xem video bài diễn văn
(Diễn từ Nobel hoà bình của
Aung San Suu Kyi, được trao giải năm 1991- đọc diễn từ ngày 16-6-2012
tại Oslo, Na-Uy)
Thưa Đức Vua và Hoàng hậu, thưa các vị trong Hoàng gia, thưa các
vị khách quý, các thành viên của Ủy ban Nobel Na-Uy, và các bạn thân mến,
Nhiều năm trước, đôi khi tưởng như đã qua nhiều cuộc đời, tôi đã
từng nghe chương trình phát thanh “Desert Island Discs” (Bộ dĩa nhạc Hoang Đảo)
với con trai nhỏ của tôi là Alexander ở Đại học Oxford. Đó là một chương trình
nổi tiếng (mà theo tôi biết ngày nay vẫn còn đang tiếp tục), ở đó có những người
nổi tiếng từ mọi thành phần trong xã hội được mời để nói về tám đĩa nhạc, một
cuốn sách, bên cạnh Kinh Thánh và bộ tác phẩm của Sheakspeare, với một vật xa
xỉ mà họ muốn có bên mình nếu như họ bị bỏ lại ngoài một hoang đảo. Khi chương
trình kết thúc, cả hai chúng tôi đều thích thú, Alexander hỏi tôi có nghĩ rằng
một ngày nào đó mẹ có thể được mời nói chuyện trong chương trình này không.
“Tại sao lại không?”, tôi đã nhẹ nhàng trả lời cháu. Vì Alexander biết rằng nói
chung chỉ những người nổi tiếng mới tham gia chương trình này, cháu tiếp tục
hỏi tôi với một sự quan tâm thành thật, rằng tôi nghĩ tôi có thể được mời vì lý
do gì. Tôi nghĩ trong giây lát rồi trả lời; “Có thể vì mẹ sẽ được giải Nobel về
văn chương”, và cả hai chúng tôi cùng cười. Dự đoán này nghe có vẻ thú vị nhưng
rất khó thành hiện thực.
(Giờ đây tôi không nhớ nổi tại sao tôi lại trả lời như thế, có lẽ
vì lúc đó tôi vừa đọc một quyển sách của một tác giả được trao giải Nobel, hay
có lẽ vì danh nhân xuất hiện trong chương trình Hoang Đảo đã là một nhà văn nổi
tiếng.)
Năm 1989, khi người chồng quá cố của tôi (Michael Aris) đến thăm
tôi trong kỳ hạn đầu của quản thúc tại gia, anh ấy nói rằng một người bạn của
anh là John Finnis đã đề cử tôi cho Giải Nobel Hòa bình. Lần đó tôi cũng cười.
Ngay lúc đó, Michael có vẻ kinh ngạc, rồi anh nhận ra tại sao chuyện đó lại làm
tôi cảm thấy buồn cười. Giải Nobel Hòa bình? Một viễn ảnh đẹp, nhưng hoàn toàn
bất khả! Vậy thì tôi cảm thấy như thế nào khi tôi thực sự được trao giải Nobel
vì Hòa bình? Câu hỏi này đã được đặt ra với tôi nhiều lần và đây chắc chắn là
dịp thích hợp nhất để xem giải Nobel có ý nghĩa như thế nào đối với tôi, và hòa
bình có ý nghĩa gì đối với tôi.
Như tôi đã nói nhiều lần trong nhiều cuộc trả lời phỏng vấn, tôi
đã nghe tin tức về việc tôi được chọn trao giải Nobel Hòa bình trên đài phát
thanh vào một buổi tối. Tin tức ấy không đến với tôi cùng với sự ngạc nhiên bất
ngờ vì tôi đã được nêu tên như một ứng viên được đề cử trong một số chương
trình truyền hình trước đó vài tuần. Khi thảo bài nói chuyện này, tôi đã hết
sức cố gắng nhớ lại xem phản ứng tức thời của tôi lúc nghe thông báo ấy là như
thế nào. Tôi nghĩ, tôi không còn chắc chắn lắm, là một cái gì đại loại như: “Ồ!
Vậy là họ đã quyết định trao giải thưởng ấy cho tôi”. Có vẻ như nó không hoàn
toàn là thực, vì theo một nghĩa nào đấy tôi đã không cảm thấy chính tôi đang
tồn tại hoàn toàn thực vào lúc đó.
Thường trong những ngày bị quản thúc tại gia, có cảm tưởng như tôi
không còn là một phần của thế giới thực nữa. Đã có một căn nhà vốn từng là thế
giới của tôi, đã có một thế giới của những người khác cũng không có tự do nhưng
đã cùng sống chung nhau trong nhà tù như một cộng đồng, và có một thế giới của
những người tự do; mỗi thế giới đó là một hành tinh khác biệt theo đuổi đường
đi của nó trong một vũ trụ dửng dưng. Điều mà giải Nobel Hòa bình đã làm là một
lần nữa kéo tôi trở về thế giới của con người ngoài khu vực bị cô lập mà tôi đã
sống; là khôi phục cảm giác về thực tại đối với tôi. Điều này tất nhiên không
xảy ra ngay tức thì, nhưng khi ngày tháng trôi qua và tin tức về những phản ứng
đối với giải thưởng đến tôi qua làn sóng phát thanh đã lắng xuống, tôi bắt đầu
hiểu ý nghĩa quan trọng của giải Nobel. Nó đã làm tôi trở về thực tại một lần
nữa; nó kéo tôi trở về cộng đồng con người rộng lớn. Và điều quan trọng hơn nữa
là giải Nobel đã thu hút sự chú ý của thế giới vào cuộc đấu tranh cho dân chủ
và quyền con người ở Miến Điện. Chúng tôi sẽ không bị quên lãng.
Bị quên lãng. Người Pháp nói rằng chia ly là đã chết đi một ít. Bị
quên lãng cũng chính là chết đi một ít. Đó là sự mất mát những mối dây liên kết
neo giữ chúng ta với nhân loại. Khi tôi gặp những người Miến Điện là lao động
nhập cư và tị nạn trong chuyến thăm gần đây của tôi tại Thái Lan, nhiều người
đã khóc: “Xin đừng quên chúng tôi!”. Họ muốn nói rằng: “Xin đừng quên cảnh ngộ
khốn cùng tuyệt vọng của chúng tôi, xin đừng quên làm những gì bà có thể làm để
giúp chúng tôi, xin đừng quên chúng tôi cũng thuộc về thế giới của bà” . Khi Ủy
ban Nobel trao giải Nobel Hòa bình cho tôi, họ đã nhận ra rằng sự đàn áp và cô
lập của Miến Điện cũng là một phần của thế giới, họ đã nhận ra sự thống nhất
của nhân loại. Bởi vậy đối với tôi nhận giải Nobel Hòa bình về mặt cá nhân có
nghĩa là mở rộng mối quan tâm của tôi về dân chủ và quyền con người ra khỏi biên
giới quốc gia. Giải Nobel Hòa bình đã mở ra một cánh cửa trong tim tôi.
Khái niệm hòa bình của người Miến Điện có thể được giải thích như
hạnh phúc nảy sinh từ sự chấm dứt những yếu tố ngăn cản sự hài hòa và lành
mạnh. Từ nyein-chan dịch theo nghĩa đen là cái mát lành đến từ một ngọn
lửa đã bị dập tắt. Ngọn lửa của đau khổ và xung đột đang hoành hành dữ dội khắp
nơi trên thế giới. Ở đất nước của tôi, thái độ thù nghịch và hành động chiến
tranh vẫn chưa mất đi ở những vùng xa phía bắc; ở phía tây, bạo lực của các
nhóm chủng tộc và tôn giáo đối lập đưa tới kết quả đốt phá và giết người chỉ
mới xảy ra cách đây ít ngày trước khi tôi bắt đầu cuộc hành trình đưa tôi đến
đây hôm nay. Tin tức về những hành động tàn bạo ở những vùng khác trên trái đất
thì đầy dẫy. Những bài báo tường thuật về nạn đói, bệnh dịch, sự di tản, thất
nghiệp, nghèo khổ, bất công, kỳ thị, thành kiến, cuồng tín; tất cả đều là tình
trạng hàng ngày của chúng ta. Nơi nào cũng có những lực lượng tiêu cực gặm nhấm
nền tảng của hòa bình. Nơi nào cũng có thể thấy sự phung phí vật chất và nguồn
lực con người một cách thiếu suy nghĩ, những thứ cần cho sự bảo toàn hạnh phúc
và sự hài hòa trong thế giới của chúng ta.
Thế chiến thứ nhất tiêu biểu cho sự lãng phí kinh khủng tuổi trẻ và
tiềm năng, một sự hoang phí đầy tội ác đối với những sức mạnh tích cực trên
hành tinh của chúng ta. Bài thơ về kỷ nguyên này có một ý nghĩa quan trọng đối
với tôi khi tôi đã đọc nó lần đầu tiên vào lúc tôi bằng tuổi những người thanh
niên trẻ phải đương đầu với viễn cảnh bị héo tàn trước khi bừng nở. Một người
thanh niên Mỹ chiến đấu với lính lê dương Pháp đã viết trước khi bị giết năm
1916 là anh ta có thể gặp cái chết của mình “ở một chiến hào ghê tởm nào đó”,
“trên triền dốc đầy vách đá ở một ngọn đồi mòn vẹt”, “vào nửa đêm ở một thành
phố nào đó đang bốc cháy”. Tuổi trẻ và tình yêu, và cuộc sống đã chết mãi mãi
trong những nỗ lực vô nghĩa để chiếm lấy những nơi chốn không tên, không ai nhớ
tới. Và để làm gì? Gần một thế kỷ qua đi, chúng ta vẫn chưa tìm thấy một câu
trả lời thỏa đáng.
Ở mức độ ít bạo động hơn, phải chăng chúng ta không cảm thấy tội
lỗi về sự liều lĩnh, về sự phung phí liên quan đến tương lai của chúng ta và
nhân loại? Chiến tranh đâu phải là đấu trường duy nhất nơi mà hoà bình bị giết
chết. Bất cứ nơi nào sự đau khổ bị làm ngơ thì ở đó sẽ có mầm mống của xung
đột, bởi vì đau khổ làm hạ thấp con người, gây ra cay đắng và làm người ta nổi
giận.
Một điểm tích cực của cuộc sống trong sự cô lập là tôi có khá
nhiều thời gian để suy tư về ý nghĩa của những ngôn từ và khái niệm mà tôi từng
biết và từng chấp nhận trong cả cuộc đời. Là một Phật tử, tôi đã nghe về dukha,
thường được dịch là sự đau khổ, từ khi tôi là một đứa trẻ nhỏ. Gần như ngày nào
cũng thế, những người lớn, và có khi cũng chẳng phải là ngừơi già cho lắm,
những người quanh tôi thầm thì “dukha, dukha” khi họ phải chịu đựng nỗi
đau đớn thể xác hay nhức nhối tâm can, hay khi họ gặp phải điều gì đó rủi ro,
bực bội nho nhỏ. Tuy nhiên, chỉ trong những năm bị quản chế tại gia, tôi mới
nghiền ngẫm được rõ ràng bản chất của sáu điều gây đau khổ lớn. Đó là: sinh,
lão, bệnh, tử, chia lìa với người thương, và bị bắt buộc phải sống giữa những
người xa lạ không có tình yêu thương. Tôi suy ngẫm về từng thứ gây đau khổ ấy,
không phải trong bối cảnh tôn giáo mà trong đời sống bình thường hàng ngày của
chúng ta. Nếu như đau khổ là một phần không thể tránh trong sự tồn tại của
chúng ta, chúng ta nên cố gắng làm giảm nhẹ nó hết sức có thể theo những cách
thực tiễn nhất. Tôi đã suy đi nghĩ lại về hiệu quả của những chương trình chăm
sóc bà mẹ và trẻ em trước và sau khi sinh, về những điều kiện tương xứng cho số
dân lớn tuổi; về chăm sóc sức khỏe toàn diện; về chăm sóc y tế và nhà tế bần
cho người nghèo. Tôi đặc biệt chú ý đến hai loại đau khổ sau cùng: bị chia tách
khỏi những người thân thương và bị buộc phải sống giữa những người xa lạ không
có tình yêu thương. Những trải nghiệm nào mà Đức Phật của chúng ta có lẽ đã
trải qua trong đời ngài khiến ngài đã bao gồm hai điều này trong sáu điều đau
khổ? Tôi nghĩ về những người bị cầm tù và những người di cư, hay những công
nhân xa xứ và nạn nhân của sự buôn người, nghĩ về những đám đông như những cái
cây bị nhổ bật rễ, những người đã phải xa lìa xứ sở quê hương, bị chia cắt với
gia đình và bạn bè, bị bắt buộc phải sống giữa những người xa lạ chẳng phải bao
giờ cũng chào đón họ.
Chúng ta thật may mắn sống trong thời đại mà phúc lợi xã hội và
trợ giúp nhân đạo được công nhận không chỉ là một điều ước mà là một sự cần
thiết. Tôi có may mắn sống trong một thời đại mà số phận của những tù nhân
lương tâm ở một nơi nào đó trở thành mối quan tâm của mọi người ở mọi nơi, một
thời đại mà dân chủ và quyền con người là điều được công nhận một cách rộng
rãi, cho dù không phải phổ quát trên toàn thế giới, là những quyền tự nhiên bẩm
sinh của tất cả mọi người. Đã bao lần trong những năm bị quản chế tại gia, tôi
đã lấy thêm sức mạnh cho mình từ đoạn văn tôi tâm đắc nhất trong lời nói đầu
bản Tuyên ngôn Phổ quát về Nhân quyền:
…. Hành vi xem thường và chà đạp nhân quyền đã dẫn đến những
hành động dã man làm xúc phạm lương tâm nhân loại. Việc tiến đến một thế giới
trong đó con người được hưởng tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng, không còn sợ
hãi và nghèo khó, phải được tuyên bố như là khát vọng cao nhất của con người
bình thường.
…điều cốt lõi là, để con người không bị bắt buộc phải sử dụng đến
biện pháp cuối cùng là vùng dậy chống lại độc tài và áp bức, nhân quyền cần
phải được bảo vệ bằng những quy định của luật pháp.”
Nếu người ta hỏi tôi vì sao tôi tranh đấu cho quyền con người ở
Miến Điện, những đoạn văn trên đây sẽ đem lại câu trả lời. Nếu người ta hỏi tôi
vì sao tôi tranh đấu cho nền dân chủ ở Miến Điện, thì đó là vì tôi tin rằng
thiết chế dân chủ và sự thực hiện nó là cần thiết để bảo đảm cho quyền con
người.
Trong năm qua đã có dấu hiệu về những nỗ lực của những người tin
vào nền dân chủ và quyền con người đang bắt đầu kết trái ở Miến Điện. Đã có
những thay đổi theo hướng tích cực, đã có những bước đi hướng về dân chủ hóa.
Nếu tôi tán thành chủ nghĩa lạc quan thận trọng thì đó không phải là vì tôi
không có niềm tin vào tương lai mà là vì tôi không muốn khuyến khích niềm tin
mù quáng. Nếu không có niềm tin vào tương lai, không có sự thuyết phục rằng
những giá trị dân chủ và quyền cơ bản của con người không chỉ là điều cần thiết
mà còn là khả dĩ cho xã hội của chúng ta, thì phong trào của chúng tôi đã không
thể đứng vững trong những năm tháng hủy diệt này. Một số chiến binh đã ngã
xuống tại vị trí chiến đấu của họ, số khác rời bỏ chúng tôi, nhưng nhóm nòng
cốt tận tâm thì vẫn mạnh mẽ và gắn bó. Có lúc nghĩ về những năm tháng đã qua,
tôi ngạc nhiên là đã có rất nhiều người vững vàng trong những hoàn cảnh nhiều
thử thách nhất. Niềm tin của họ vào sự nghiệp của chúng tôi không hề mù quáng;
nó dựa trên một sự đánh giá sáng suốt về sức mạnh của chính họ, về sự can
trường và một sự tôn trọng sâu sắc trước những khát vọng của dân tộc chúng tôi.
Nhờ những thay đổi gần đây trong đất nước tôi mà tôi có mặt ở đây
với các bạn hôm nay; và những thay đổi này đã đến bởi vì các bạn và những người
yêu tự do và công lý khác đã đóng góp vào sự nhận thức trên toàn cầu về hoàn
cảnh của chúng tôi. Trước khi tiếp tục nói về đất nước tôi, tôi xin được nói về
những tù nhân lương tâm của chúng tôi. Vẫn đang còn có những người tù như thế ở
Miến Điện. Thật đáng lo ngại khi những người bị giam giữ nổi tiếng nhất đã được
phóng thích, những người vô danh khác sẽ bị lãng quên. Tôi đứng ở nơi đây là vì
tôi đã từng là một tù nhân lương tâm. Khi các bạn nhìn vào tôi và lắng nghe tôi
nói, xin hãy nhớ một sự thật thường được lặp đi lặp lại rằng một người tù nhân
lương tâm đã là quá nhiều. Những người chưa được trả tự do, những người chưa
được tiếp cận với lợi ích của công lý trong nước tôi, con số đó lớn hơn con số
một nhiều lắm. Xin hãy nhớ đến họ và xin hãy làm bất cứ cái gì có thể để tác
động đến việc trả tự do cho họ sớm nhất và vô điều kiện.
Miến Điện là đất nước nhiều sắc dân và niềm tin vào tương lai của
Miến Điện chỉ có thể xây dựng trên nền tảng của tinh thần hợp nhất. Từ khi
giành được độc lập năm 1948, chưa bao giờ có lúc nào chúng tôi có thể tuyên bố
là cả nước đã có hòa bình. Chúng tôi đã chưa thể xây dựng lòng tin và sự hiểu
biết cần thiết để xóa bỏ những nguyên nhân gây xung đột. Niềm hy vọng đã trỗi
dậy qua cuộc ngưng bắn được duy trì từ đầu thập kỷ 90 cho đến năm 2010 thì bị
phá vỡ qua một tiến trình vài ba tháng. Một hành động thiếu cân nhắc đã đủ để
phá tan cuộc ngừng chiến đã kéo dài khá lâu. Trong những tháng gần đây, những
cuộc thương lượng giữa chính phủ và các lực lượng sắc tộc tộc đã và đang có
tiến bộ. Chúng tôi hy vọng rằng thỏa thuận ngừng bắn sẽ dẫn đến những giải pháp
chính trị được xây dựng trên nền tảng khát vọng của các dân tộc và tinh thần
hợp nhất.
Đảng Liên hiệp Quốc gia vì Dân chủ của tôi và tôi đã sẵn sàng và
mong muốn giữ bất cứ vai trò nào trong tiến trình hòa giải quốc gia. Những biện
pháp đã được khởi động bởi chính phủ của tổng thống U Thein chỉ có thể duy trì
được với sự hợp tác sáng suốt của tất cả mọi lực lượng nội bộ: quân đội, các
nhóm sắc tộc, các đảng phái chính trị, truyền thông, các tổ chức xã hội dân sự,
cộng đồng doanh nghiệp, và quan trọng hơn hết là công chúng. Chúng tôi có thể
nói rằng cuộc cải cách này là có hiệu quả chỉ khi cuộc sống của nhân dân chúng
tôi được cải thiện và về mặt ấy, cộng đồng quốc tế có một vai trò không thể
thiếu. Viện trợ nhân đạo và viện trợ phát triển, các thỏa thuận song phương và
đầu tư phải được phối hợp và có cân nhắc đến việc bảo đảm tăng trưởng quân bình
và bền vững về xã hội, chính trị và kinh tế. Tiềm năng của đất nước chúng tôi
là hết sức to lớn. Điều này cần được nuôi dưỡng và phát triển để tạo ra một xã
hội không chỉ thịnh vượng hơn mà còn hài hòa hơn, dân chủ hơn, nơi người dân
của chúng tôi có thể sống trong hòa bình, an toàn và tự do.
Hòa bình của thế giới chúng ta là điều không thể chia cắt. Chừng
nào mà những lực lượng tiêu cực còn mạnh hơn những lực lượng tích cực ở bất cứ
nơi đâu, thì tất cả chúng ta đều bị đe dọa. Có lẽ ta có thể đặt câu hỏi rằng
liệu có bao giờ tất cả những lực lượng tiêu cực sẽ bị loại bỏ? Câu trả lời đơn
giản là: “Không!”. Bản chất của con người chứa đựng cả cái tích cực lẫn cái
tiêu cực. Tuy nhiên con người cũng có khả năng tạo nên và làm mạnh thêm những
cái tích cực và làm giảm đến mức thấp nhất hay trung hòa hóa những cái tiêu
cực. Hòa bình tuyệt đối trong thế giới chúng ta là một mục tiêu không thể đạt
được. Nhưng đó là thứ mà chúng ta phải hướng về trong cuộc hành trình mà chúng
ta đang tiếp tục; đôi mắt chúng ta dán chặt vào mục tiêu đó như người đi trong
sa mạc dán mắt vào ngôi sao dẫn đường sẽ đưa anh ta đến nơi giải thoát. Ngay cả
nếu chúng ta không đạt được hòa bình hoàn hảo trên trái đất, bởi vì hòa bình
hoàn hảo là thứ không có trên trái đất này, thì những nỗ lực chung để giành lấy
hòa bình cũng sẽ đoàn kết mọi cá nhân và mọi quốc gia trong lòng tin và tình
hữu nghị; và giúp tạo ra một cộng đồng người an toàn hơn và tử tế hơn.
Tôi dùng từ “tử tế hơn” với sự cân nhắc thận trọng. Tôi có thể nói
đó là sự cân nhắc thận trọng của nhiều năm. Trong những sự ngọt ngào của nghịch
cảnh, và hãy cho tôi nói rằng những thứ ngọt ngào ấy chẳng có nhiều cho lắm,
tôi đã tìm thấy cái điều ngọt ngào nhất, thứ quý giá hơn hết tất cả, là bài học
mà tôi đã học được về giá trị của lòng tốt. Tất cả những sự tử tế mà tôi đã
nhận được, dù nhỏ hay lớn, đều đã thuyết phục tôi rằng lòng tốt có thể không
bao giờ đủ trong thế giới của chúng ta. Tử tế là đáp ứng với sự nhạy cảm và ấm
áp của con người trước hy vọng và nhu cầu của người khác. Ngay cả cái chạm nhẹ
nhất của lòng tốt cũng có thể thắp sáng một trái tim nặng trĩu. Lòng tốt có thể
làm thay đổi cuộc đời của con người. Na-Uy đã cho thấy gương mẫu của sự tử tế
trong việc cung cấp tổ ấm cho những người tha phương trên trái đất, bảo vệ
những người đang bị tấn công, bị cắt đứt chiếc dây neo của an toàn và tự do với
quê hương bản quán của họ.
Ở mọi nơi trên thế giới này đều có những người tị nạn. Khi tôi đến
trại tị nạn Maela ở Thái Lan gần đây, tôi đã gặp những người tận tụy đang hàng
ngày đấu tranh cho cuộc sống của những người tị nạn thoát khỏi khó khăn chừng
nào hay chừng ấy. Họ nói về mối quan ngại của họ đối với “sự mòn mỏi dần những
người tài trợ”, là điều có thể dịch ra thành “sự mòn mỏi lòng trắc ẩn”. Cụm từ
“sự mòn mỏi dần những người tài trợ” tự nó đã diễn đạt một cách chính xác sự
giảm sút nguồn tiền tài trợ. “Sự mòn mỏi lòng trắc ẩn” tự diễn đạt nó ít hiển
nhiên hơn việc giảm sút đi lòng trắc ẩn. Cái này là hậu quả của cái kia. Liệu
chúng ta có thể sống mãi được với việc tự cho phép mình mòn mỏi đi lòng trắc
ẩn? Phải chăng cái giá của việc đáp ứng nhu cầu cho những người tị nạn lớn hơn
cái giá của sự quay lưng, nếu không muốn nói là nhắm mắt lại trước sự đau khổ
của họ? Tôi khẩn khoản kêu gọi những nhà tài trợ trên thế giới trong việc đáp
ứng nhu cầu của những con người này, những người đang tìm kiếm, thường là cuộc
tìm kiếm vô vọng, sự tị nạn trên một đất nước khác.
Ở Maela, tôi đã có những cuộc thảo luận quý giá với các viên chức
Thái chịu trách nhiệm quản lý điều hành tỉnh Tak, nơi có trại này và nhiều trại
khác. Họ cho tôi biết nhiều vấn đề nghiêm trọng hơn liên quan đến các trại tị
nạn: vi phạm luật bảo vệ rừng, sử dụng ma túy bất hợp pháp, cất rượu lậu, các
vấn đề về kiểm soát bệnh sốt rét, bệnh lao phổi, sốt xuất huyết và bệnh dịch
tả. Những quan ngại của cơ quan hành chánh là chính đáng cũng như những quan
ngại của những người tị nạn. Các quốc gia chủ nhà cũng cần có sự xem xét và sự
giúp đỡ cụ thể để đương đầu những khó khăn liên quan đến phần trách nhiệm của
họ.
Mục tiêu tối hậu của chúng ta phải là tạo ra một thế giới thoát
khỏi tình trạng có những người phải di tản, những người không nhà và tuyệt
vọng, một thế giới mà từng góc nhỏ và tất cả mọi nơi đều là nơi trú ẩn thực sự
mà những người sống ở đó đều có tự do và có năng lực sống trong hòa bình. Mọi ý
nghĩ, mọi lời nói, mọi việc làm góp phần vào cái tốt và cái lành mạnh sẽ là một
sự đóng góp cho hòa bình. Mỗi người và tất cả chúng ta đều có thể đóng góp như
thế. Chúng ta hãy nắm tay nhau tạo ra một thế giới hòa bình, nơi chúng ta có
thể ngủ trong an toàn và thức dậy trong niềm hạnh phúc.
Ủy ban Nobel đã kết luận tuyên bố của họ ngày 14 tháng 10 năm
1991: “Bằng cách trao giải Nobel Hòa bình cho Aung San Suu Kyi, Ủy ban Nobel
Na-Uy muốn vinh danh người phụ nữ này vì những nỗ lực không mệt mỏi của bà, và
thể hiện sự ủng hộ của giải Nobel đối với rất nhiều người trên khắp thế giới
đang tranh đấu để đạt đến dân chủ, quyền con người và hòa giải dân tộc bằng
những phương tiện hòa bình”. Khi tôi tham gia phong trào dân chủ ở Miến Điện
chưa bao giờ tôi tự nghĩ rằng tôi có thể là người nhận bất cứ giải thưởng hay
vinh dự nào. Cái giải thưởng mà chúng tôi đang làm hết sức mình cho nó, đó là
tự do, an toàn, và chỉ là một xã hội mà con người có thể nhận ra được tất cả
tiềm năng của mình. Vinh dự nằm trong những nỗ lực của chúng tôi. Lịch sử đã
trao cho chúng tôi cơ hội để cống hiến những gì tốt nhất của chúng tôi cho một
sự nghiệp mà chúng tôi tin vào. Khi Ủy ban Nobel chọn vinh danh tôi, con đường
mà tôi đã chọn cho ý chí tự do của riêng tôi sẽ trở nên một con đường ít cô đơn
hơn để theo đuổi nó. Vì điều ấy tôi xin cảm ơn Ủy ban và tất cả mọi người trên
thế giới này, vì sự hỗ trợ của họ đã làm mạnh thêm niềm tin của tôi trên con
đường chung tìm kiếm hòa bình. Xin cảm ơn quý vị.
Người dịch: Hoa Phượng