Thứ Ba, 26 tháng 6, 2012

MỘT NGÀY Ở PARIS




Lê Phương Dung

“Paris có gì đẹp không em/ Mai anh về em có còn ngoan...”. Buổi sáng trong lành khi đi dạo một mình trong khu vườn Hoàng Gia và Công viên Saint-Cloud tôi cứ ngân nga những câu thơ của Nguyên Sa - và tôi biết vì sao mà tác giả “Áo lụa Hà Đông lại thốt lên như vậy, vì đối với tôi, Paris là cả một sự đổi khác, phải nói là đẹp đến nao lòng.
Kết thúc cuộc đi bao giờ tôi cũng đặt chân lên viên gạch thiêng trước tam cấp của nhà thờ Đức Bà Paris, để cầu mong may mắn cho mình, cho những người thân.
Tiếp tục leo 376 bậc thang lên nhà thờ, từ trên cao ngắm nhìn Paris trong sớm mai, đâu đó nơi gác chuông, tôi vẫn như thấy bóng dáng nàng Esméralda kiều diễm thân hình bầm dập rớm máu sau những khảo đả tra tấn của giáo hội và pháp đình chỉ vì một “tội” là nàng quá đẹp, quá trong trắng.
Tôi cũng như thấy hình hài co quắp đến tội nghiệp của “thằng” gù Quasimodo cũng bị tra tấn vì “tội” quái đản, xấu xí.
Victor Hugo (1802 – 1885) đã lấy nhà thờ Paris làm bối cảnh, một thiên hùng ca bằng văn xuôi, đó là cuốn “Nhà thờ Đức bà Paris”.
Đây thực sự là bức tranh về Paris ở thế kỷ XV, thời trị vì của vua Louis XI. Bằng một cốt truyện khá bi thảm nặng nề, các tình tiết xếp đặt khéo léo, mang kịch tính và hình ảnh phóng đại, tô đậm lẫn lộn thực hư đã dẫn dắt người đọc sống lại không khí xa xưa của thời kì Trung cổ đen tối...
Tôi cũng đọc nhiều văn của Victor Hugo, song trong truyện này đọng lại trong tôi duy nhất lại chính là thằng “gù”. Vì vẻ đẹp nội tâm cũng như tâm hồn thánh thiện đến ngờ nghệch, một nhân cách rất “người” trong bộ dạng quái đản, xấu xí ấy, Quasimodo đã là một bài học đạo đức về lòng nhân hậu và lối sống vị tha.
Tôi đã khóc nhiều lần khi Quasimodo lết tấm thân đẫm máu đến hôn chân giáo chủ vì “Bàn chân cao quý của ngài”, vừa hạ cố xuống thân thể bần tiện hèn mọn của con...
Ở Paris, tôi hay có thói quen dậy rất sớm vào lúc rạng đông và đi ra chợ chính (mùa hè ở đây thường 4h sáng là đã có ánh mặt trời và đêm phải sau 22h mới tắt nắng).
Chợ chính cũng là nơi duy nhất bắt đầu sinh hoạt trong cái giờ sớm sủa như vậy, không khí yên bình phảng phất mùi cà phê mới xay, hơi nước bốc lên thật nhẹ trên những đại lộ vừa được tưới đẫm.
Những viên cảnh sát khoác áo choàng ngắn, đứng cạnh những kiot bán sách và hoa, mẫn cán canh gác cho sự thanh bình của phố xá.
Đâu đó, những quầy bán hoa đã tràn đầy, rực rỡ các màu hoa păngxê mỏng manh hao gầy như cánh chuồn, hoa thuỷ tiên vàng mướt khoe sắc cùng những cánh hồng đủ loại e ấp trong chậu, oải hương tím biếc qua những lớp giấy gói thô mộc, vẫn toả ra một mùi hương kín đáo dịu dàng...
Cách chợ vài khu nhà, băng qua một ngã tư là đến dãy phố bờ sông Seine cũng là khu chợ hải sản tươi sống thường được chở về từ Brittany và Provence, những con tôm hùm ngọ nguậy đôi râu, cá trong chiếc chậu bằng kẽm thì vẫn còn bơi lội trong vòi nước luôn được chảy xuống mình chúng, những con sò điệp đỏ au, bên cạnh những con hàu xù xì gai xám... và cũng chỉ có 10 euro là tôi đã có một chú cua rang me hẳn hoi nhé, béo ngậy thơm phức đủ để bổ sung chất đạm cho một ngày mới rồi.
Vốn là người cũng có “tâm hồn ăn uống” nên tôi rất hay lang thang mò mẫm. Buổi sáng trên hai con phố Rue de Seine và Rua de Buci ở khu Latinh là sầm uất và nhộn nhịp không kém khu ẩm thực ở ngõ Cấm Chỉ bên nhà. Vì ở đây nổi tiếng với những hàng ăn ngon, cùng với những hàng bánh mì lề đường, nhưng được xếp gọn tất cả trong các tủ kính nhỏ, cả người bán lẫn người ăn đều rất trật tự.
Nằm bên bờ sông Seine thơ mộng, ngọn tháp Eiffel, biểu tượng hoa lệ đầy tính nghệ thuật, cũng là niềm tự hào của người dân Paris.
Được xây dựng từ năm 1890 phải mất 26 tháng, ngọn tháp cao 320m mới được hoàn thành (thực ra thì tôi còn bớt của nó 75cm).
Ban đêm, tháp Eiffel trở thành một biểu tượng toả sáng lung linh giống như đồ trang sức cho một thiếu nữ xuân thì.
Ông chú tôi - một thượng nghị sĩ của Quốc hội Pháp còn giảng giải cho tôi về những tính năng hữu dụng của tháp. Hoá ra ẩn sau cái sự thô ráp không ăn nhập với phần kiến trúc đầy tính nghệ thuật nói trên thì ngầm sâu dưới chân tháp khoảng 60-70m lại là một phần kiến trúc khác hẳn, tuy đơn giản nhưng vô cùng quan trọng, đó chính là những trung tâm giám sát an ninh, thiết bị hiện đại giúp ngành an ninh Pháp, bao gồm lực lượng cảnh sát, hiến binh và lực lượng tinh nhuệ bảo vệ, giám sát tốt các cơ quan trọng yếu của chính quyền Pháp và chính quyền thủ đô Paris.
Trải dọc theo con đường bờ sông cạnh nhà thờ Đức Bà là những người đi câu với những chiếc cần câu dài, thường là không thấy cá đớp mồi, vì thế mà phần đông những người này thường là cầm báo để đọc, số khác thì úp mũ lên mặt mà ngủ say sưa, mặc hết sự đời.
Tôi thì lại nghĩ rằng ánh sáng lấp loáng cùng những làn gió sông thổi nhè nhẹ làm cho họ không thể dứt được cơn buồn ngủ, mà lại ngủ ngày, giữa thanh thiên bạch nhật như thế thì còn thú vị gì bằng cơ chứ?
Tôi cũng đứng bên lan can đá ở phía trên nhìn xuống , ngắm những chiếc “tàu ruồi” chở khách du lịch ngược xuôi. Bên cạnh tôi lúc này là một cụ già râu tóc bạc, một tay cầm ba toong, tay kia cũng lại cầm một tờ báo.
Ông cụ liếc mắt nhìn tôi, còn tôi thỉnh thoảng “nghía” trộm cụ mà không dám gợi chuyện.
- Bonjour, camarade!
Ồ, ông ta chào mình trước, mà lại còn gọi là “bạn” nữa chứ. Tôi cũng gật và chào ông bằng tiếng Pháp luôn.
Ô la la, cụ già nói và chắc lưỡi, trông Mademoiselle (lại là cô) tôi biết cô là người ngoại quốc đúng không ạ, và vì là người ngoại quốc, cô có thể nghĩ rằng những anh chàng kì quặc ở dưới kia - cụ già chỏ những người câu cá - có thể câu được con cá nào đó? Không bao giờ. Đó! Tôi nói với cô như thế đó. Nếu trong 1 tuần lễ có tay nào trong bọn họ lôi lên khỏi mặt nước dù chỉ là một con cá mòi nhỏ thì tôi xin mất với cô 10 euro.
Tôi phát phì cười vì một vụ làm ăn “cá cược” của một cụ già người bản xứ. Vì vậy, khi cụ già thấy tôi - một người da vàng nhưng mũi cũng lõ như cụ, mắt thì cũng hun hút như ai mà nói tiếng của cụ cứ lèo lèo thì cụ khoái ra mặt và khi lại biết được nhà tôi ở quận 16 trên đại lộ Foch thì cụ đổi thái độ từ ngạc nhiên sang hoài nghi.
Cụ nói: “Tôi biết ở khu đó các toà nhà được xây bằng đá đẽo, cổng rào kín chuyên có xe ngựa đỗ, hè phố rộng, cây to rợp bóng, những ngôi biệt thự lộng lẫy của các lớp người giàu có của các diễn viên, ngôi sao màn bạc như Alain Delon, Jean-Paul Belmondo, Catherine Deneuve, Francoise Sagan... và của các thượng nghị sỹ Quốc hội. Nơi này là một xã hội của xa hoa và quyền lực có một không hai trên thế giới với những nhà tài phiệt có vệ sĩ bao quanh, những quý bà ngự trên những chiếc xe Mercedes bóng lộn với kẻ hầu người hạ đi xe riêng hộ tống...
Với một tràng diễn thuyết hoài nghi và đầy hiểu biết như vậy thì cụ kết luận luôn là “cô không thể ở nơi đó được”. Để khỏi tranh luận dài dòng mất thì giờ, tôi đọc số điện thoại ở nhà tôi tại khu mà cụ khẳng định “cô không thể ở được” và đưa tên cho cụ “tét” luôn...
Sau khi đầu dây bên kia trả lời là tôi ra ngoài dạo từ sáng sớm thì cụ già chỉ ô la la mà chả nói được gì nữa. Đáp lại, tôi bèn mời cụ vào quán “cà phê văn chương” ngay tả ngạn bờ sông Seine, trên sân thượng chằng chịt dây leo vừa được tưới nước, những giọt nước còn đọng lại trên cành hoa diên vĩ biếc tím mà người Pháp coi là “Quốc hoa” cùng với hoa ly thỉnh thoảng lại nhỏ giọt trên đầu, trên tay chúng tôi.
Cụ già nói: “Tôi là một hoạ sỹ điêu khắc về hưu - 75 tuổi rồi”. Và cụ xoè đôi bàn tay cho tôi nhìn những vết chai sạn do đục đẽo đá. “Tôi không làm việc được nữa, già rồi thì con trai tôi nó nuôi tôi, nó cũng là hoạ sỹ nhưng chuyên vẽ tranh trừu tượng”.
Tôi nói kiểu như tranh vẽ của Picasso à thì cụ già bảo đúng rồi đấy tranh trừu tượng tạo cho hoạ sỹ rất nhiều tự do để sáng tạo và tôi đã hiểu những bức tranh của bạn tôi được phóng tác trong tự do của tâm hồn thăng hoa với những phút ngẫu hứng.
Ông cụ hoạ sỹ già hồi tưởng: “Không ai biết tôi đã đẽo biết bao nhiêu bao lơn, khung hình chạm và phù điêu đẹp đẽ cho những toà nhà, những cây cầu của Paris và cả cho cung điện Versailles nữa. Tôi cũng không biết, tôi cũng không ghi chép những công việc của mình. Thưa cô!”.
Tôi không thể trả lời cụ mà chỉ xin cụ một cuộc hẹn, khi nào đó tôi lại xin hầu chuyện cụ và mời cụ đến bảo tàng Louvre để tôi xin học “mót” chút kiến thức về hội hoạ nơi cụ.
Tạm biệt cụ, tôi phải cải chính tôi là madame, là một quý bà rồi chứ không thể nào là “cô” được nữa vì tôi đã có hai con trai lớn lắm rồi. Con trai cả của tôi cũng đã bước vào tuổi 27chứ ít ỏi gì nữa.
Thế là cụ già lại ô la la với chút ngạc nhiên thực sự!