Mai Bá Ấn
Nghĩ là chuyện giản đơn, vậy mà xưa nay cũng
chưa ai giải thích cho rằng: Người Việt Nam khi giao tiếp, ngoại giao đã có
cách chào nào của riêng mình và mang đúng bản sắc văn hóa của dân tộc mình hay
chưa? Lúc thì ngã mũ, cúi đầu khoanh hai tay trước bụng chào; lúc thì chỉ cúi
đầu chào, lúc lại vẫy tay chào, lúc lại nắm hai tay vào nhau để “huơ” chào...
Đội bóng đá Việt Nam và cả các vận động viên thể thao khi nhận Huy chương trong
niềm hãnh diện của cả bản thân và niềm tự hào dân tộc, nghe quốc ca cất lên thì
lại đưa bàn tay phải áp vào ngực trái (nơi chỗ trái tim) - học theo các đội
bóng phương Tây để chào... Vậy thì cách chào nào là đúng, là sai... và Việt Nam
có thực sự là đã có một cách “chào” riêng mang bản sắc văn hóa dân tộc mình?
Thời tuổi nhỏ, khi gặp người lớn tuổi, gặp
thầy cô giáo,... bọn nhỏ chúng tôi thường lễ phép lấy mũ (nón), vòng tay trước
ngực (thật ra là trước bụng), cúi đầu chào... Sau 1975, lối chào ấy
bị phê bình là: phong kiến quá, đánh mất tư thế quá! Chao ôi! Chào người lớn
tuổi là để tỏ lòng tôn kính của mình mà không lễ phép ngã mũ, vòng tay cúi chào
thì còn gì là sự thể hiện của lòng tôn kính! Vậy mà rồi, vì “tư thế”, ta đã
giáo dục cho các em học sinh không còn được ngã mũ, vòng tay, cúi đầu “nô lệ”
nữa... Vậy là một cách chào đã bị bác bỏ hoàn toàn mà thoạt nghe ra cái lý do
phủ nhận nó cũng hoàn toàn có lý!
Bây giờ, một số nước Châu Á chúng ta thực sự
đã là những cường quốc thế giới về mọi mặt, vậy mà gặp ai, họ cũng cúi gập đầu
chào, nhiều dân tộc lân cận với chúng ta có “tư thế” kinh tế hơn hẳn chúng ta
vẫn chắp tay lạy chào... Vậy thì, có phải họ là dân “thấp hèn”, “nô lệ”, “thuần
phục”...?
Thực ra, vì bị hết phong kiến phương Bắc rồi
tư bản phương Tây đô hộ, chúng ta đã tiếp biến nhiều luồng văn hóa khác nhau
nên sự chuyển đổi, linh hoạt, tổng hợp trong cách chào âu cũng một nét văn hóa
riêng của người Việt, vì văn hóa nông nghiệp luôn mang tính linh hoạt (Gió
chiều nào xoay chiều ấy, Ở bầu thì tròn ở ống thì dài...) và lối tư
duy tổng hợp (Lạy trời, lạy phật, lạy đất, lạy tiên)
với tín ngưỡng đa thần cho nên cách chào nhau trong văn hóa giao tiếp gốc Việt
đã biến thể theo nhiều cách… Trong nhiều cách ấy, tôi nghĩ hãy trở về với cách
chào truyền thống nhưng cải biên chút ít cho hợp lý hơn, đó là: áp lòng bàn tay
trái vào vùng bụng (thay vì khoanh hai tay trước vùng bụng) và cúi đầu chào.
Khi chào xong theo cách truyền thống, tay phải ta vẫn có thể đưa ra bắt tay
giao tiếp theo kiểu hiện đại và hội nhập vẫn là hợp lý. Tại sao dám khẳng định
tư thế chào này là đúng bản sắc văn hóa dân tộc nhất? Chúng tôi xin được lý
giải như sau:
Theo triết lý Âm Dương Ngũ hành thì “Vũ trụ
vạn vật nhất thể”, con người chính là một “tiểu vũ trụ”, vì thế, vũ trụ có Âm
có Dương thì con người cũng có Âm có Dương. Vũ trụ do ngũ hành (Thủy, Hỏa, Mộc,
Kim, Thổ) tạo nên thì con người tự nhiên (cơ thể sinh vật) cũng do Ngũ tạng (Thận,
Tâm, Can, Phế, Tỳ), Ngũ phủ (Bàn quang, Tiểu tràng, Đởm, Đại tràng, Vị) hợp
thành ứng với năm hành của vũ trụ. Người Việt không gọi Lục phủ như Trung Hoa
(Trung Hoa thêm Phủ Tam tiêu gồm Thượng tiêu, Trung tiêu và Hạ tiêu để chỉ mối
liên hệ giữa năm phủ kia, không ứng với hành nào cả). Con người khác với con
vật chính là ở chỗ giải phóng được hai chi trước để đứng thẳng lên. Khi đứng
thẳng lên (không còn đi 4 chi) thì toàn bộ phần Dương (phần lưng đối mặt với
Trời ở loài vật) sẽ biến thành phần Âm (phần sau lưng của con người), toàn bộ
phần Âm (vụng ức, bụng đối diện với Đất của loài vật) lập tức trở thành phần
Dương (phía trước của con người).
Chính vì đứng thẳng lên nên cái đuôi của loài
vật không còn tác dụng dùng để cân bằng khi đi đứng, chạy nhảy, leo trèo; do
đó, phần đuôi bị thoái hóa mất đi. Và chính cái đốt sống lưng (đối diện với
vụng bụng) trở thành điểm nút quan trọng của con người. Đó là nhìn tổng thể Âm
Dương của cơ thể người, riêng phần Dương phía trước con người lại chia thành
hai khu vực Âm Dương cụ thể nữa, đó là: từ vùng bụng trở lên đầu là Dương và từ
vùng bụng trở xuống chân là Âm. Cho nên vùng bụng trở thành trung tâm của cơ
thể con người (đối diện phía sau lưng là cái đốt sống dựng con người đứng dậy
giải phóng hai chi trước để thoát khỏi loài vật), chứ không phải lấy trái tim
hay khối óc làm trung tâm như các dân tộc khác.
Chính do quan niệm vùng bụng là trung tâm cơ
thể con người nên người Việt giao tiếp, đối xử với nhau bằng “tấm lòng” chứ
không phải bằng sự rung động của con tim hay sự sáng suốt của trí óc. Khác với
phương Tây, lấy trái tim làm trung tâm cơ thể con người, từ đó sinh ra từ yêu
(love), người Việt từ trước thời tiếp biến văn hóa phương Tây không có từ “yêu”
mà chỉ có cụm từ “phải lòng nhau”, từ “thương”.
Tìm trong ca dao cổ, ta dễ dàng nhận ra, cha ông ta chỉ dung từ “thương” không
hề có từ “yêu”: (Thương nhau mấy núi cũng trèo… Đưa tay bứt
ngọn bông ngò/ Thương anh đứt ruột giả đò làm ngơ…). Huế là kinh đô
cuối cùng của triều đại phong kiến Việt Nam trước khi tiếp biến với văn hóa
phương Tây nên Huế có ý thức giữ nguyên từ “thương” với nghĩa là “yêu”
bền vững nhất. Trong ngôn ngữ Huế rất hiếm xuất hiện từ “yêu”.
Thế hệ cha anh chúng ta cũng rất ngại ngùng khi nói từ “yêu”,
với họ chỉ là “thương” nhau, “phải
lòng” nhau mà thôi. Cái từ “phải lòng” nầy chính là ngôn ngữ
tình yêu đích thực của người Việt, vì ta lấy tấm lòng làm trung tâm cơ thể, hễ “phải
lòng nhau” là tất cả đã trọn vẹn: “Anh chị lo tính chuyện làm sui gia nhau đi,
bọn nó phải lòng nhau rồi”…. Chính vì lẽ đó mà người Việt thường
gọi là “Lòng
yêu nước”, “Lòng yêu quê hương”, “Lòng nhân đạo”, “Lòng thành” chứ
không nói “Trái
tim yêu nước”, “Trái tim nhân đạo”… Tương đương với “Lòng”
chính là “Bụng”,
“Ruột”, “Tử”, “Dạ”. Cách nói này rất phổ biến trong ngôn nhữ bình
dân Việt Nam: “Mát lòng mát dạ/ Mát ruột mát gan”, “Vui lòng
thỏa dạ”, “Hả lòng hả dạ”, “Bằng lòng đi em”, “Thỏa tấm lòng”, “Mát cái ruột”,
“Sướng cái tử”, “Ưng cái bụng”, “Đã cái tử”, “Rung động trong lòng”, …
hiếm khi dùng “con tim/ trái tim” hay “bộ óc/
trí óc” thay cho những cụm từ này.
Cũng bởi quan niệm lấy lòng (bụng/ ruột/ tử)
là trung tâm cơ thể nên người Việt lấy tấm lòng để xử lý mọi quan hệ trong cuộc
sống: “Một bồ
cái lý không bằng một tý cái tình”, “Sống cho vừa lòng nhau”, “Sống trong đời
sống cần có một tấm lòng”, “Đối đãi với nhau bằng tấm lòng”… Thậm
chí người Việt còn lấy “lòng/ bụng” điều hành luôn cả lý
trí và con tim: “Bụng bảo dạ rằng: hình như hắn không yêu
mình”, “Suy bụng ta ra bụng người”, “Lòng riêng riêng những kính yêu/ Chồng
chung chưa dễ ai chiều lòng ai”… Tất cả những câu này đều thuộc
lĩnh vực suy nghĩ, tư duy, xét đoán của lý trí, nhưng với người Việt, bụng,
dạ, lòng là trung tâm quyết định cả tư duy và lý trí….
Như vậy, rõ ràng vùng bụng vừa là trung tâm cơ
thể con người từ khi thoát khỏi loài vật đứng dậy vừa là trung tâm trong mọi
mối quan hệ ứng xử trong cuộc sống: “Trải lòng ra mà sống với nhau”, “Đối xử với
nhau bằng tấm chân tình”, “bằng lòng thành”, “bằng tình người”… Hãy
đối xử với nhau bằng tấm lòng, phải hiểu lòng nhau để sống và hợp tác, cho nên,
tôi nghĩ cách chào đặc trưng Việt Nam chính là áp lòng bàn tay trái vào phần
bụng (trung tâm cơ thể, trung tâm của mọi mối quan hệ, trung tâm của sự tỏ bày
và hiểu nhau) và cúi đầu chào, chứ không phải áp lòng tay phải lên trái tim để
chào theo kiểu phương Tây. Cầu thủ bóng đá Việt Nam và vận động viên các môn
thể thao khác cũng nên chào cờ bằng tư thế truyền thống ấy để thể hiện đúng bản
sắc văn hóa giao tiếp của dân tộc mình.
Sở dĩ, ta áp lòng bàn tay trái bởi vì, cũng
theo triết lý Âm Dương Ngũ Hành, người Việt luôn coi trong bên trái (hướng
Đông) hơn bên phải (hướng Tây). Bàn thờ của người gần gũi ta hơn, luôn đặt phía
bên trái của ngôi nhà ba gian. Khi làm nhà thì sau lễ động thổ để xây thì lễ
gát đòn Dông (đòn Đông) là rất quan trọng (Bây giờ làm nhà hộp theo kiểu kiến
trúc phương Tây, thay vì gát đòn Dông, người ta làm lễ khi đổ mê là vậy). Cả
cái câu chuyện “Cuội lên trăng” cũng thể hiện rất
rõ triết lý sống này của người Việt: “Có đái thì đái bên Tây/ Đừng đái bên Đông cây
dông lên trời”…
Riêng đối với quân đội, công an, để đảm bảo
nguyên tắc “quân lệnh
như sơn”, “kỷ luật là sức mạnh”, tức ý chí chấp hành quân lệnh là
quan trọng ta vẫn giữ nguyên theo cách chào phổ biến chung đó là bắt tay xéo
lên trên trán (lý trí) để chào.
Trong thời đại hội nhập này, bản sắc dân tộc
dù nhỏ nhặt cho đến cả một cái chào giao tiếp cũng chính là một lẽ trường tồn
và là sức mạnh của dân tộc đó./.
-----------
Tài liệu tham khảo:
1. Cơ sở Văn hóa Việt Nam, Trần Ngọc Thêm,
Trường ĐH Tổng hợp Tp Hồ Chí Minh, 1996
2. Tìm lại cội nguồn văn hóa Việt Nam, Hà Văn
Thùy, Nxb Văn học, 2006