Nguyễn Văn Tuấn
Xin giới thiệu một nhân tài gốc Việt:
Jane Lưu (tên tiếng Việt là Lưu Lệ Hằng). Chị là một trong 3 nhà khoa học được
trao Giải thưởng Kavli về vật lí thiên văn học (hai người khác là David Jewitt,
Michael Brown) vì đã có công khám phá ra “Vành đai Kuiper”. Ngoài ra, chị còn
được trao giải thưởng Shaw, rất danh giá trong ngành. Cả hai giải thưởng đều có
giá triệu USD (như giải Nobel). Từng là một giáo sư của ĐH Harvard, nhưng xuất
thân là một người tị nạn, và đó mới là điều đáng nói ...
Sinh ra tại Sài Gòn, vượt biên đến Mĩ
1975. Tốt nghiệp cử nhân năm 1984 (ĐH Stanford) và tiến sĩ năm 1990 (MIT). Chị
từng là giáo sư thiên văn học ở ĐH Harvard (1994-1998) và ĐH Leiden (Hà Lan,
1998-2001). Có thể nói sự nghiệp của chị này gắn liền với toàn những “right addresses”!
Trong bài trả lời phỏng vấn tạp chí
Astronomy, Jane Luu nhấn mạnh xuất thân tị nạn của chị. Chị nói đại ý rằng ngoại
trừ Mĩ, không có một xứ nào mà một người gốc tị nạn có thể leo lên chức giáo sư
của một đại học danh tiếng ("I don't think it would have been possible
anywhere else to go from a refugee family to a professorship at a prestigious
university"). Tôi cũng nghĩ như thế, trên thế giới này, chắc chỉ có Mĩ là
nơi xứng đáng với danh xưng xứ sở của cơ hội. Úc, nơi tôi đang ở, chưa bao giờ
xứng đáng với danh hiệu đó.
Có lẽ nhiều bạn ở trong nước chưa thấy
cái mà kí giả ngoại quốc gọi là một remarkable journey của Jane Luu, vì chưa cảm
nhận được những khó khăn trong quá trình phấn đấu của một người tị nạn trên đất
Mĩ. Để có được vinh dự và vị thế khoa bảng như ngày hôm nay, chắc chắn chị này
là một phụ nữ phi thường. Phần lớn các du học sinh ra ngoài hay thế hệ "vượt
biên bằng máy bay" (chỉ những đồng hương đi định cư ở ngoài qua đoàn tụ
gia đình hay di dân nghề nghiệp) ngày nay có thể nói là may mắn. May mắn là vì
khi họ đến nơi đã có sẵn những người Việt đi trước giúp đỡ (cho dù là giúp đỡ
gián tiếp). Các trung tâm thương mại của người Việt là một ví dụ. Các giáo sư
và giảng sư gốc Việt trong các đại học cũng là một ví dụ khác. Bốn mươi năm trước,
người Việt đến đây hoàn toàn "tự bơi" chứ không có đồng hương để chia
sẻ và giúp đỡ. Do đó, đọc bài phỏng vấn chị Jane Luu làm tôi nhớ chuyện xưa ...
Đọc bài trả lời phỏng vấn của chị Jane
Luu này làm tôi liên tưởng đến thế hệ Việt kiều (cứ tạm dùng chữ này cho ngắn,
thay vì “Người Việt ở nước ngoài”) đầu tiên. Nhớ những ngày mới chân ướt chân
ráo đặt chân lên trại tị nạn ở các nước Đông Nam Á, những khuôn mặt ngơ ngác, hớt
hơ hớt hải, chẳng biết tương lai đi về đâu sau khi rời “đất mẹ”. Thật ra, lúc
đó, lo miếng ăn và cái mặc đã là nhức đầu rồi, chứ nói gì đến tương lai quá xa
vời. Thế rồi cũng lên đường đi Tây. Người thì chờ 2-3 tháng (như chị Jane này),
người thì chờ cả năm (như tôi), hay có người chờ đến vài năm để lên máy bay đi
“nước thứ ba” (tức là đi Tây). Đến nước thứ ba rồi, lại tiếp tục một quá trình
làm lại cuộc đời vô cùng gian nan. Người thì đi học lại, người thì lao vào bất
cứ những công việc gì có thể làm ra tiền để tự nuôi mình và … gửi về Việt Nam.
Phải mất gần 20 năm mới ổn định cuộc sống. Trong thế hệ đầu tiên đó, có không
ít người đã thành danh ở nước ngoài. Phần lớn họ là những người đã có cái nền tảng
học vấn ở trong nước, nhưng một số không nhỏ là những người đi lên từ con số 0.
Tôi đoán chị Jane Luu này thuộc vào nhóm đi lên từ con số 0, vì ở VN chị ấy
chưa tốt nghiệp trung học. Tuy không có con số thống kê nào, nhưng tôi có cảm
tưởng người Việt ở Mĩ thành công nhất và nhiều nhất so với người Việt ở các nước
khác, vì Mĩ đúng là melting pot.
Nhưng dù là xứ sở lí tưởng cho khoa học,
không phải tự nhiên là người Việt ở Mĩ thành công như ngày nay. Chưa nói đến
quá trình ổn định cuộc sống, chỉ nói đến học hành và làm việc, tôi nghĩ một người
Việt ở Mĩ có địa vị trong giới khoa bảng phải làm việc gấp hay giỏi gấp 2 lần
người bản xứ. Đó cũng chính là nhận xét của một anh bạn tôi (Giáo sư Ken Ho,
nay đã về Queensland) về các giáo sư gốc Á châu trong hệ thống khoa bảng Úc.
Anh ấy nói người Á châu ở đây muốn ngang hàng với người bản xứ (Úc da trắng)
thì phải hơn họ 2 cái đầu, chứ chỉ tương đương thì chưa đủ. Đó là số phận của
người di dân. Xứ sở của người ta, cha ông người ta gầy dựng được như ngày nay,
mình chỉ là kẻ hưởng lợi. Và, để hưởng lợi như họ mình phải làm việc nhiều hơn
họ. Mà, nhìn qua lí lịch khoa học của người Việt ở Mĩ (như chị Jane Luu chẳng hạn)
tôi nghĩ Ken rất có lí.
Hồi thời tôi còn hăng hái viết lách và
tranh cãi trên tờ Sydney Morning Herald , tôi có quen với anh kí giả tên là
Mike Carlton, một cây bỉnh bút nổi tiếng của Úc,.... Anh ta từng nói với tôi một câu làm tôi nhớ
hoài: Người Việt Nam chúng mày có khả năng survival phi thường . Survival ở đây
chắc là hiểu theo nghĩa sống sót . Lúc đó tôi nghĩ anh ta nói ngoại giao, vì ai
mà không muốn sống còn, nên cũng chẳng để ý. Nhưng càng suy nghĩ về sự thành
công của người Việt ở hải ngoại tôi thấy Mike có lí.
Câu chuyện đằng sau mỗi một Việt kiều
thành danh là một lịch sử. Nhớ gần 20 năm trước, Giáo sư Larry Riggs (“tổ sư” về
osteoporosis) của Mayo Clinic, khi ông chở tôi từ phi trường về nhà ông chơi,
ông hỏi tôi về thời gian ở Úc và làm ăn ra sao. Tôi cười buồn nói rằng mỗi một
người tị nạn Việt Nam chúng tôi là một pho sử, không thể nào nói trong vòng vài
phút đâu. Mà, tôi có ý đó thật, vì cuộc đời của những người tị nạn đi từ con số
0 (không tiền bạc, không thế lực, không mảnh giấy lộn lưng, thậm chí chẳng có
quần áo đàng hoàng) đến một nấc thang xã hội hay nấc thang khoa bảng nào đó là
những bài học thành bại cho các bạn thuộc thế hệ sau. Mới đây, anh VMK bên
Singapore có một ý rất hay: anh ấy muốn ra một tập sách viết về những người
trong và ngoài nước đã thành công như thế nào. Tôi nghĩ một cuốn sách như thế rất
có ích, ít ra cũng là nguồn động viên giới trẻ hiện nay.
Nhưng những người thành danh như Jane
Luu có thể giúp gì cho Việt Nam là một câu hỏi khác. Tôi nghĩ chắc chị ấy có thể
làm nhiều, nhưng dĩ nhiên phải có điều kiện. Đọc qua bài trả lời phỏng vấn,
không thấy chị ấy nói gì về Việt Nam. Có lẽ vì rời nước còn nhỏ nên sự gắn bó
chẳng có bao nhiêu. Và, điều này nói lên một thực tế khác: trong số những người
Việt ra ngoài thế hệ thứ nhất thì còn gắn bó với quê nhà nên họ rất muốn làm
cái gì đó cho quê nhà, còn thế hệ thứ hai lớn lên ở ngoài sau này họ không có gắn
bó tình cảm với Việt Nam như thế hệ thứ nhất. Chẳng hạn như con tôi, nó nghĩ Úc
là quê hương của nó (mà đúng như thế), còn Việt Nam thì chắc là một nơi chốn
nào đó xa xôi, nơi quê cha đất tổ, chứ chẳng có liên quan gì trực tiếp với nó.
Nói cách khác, nếu khả năng Việt kiều có đóng góp gì cho quê nhà thì chỉ có thế
hệ thứ nhất mà thôi, chứ còn thế hệ hai và sau đó thì khó trông mong gì từ họ.
Nhà nước hay dùng những từ hoa mĩ để kêu
gọi Việt kiều đóng góp cho khoa học kĩ thuật bên nhà. Thậm chí còn có cả chiến
lược thu hút 1000 nhà khoa học Việt kiều về nước. Nhưng trong thực tế thì chẳng
có bao nhiêu người đáp ứng lời kêu gọi đó, và Nhà nước cũng chẳng làm gì để
thay đổi tình thế (có lẽ họ chỉ kêu gọi cho có thế thôi, chứ chưa chắc họ có thực
tâm hay biết làm gì). Cách đây 2 năm một anh bạn của tôi là NQV có viết bài
trên Tia Sáng với câu hỏi “ Vì sao ít trí thức Việt kiều về nước làm việc ”.
Anh ấy đưa ra 6 lí do: (a) vì thiếu chính sách thực tế; (b) thiếu thông tin về
các vấn đề nhạy cảm như Hoàng Sa – Trường Sa mà Việt kiều rất quan tâm; (c)
chưa tìm ra đối tác trong nước; (d) thủ tục hành chính quá rườm rà; (e) tinh thần
vọng ngoại của người trong nước; và (f) tính đố kị, địa phương chủ nghĩa. Thật
ra, chắc còn nhiều lí do khác nữa , nhưng chỉ bao nhiêu rào cản đó cũng đủ để
thấy khả năng Việt kiều dù đau đáu muốn đóng góp cho quê nhà vẫn phải bó tay.