Chủ Nhật, 10 tháng 6, 2012

MỘT TRANG SỬ THẢM: CHỦNG VIỆN VÀ ĐỊA SỞ LÀNG SÔNG NĂM 1885

Chủng viện Làng Sông 

Báo “Lời Thăm”, Địa phận Qui Nhơn,
số 7, 25 Fév. 1943
Huỳnh Tảo 


Năm 1885, tuế thứ Ất Dậu, chính là năm tàn khốc nhứt trên lịch sử đạo công giáo Địa phận Qui Nhơn, vì cái nạn “sát tả” của đảng lọan Văn Thân
Năm ấy lối tháng Juin, tháng Juillet, hằng ngày những tin chẳng lành tới dồn tới dập, rằng bổn đạo họ Quảng Ngãi bị tận sát, rằng các họ đạo miệt Bồng Sơn, như Gia Hựu, Thác Đá, Đồng Quả, Nước Nhỉ, lớp bị tru diệt, lớp chạy tứ tán, nhà cửa bị thiêu hủy hết, không còn một nhà thờ nào. Lại thêm tiếng đồn vang dội rằng: Văn Thân chuẩn bị vây đánh Làng Sông. Bấy nhiêu tin dữ tiếng đồn làm cho nhơn tâm khủng khiếp bồi hồi lắm.
Bổn đạo các sở chung quanh Chủng Viện, như Tân Dinh, Tân Quán, Diêm Điền, Nại, bàng hoàng kinh sợ, lớp thì đùm đệ thê nhi chạy vào nhà trường, lớp thì trốn xuống Qui Nhơn. Nhà trường khi ấy nhằm tháng nghỉ, có chừng 45 thầy với mươi người trai giúp việc. số bổn đạo chạy vào, cả nam phụ lão ấu gần cả ngàn. Đàng khác, lại có mấy chục cha annam mới cấm phòng xong chưa tản.
Ban đầu ra như Đức Cha và các cha Chủng Viện tính ở lại kháng cự, trông dưới Qui Nhơn sẽ tiếp cứu. Đức Cha kêu cầu đôi ba thứ, song dưới Toà không có đủ binh lính, các quan không dám nhận việc tiếp ứng. Đức Cha phái cố Ân và cố Ngãi xuống tận nơi dọ tình hình xem sao. Ngày 4 tháng Aout, hai cố có thư về trình tự sự và nài Đức Cha kíp chạy xuống Qui Nhơn cho sớm. Cũng ngày ấy, lối 9 giờ mai, Đức Cha tiếp thơ Quan Sứ và Quan Chưởng Binh thúc Đức Cha đừng trì hoãn nữa, lo xuống Qui Nhơn cho mau, có 8000 giặc ở ngoài kéo vào, chực chặn đàng.
Tin cấp báo như vậy, và nhắm trong nhà không mấy người tráng lực, tiếng rằng bổn đạo chạy vào có số ngàn, mà quá nửa phần là đàn bà con nít. Dưới toà không tiếp ứng được, một mình với bấy nhiêu mới cự địch làm sao! Rủi có bề nào, cả Đức Cha, các cha tây, nam đều lâm vòng hết thảy, sự tai hại chẳng vừa. Thôi, phải chạy. Nghe nói Đức Cha và các cha tính chạy, thì giáo dân mất vía kinh hồn, lật đật tuôn về phía nhà thăm qua phen sau hết, quơ được đồ đạc gì thì quơ rồi đổ xuống Qui Nhơn.
Trong nhà trường lúc ấy chỉ còn các thầy và mấy người trai, lo đài đệ một ít đồ quí giá và cần dùng, đoạn một tiếng chuông lên hiệu, mọi người quì gối trên cỏ đọc 1 kinh Lạy Cha, 1 kinh Kính Mừng, 1 kinh Phù Hộ, rồi Đức Cha đi đầu, ra khỏi nhà trường, người người đều chứa chan giọt thảm. Ra đi một đổi thì bổn đạo kẻ dìu cha mẹ già, người bồng con nít, đùm đệ gói xách chạy theo. Hồi đó là lối 10 giờ, kéo đi tới 1 giờ trưa, mọi người đều tới Qui Nhơn được hết.
Chừng đó Văn Thân ở bang cận mới hay, theo đuổi bắt không kịp nữa, họ bèn tổ chức những cuộc đi hôi của và đốt phá. chiều lại và trót đêm đó ở Qui Nhơn ngó về thấy lửa cháy đỏ rực một vùng trời, chủng viện, các nhà thờ, nhà của giáo dân đều bị thiêu hết: tiếng tre nổ, tiếng trống giục, mõ đánh nghe dậy đất.
Tại sở Diêm Điền có một bà già 70 tuổi, tưởng mình đã qua thất tuần, ai nỡ đang tâm nhiêu hại, nên cứ ở lại với một đứa tớ gái. Trước khi đốt nhà, văn thân họ lục soát từng nhà, cái gì vừa bụng thì tóm thâu, rồi cho dân gian sơ vét hết mọi sự, sau hết mới phóng hoả. Vào nhà gặp bà lão lụm cụm, họ liền bắt đem ra xử tội, mà rằng: mụ kia, mụ muốn chết cách gì, nói đi. Bà lão đáp, thưa, quân Giudêu muốn sát hại Chúa tôi, ngài để mặc nó chọn lấy khổ hình, lẽ nào tôi dám làm trái đi.
Trong nhà bà lão có cái hòm để phòng hậu sự, một người trong bọn bảo nên bỏ bà trong đó mà chôn sống cho rồi. Cả bọn đều ưng ý ấy, họ sức hai tên dân đào cái huyệt trước sân và bảo dọn bánh chuối chè nước cho bà lão ăn. Bà lão chẳng màng tới của ăn, lấy đồ mới mặc vô, rồi quì gối đọc kinh lớn tiếng. Bấy giờ một người quát lên: thôi, đọc kinh đủ rồi, chun vào hòm đi; bọn dân, bay cứ làm xong việc.
Bà lão đứng dậy bước tới, quân dữ vịn cho bà chui lọt vào hòm, rồi đậy nắp, đóng chốt, khiêng đem bỏ xuống huyệt lấp chôn. Bà già không một tiếng kêu van năn nỉ gì cả. Con đầy tớ cũng bị chôn sống như bà, khác một điều là không có hòm.