.
     Cà phê Paris, cà phê nào cho dân bản xứ, cho khách du lịch, cho sinh viên tứ xứ, cho thợ thuyền, và cho những kẻ yêu nhau?
     Có phải vì tất cả những điều ấy, mà “cà phê Paris” không chỉ đơn thuần là cà phê Paris?

TD