Thứ Năm, 7 tháng 6, 2012

ĐỨC GIÊSU KITÔ, VỊ THƯỢNG TẾ TRONG THƯ DO THÁI




Ronald D. Witherup, SS.

Tạp chí The Bible Today
Vol. 50, số 2, tháng 3&4/2012, tr. 89-94 

chuyển ngữ
Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính


Giáo huấn đáng quan tâm nhất trong Thư gởi tín hữu Do Thái là quan niệm về Chúa Giêsu như là vị Thượng Tế siêu phàm (4, 14). Không nơi nào khác trong Tân Ước nói về đề tài này. Bấy nhiêu cũng đủ để ta nghiên cứu chi tiết về quan niệm này, thế nhưng quan trọng hơn cũng nên xem thử Giáo Hội hiểu như thế nào về chức linh mục thừa tác.

Nền tảng Cựu Ước
Chức tư tế trong Cựu Ước là do cha truyền con nối. Truyền thống Do Thái giáo dạy rằng Thiên Chúa đã chỉ định một trong mười hai chi tộc Israel (chi tộc Lêvi) làm công việc phụng tự, có trách nhiệm tế lễ nhân danh dân Chúa. Các tư tế có thể được định nghĩa như là “chiếc cầu nối”. Họ làm trung gian giữa trời và đất. giữa Thiên Chúa và nhân loại. Cùng với vua, các ngôn sứ, các bậc hiền triết, các tư tế là một phần trong cơ cấu lãnh đạo của đất nước Israel thời xưa. Truyền thống cho rằng các tư tế là hậu duệ của Aaron, anh trai của Môisen, và chức tư tế được lưu truyền trong gia tộc Lêvi.
Dần dà, chức tư tế Lêvi gắn liền với Đền Thờ Giêrusalem và chức vụ “thượng tế” được phát triển. Vào thời Salomon, gia đình Sađoc giữ chức thượng tế (2 Sm 15, 24). Do đó nên Cựu Ước đôi khi nói về người Sađoc hay người Lêvi.
Chỉ mình vị thượng tế, mặc những phẩm phục đặc biệt, mới được vào gian Cực Thánh trong Đền Thờ mỗi năm một lần, vào ngày lễ Đền Tội (Yom Kippur) để dâng lễ tế đền tội cho dân. Vai trò đại diện dân chúng của vị thượng tế thật rõ ràng khi ông mang tấm che ngực có hình mười hai chi tộc (Xh 28, 29). Thời gian sau này trong lịch sử Israel, chức thượng tế dây dưa vào các cuộc đấu đá chính trị và bị một vài gia đình điều khiển, đặc biệt là dưới triều Hasmonê, những người thực sự không chính thức tuyên bố nắm giữ vai trò đó.
Vào thời Tân Ước, chức tư tế nói chung và chức thượng tế nói riêng bị gắn liền với sự suy đồi và thiếu khả năng duy trì tính tinh sạch phụng tự trong tôn giáo Israel. Nhiều người Do Thái cho rằng các tư tế trong Đền Thờ đã liên minh thái quá với người Roma. Hình ảnh tư tế bị giảm sút đáng kể. Sau khi người Roma phá hủy Giêrusalem và Đền Thờ vào năm 70 sau Công nguyên, chức tư tế Do Thái giáo cũng biến mất.

Đức Giêsu là vị Đại Thượng Tế
Nói chung, Tân Ước ít khi đề cập đến chức tư tế hay vị tư tế với giọng điệu tích cực, ngoại trừ vài trường hợp (vd. 1, 5-6: nói về ông bà Zacharia). Các tư tế nói chung được nhìn như là những đối thủ của Chúa Giêsu (vd. Mc 14, 1: họ tìm cách bắt Chúa Giêsu). Tác giả Thư Do Thái chấp nhận nền tảng Cựu Ước về chức tư tế song phát triển một nhãn quan độc nhất về Chúa Giêsu như là vị Đại Thượng Tế vượt xa chức tư tế của Cựu Ước. Giáo huấn này vừa rộng vừa sâu, vì thế chúng ta sẽ khảo sát những điểm chính yếu của thần học độc đáo này một cách tóm tắt.
Quan trọng hơn hết là chức tư tế của Chúa Giêsu không xuất phát từ nguồn gốc Lêvi (nghĩa là thừa kế gia đình, cha truyền con nối) mà từ hình ảnh huyền bí của Melchisedek được miêu tả trong sách Sáng Thế như là “Vua Salem” (nghĩa là Thành Giêrusalem) và là “tư tế của Thiên Chúa Tối Cao” (St 14, 18-20). Chức tư tế độc nhất của ông là chức tư tế “vương giả”. Ông chúc lành, ban bánh và rượu cho Abram và nhận lãnh một phần mười của cải từ Abram. Ngoài sách Sáng Thế và Thư Do Thái (7, 1-2.10-11), Melchisedek chỉ xuất hiện trong Thánh Vịnh 110, trong một câu mà hiện nay rất được trân trọng trong nghi thức phong chức của Giáo Hội: Thiên Chúa đã một lần thề ước, Người sẽ chẳng rút lời, rằng: “Muôn thuở, Con là Thượng Tế theo phẩm trật Melchisedek” (Tv 110, 4; Dt 5, 6; 6, 20).
Thư Do Thái đã tạo nên hầu hết các hình ảnh này. Chức tư tế của Chúa Giêsu không xuất phát từ quyền thừa kế nhưng do Thiên Chúa chỉ định (“được Thiên Chúa kêu gọi” Dt 5, 4). Như Melchisedek của Cựu Ước không có gia phả để có thể theo dõi dấu vết, nguồn gốc của Chúa Giêsu cũng mầu nhiệm như vậy. Thư Do Thái khẳng định: ông không có cha, không có mẹ, không có gia phả, cuộc đời không có khởi đầu, cũng không có kết thúc. Như thế là ông giống Con Thiên Chúa: mãi mãi ông vẫn là tư tế (7, 3).
Ta cũng nên lưu ý đến từ “Con Thiên Chúa”. Đối với Thư Do Thái, tước vị Người Con của Chúa Giêsu được đặt lên hàng đầu (1, 5-13). Chức tư tế của Ngài liên quan mật thiết đến sự kiện Ngài là Con Thiên Chúa và vì thế trổi vượt lên trên hết bất kỳ hữu thể nào đến trước hoặc sau Ngài, gồm cả thiên thần (1, 4-9). Chức vị Người Con độc nhất của Chúa Giêsu đã cho ngài cách tiếp cận đặc biệt với ý Chúa Cha. Ngài mong muốn vâng lời ý định của Thiên Chúa Cha, để “trở thành một vị Thượng Tế nhân từ và trung tín trong việc thờ phượng Thiên Chúa, hầu đền tội cho dân” (2, 17). Trong một quan niệm gần giống với bài thánh ca về Đức Kitô trong Thư Philipphê (Ph 2, 6-11), Thư Do Thái nói rằng Chúa Giêsu không dùng nhân thân đặc biệt để mưu cầu danh lợi cho mình: “Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục; và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người, vì Người đã được Thiên Chúa tôn xưng là Thượng Tế theo phẩm trật Melchisedek” (5, 8-10).

Những đặc điểm của vị Thượng Tế
Để làm rõ thêm quan niệm này, tôi lưu ý đến năm đặc điểm chính yếu của Đức Giêsu Thượng Tế.
Ÿ Chức Thượng Tế của Ngài hiện giờ đang được thực thi trên Trời (4, 14; cf. 1, 3; 8, 1). Nghĩa là, Đức Giêsu Kitô đã được hiểu là đang ở trong vinh quang, được tán dương, được Chúa Cha minh xác trong sự phục sinh (7, 16; 13, 20). Từ ngai vàng thiên quốc, ở bên hữu Thiên Chúa (vị trí quyền lực), Ngài thực thi sứ vụ của mình.
Ÿ Đức Giêsu Kitô tiếp tục hành động như là vị Thượng Tế vì chúng ta. Không giống như thượng tế của Cựu Ước, Đức Giêsu Kitô vừa là tư tế vừa là của lễ (9, 12.14). Ngài dâng chính máu mình làm hy lễ.
Ÿ Dù có một thân thế độc nhất và vinh quang, Đức Kitô vẫn giống như chúng ta mọi sự ngoại trừ tội lỗi. Vì thế, Ngài có thể đồng hóa với sự yếu đuối của chúng ta và đại diện cho chúng ta trước Thiên Chúa Cha (4, 15; 5, 1). Trong quan niệm này, Thư Do Thái khẳng định sự cân bằng tế nhị giữa thiên tính và nhân tính của Chúa Giêsu, được diễn tả cách thâm sâu trong kinh Tin Kính của Giáo Hội rằng Đức Giêsu Kitô “vừa là Thiên Chúa vừa là người ta”.
Ÿ Thư Do Thái cũng nhấn mạnh rằng hy lễ của Đức Giêsu Thượng Tế đã được hiến dâng “một lần thay cho tất cả” (tiếng Hy Lạp là ἐφάπαξ (ephapax); 7, 27; 9, 12.26; 10, 2; cf. Rm 6, 10) nhưng hiệu quả của hy lễ này vẫn còn tiếp tục qua mọi thời đại. Rõ ràng, cuộc khổ nạn và chịu đóng đinh của Chúa Giêsu đứng đàng sau quan niệm này, nhưng thư Do Thái hiểu nó từ viễn cảnh của hy lễ tư tế được thực hiện vì lợi ích của tha nhân.
Ÿ Do sứ vụ tư tế của mình, Đức Giêsu Kitô đã thiết lập một giao ước mới và siêu vượt với Thiên Chúa, và giao ước này sẽ không qua đi (7, 22; 8, 7-13; 9, 10-11.15; 12, 24). Không giống như giao ước cũ, giao ước này sẽ tồn tại mãi mãi vì Đức Giêsu Kitô là tư tế muôn đời và hiệu quả của hy lễ “hoàn hảo” của Ngài sẽ kéo dài vô tận (10, 14).

Thượng Tế và Tư Tế
Thư Do Thái không nói đến chức linh mục thừa tác được tấn phong, điều mà chẳng bao giờ được đề cập rõ ràng trong Tân Ước, cũng không nói đến chức linh mục của tất cả những người đã chịu bí tích rửa tội, một điều được đề cập đến ở những nơi khác (1 Pr 2, 9; Kh 1, 6; 20, 6). Song Giáo Hội có truyền thống sử dụng thư Do Thái làm nền tảng cho lối hiểu về chức linh mục thừa tác. Tại sao?
Hồng Y Albert Vanhoye, một trong những nhà chú giải lớn về Thư Do Thái, đã lưu ý rằng trong Chúa Giêsu vai trò của “các tư tế” (số nhiều) đã được thay thế bằng “tư tế” (số ít). Việc có nhiều trung gian đã không còn cần thiết nữa. Giờ đây, chỉ một tư tế duy nhất là vị Thượng Tế muôn đời đã làm trọn vẹn cho mọi thời đại tất cả những gì mà các tư tế Cựu Ước đã cố làm trong khi hiến dâng hy lễ nhân danh dân Chúa. Chúng ta không cần phải làm cho Thiên Chúa nguôi ngoai bằng những hy lễ vấy máu. Đức Giêsu Kitô đã hiến dâng một hy lễ tuyệt hảo là Con Thiên Chúa.
Giáo Hội đã dùng ý niệm này như một ẩn dụ hay loại suy về thừa tác vụ được tấn phong trong Giáo Hội. Các linh mục được tách riêng để đặc biệt phục vụ cho dân Chúa, họ phải nhập thân trong mọi lãnh vực mà Đức Kitô đã hoàn tất cho mọi thời đại. Chức linh mục của chúng ta chỉ là sự bắt chước, một phản ánh mờ nhạt chính chức linh mục của Đức Kitô, tuy nhiên chức linh mục thừa tác hiện hữu như một nhắc nhớ rằng vẫn còn có những giá trị trường tồn cần phải đạt đến hơn tất cả những gì mà thế gian có thể hiến dâng. Các linh mục cố hết sức mình đồng hình đồng dạng với Đức Kitô để thi hành sứ vụ của Ngài, nhân danh Ngài. Ngài là linh mục thật sự duy nhất. Chúng ta chỉ tham dự vào chức linh mục của Ngài nhờ việc đặt tay và ơn Chúa Thánh Thần. Như vậy, Giáo Hội vẫn tiếp tục mời gọi những người phục vụ cho thừa tác vụ này trong khi vẫn nhìn nhận nguồn gốc chân thật của nó chỉ có ở nơi một vị linh mục, Đức Giêsu Kitô.

Chú giải Thư Do Thái hiện nay
Thần học thâm sâu của Thư Do Thái thoạt nhìn trông giống như một bài lý thuyết với một ít áp dụng cho cuộc sống hiện đại. Không phải thế đâu! Mặc dầu tác giả Thư Do Thái là một trong những nhà tư tưởng sâu kín nhất trong Tân Ước (Thánh Phaolô chắc cũng phải kiêng nể!), ông không viết một mớ lý thuyết trừu tượng. Ba yếu tố sau đây có thể giúp ta nhận định về Thư Do Thái hiện nay.
Trước hết, Thư Do Thái không phải là một tiểu luận thần học mà là một sứ điệp hy vọng. Thư này được viết cho cộng đoàn đang trải qua những xáo trộn nội bộ do việc từ bỏ đức tin của một vài thành viên (bội giáo). Do đó, mục đích của thư là để tăng niềm hy vọng và củng cố đức tin của cộng đoàn. Đây chính là “sứ điệp khích lệ” hay “một lời khuyên” (Dt 13, 22).
Chẳng hạn, Thư Do Thái mời gọi độc giả “Hãy kiên trì để cho Thiên Chúa sửa dạy” (12, 7), và khi dường như chúng ta chẳng thể chịu đựng nỗi đau được nữa thì Thư Do Thái khuyên nhủ các tín hữu “hãy làm cho những bàn tay bủn rủn, những đầu gối rã rời, nên mạnh mẽ” (Dt 12, 12). Khi biết rằng chúng ta có một vị Thượng Tế siêu phàm, Đấng đã hiến dâng hy lễ cho chúng ta rồi, thì có nghĩa là chúng ta được thêm niềm hy vọng. Chúng ta không cô độc. Đức Giêsu có thể đồng hóa với những nỗi đau của chúng ta chính bởi vì Ngài cũng đã từng chịu đau khổ (Dt 2, 18). Ngài mở đường cho chúng ta như “người tiên phong” (6, 20). Nơi Ngài đi, chúng ta có thể theo được. Định mệnh của chúng ta không ở trong thế gian này nhưng là một “quê hương tốt đẹp hơn” (Dt 11, 16; 13, 14). Như thế, chúng ta được khích lệ để kiên trì trong thử thách và nỗi gian truân.
Thứ đến, Thư Do Thái nhắc rằng duy chỉ có một tư tế thật sự trong Tân Ước là Đức Giêsu Kitô. Đích nhắm luôn là về Đức Giêsu (Dt 12, 2). Ngài là tư tế thật sự và muôn đời. Có đôi lúc nào đó trong Giáo Hội, khi mà sự yếu đuối con người hay những sa ngã gây gương xấu của các con người linh mục trở thành những tin nóng hổi thì chúng ta phải luôn nhớ đến Đấng là linh mục thật sự. Các linh mục được phong chức (và các giám mục, những người có được “sự trọn vẹn” của chức linh mục) chỉ là sự bắt chước kém hoàn hảo của vị linh mục thật sự là Chúa Giêsu Kitô, Đấng cũng là “vị mục tử cao cả của đoàn chiên” (Dt 13, 20). Chức linh mục của chúng ta chỉ là sự phát sinh của chức linh mục nơi Chúa Giêsu. Ngài là mẫu gương, là người hoàn thiện đức tin, là linh mục khiêm nhu song hiệu quả. Điều này không làm giảm đi trách nhiệm của thừa tác vụ được phong chức thời nay nhưng đem lại cho nó một nhãn quan riêng biệt. Chúa Giêsu là vị Thượng Tế trung thành mà chúng ta là những thừa tác viên Tin Mừng ở dưới mặt đất này phải cố bắt chước. Sự phục vụ thường xuyên và kiên định của Ngài kéo dài mãi mãi như chính Thư Do Thái đã khẳng định: “Đức Giêsu Kitô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay, và như vậy mãi đến muôn đời” (Dt 13, 8).
Bài học thứ ba của Thư Do Thái là về sự trung thành của Thiên Chúa. Toàn bộ bức thư minh chứng ý muốn kiên định của Thiên Chúa muốn cứu thoát dân Ngài và không bao giờ bỏ rơi họ. Vị Thượng Tế Giêsu Kitô, trung gian của giao ước mới, là bảo đảm tối thượng cho sự trung thành này. Chủ yếu, quan điểm của Thư Do Thái cho rằng không phải Thiên Chúa đã quên lãng hay bãi bỏ hoàn toàn lời hứa mà Thiên Chúa đã ký kết với Abraham, người cha của chúng ta trong đức tin (St 15, 5), nhưng Đức Giêsu Kitô đã thực hiện lời hứa ấy theo cách vượt xa sự mong đợi của con người. Thiên Chúa ban tặng Người Con mình cho thế gian và sứ vụ của Người Con ấy như là vị Thượng Tế muôn đời, điều ấy đã khẳng định sự trung thành của Thiên Chúa một lần cho tất cả. Chức tư tế Lêvi và lề luật Môisen không còn cần thiết nữa vì hiện giờ Đức Kitô đã thực hiện nó theo một cách thức mới mẻ. Ngài đã thực hiện trọn vẹn lời hứa của Cựu Ước.
Như vậy, quan niệm về Chúa Giêsu Kitô như là vị Thượng Tế muôn đời không chỉ là một chân lý thần học mà còn là sứ điệp hy vọng và khích lệ cho hôm qua, hôm nay và mãi mãi.