Thứ Năm, 24 tháng 5, 2012

NHÀ TRUYỀN GIÁO DÒNG AUGUSTINÔ Ở QUẢNG NAM VÀO KHOẢNG NĂM 1595-1605


Huynh Rafael Da Madre De Deus (1571-1606)

Roland Jacques
phỏng thuật và ghi chú từ tiếng Tây Ban Nha
Bản văn rút ra từ
«La Orden de San Agustín en la India (1572-1622)[1]»
của Teófilo Aparicio López, O.S.A.
Bản dịch Việt ngữ Trần Văn Mầu
Tài liệu Tập San Định Hướng



Huynh Rafael da Madre de Deus, tên có nghĩa là Raphael Đức Mẹ Chúa Trời, ngoài đời gọi là Manuel Álvares. Ông sinh năm 1571 tại Vila do Conde[2], một thị trấn ở trong một vùng có cảnh trí thật đẹp nằm giữa hai dòng sông Minho và Douro (Bồ Đào Nha). Ông là nhân vật đáng chú ý nhất trong nhóm các ẩn sĩ Augustinô nước Bồ Đào Nha đến truyền giáo tại Việt Nam vào cuối thể kỷ 16 và đâu thế kỷ 17; nhóm nầy rất ít được nhắc đến[3]; bên cạnh Huynh Rafael da Madre de Deus, nhóm ấy còn có các vị như Miguel dos Santos, Mateus de S. José, Jerónimo de MatosJosé de Mendonça[4]. Rafael da Madre de Deus hình như cũng là nhà truyền giáo đầu tiên của Việt Nam đã chịu chết vì đạo[5].

Theo danh sách của nhà biên niên sử dòng Augustinô là Manuel da Ave Maria[6], thì Rafael da Madre de Deus mặc áo dòng ẩn sĩ Augustinô vào lúc 17 tuổi, và khấn dòng tại một nơi trên đất châu Á. Người ta không biết trong hoàn cảnh nào ông đã đi từ Bồ Đào Nha đến phương Đông. Người ta không biết tên tu viện và ngay cả tên thành phố nơi ông đi tu[7]. Nhưng có điều chắc chắn là có nhiều người trẻ Bồ Đào Nha ở trong trường hợp như ông, dưới thời linh-mục giám tỉnh Lucas do Paraíso[8]. Theo Manuel da Purificação[9], một nhà biên niên sử khác của dòng Augustinô, thì vừa sau khi chịu chức linh mục, ông được gởi đến vương quốc Đàng Trong, nơi mà các tu sĩ dòng Augustinô sẽ nhiệt thành giúp các linh hồn trở lại đạo[10]. Các chi tiết về cuộc đời truyền giáo của ông được biết qua một nhà biên niên thứ ba là Félix de Jésus[11].

Nhà viết sử này nói rằng «vua xứ Đàng Trong[12], một Xứ tiếp giáp với đại vương quốc Trung Hoa[13]», từng nghe người ta nói đến chân lý của đạo công giáo nên mong được biết. Nhà Chúa ấy thổ lộ điều mong muốn này với một người Bồ Đào Nha vốn đã đến tận các bến cảng[14] xứ này trên một thuyền bầu để trao đổi buôn bán những sản phẩm địa phương. Nhà Chúa cũng đã nói là ông muốn có những tu sĩ thuyết giáo trong vương quốc mình; theo nhà biên niên sử, ông hành động như thế là để bảo đảm vấn đề thương mại với người Bồ Đào Nha phương Đông[15].

Thương gia người Bồ kể lại sự việc cho linh mục Miguel dos Santos[16] bấy giờ đang ở tu viện Augustinô Macao; tu viện ấy được thành lập vào năm 1589[17]. Chính vị tu sĩ này được chỉ định[18] thử đi loan báo Tin Mừng cho xứ Đàng Trong. Ông đem theo một vị đồng hành trẻ tuổi là linh mục Rafael, vốn được tiếng là một tu sĩ nhân đức và gương mẫu, người mà người ta tin là thích hợp hơn cả trong công cuộc nửa chính trị và nửa truyền giáo này. Hai người lên thuyền rời Macao vào năm 1595 và đến nơi bình an vô sự. Họ được Chúa và dân chúng trong vùng tiếp đón tử tế. Họ dâng lên vị Chúa ấy[19] những món quà theo tục lệ, và đề cập ngay đến mục đích chuyến đi của họ. Hai người trình tâu với Chúa là họ đã hoan hĩ đến thể theo lời mời của Chúa, hơn nữa đây là một sự việc trọng đại nhằm rao giảng đạo thật. Chúa nghe vậy thì rất vui mừng và tiếp đãi họ. Hôm sau Chúa lại mời họ lên để chuyện trò y như hôm trước. Ngay vào lúc đó các tu sĩ đã mạnh dạn xin được xây cất trong vương quốc một ngôi nhà ở và một ngôi thánh đường. Chúa cho phép dễ dàng và còn giúp đỡ những điều cần thiết để sớm hoàn tất các công trình[20]. Nhà thờ được dâng hiến cho Đức Bà Ánh Sáng[21]; địa điểm xây cất giáo đường rất thích hợp[22]; và các nhà truyền giáo nầy chan chứa hy vọng vào tương lai.

Các tu sĩ dòng Augustinô hoạt động truyền giáo nơi này được hơn một năm thì các vị sư coi các chùa chiền, vì tức giận đã yêu cầu nhà nhà Chúa kia (theo nhà viết sử biên niên là «vua mê tín») ra lệnh đuổi hai người ra khỏi nước. Họ đưa hai giáo sĩ đưa lên một chiếc ghe nhỏ không buồm, không lương thực và bắt rời khỏi bến trong tình trạng như thế. Dầu vậy, hạt giống Phúc âm đã bắt rễ trong nhiều tâm hồn, đặc biệt nơi một bà vị vọng, thuộc hoàng gia[23]. Vì không chịu nổi sự vắng mặt của những người mà bà đã gọi là «các cha của bà», nên bà đã nài nĩ để xin cho các ngài được trở về lại xứ Đàng Trong. Ngoài ra bà còn tỏ dấu bứt rứt vì đã để các ngài ra đi mà không hề có hành động nào nhằm thay đổi ý định của Nhà Chúa là người anh họ mình. Khi nghe biết được điều này, Rafael, vốn đã kinh qua những công việc khó khăn, lại còn muốn được gánh vác thêm nữa, nên đã đồng ý trở lại miền ngài đã bị trục xuất[24].

Theo Félix de Jésus, cùng đi với Rafael lần này là Huynh Mateus de S. José, một tu sĩ Augustinô khác của tu viện Macao, một trong những vị sáng lập và có lẽ đang là bề trên tu viện. Người viết sử khẳng định rằng họ được «vua ở Sima do Paquira[25]» tiếp đón tử tế, vị vua được coi như là người đứng trên các tiểu vương chư hầu[26] cai trị khắp các vùng trong xứ. Người viết sử kể rằng họ đã đi bộ nhiều tháng, ngang qua các vùng đất, các dòng sông, đến những nơi mà chưa bao giờ có một người Âu Châu nào đặt chân tới. Chúa đặt họ làm đại sứ[27] của mình trên toàn vương quốc và bên cạnh các tiểu vương để họ tự do hơn trong việc giảng đạo, xây dựng nhà thờ, và rửa tội cho những người tự ý muốn xin.

Tuy nhiên, hình như không có giáo đường nào khác được xây dựng ngoài nhà thờ đầu tiên; hai giáo sĩ hoạt động tích cực, giúp một số người dân địa phương cũng như người Nhật đến buôn bán tại Miền[28] này được trở lại đạo. Hình như người đồng hành với Rafael đã thật sự qua đời khá sớm.

Đúng vậy, theo sách Francisco da Purificação, chính vì nhận thấy đơn độc một mình nên nhà truyền giáo đã quyết định đi đến tận Malacca để tìm kiếm thợ Phúc âm mới có thể giúp ông trong những công việc[29] của mình. Và trong chuyến đi[30], ông rơi vào tay hải tặc Hoà Lan tấn công chiếc tàu chở ông trong chuyến hành trình[31] ấy.

Bọn cướp Hoà Lan lấy sạch của cải của tất cả hành khách, rồi để họ tự do, trừ[32] Rafael da Madre de Deus mà chúng đưa đi[33] để làm con tin vì những ý đồ riêng. Thật vậy, sau đó bọn chúng đưa ông đến gặp vua xứ hồi giáo Johore (Mã Lai) mong mua chuộc vị nầy[34]. Lợi dụng thời gian tự do tương đối hưởng được ở đây, nhà truyền giáo chúng ta lại rao giảng Phúc âm cho các tín đồ hồi giáo, với sự nhiệt tâm và lòng nhiệt thành y như lúc ở xứ Đàng Trong. Vì nghe giáo sĩ nói đụng đến vị Tiên tri và kinh Coran, người dân hồi giáo liền nổi giận xin vua cho phép giết ông. Trước khi hành hình, nhà vua đến gần giáo sĩ và nói rằng ông sẽ được tha và được đối đãi trọng vọng nếu ông bỏ đạo mình để theo hồi giáo. Rafael khinh bỉ khước từ nên bị lôi đi ngang qua thành phố đến pháp trường để bị chém đầu.

Người HoàLan, vốn sở hữu một thương-điếm[35] trong vùng, liền yêu cầu nhà vua giao lại người trước đây là tù nhân của họ, ít ra là để chữa trị các vết thương và những cú đánh đập trên đầu. Đồng thời họ cũng hứa rằng người ấy sẽ còn là con tin của họ và bị họ cầm tù. Sau khi lành các vết thương và hết đau đớn, Rafael lại bắt đầu rao giảng Phúc âm trong dân chúng và cho cả những người Hoà Lan mà đa số theo đạo thệ phản. Sự việc xoay chiều đến mức đám người sau này buộc lòng yêu cầu ông phải rời khỏi xứ. Để cứu mạng sống của ngài, họ quyết định đưa ngài lên một chiếc thuyền sắp đi Nhật Bản lúc đó đang thả neo ở bến cảng.

Người hồi giáo biết được mưu toan chạy trốn này nên đã giăng bẫy phục kích linh mục dòng Augustinô ngay vào đêm ông phải lên tàu để tếch ra khơi. Họ chờ trên bãi biễn, giết chết rồi bỏ xác lại. Đó là ngày 3 tháng 10 năm 1606.

Tổng giám muc thành Goa, Huynh Aleixo de Menezes[36] (1595-1610), cũng thuộc dòng ẩn sĩ Augustinô, khi hay tin về cái chết anh hùng của người anh em mình, đã cho ghi chép câu truyện của ông trong biên niên sử thành Goa[37].

*

Phụ đính của Roland Jacques

Năm 1998, sau khi đọc xong bản cáo phản ứng của các giám muc Việt Nam đối với lược đồ (lineamenta) chuẩn bị cho Thượng Hồi đồng các Giám mục châu Á, tôi đã đặt câu hỏi từ chương như sau: « Khi nào chúng ta mới có được một cuốn « Lịch sử người ki tô hữu Việt Nam » thật sự mà không phải là lịch sử của các giáo sĩ ngoại quốc?» Tôi mong muốn được đưa ra ánh sáng cái công trình tuyệt vời mà chính các Đức Giám mục đã gợi lên trong văn bản nói trên, công trình được thực hiện bởi «… giáo dân và nữ tu, và cả giới trẻ nữa, đang âm thầm làm chứng cho đức Giêsu ở khắp mọi miền đất nước chúng tôi.[38] »

Vì lý do này mà tôi đã dành ưu tiên cho những cuộc nghiên cứu liên quan đến các nhân vật và văn hóa Việt Nam. Vì vậy bài viết trên đây không được công bố từ gần mười năm nay, bởi vì nó chỉ kể lại những sự việc và họat động của các giáo sĩ ngoại quốc, ở đây là trường hợp giáo sĩ Bồ Đào Nha.

Tuy nhiên tôi cũng nhận thấy rằng thế kỷ 16, trên phương diện nào đó, được coi là thời kỳ tiền sử của Giáo hội Việt Nam, rất ít được biết tới. Thật ra, các tu sĩ Đa minh và Phan sinh đã dựa trên biên niên sử mỗi Dòng để thảo những trang sử khởi đầu[39]. về những cuộc gặp gỡ ban sơ của đất nước Việt Nam với đức tin Kitô giáo. Nhưng mỗi tác giả đều làm việc một cách độc lập, với chủ ý chứng minh cho sự đóng góp ngọai hạng của dòng mình. Vả lại các tác giả đã không tiếp cận được với các tài liệu gốc chưa xuất bản hoặc với một phần quan trọng của các công trình có giá trị nhất đã được công bố trong các ngôn ngữ phương tây.

Ngoài ra phần tiền sử này của Kitô giáo Việt Nam đang còn ngổn ngang với nhiều truyền thuyết mơ hồ không thể chấp nhận được. Lỗi lầm phần lớn là do một tác giả duy nhất, Frédéric Romanet du Caillaud, mà phía trời Âu không ai nhắc đến, nhưng, than ôi, lại được dịch ra hoặc được phóng tác tại Việt nam. Quyển sách Essai sur les origines du Christianisme au Tonkin et dans les autres pays annamites[40] của ông là một mẫu sách lịch sử giả mạo viết bởi một người không chút chuyên môn[41].

Được các bạn Việt nam khuyến khích, tôi nghĩ rằng cung cấp cho độc giả một văn bản thứ nhất này là việc làm có ích. Đây là một bài nghiên cứu có tính cách khoa học liên quan đến nhiều tài liệu gốc tiếng Bồ Đào Nha rất ít được biết đến. Teofilo Aparicio López, tu sĩ Augustinô, người Tây Ban Nha và sử gia của Nhà Dòng, đã viết một bài đúc kết rất hay. Khuyết điểm chính của sử gia là không biết gì trực tiếp về Việt Nam. Thế nên tôi đã phiên dịch (và phóng tác một chút ít) công trình của ông; vả lại, nếu muốn, độc giả có thể kiếm được bản văn tiếng Tây Ban Nha của ông mà không gặp mấy khó khăn (xem ghi chú 1). Và nhất là tôi đã cho đính kèm rất nhiều ghi chú, với mục đích làm sáng tỏ các sự kiện trong bài viết, nhờ vào những tài liệu gốc khác và sự hiểu biết nhất định về thực địa, nơi các sự cố đã diễn ra.

Quan niệm về việc truyền giáo Kitô đã thay đỗi rất nhiều với thời gian. Những phương thức thể kỷ XVI có thể gây đụng chạm đến một vài người nhạy cảm trong bối cảnh đối thọai đại kết và liên tôn hiện nay. Tôi cho việc trình bày các sự việc mà không thay đổi, không tô vẽ, là rất quan trọng: mỗi độc giả hãy tự cố gắng tìm hiểu tâm tư của thời quá khứ mà không áp đặt một sự đoán xét tiên kiến nào.

Nay các sử gia Việt Nam hẳn sẽ đưa toàn bộ sự kiện này hội nhập vào quan điểm riêng của họ, để câu truyện này trở nên hữu ích cho việc giáo dục các thế hệ hiện tại cũng như tương lai.

Lisbon và Hà Nội 1994-1996

Ottawa, Mùa Thu 2005

Roland Jacques Dương Hữu Nhân

Annexe :

Texte original de Manuel da Purificação

et traduction française de Roland Jacques

[Memĩrias da Congregação Agostiniana na Índia Oriental e Missões dos Religiosos Agostinhos, Lisbonne, Bibliothèque nationale, Fundo Geral, ms n° 177, fol. 273 et 273v ; texte original portugais publié dans Antĩnio da Siva Rego (ed.), Documentação para a histĩria das Missões do Padroado Português do Oriente – Índia, Lisbonne, Fundação Oriente et Comissão Nacional para as Comemorações dos Descobrimentos Portugueses, 1991-1996 : vol. 12, p. 38-39]

[fol. 273] O P.e Fr. Raphael da Madre de Deos natural da Villa do Conde na provincia entre Douro e Minho que tomou habito, e professou na Congrega­çam da India ; depois de sacerdote foy mandado para o reino de Cochim China onde os religiosos eremitas se occupavão na conversão dos infieis. Irritados os ministros dos pagodes e não podendo já soffrer o frutto que os religiosos colhião da sua pregaçam os deitaram fora das suas terras, embarcando os em hum barquinho velho demastriado, e sem pro­vizão alguma, os fizerão sahir do porto. Depois de varios socessos, e perigos do mar chegarão a Macao, onde foram recebidos no convento da mesma Ordem. Porem o P.e Fr. Raphael saudozo dos trabalhos experimentados e dezejoso de outros novos, voltou com hum compa­nheiro para a mesma terra que o não quizera. Lá rezidirão os dous alguns annos exercitando se no mesmo ministe­rio. Por falecimento do companheiro pareceo ao P.e Fr. Raphael conviniente hir se a Malaca a conduzir outros compa­nheiros ; foy tomada a embarcação de huma nao olandeza, que depois de a despojar, pos em liberdade o navio, e os passageiros ; porem ao P.e Fr. Raphael da Madre de Deos prezo com asperos grilhães o mandarão ao rey de Jơr mouro de profissão. Posto pelo rey em sua liberdade mas retento nas suas terras, se pos o P.e a pregar o evangelho aaquelles mahomatanos com o mesmo fervor, com que o fizera aos pagaons de Cochim China ; do que irritados os mouros, e do mal que ouvião do seu falso propheta, e da sua ley, alcançarão do rey licença para o matarem.

Antes da execução mandou le o rey propor que se deixasse a ley de Christo seria honrado, e premiado no seu reino ; e como quer que o P.e desprezasse a promessa foy levado com grande alvoroço de rastos por toda a cidade ate a praya, aonde o pertendião degolar. Os Olandezes que rezidião em huma feitoria naquella cidade, posto que dezejavão o padre morto, comtudo não querião que o fosse tão publicamente, e em odio da fé, porque como ellos o tinhão entregue, temerão a vingança dos portuguezes nos olandezes que estavão prizioneiros em varias suas terras suas ; asim que pedirão ao rey que lhe entregasse o padre, e o levarão para a sua feitoria, e o curarão dos golpes, e feridas que tinha recebido ; e aly esteve algum tempo prizioneiro. Porem como o P.e voltou o zello da pregação contra os erros de Calvino, e Luthero, lhe ordenarão os olandezes que se fosse dali em huma embarcação dos Japoens, que [fol. 273v] estava naquelle porto. Tiverão desta rezolução noticias os mouros, e na noite que souberão que havia de hir o padre embarcar se, o esperarão na praya e o matarão, deixando nas muitas feridas do seu corpo muitas boccas, que publicarão a grande raiva daquelles barbaros. Sucedeo esta glorioza morte aos 3 de Outubro de 1606. E todo o referido consta de huma relação do Arcebispo Dom Fr. Aleixo de Meneses Le Père Frei Raphặl de la Mère de Dieu [était] natif de Vila do Conde dans la province [portugaise] entre les fleuves Douro et Minho. Il prit l’habit et fit sa pro­fession religieuse dans la Congrégation [= province] de l’Inde [des Augustins]. Ordonné prêtre, il fut envoyé dans le royaume de Cochinchine, ó les religieux Ermites [de S. Augustin] travaillaient à la conversion des infidèles. Les desservants des pagodes [en furent] irrités ; ne supportant pas le bon résultat obtenu à travers le prédication des Frères, ils les expulsèrent de leurs territoires : ils les embarquèrent [de force] dans un vieux bateau de petite dimension et sans mât, sans aucune provision, et les firent sortir du port.

Après diverses aventures et [ayant échappé à divers] périls de la mer, ils arrivèrent à Macao. Ils y firent reçus au couvent de leur Ordre. Le Père Frei Raphặl gardait toutefois la nostalgie des travaux [aposto­liques] dont il avait fait l’expérience et souhaitait en entreprendre de nouveaux ; avec un compagnon, il retourna dans ce même pays qui n’avait pas voulu de lui. Tous deux y restèrent quelques années et y exercèrent le même ministère.

Son compagnon étant mort, le Père Frei Raphặl jugea nécessaire de se rendre à Malacca pour conduire [en Cochinchine] de nouveaux compagnons. Son bateau fut capturé par un vaisseau hollandais. Après l’avoir pillé, les Hollandais relâchèrent le bateau avec les [autres] passagers ; quant au Père Frei Raphặl de la Mère de Dieu, ils le mirent aux fers, enchaỵné durement, et l’envoyèrent au roi de Johore, qui était de religion musulmane. Le roi lui rendit sa liberté [de mouvements] mais le garda en résidence sur son territoire. Le Père se mit à prêcher l’Évangile à ces musulmans, avec le même ferveur qu’il l’avait fait aux pạens de Cochinchine. Les musulmans en furent irrités, et [surtout] du mal qu’ils entendaient dire de leur faux prophète et de sa religion : ils obtinrent du roi la permission de le tuer.

Avant l’exécution, le roi lui fit faire la proposition d’abandonner la Loi du Christ : [pour cela] il serait honoré et récompensé dans le pays. Le Père ayant rejeté avec mépris cette promesse, il fut traỵné en piteux état à travers toute la ville, au milieu d’une foule en grand tumulte, jusque sur la plage ó ils voulaient l’égorger. Les Hollandais résidaient dans une factorerie dans cette même ville ; ils préféraient eux aussi voir le Père mort, mais il ne voulaient pas que cela se fasse d’une façon aussi publique et en haine de la foi [chrétienne] ; en effet, comme c’étaient eux qui l’avaient livré [aux musulmans], ils crai­gnaient que les Portugais ne se livrent à la vengeance sur les prisonniers hollandais détenus dans divers territoires portugais. Ils demandèrent donc au roi de leur remettre le Père ; ils l’emmenèrent dans leur factorerie et soignèrent les coups et les blessures qu’il avait reçus. Il resta quelque temps prisonnier chez eux.

Mais le Père dirigea alors le zèle de sa prédication contre les erreurs de Calvin de et Luther ; aussi les Hollandais lui ordonnèrent de quitter la région sur un navire japonais, qui était à l’ancre au port.

Les musulmans eurent vent de cette décision. Ayant appris durant quelle nuit le Père devait s’embarquer, ils le guettèrent sur la plage et le tuèrent. Ils laissèrent sur son corps de nombreuses blessures, comme autant de bouches qui proclamaient la grande rage de ces barbares.

Cette glorieuse mort eut lieu le 3 octobre 1606.

Tout ce récit est tiré d’un rapport de l’archevêque [de Goa], Dom Frei Aleixo de Menezes.





[1] Văn bản gốc tiếng Tây Ban Nha do Centro de Estudos históricos ultramarinos, xuất bản tại Lisbon, Bồ Đào Nha, bản in tách riêng của tạp chí định kỳ Studia, số 40, 6.1974–12.1978, tr. 322-327.

Số 40 Studia còn sẵn bán (12 Euro) tại: Instituto de Investigação Científica Tropical, Rua da Junqueira 86 – 1o, 1300-344 Lisboa, Bồ Đào Nha; sao ảnh từ xa (telecopy) (351) 21 363 1460; iict@iict.pt; tham khảo Internet:

http://www.iict.pt/publicacoes/catalogo/pagpbl/vpbl03.asp?c_col=706&c_num=20 .

[2] Vila do Conde là một bến cảng đánh cá nhỏ của tỉnh Porto, ở Bồ Đào Nha, cách 30 cây số về phía bắc thành phố Porto.

[3] Người ta tìm thấy dưới ngòi bút của nhiều tác giả viết về các đoàn truyền giáo tại Viêt Nam ở thế kỷ XVI lời quả quyết rằng các tu sĩ Augustinô này đến đây với tư cách tuyên úy của các đoàn thủy thủ Bồ chứ không đến như những nhà truyền giáo. Ví dụ xem Hồng Lam và L[éopold] Cadière, Lịch-sử Đạo Thiên-Chúa ở Việt-Nam, thế-kỷ xvi-xviii , Huế, Đại-Việt Thiện-Bản, 1944, tr. 120; Nguyễn Hồng, Lịch-sử Truyền-Giáo ở Việt-Nam , quyển I Các Thừa-Sai Dòng Tên 1615-1665 , Sài Gòn, Hiện-Tại, 1959, tr. 41…

Những lời khẳng định này đã được lặp lại dựa theo sử gia Dòng Thuyết giáo, Marcos Gispert, thuộc Tỉnh dòng Phi Luật Tân, (Historia de las Misiones Domínicas en Tungkín, theo sau là Introducción a la historia sobre los orígenes del Cristianismo en la Indo-China, Ávila, 1928), đã viết sách dựa theo các biên niên sử của dòng Đa Minh.

Ta có đây một phản ảnh của sự cạnh tranh giữa hai Dòng Tu lớn hơn là một chứng tá về sự thật lịch sử; ta phải dứt khoát bác bỏ lời quyết đoán của Gispert và của những người theo ông. Thật vậy, vào những năm 1640 giáo sĩ Đăc Lộ cũng đã ở vào một tình huống tương tự: ông được lệnh chỉ chăm sóc những người Bồ Đào Nha và để yên những người Việt Nam; như vậy ta nói được chăng là Cha Đắc Lộ chỉ làm tuyên úy cho các đoàn thủy thủ người Bồ?

[4] Dưới đây trong bài sẽ đề cập đến Miguel dos SantosMateus de S. José, những bạn đồng hành liên tiếp của Rafael tại Việt Nam. Về Jerónimo de Matos, xem ghi chú 29.

Còn về José de Mendonça (người Tây Ban Nha đôi khi viết là «Mendoza») thì ông đã trãi qua vài tháng ở băc Bố Chính (Quảng Bình) năm 1636. Mặc dù không biết ngôn ngữ, ông cũng đã làm cho vài bậc vị vọng theo đạo, những người này không lâu về sau đã được các Cha dòng Tên giảng dạy giáo lý. Trở về Macao qua ngã Kẻ Chợ, Mendonça làm bề trên tu viện Au­gustinô Macao cũng trong năm đó. Về sau ông đã bất đăc dĩ trở lại Việt Nam: tháng 12 năm 1639, ông đáp tàu đi Phi Luật Tân cùng với tu sĩ Phan sinh người Tây Ban Nha là Francisco de Jesús de Escalona, nhưng tàu gặp bão và phải tìm chỗ trú trên bờ biển Việt Nam. Hai nhà tu ở lại Đà Nẵng và Hội An cho đến tháng 6 năm 1640. Bài tường thuật của Escalona đã được Anastacio van den Wyngaert xuất bản trong Sinica Franciscana, quyển 2: Relationes et epistolas Fratrum Minorum saeculi xvi et xvii, Quaracchi-Florence, Collegium S. Bonaventurae, 1933: tr. 305-306.

[5] Ở một nơi khác tôi đã tự bạch về những quan điểm công nhận các vị sau đây là những «nhà truyền giáo của Việt Nam» và đã «tử đạo» vào cuối thế kỷ XVI, một tu sĩ Phan-sinh và bốn tu sĩ Đa minh: Pedro Ortiz Cabezas, Dòng Anh em Hèn mọn; Luis da Fonseca, Jorge da Mota, Juan Bautista Maldonado và Pedro Labastida, Dòng Thuyết giáo. Những quan điểm này không dựa trên một cơ sở tài liệu thực tế nào và không phù hợp với các dữ kiện lịch sử. Xem Roland Jacques, «Thầy giảng Anrê và tước hiệu Tử đạo tiên khởi Việt Nam», trong Định Hướng 23, 2000, tr. 13-23.

[6] Xem các văn bản trong Memórias da Congregação Agostiniana na Índia Oriental e Missões dos Religiosos Agostinhos, quyển 12 trong bộ Documentação para a história das Missões do Padroado Português do Oriente, do António da Silva Rego xuất bản, Lisbon, Fundação Oriente et Comissão Nacional para as Comemorações dos Descobrimentos Portugueses, 1991-1996.

Các tên gọi ở đây đều ghi bằng tiếng Bồ Đào Nha; phần lớn là tên tu sĩ nhận được khi mặc áo dòng. Những tên có kể trong bài viết được dịch như sau: «Emmanuel Kính mừng Đức Mẹ Maria», «Luca Thiên đàng»; «Phanxicô Đức Bà Thanh tẩy» (Lễ Nến); «Fêlix Đức Chúa Giê-su»; «Fêlix các Thánh»; «Matthêu Thánh Giuse».

[7] Nhà Mẹ các Ẩn sĩ Augustinô tại Lisbon là tu viện Nossa Senhora da Graça (Đức Bà Ban Ơn), nên ở Bồ Đào Nha được biết đến nhiều hơn dưới tên «Gracianos». Những tu viện chính của nhà dòng trên đất Á châu, được xây cất ở Goa vào năm 1572 và ở Macao vào năm 1589, cũng đều mang tước hiệu «Đức Bà Ban Ơn». Có lẽ Rafael được luyện tu ở Goa, trung tâm trí thức và tôn giáo của các lãnh thổ Bồâ phương Đông.

[8] Teófilo Aparício López cho rằng Rafael đi sang phương Đông với gia đình lúc còn nhỏ. Nhưng giả thuyết này xuất phát từ một sự kém hiểu biết về những thực tế lịch sử: chuyện các gia đình người Bồ di cư đi về phương Đông là không hề có. Trái lại, nhiều Dòng tu thường tuyển chọn các môn sinh trẻ cho các Tỉnh Dòng Đông phương, chẳng hạn những kẻ mồ côi; thế là các thanh thiếu niên đó lên đường đến nơi Nhà Tập luyện tu và học hành, nhất là tại thành Goa tại Ấn Độ.

[9] Bản viết tay của Manuel da Purificação tựa đề: Memórias da Congregação Agosti­niana na Índia Oriental e Missões dos Religiosos Agostinhos [Hồi ký Hội dòng Augustinô tại Ấn độ phương Đông và những Công cuộc truyền giáo của các tu sĩ Augustinô]; Thư viện quốc gia Lisbon, thủ bản của Fundo Geral số 177. Bản văn nguyên vẹn đã được António da Siva Rego xuất bản trong Documentação para a história das Missões do Padroado Português do Oriente – Índia, quyển 12, tr. 3-233.

[10] Để hiểu biết tinh thần các Ẩn sĩ Augustinô Bồ Đào Nha trong thời kỳ này, người ta có thể tham khảo một bài viết rút ra từ thiên nhập đề trong một cuốn sách của António da Purificação (tác giả này khác với Manuel ở trên) viết về lịch sử Dòng Tu này: «Mặc dù có nhiều Cha các Dòng Tu khác lòng rất đạo đức giúp việc Đức Chúa Trời một cách đắc lực tại các miền các tỉnh khác nhau trên thế giới, thì các nơi đó trước đây cũng đã được các Ẩn sĩ chúng tôi đôi khi viếng thăm; vì lòng bừng cháy ngọn lửa Chúa đã đem đến đốt lên trong lòng mọi người nên các ngài đã đến rao giảng Phúc âm cho các cư dân ở các vùng đó. [...]. Thật ra, nhiều Dòng đã vào trước tiên ở phương Đông, Dòng Thánh Phanxicô năm 1518, Dòng Cơ binh Chúa Giêsu (Dòng Tên) năm 1541, Dòng Thánh Đôminicô năm 1548, và các ngài đã chinh phục được cho Chúa những vương quốc trọn vẹn và vô số linh hồn. Tuy nhiên phận vụ thì quá lớn lao, nhiều vùng mênh mông còn chưa được nghe lời Phúc âm rao giảng, nên thật là thích hợp nếu chúng tôi cùng đến giúp đỡ các ngài trong công việc rất thánh thiện này. Chúng tôi đã đi vào năm 1572, và chúng tôi đã không sai lầm». Frey Antonio da Purificaçam [1601-1658], Chronica da antiquissima Provincia de Portugal da Ordem dos Eremitas de Sto Agostinho[...], Parte Primeira, Lisbon, 1642, tờ 15 và 17v.

[11] Về Fêlix Đức Chúa Giêsu và tập biên niên của ông, xin xem A. Hartmann, «The Augustinians in Golden Goa, according to a manuscript by Felix de Jesus, OSA», trong Analecta Augustiniana 30, 1967, tr. 5-174.

[12] Cụm tiếng «vua xứ Đàng Trong» hay được dùng trong các bài viết tiếng Bô đào nha để chỉ Chúa Nguyễn. Từ năm 1570, Nguyễn Hoàng, vốn làm trấn thủ vùng đất biên cương Thuận Hoá, được phép cai trị toàn bộ lãnh thổ nằm hơn nữa về phía Nam, giữa đèo Hải Vân và đèo Cả, được gọi dưới tên duy nhất Quảng Nam. Từ ngày đó, quyền bính của Chúa không bị chia-xẻ, ngày càng củng cố trên toàn đất Việt nam ở phía Nam dãy Hoành Sơn (Đèo Ngang) và sông Gianh. Ngoài việc cống tiến vua Lê ở Thăng long, Nguyễn Hoàng được xem như một vị vương, ở trong cũng như ngoài nước, cho dù đất nước chỉ bị phân ly thật sự dưới thời thế tử Nguyễn Phúc Nguyên (Sãi Vương, 1613-1635).

[13] Ghi chú về địa hình này không phải là do nhà biên niên sử tỏ ra ngây thơ. Đúng là ‘Xứ Đàng Trong’, như người Bồ Đào Nha định nghĩa bằng cụm từ địa lý này, hay nói cách khác là vương quốc Việt Nam do Nguyễn Hoàng cai trị, thời ấy trãi rộng từ Tỉnh Quảng Bình cho đến (và gồm luôn) Bình Định; nó không tiếp giáp với Trung Quốc mà bị cách chia bởi vương quốc Việt Nam kia, gọi là ‘Đàng Ngoài’. Nhưng mãi đến năm 1619, và cho dù có sự giải phóng từ từ đáng kể, vương-quốc Chúa Nguyễn vẫn tiếp tục cống tiến vua Lê ở Thăng Long, do đó mà duy trì được sự thống nhất pháp lý hình thức của nước Đại Việt (Việât Nam) như là một quốc gia có chủ quyền theo luật quốc tế, có biên giới ngăn chia đôi với Trung Quốc. Đối với giáo quyền, sự kiện tiếp giáp này đã giúp xác định các miền phụ thuộc giáo phận Macao, do Sắc lệnh giáo hoàng thành lập, tập hợp một cách mơ hồ Trung Quốc cùng với hải đảo và các miền đất đai cận kề. (Sắc lệnh Super Specula Militantis Ecclesiae ngày 23.1.1576, số 5. – Bản văn trong Bullarium Patronatus Portugalliae regum, Levy-Maria Jordão xuất bản, quyển I, Lisbon, Nhà In Nationale, 1868, tr. 243-244). Đúng ra ranh giới với giáo phận Malacca phải được vua xứ Bồ Đào Nha hoặc các đại diện của mình xác định rõ ràng, nhưng vấn đề đã không được xem là cấp bách, và hình như sự phân ranh chưa bao giờ được thực hiện theo đúng hình thức. Sau bốn năm có mặt tại xứ Đàng Trong, các linh mục Dòng Tên sửng sốt khám phá ra rằng vùng đất truyền giáo của mình thuộc về giám toà Malacca (xem Biblioteca da Ajuda của Lisbon, bộ sưu tập Jesuítas na Ásia, quyển 49/V/5, tờ 232: báo cáo về xứ Đàng Trong gồm trong báo cáo về Nhật Bản đề ngày 28 tháng 12 năm 1619): nhận xét này hẵn là dựa trên sự kiện Chúa Nguyễn thật sự đã tách rời, và điều này đã làm thay đổi cục diện.

[14] Dùng chữ chỉ số nhiều này (các cảng) không làm cho ta ngạc nhiên. Có lẽ không nên nghĩ tới cảng Thuận Hóa, không được sâu lắm cho các tàu đại dương, nơi mà sự có mặt của người Bô Đào Nha không được xác nhận. Mậu dịch quốc tế đã có trung tâm ở Hội An, nhưng Cửa Hàn (Đà Nẵng) giữ vai tiền cảng và thu hút một phần sinh họat. Tuy nhiên vào thời đó, Turão (tên gọi bằng tiếng Bồ phát xuất từ ngôn ngữ chàm, Đà Nẵng tương lai) chỉ là một ngôi làng. Từ Cửa Hàn, thuyền bè có thể tiếp tục bằng đường sông đi về Hội An, nơi người ngọai quốc cư ngụ, hoặc đi về Kẻ Chàm, thủ phủ của tỉnh Quảng Nam. Xem Đỗ Bang, «Quan hệ và phương thức buôn bán giữa Hội An với Trong Nước», tr. 231-237, trong Đô Thị cổ Hội An (hội thảo quốc tế tổ chức tại Đà Nẵng ngày 22, 23-3-1990), Hà Nội, Nhà Xuất Bản Khoa Học Xã Hội, 1991, tr. 231-237.

[15] Những lời yêu cầu như thế này đã được chứng thực. Ngay trong bức thư đề ngày 31.10.1579, tu sĩ Phan sinh Pedro de Álfaro đã viết: «Người ta đã cho chúng tôi biết [...] rằng vua xứ Đàng Trong đã gởi lời cầu xin giám mục Macao gởi đến các cha và các vị thuyết giáo, và nhà vua đã cho đốn cây để làm nhà thờ; và vì không còn có Cha Dòng Tên nào, họ đến đây để đi chinh phục Nhật Bổn, và vì ta không thể thỏa mãn mọi yêu cầu nên không có người nào đi đến đó. » Văn bản trong Sinica Franciscana (kể trên): quyển 2, tr 182. Khởi đầu công cuộc truyền giáo của các Cha Dòng Tên tại vương quốc Chúa Nguyễn (1615), cũng có câu truyện một thương gia người Bồ, Fernando da Costa, nói cho họ biết về hy vọng có những cuộc trở lại đạo; Xem Divers voyages et missions du P. Alexandre de Rhodes en la Chine, & autres Royaumes de l’Orient, Paris, 1653, tr. 68.

[16] Miguel dos Santos không bao lâu nữa sẽ trở thành giám quản giáo phận Macao (1599-1607), sau khi vị giám mục đầu tiên, D. Leonardo Fernandes de Sá, qua đời (tại vị từ 1578 đến 1597, chết năm 1599).

[17] Theo các chỉ dẫn chi tiết về niên biểu do Beatriz Basto da Silva cung cấp trong Cronologia da História de Macau (quyển I: Séculos XVI-XVII, Macao, Direcção dos Serviços de Educação, 1992, tr. 63-67), tu viện Augustinô được các tu sĩ Augustino người Tây Ban Nha xây dựng năm 1586; nhưng đến năm 1589 các tu sĩ anh em nguời Bồ Đào Nha đến thay thế khiến diễn ra một lễ khánh thành mới.

Thực sự ra, lợi dụng sự kiện hai ngai vàng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha hợp nhất lại vào năm 1580 tạo nên tình huống mới, các tu sĩ người Tây Ban Nha đến định cư tại Macao, qua ngã Mễ Tây Cơ và Phi Luật Tân, với mục đích rao giảng Phúc âm tại Trung Quốc: các tu sĩ Phan sinh đã đến đó từ năm1579, các ẩn sĩ Augustinô từ năm 1586 và các tu sĩ dòng Đa minh từ năm 1587, tất cả đều được dân chúng tiếp đón tử tế. Tuy nhiên ít lâu sau đó vị Phó vương Bồ đào nha ở Ân độ đã ra lệnh cho tu viện các Dòng Tu đều phải chuyển nhượng lại cho các tu sĩ cùng Dòng người Bồ Đào Nha. Có người đã viết rằng vì chủ nghĩa quốc gia người Bồ nên cần thiết phải có sự thay thế như vậy kẻo bị đè bẹp dưới uy quyền của Tây Ban Nha; nhưng ở Macao không có một tài liệu nào giúp xác nhận giả thiết đó. Thật ra, việc đoàn kết hai ngai vàng đã cho phép thành lập sự trao đổi thương mại trực tiếp, đặc biệt có lợi giữa Macao và Manilla, tránh được hoàn toàn thuế vụ Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, điều này đe dọa trầm trọng sự quân bình ngân sách chánh phủ Bồ Đào Nhatại Ấn Độ mà một trong những nguồn lợi là thuế quan (thu qua eo biển) Malacca.

Vì vậy các Phó vương thành Goa đã cố gắng chấm dứt những trao đỗi đó. Quyết định liên quan đến các tu sĩ là rất dễ hiểu trong hoàn cảnh này; vua Tây ban nha Philippe đệ II hoàn toàn ủng hộ bằng một quyết định ký ngày 9 tháng 8 năm 1589. Ngày 9 tháng 3 năm 1594, một alvará (sắc lệnh) cũng của vua Philippe đệ II dẫn tới việc nghiêm cấm tất cả mọi giao thông đường biển giữa Phi Luật Tân và Macao; nhưng quyết định này có cũng như không, vì quyền lợi địa phương quá mạnh mà chính quyền thì thiếu phương tiện hành động: không có một lực lượng vũ trang nào ở Macao cũng như ở Biển Trung Hoa.

[18] Người biên niên sử không nói ai đã chỉ định hoặc ủy nhiệm cha Miguel dos Santos làm thừa sai. Theo bản văn của sắc lệnh thành lập giáo phận đã dẫn ở trên (đọan 3), việc làm cho «dân ngoại và các dân man di khác» trở lại đạo là một phần điều lệ tại chức của giám mục Macao, do đó phải thành lập một ban hội đồng chuyên môn; tuy nhiên đã không thấy tài liệu nào để lại dấu vết. Giám mục Macao, Leonardo de Sá lúc đó đã vắng mặt từ năm 1593: sau khi tham dự công đồng Goa thứ Goa 3, lúc trở về giám mục bị bắt cầm tù ở Sumatra. Giám mục Nhật Bản, Pedro Martins, tu sĩ dòng Tên, tạm quyền, và có thể Giám mục này ít nhất cũng đã đưa ra sự đồng ý.

[19] Trong mọi trường hợp, các nhà biên sử khi đề cập đều nói đến «nhà vua». Hầu như chắc chắn đây là Chúa Nguyễn Hoàng; về địa điểm thì khó nêu rõ hơn, bởi vì các người viết biên niên sử không biết đất nước và chỉ nằm ngoài tổng quát. Công quốc miền nam có nhiều thủ đô: Ái Tử (gọi là Dinh Cát, tức là Trà Bát gần Quảng Trị), thủ đô cổ xưa và phong ấp của nhà Nguyễn, rất xa trung tâm, dường như đã sớm bị Phú xuân (gọi là Dinh Chính, tức Huế hiện nay) cạnh tranh cho dù nó chỉ trở thành thủ đô chính thức vào năm 1687. Nhưng vùng Quảng Nam rộng lớn có thủ phủ riêng, đóng vai trò thủ đô thứ hai của triều đình Nguyễn. Người Bồ Đào Nha gọi nó là Cacham hay Cachão, có nghĩa là Kẻ Chàm, tên chính thức là Chiêm thành (hay Dinh Chiêm, dinh của người Chàm, gần Vĩnh Điện hiện nay (Điện Bàn)). Chúa là người mang danh hiệu Trấn thủ coi sóc Quảng Nam, thường đến và lập một triều đình ở đó vào những thời gian nhất định. Nếu sử biên niên quả thực nói đến Chúa, thì cuộc diện kiến đề cập ở đây đã có thể xảy ra hoặc ở Phú Xuân, hoặc ở Kẻ Chàm.

[20] Vào thời điểm đó, tất cả nhà cửa đều được xây dựng bằng gỗ và vật liệu nhẹ. Không nên nghĩ đến nhà xây cất bằng gạch và đá.

[21] Tiếng Bồ Đào Nha “Nossa Senhora da Luz”, Đức Bà Ánh Sáng.

[22] Một lần nữa phải tiếc rằng địa điểm không được định nghĩa rõ hơn, tuy vậy ta đã có một bằng chứng ngoại vi : vào năm 1596, ba tu sĩ dòng Đa minh người Tây Ban Nha, các cha Alfonso Ximénez và Diego Aduarte, và huynh Juan Bautista Deza đã tháp tùng quân đội Tây Ban Nha 1596 lên đường đến Cam Bốt, họ đã dừng lại lâu ờ Cửa Hàn trong mùa đông 1595-1596, và đã gặp các những tu sĩ Augustinô ở đó. Bài tường thuật của họ có nói đến một cây thánh giá lớn mà các tu sĩ Augustinô đã dựng trên đỉnh một ngọn đồi. Như vậy phải định vị sự có mặt của các tu sĩ và địa điểm nhà thờ trong vùng tam giác Đà Nẵng – Hội An – Vĩnh Điện / Điện Bàn.

[23] Daniello Bartoli, nhà sử học Dòng Tên thế kỷ 17, vốn đã tra cứu các tài liệu và bằng chứng đương thời, có nhắc đến hai người phụ nữ: mẹ và con gái, và lời khẳng định này làm ta nghĩ đến họ (xem Dell’Historia della Compagnia di Giesù, xuất bản ở Napoli, 1859, quyển IV, tr. 181). Tên Việt nam của họ vẫn không được biết đến, nhưng tên thánh rửa tội của bà mẹ là «Phanxica» và của cô con gái là «Gioanna». Họ là thành phần của con số ít ỏi những ki tô hữu mà các tu sĩ Dòng Tên tìm thấy trong vùng lần đầu tiên họ đến Hội An. Người mẹ đã cho biết khoảng ba mươi năm trước mình đã được một nhà truyền giáo Phan sinh rửa tội; người này không ai khác là Bartolomé Ruiz người Tây Ban Nha có mặt ở Kẻ Chàm năm 1584 và 1586: trong một bài tường thuật về hoạt động tông đồ của ông trên đất Việt nam có nhắc đến bà (xem Thư viện quốc gia Lisbon, Codex 11098, trang 347–349). Còn về cô con gái thì được rửa tội về sau, hình như bởi Raphael da Madre de Deus.

Tàng thư viện Dòng Tên Macao kể lại một sự việc cho phép nêu rõ nhân cách của hai phụ nữ này, những con người mà đã không ngần ngại xử dụng ảnh hưởng của mình để giúp đỡ công việc truyền giáo: “Năm 1619 đã nỗi lên một cuộc bắt đạo, trong đó một thầây tu đạo Phật cao cấp, kẻ thù lớn của Đức Tin thánh thiện của chúng ta, đã thuyết phục một người được vua yêu quý, cho đày các Cha đi xa và phá đỗ các nhà thờ; dầu vậy, các thánh đường vẫn đứng vững ở Kẻ Chàm, dưới danh hiệu ‘Nhà của bà mẹ của Gioanna’; Gioanna là chị hay cháu của một vị quan lại cao cấp” (Lisbon, Biblioteca da Ajuda, Jesuítas na Ásia, quyển 49 / IV / 66, tr. 81-82).

[24] Những chỉ dẫn này quá mơ hồ để có thể thành lập niên biểu rõ rệt. Đây là tất cả những gì người ta có thể nói được, dựa trên sự kiện tàu buôn đến từ Trung Quốc, theo nguyên tắc là vào tháng giêng tây, nhờ có gió mùa thổi từ đông bắc, và ra đi lại vào khoảng giữa tháng sáu tháng bảy, nhờ gió mùa tây nam, sau một thời gian lưu trú từ năm đến sáu tháng. Lần đầu tiên cha Rafael ở lại đã kéo dài “hơn một năm”: hẵn là từ tháng 1 năm 1595 đến mùa hạ năm 1596. Sự việc Bà mẹ khẩn nài người Bồ đào nha phải xảy ra vào mùa tiếp theo, giữa tháng 1 và tháng 6 năm 1597. Như vậy cha Rafael đã trở lại có thể là vào khoảng tháng 1 năm 1598.

[25] Trong địa danh làm ta ngạc nhiên này ta có thể nhận biết được tên của Simhapura (Trà Kiệu), thủ đô cũ của Champa. Chính tại vùng này, cách Hội An khoảng mươi cây số đi vào phía trong đất liền, là nơi đã được xây lên Dinh quan người Việt nam làm trấn thủ Quảng Nam, Chiêm Thành hay Kẻ Chàm, đã nói ở trên. Cuộc lưu trú lần thứ hai của cha Rafael da Madre de Deus như thế cũng đã diễn ra trong cùng một vùng như lần đầu tiên, mặc dù bản văn của người viết biên niên không nói rõ lắm về điều này. Còn về nhân vật được mô tả ở đây, có thể cũng là vị Chúa nói trên, hoăc theo theo văn mạch, có thể là một vị quan cao cấp ngự trị tại triều đình Chiêm Thành và giữ trọng trách đặc biệt về những mối liên hệ với các dân tộc bộ lạc (dân thiểu số miền núi).

[26] Những mối liên hệ của chính quyền Việt Nam, tương tựa như tại Trung Quốc hay Chiêm thành, đối với những dân tộc thiểu số miền núi hay những vùng cao nguyên, được giải quyết theo cách sau đây: việc cai trị được giao cho các thủ lãnh địa phương,với điều kiện dâng tiến cống vật định kỳ và hổ trợ thiết thực khi có chiến tranh. Dân tộc thiểu số hiện diện đông đúc tại Quảng Nam và trong những lãnh thổ xưa của người Chàm, nhưng một chính quyền mạnh như của Chúa Nguyễn Hoàng thì đã được thực sự kính nễ. Theo thông lệ, các thủ lãnh địa phương, còn gọi là “tiểâu vương”, được chính quyền Việt Nam ban cho chức danh “Châu Mục”.

[27] Nên xem danh từ “đại sứ” như một tước hàm danh dự, một thứ giấy thông hành để bảo đảm tính mạng các nhà truyền giáo đi lại trong những vùng khó khăn này.

[28] Sự chỉ định chính xác nầy rất quý báu vì giúp định vị họat động truyền giáo của cha Rafael da Madre de Deus lần thứ hai tại vùng Hội An – Kẻ Chàm. Một nhóm di thực người Nhật đã định cư ở Hội An; ngoài ra sự có mặt của họ không được xác nhận tại một nơi nào khác trong công quốc nhà Nguyễn. Trong mọi trường hợp dường như sự đối nghịch của giới Phật giáo đã bắt buộc các giáo sĩ một đàng hướng về các dân thiểu số, đàng khác về phía Hội An, « thành phố những người nước ngoài ».

[29] Lời kêu gọi của cha Rafael hình như đã được đáp trả cho dù cha gặp tai nạn, bởi vì ít lâu sau đó một tu sĩ Augustinô khác, người Bồ Đào Nha, có mặt và được xác nhận. Đó là cha Jerónimo de Matos bề trên Nhà Tập ở Goa từ 1601 – 1603, sau đó trở thành bề trên tu viện Macao. Theo một bằng chứng xưa, ông đã có một thời «truyền giáo ở xứ Đàng Trong» tại một thời điểm không được biết và ở một địa điểm không ghi rõ (hẵn nhiên là xứ Đàng Trong), nơi cha đã để lại dấu ấn nhiều cuộc trở lại, cũng như một giáo đường dâng hiến cho thánh nữ Mônica. Xem Itinerário de Sebastião Manrique[1639], Luís Silveira xuất bản, 2 quyển, Lisbon, Agência geral das Colónias 1947: quyển 2, tr. 141. Jerónimo de Matos đã ra đi luôn từ Macao về Bồ đào nha tháng 10 năm 1612. Dường như ông qua Đàng Trong trong khoảng thời gian giữa năm 1606 và năm 1612.

[30] Hồi lịch sử này, mà kết thúc họat động truyền giáo của Rafael da Madre de Deus ở Việt Nam, không được biết rõ về ngày tháng: dường như chắc chắn là đã diễn ra trước 1602. Thật vậy, những người Hòa Lan đã tiếp xúc lần đầu tiên với nước Việt Nam, với mong muốn mở rộng các mối liên hệ thương mại, trong vịnh Quy Nhơn ngày 31 tháng 10 năm 1601. Cuộc phiêu lưu do Đại úy Cornelius Groensbergen điều khiển đã kết thúc tồi tệ, và một giáo sĩ Bồ Đào Nha, không ngoài ai khác là Rafael da Madre de Deus đã có liên lụy trong đó. Ông đã sử dụng tiếng nói của mình thuyết phục viên chức chính quyền Việt Nam rằng người Hòa lan chỉ là «những kẻ phản nghịch, cướp biển, trộm cắp», những con người không có uy tín. Đó là một bài diễn văn chung trên miệng mọi người Bồ Đào Nha. Thật vậy, người Hòa Lan thời ấy đang bằng mọi cách thu lấy cho mình ngành thương mại của Bồ Đào Nha vẫn còn phồn thịnh ở vùng Cực Đông, đặc biệt từ Malacca đi về phía các đảo Sonde, và đi về phía Trung Quốc, Nhật Bản từ năm 1599. Họ bị xem là quân ‘phản nghịch’ bởi vì Hòa Lan đã chối bỏ vương triều chung (quốc vương Tây Ban Nha cũng trị vì trên nước Bồ Đào Nha) và công bố nền độc lập của họ (1579–1581); là ‘cướp biển’ và ‘trộm cắp’ vì họ đã tấn công và cướp của một cách có hệ thống tàu thuyền Bồ Đào Nha trên các vùng biển Châu Á, cũng tại vì họ đã bắt đầu xâm chiếm những vị trí của người Bồ Đào Nha ở phương Đông. Nhưng dầu sao đi nữa thì bài diễn văn của Rafael cũng đã có công hiệu đối với Chúa hay những người quan lại của Bình Định: bị phía Việt Nam tấn công bất ngờ, người Hòa-lan đã bắn đại bác ngày 12 tháng 1 năm 1602. Xem W.J.M. Buch, La Compagnie des Indes néerlandaises et l’Indochine, trong BÉFEO, 36, 1936, tr. 97-196, và 37, 1937, tr. 121-237. Đó là giai đoạn không thân thiện đầu tiên trong những mối liên hệ giao lưu giữa người Việt Nam và người Âu Châu.

[31] Nếu ngày tháng mà tôi tính toán là đúng, thì đó có thể là một sự kiện được biết và đã được tường thuật nơi khác: ngày 25 tháng 2 năm 1603, nơi eo biển Johore, người Hòa Lan đã đánh cướp chiếc tàu lớn Santa Catarina, trọng tải 1500 tấn, của người Bồ đào nha. Trong trường hợp này, có lẽ trước tiên Rafael đã phải trở về Macao theo gió nồm vào mùa hè 1602, và vì không thể tìm được những sự hỗ trợ mong muốn nên ông lại phải lên tàu đi Malacca vào mùa gió mùa đông. Nhưng đó cũng chỉ là giả thuyết.

[32] Người Hòa Lan tất nhiên đã có một vài lý do để giữ hiềm thù riêng đối với Rafael da Madre de Deus...

[33] Địa điểm và thời gian giam giữ cha Rafael da Madre de Deus không được ghi rõ ràng. Địa điểm không thể là Jakarta, mà người Hòa Lan chỉ chiếm lấy vào năm 1619. Có thể đó là Patani (Pattani, Thai Lan), trên bờ biển phía đông của bán đảo Mã Lai, thành phố đã mở cửa, thoạt tiên cho thương mại Bồ Đào Nha, và sau đó trở thành điểm tựa đầu tiên của người Hòa Lan nằm về phia đông các eo biển.

[34] Vương quốc hồi giáo Johore chiếm đóng điểm cực nam bán đảo Mã Lai và bao gồm luôn Singapore hiện thời. Trước năm 1641, người Hòa Lan đã thử nhiều lần đánh đuổi người Bồ Đào Nha ra khỏi vị trí chiến lược Malacca nhưng đều thất bại, và họ phải tìm những nơi thay thế như Aceh (phía Bắc đảo Sumatra), Bantam (đảo Java), Patani… Nhưng vương quốc hồi giáo Johore vẫn là địa điểm tốt nhất không chối cải được để canh giữ các eo biển.

[35] Người ta gọi «thương điếm» những cơ sở nhất định của người Âu châu trên những bờ biển Châu Phi và Châu Á, dựng lên cốt vì mục đích thương mại..

[36] «Frey» là danh hiệu truyền thống tiếng Bồ Đào Nha dùng cho các tu sĩ thành viên của một số Dòng Tu (tiếng xưng hô hiện nay là Frei hay Freire). Danh hiệu này đến từ tiếng la tinh «frater», huynh (đệ), anh (em), nhưng cũng áp dụng cho các tu sĩ linh mục hoặc, như đây, cho các giám mục. Vậy nên (dưới đây) Manuel da Purificação nói về Cha Frei Rafael.

Aleixo de Meneses (Alexis de Menezes) là một nhân vật nổi tiếng của lịch sử Giáo hội tại Ấn độ và Bồ Đào Nha. Sinh ra ở Bồ Đào Nha năm 1559, ông trở thành Tổng Giám Mục Goa năm 1595. Tháng 6 năm 1599 ông triệu tập và chủ tọa «Giáo nghị hội Diamper» (Udayamperoor, Kerala) trong ý hướng muốn hoàn thiện sự hiệp thông của các giáo dân Ấn truyền thống Syri với Roma. Nhưng quan niệm cứng rắn và không khoan nhượng của ông về giáo lý, phụng vụ và các nội quy của giáo sĩ quả thật đã là nguồn gốc của sự ly giáo, được tuyên bố vào năm 1653, và đã kéo dài cho đến ngày nay. Năm 1612 Meneses cử làm Tổng Giám Mục Baraga ở Bồ Đào Nha, nơi ông qua đời năm 1617.

[37] Tôi không biết các mục biên niên sử này có còn hay không. Nhưng trong mọi trường hợp tác giả đã không nói rõ điều đó.

[38] Xem chương «Les évêques du Viêt-nam face à l’histoire. Quelques réflexions sur la contribution de l’épiscopat vietnamien à la préparation du Synode pour l’Asie», «Các Giám Mục Việt Nam trước lịch sử. Một số suy nghĩ về sự đóng góp của hàng Giáo phẩm Việt Nam trong việc chuẩn bị Thượng Hội đồng Giám mục cho Á châu» (pháp ngữ và việt ngữ), trong Roland Jacques, Les missionnaires portugais et les débuts de l’Église catholique au Viêt-nam.Các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha và thời kỳ đầu của Giáo hộiCông giáo Việt Nam, Reichstett (Pháp), Định Hướng Tùng Thư, 2004, quyển 2, tr. 6-30; bản văn băng tiếng việt được xuất bản trước trong: Góp ý chuẩn bị Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu, Reichstett, Trung Tâm Nguyễn Trường Tộ / Định Hướng Tùng Thư, 1998, tr. 87-99.

[39] Bùi Đức Sinh, O.P., Dòng Đaminh trên Đất Việt, 2 tập, Sài Gòn-Thủ Đức, 1971-1976; tái bản, Calgary, 1993-1995; Maria-Antôn Trần Phổ, Dòng Phanxicô trên Đất Việt, in ronêo, Cù Lao Giêng và Sài Gòn, 1974-1975.

[40] Paris, Augustin Challamel, 1915. Phóng tác bằng tiếng việt: Lê Triều thượng cổ truyền giáo, Hong Kong, Nhà in Nazareth, 1919.

[41] Lorenzo Cadieux, Dòng Tên, đã viết tiểu sử của tác giả: Frédéric Romanet du Caillaud «Comte» de Sudbury (1847-1919), Montréal, Bellarmin, 1971, 141 tr. Romanet du Caillaud sinh ở tỉnh Limousin (Pháp), học luật nhưng không bao giờ hành nghề luật sư. Ông sống một phần cuộc đời ở Canada, tại Sudbury, một thành phố nhỏ khai thác quặng mỏ miền bắc Ontario, ở đó ông chuyên lo về mỏ khoáng nicken. Là người ham mê viết lách, ông đã cho in những cuốn sách nói về vấn đề thuộc địa, lý thuyết chủng tộc, địa lý, thực vật, địa chất, và một vài khía cạnh bé nhỏ khác nhau của lịch sử giáo hội (Phi châu, Nga...). Cadieux cho rằng trong số các sách ông viết thì cuốn nói về Ki tô giáo ở Bắc kỳ là thành công nhất... Romanet du Caillaud còn là tác giả một cuốn sách dày 470 trang: Lịch sử việc Pháp can thiệp vào Bắc kỳ từ 1872 đến 1874, Paris, Challamel Aiâné, 1880.