Kim Oanh
Một số khái niệm lịch sử
Khi nói đến lịch sử, theo giải thích đơn giản,
lịch sử là những gì thuộc về quá khứ và gắn liền với xã hội loài người. Với ý
này, lịch sử bao trùm tất cả mọi lĩnh vực trong xã hội, đa diện do đó khó định
nghĩa chính xác và đầy đủ. Vì thế, định nghĩa về lịch sử được rất nhiều nhà
nghiên cứu đưa ra.
Định nghĩa ngắn gọn của Ts. Sue Peabody[1]:
lịch sử là một câu chuyện chúng ta nói chúng ta là ai.
Nhà bác học người La Mã Cicéron[2]
(106-45 TCN) đưa ra quan điểm:“historia magistra vitae” (lịch sử chính yếu
của cuộc sống) với yêu cầu đạt tới “lux veritatis” (ánh sáng của sự thật)[3]
Và Gs Hà Văn Tấn có viết, lịch sử là khách
quan. Sự kiện lịch sử là những sự thật được tồn tại độc lập ngoài ý thức chúng
ta. Nhưng sự nhận thức lịch sử lại là chủ quan. Và người ta chép sử vì những
mục đích khác nhau[4].
Theo Ts Trần Thị Bích Ngọc[5],
các định nghĩa thường cũng chỉ đúng một phần, lịch sử được hiểu theo 3 ý chính
được các nhà nghiên cứu đồng ý:
- Việc diễn ra trong quá khứ: những sự kiện
(biến cố/ event) diễn ra trong quá khứ cho đến thời điểm hiện tại, không thể
thay đổi được, cố định trong không gian và thời gian, mang tính chất tuyệt đối
và khách quan.
- Ghi lại những việc diễn ra trong quá khứ:
con người muốn nắm bắt quá khứ, diễn đạt theo sự kiện theo từ ngữ và giải thích
ý nghĩa của sự kiện, mang tính chất tương đối và chủ quan của người ghi lại
bằng những câu chuyện kể.
- Làm thành tài liệu của việc diễn ra trong
quá khứ: cách làm hoặc quá trình tập hợp những sự việc diễn ra trong quá khứ
thành tài liệu cũng chính là câu chuyện kể đối với hiện tại.
Để hiểu lịch sử hoặc ngành sử học phải dựa vào
cách viết sử của những sử gia từ xưa đến nay. Vì cũng theo Ts Trần Thị Bích
Ngọc giải thích, kiến thức về lịch sử thường được xem là bao gồm cả hai,
kiến thức về những biến cố của quá khứ và những kỹ năng suy nghĩ và giải thích
quá khứ[6].
Những cách viết sử của sử gia từ xưa đến nay
Người được nhắc đến đầu tiên là Herodotus[7]
(sống vào thế kỷ V TCN), “cha đẻ của sử học”, tác phẩm The Histories[8],
ghi nhận những lời kể, câu chuyện nào đáng tin cậy hay kém tin cậy. Ông đi đến
nhiều nơi để xác minh những ghi nhận tìm ra được câu chuyện lịch sử trung thực
của vùng Địa Trung Hải, trong sách của ông không có một ghi chép bình luận nào
về các câu chuyện được nêu ra. Theo cách này, lịch sử là câu chuyện kể, phương
pháp kể lại câu chuyện được biết như phương pháp đầu tiên trong viết sử, được
nhiều nhà nghiên cứu đề cao vì cho rằng sự kiện lịch sử mang tính chất khách
quan nhất, trung thực nhất.
Trái với cách viết của Herodotus, Thucydides
được xem là nhà sử học khoa học đầu tiên vì ông bỏ qua yếu tố thần thánh trong
các sự kiện lịch sử, tác phẩm History of the Peloponnesian War[9]
- kể lại cuộc chiến tranh giữa hai thành bang Sparta và Athens. Như thế, ông
trở thành người thiết lập yếu tố giải thích cho sự kiện lịch sử, đưa ra nguyên
sâu xa và trực tiếp đối với sự kiện lịch sử.
Về sau, các nhà sử gia châu Âu thời Trung cổ,
là những người viết sử với mục đích giáo huấn, chủ yếu viết về lịch sử nhà thờ
và các nhà cai trị tại địa phương (lãnh chúa), các vị vua của các triều đại.
Các sử gia này xem việc diễn ra trong quá khứ như một định luật và viết sử chỉ
ra bài học trong quá khứ, việc chép sử chính là công việc để nêu gương cho nhân
dân và đem lại bài học cho nhà cầm quyền , thể hiện trong các tác phẩm History
of the Church (Eusebius of Caesarea), History of the Franks (Gregory of
Tours)…. Như thế, thường thì các sử gia chọn chép những sự kiện nào có lợi cho
nhà cầm quyền hoặc Giáo hội mà thôi.
Người đã đưa cách viết sử giải thích áp dụng
vào những sự kiện lịch sử hiện đại là Leopold von Ranke[10],
nhà sử gia Đức thế kỷ XIX, cha đẻ nền sử học hiện đại. Cũng theo Trần Thị Bích
Ngọc, Ranke đã thiết lập nền tảng cho cách viết sử sau này với việc nhấn mạnh
nguồn tư liệu, chú trọng tài liệu lưu trữ, những câu chuyện lịch sử (narrative
history), phát triển lịch sử chính trị. Ranke được nhiều người nhắc đến với
nguyên tắc gây nhiều tranh cãi: “wie es eigentlich gewes” (thể hiện những gì đã
thực sự diễn ra), từ nguyên tắc đó, có ý kiến cho rằng “sử gia chỉ nên đưa
ra các sự kiện lịch sử và không kèm theo bất cứ quan điểm cá nhân nào; và một
số nhà nghiên cứu khác thì cho rằng ý của Ranke là sử gia phải khám phá các sự
kiện lịch sử và tìm ra tư tưởng phổ biến của thời đại tác động lên những sự
kiện này”[11]
Tiếp sau là trường phái Biên niên sử do Marc
Bloch và Lucien Febvre sáng lập năm 1929, lịch sử được hiểu là nghiên cứu về
sự thay đổi qua thời gian của bất cứ một xã hội nào được chọn để nghiên cứu[12].
Trước đó rất lâu, sử gia Trung Quốc, Tư Mã Thiên (Sima Qian) (145 – 90 TCN)
được xem là “cha đẻ sử học Trung Quốc”, đã dùng cách viết biên niên để soạn tác
phẩm Shiji (Những ghi chép của nhà sử học vĩ đại), được biết đến với tên khác:
Sử ký[13]
chép lại những câu lịch sử Trung Quốc theo thời gian, không có lời bình luận
nào trong sách.
Bên cạnh cách viết Biên niên được nhiều nhà
nghiên cứu cho là quay lại đúng với tính chất lịch sử, một số sử gia Châu Âu
chịu ảnh hưởng từ trường phái Hậu hiện đại. Trường phái Hậu hiện đại được khởi
xướng trong những năm 1960 của thế kỷ XX, do những triết gia cũng là những nhà
phê bình văn học, lý thuyết văn học và sử gia như Roland Barthes (1915 – 1980),
Michel Foucault (1926 – 1984), Jean Francois Lyotard (1924 – 1998), Jacques
Derrida (1930 – 2004), Jean Baudrillas (1929 – 2007), Julia Kristeva (1941 - )…
khởi xướng. Chủ nghĩa Hậu hiện đại là phản ứng quyết liệt chống lại chủ
nghĩa duy nền tảng (anti – foundationalism) hay tinh thần duy nền tảng. Lý
thuyết hậu hiện đại là lý thuyết phá hủy những chân lý nền tảng, tấn công các
phương pháp truyền thống (trong triết học, văn học, ngôn ngữ học, sử học, hội
họa, kiến trúc…) hay đúng hơn là lý thuyết chống lại các lý thuyết của các
trường phái đi trước đó[14].
Trường phái Hậu hiện đại được vận dụng trong
tất cả các lĩnh vực khoa học xã hội, trong sử học, các sử gia chịu ảnh hưởng
trường phái này đã phản bác quan niệm lịch sử phải như một con đường tuyến
tính, nghĩa là một thứ biên niên sử theo lịch đại, bao gồm các sự kiện tất yếu,
nhằm thuật lại một câu chuyện có nghĩa… Họ phản bác lịch sử theo lý thuyết lớn,
không có một lý thuyết chung áp dụng cho tất cả mọi nơi, mọi thời kỳ. Theo họ,
lịch sử địa phương (theo nghĩa một vấn đề lịch sử của địa phương) hay chuyên
luận về những vấn đề lịch sử cụ thể nào đó … là chính xác và có thể vẽ lại rõ
ràng những chi tiết của các sự kiện đã xảy ra tại một vùng nào đó, trong khoảng
thời gian nào đó của quá khứ.
Một số sử gia nước ngoài nghiên cứu về Việt
Nam trong những năm gần đây theo trường phái này như Li Tana, Philip Taylor,
Shawn McHale, Christian Appy … hướng cách tìm hiểu lịch sử theo phương pháp dân
tộc ký (ethnography) bao gồm các hoạt động phỏng vấn, đi điền dã … nhằm tập
trung phân tích sâu một sự kiện lịch sử, kết nối các sự kiện lịch sử của một
vùng nào đó nhằm đưa ra giải thích mới về những sự kiện này.
Tương ứng với các trường phái của các sử gia
các nước, từ các bộ sử của các nhà viết sử Việt Nam có thể liên hệ các sử gia
Việt Nam với các trường phái cho dễ nhớ và dễ hiểu.
Với cách viết lịch sử như những câu chuyện, có
thể nhắc đến Lê Quý Đôn với Phủ Biên tạp lục[15]
hoàn thành vào năm 1776. Sách được ông viết từ những ghi nhận khi đi qua các
nơi trong trấn Thuận Hóa nhằm mục đích: “cuốn sách nhỏ này âu cũng là để ghi
nhớ những sự việc của chốn biên ải thôi. Song, các bậc quân tử ở triều đình,
nếu như có người nào đó không ra khỏi nhà mà cũng muốn tra cứu sự tích ở nam
thùy, tức là muốn biết được những việc ở ngoài muôn dặm, thì cuốn tạp lục này
cũng có thể cung ứng một phần nhàn lãm vậy”[16]
Và, theo quan điểm sử gia phải khám phá các sự
kiện lịch sử dựa trên nguồn tư liệu, chú trọng tài liệu lưu trữ, học giả Tạ Chí
Đại Trường được xem là tiêu biểu của cách viết sử này. Trong phần bên lề của
công trình Bài sử khác cho Việt Nam, Tạ Chí Đại Trường (2005:1) viết: Lịch
sử chỉ là những tiếp diễn của sự kiện mà không có cùng đích. Với quan điểm,
là người muốn tìm hiểu sử học nghiêm túc, khi viết một điều gì thì không phải
chỉ cho người cầm bút mà còn phải quan tâm đến người đọc, viết sử không chỉ là
việc sắp xếp các sự kiện lịch sử suốt cả ngàn năm mà đưa ra giải thích của
những sai lầm của các nhà viết sử trước, những điều đưa ra được xem là cái
“khác”, làm “khác” đi, làm “khác” đi thì những điều khó khăn phái nói thật
không cùng, nhưng làm khác đi không có nghĩa là vượt qua được những điều người
trước đã gặp. Cho nên dù sao cũng phải có những thỏa hợp ở mức độ nào đó đề cho
“bài sử khác” vẫn là bài sử Việt Nam (Tạ Chí Đại Trường, 2005: 7). Bài sử
khác cho Việt Nam của Tạ Chí Đại Trường là sự đối chiếu với những công trình sử
học của các sử quan thời phong kiến.
Cách viết sử của sử quan thời phong kiến là sự
kết hợp hai trường phái biên niên và giáo huấn. Số lượng công trình nhiều nhất
và được xem là “tư liệu gốc” cho nghiên cứu thuộc về các bộ sử của Quốc sử quán
nhà Nguyễn như: Đại Nam thực lục, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ…, được xem
là sự kế thừa của các bộ sử Đại Việt sử kí, Đại Việt sử kí toàn thư…. Những
dòng đầu tiên trong Đại Việt sử ký tục biên của Phạm Công Trứ giải thích cho sự
mẫu mực sử học phong kiến: “Vì sao phải viết quốc sử? Vì sử chủ yếu ghi chép
công việc. Có chính trị của một đời tất phải có sử của một đời. Mà sự ghi chép
của sử giữ nghị luận rất nghiêm, tô điểm việc chính trị thì sáng tỏ ngang với
mặt trời mặt trăng, răn đe kẻ loạn tặc thì ráo riết như sương thu lạnh buốt,
người thiện biết thì có thể bắt chước, người ác biết thì có thể tự răn, quan hệ
với chính trị không phải là ít. Cho nên mới làm ra quốc sử”[17]
Còn theo cách viết biên niên, một số công
trình của các nhà nghiên cứu gần đây đã được xuất bản như: Việt Nam – những sự
kiện lịch sử[18]
(Viện Sử học), Biên niên sử Việt Nam[19]
(Đỗ Đức Hùng)… được soạn thảo để hệ thống các sự kiện lịch sử Việt Nam dù cách
viết khác hơn, không phải tập hợp những câu chuyện mà chỉ liệt kê những sự kiện
lịch sử theo thời gian giúp người đọc hoặc nghiên cứu có thể tra cứu hoặc đối chiếu
các sự kiện lịch sử một cách nhanh chóng.
Một cách viết sử nâng lên thành trường phái,
được vận dụng nhiều ở Việt Nam là trường phái Marxist dựa trên chủ nghĩa duy
vật lịch sử của Karl Marx. Chủ nghĩa duy vật lịch sử của Marx chú trọng quan hệ
giữa con người với quá trình sản xuất, tìm ra hệ thống những quan hệ sản suất
tồn tại mối quan hệ giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng. Chủ nghĩa duy
vật lịch sử của Marx xem lịch sử “là bản thân hiện thực khách quan, tồn tại
và phát triển theo một logic, không phụ thuộc ý thức của con người”[20].
Do đó, phương pháp nghiên cứu theo chủ nghĩa Marx là phương pháp lịch sử và
phương pháp logic, xem hai phương pháp này là hai mặt biểu hiện biện chứng.
Theo đó, sử luận Marxist được xem là cung cấp nền tảng vững chắc cho lịch sử xã
hội.
Sử gia Việt Nam theo hai phương pháp này là
chủ yếu, theo hướng phân tích biện chứng sự hình thành xã hội, phân tích vai
trò của các giai cấp… Tuy nhiên, lịch sử gắn liền với chính trị, ảnh hưởng yếu
tố chính trị chi phối cách viết sử của một số nhà sử học Việt Nam, có thể nhìn
thấy rõ nhất trong nghiên cứu của Giáo sư Trần Văn Giàu[21]
và Gs Đinh Xuân Lâm[22],
nguồn sử liệu lớn trong những tác phẩm của ông là vô cùng lớn nhưng ông cũng
cho thấy cách viết theo khuynh hướng chính trị rõ nét khi đưa ra cách nhìn nhận
đối với phong kiến. Cũng theo quan điểm Marxist, Gs Đào Duy Anh được xem là
người coi trọng việc giám định sử liệu. Trong nghiên cứu sử học, đối với ông,
"phải chuyên tâm nghiên cứu lịch sử vì chỉ có hiểu biết đầy đủ lịch sử
dân tộc thì mới có thể chắt lọc ra đâu là những yếu tố truyền thống, đâu là
những yếu tố ngoại lai"[23].
Một trường hợp đặc biệt trong sử học Việt Nam
hiện đại, Đại tướng Võ Nguyên Giáp – người được biết đến về tài quân sự, nhà sử
học đồng thời cũng là nhân vật lịch sử. Lịch sử được ông viết lại bởi những hồi
ký, ký sự, những bài viết giá trị tái hiện thời kỳ bản thân ông trải qua. Theo
Gs Phan Huy Lê, Đại tướng vừa làm sử, vừa viết sử, một sự kết hợp hiếm có
của tài năng quân sự với tài năng sử học[24].
Qua các bài viết của Võ Nguyên Giáp, cách viết của ông theo trường phái đưa
giải thích vào sự kiện, phân tích nguyên nhân đối với sự kiện.
Gần đây, cùng theo hướng nghiên cứu lịch sử
địa phương theo trường phái Hậu hiện đại, các nhà sử học Việt Nam hiện nay đang
chú trọng đến việc định hướng cho các công trình nghiên cứu mới, chọn một vấn
đề hoặc một địa phương nào đó để tìm hiểu. Tuy nhiên, việc nghiên cứu lịch sử
địa phương đã được một số người lựa chọn cách đây rất lâu như Nguyễn Văn Hầu
(viết về vùng đất An Giang), Vương Hồng Sển (viết về Gia Định), Sơn Nam (tìm
hiểu về lịch sử vùng đất Nam Bộ, được xem là người am hiểu về vùng đất này)…
Qua việc tìm hiểu ban đầu những cách viết sử
để hiểu quan niệm lịch sử của những nhà nghiên cứu thế giới và Việt Nam, có thể
nhận ra mỗi người nghiên cứu có thể lựa chọn một cách viết sử riêng theo trường
phái riêng, có thể loại bỏ sự áp đặt vô hình mà tôi đã từng gặp đó là nghiên
cứu lịch sử chỉ theo phương pháp lịch sử và phương pháp logic mà thực chất đó
là hai phương pháp thuộc trường phái Marxist. Có thể thấy, những nhà nghiên cứu
lịch sử có thể chọn chủ đề lịch sử nhỏ mang tính chất địa phương để nghiên cứu
không cần theo chủ đề bao quát và chọn phương pháp điền dã, phỏng vấn, mô tả để
tập trung vào những sự kiện một vùng nào đó cũng có thể xem như thu lượm những
câu chuyện của quá khứ ở địa phương đó hoặc kể lại chính câu chuyện của người
viết trong quá trình tìm hiểu. Đó chính là khuynh hướng viết sử theo trường
phái Hậu hiện đại mà những nhà nghiên cứu sử Việt Nam đang tập trung chú ý đến.
Nguyên văn: “History is a story we tell
ourselves who we are”, theo:
[5]
Trần Thị Bích Ngọc (2007), Lịch sử và phương pháp lịch sử, Tạp chí Khoa học xã
hội, (số 9-10), tr 59 - 80
[6]
Trần Thị Bích Ngọc (2007), Lịch sử và phương pháp lịch sử, Tạp chí Khoa học xã
hội, (số 9-10), tr 59 - 80
http://books.google.com.vn/books?id=YTCrx1KB3HQC&printsec=frontcover&dq=the+histories+herodotus&hl