Ls.
Trịnh Hội
Tôi đến Oslo, thủ đô của vương quốc Na
Uy lần đầu tiên cách đây đúng 10 năm. Lúc ấy tôi vẫn còn đang học cao học bên
Anh nên nhân tiện bay qua Na Uy để tranh đấu cho một số người Việt tỵ nạn ở Phi
được sang đoàn tụ với gia đình ở bên này. Tôi chỉ ở Oslo được một tuần nhưng có
thể nói vương quốc nhỏ bé này đã để lại cho tôi nhiều ấn tượng nhất. Đặc biệt
là cách sử xự giữa người với người.
Như tôi đã có lần chia xẻ với các bạn đọc,
chưa bao giờ tôi bị hố đậm như lần gặp chính người dân biểu trẻ tuổi, Heikki
Holmas, tiếp đón tôi ngay tại sảnh đường của quốc hội Na Uy. Chân đi giày thể
thao, mặc quần jeans, áo sơ mi trắng, Hekki trông quả thật chẳng giống quan to
tí nào. Để tôi tưởng lầm ông chỉ là người thư ký được phái dắt tôi đến phòng họp.
Và bây giờ chỉ 10 năm sau, ông đã trở
thành một bộ trưởng của đất nước giàu có nhất thế giới. Cũng với cách ăn mặc giản
dị như thế.
Tôi cũng còn nhớ những lần tôi được người
bạn từng thân thiết đi tranh đấu với tôi, Diễm Kiều, dắt tôi đi gặp các quan chức
ở Bộ Ngoại Giao, Bộ Di Trú. Và những dân biểu còn nặng lòng với đất nước Việt
Nam. Như ông Lars Rise người đã từng bay sang Việt Nam để tự mình đi tìm hiểu về
xã hội và cuộc sống của con dân xứ Việt. Để tự đích thân đến gặp Cha Nguyễn Văn
Lý, Hòa Thượng Thích Quảng Độ. Để rồi sau đó ông bị bắt, bị hù dọa, giam lỏng 3
ngày trước khi bị trục xuất ra khỏi Việt Nam.
Hôm gặp lại Lars ở quốc hội Na Uy cùng
với một số anh chị em tỵ nạn mới sang định cư sau này, cả hai chúng tôi đã cùng
nhau ôn lại những kỷ niệm khó khăn của một thời. Vì ở vào thời điểm ấy, không
phải ai ở Na Uy cũng ủng hộ giải pháp nhân đạo mà Lars đưa ra để cứu giúp những
người Việt tỵ nạn cuối cùng còn kẹt ở Phi Luật Tân.
Đứng ngay giữa đại sảnh quốc hội
Stortinget, Lars hồi tưởng nhớ lại ngày cả quốc hội và tất cả các đảng lớn nhóm
họp để biểu quyết. Ông vẫn còn nhớ như in trước khi bỏ phiếu là phe ông sẽ
không thể nào có đủ số phiếu để thông qua dự luật đặc biệt này. Nhưng trong bài
phát biểu cuối cùng trước khi bỏ phiếu, ông đã nói lên tất cả những gì ông phải
nói. Ông nhấn mạnh là đã đến lúc một đất nước phú cường như Na Uy nên ra tay cứu
vớt những thuyền nhân Việt Nam cuối cùng sau hơn 16 năm chờ đợi trong mòn mõi.
Để họ được đoàn tụ với gia đình, với bà con thân quyến. Để con cái họ có được một
tương lai tươi sáng, tốt đẹp hơn.
Và cuối cùng điều không tưởng đã xảy ra.
Chiếc đồng hồ trên tường đã ghi nhận tất cả các số phiếu đã được đếm. Với phần
thắng nghiêng về phía ông: 51-49.
Cả đại sảnh quốc hội đã vỡ òa trong cơn
xúc động. Những tiếng vỗ tay vang trời cùng với sự reo hò, mừng vui của dân
chúng, của các bạn bè, người thân những người tỵ nạn có mặt ngay tại phòng họp,
đã làm cho ông nhạt nhòa nước mắt không thể đọc tiếp chương trình thảo luận của
quốc hội đang nằm ngay trên tay ông.
Ông không nhớ rõ những gì xảy ra ngay
sau đó. Mà chỉ còn thoang thoáng nhớ là chính Chủ Tịch Quốc Hội (Speaker of the
House) phải lớn tiếng kêu gọi tất cả các dân chúng phải ngồi xuống, không được
làm ồn, vì luật trong đại sảnh quốc hội không cho làm vậy. Vì đấy chỉ là lần thứ
ba trong lịch sử Na Uy có tiếng vỗ tay ngay trong quốc hội.
Lần thứ nhất là khi người đàn bà đầu
tiên của Na Uy bước vào để nhậm chức dân cử. Lần thứ hai là khi nhà đấu tranh
dân chủ nổi tiếng khắp thế giới, ông Nelson Mandela, từ Nam Phi đến thăm. Và lần
thứ ba là những tiếng vỗ tay trong nhạt nhòa nước mắt cho con dân xứ Việt.
Đứng nhìn ông tường thuật lại từng chi
tiết của ngày hôm ấy, thấy đôi mắt ông long lanh nước mắt như đang chực tràn,
được nghe tận tai những giây phút hồi hộp, căng thẳng và sau đó là niềm hạnh
phúc ngập tràn cả trung tâm quyền lực tối cao của Na Uy, tôi chợt nghĩ cuộc sống
phải là thế. Nó phải thanh cao, trong sáng như thế. Nó phải có những con người
đầy lòng từ tâm, sự bao dung, cảm thông với đồng loại. Nó phải vượt khỏi, thoát
hẳn ra những biên giới, dị kiến tầm thường của loài người. Để chứng minh rằng ở
bất cứ nơi nào, trong tất cả mọi hoàn cảnh, những hành động nhân bản, sự tử tế
đối với những kẻ khốn cùng sẽ luôn là thước đo cho sự văn minh và lòng trân trọng
của mọi người trong xã hội chứ không phải là những lời lẽ xấc xược, những hành
động vô văn hóa, người có quyền chỉ biết chà đạp, đàn áp những ai không đồng ý
với họ. Như Lars đã chia xẻ với tôi, quốc hội phải là nơi biết lắng nghe tất cả
mọi nguyện vọng của người dân. Và phải biết tự mình sửa đổi để xã hội ngày càng
được yên ấm.
Mười năm trước tôi rời Oslo với nhiều ấn
tượng ngọt ngào. Mười năm sau hình như nó vẫn thế. Nếu không muốn nói là sâu đậm
hơn. Tôi đã gặp lại được những người bạn Na Uy luôn thật lòng với đất nước và
con người Việt Nam. Tôi cũng gặp lại được những anh chị em tỵ nạn đã từng một
thời chia xẻ ngọt bùi với tôi trên bước đường tỵ nạn. Họ đã và đang là động lực
mạnh nhất giúp tôi luôn vững tin vào lý tưởng của mình. Mặc dù họ chỉ vừa mới
được đặt chân lên vùng đất hứa hôm qua, nhưng hôm nay họ đã biết quay lại để
giúp đỡ những người kém may mắn hơn họ. Hơn những gì mà tôi nghĩ họ có thể làm
được. Từ Oslo sang Vancouver. Từ Sydney, Melbourne sang đến tận Houston,
Boston, hay ngay tại thủ đô Little Saigon của người Việt tỵ nạn. Nơi đâu tôi
cũng thấy được tận mắt nghĩa cử này.
Đối với nhiều người có thể Na Uy được
cho là một đất nước giàu nhất, văn minh nhất, đắt đỏ nhất. Bạn sẽ phải chi đến
những 25 đô cho một bát phở hạng xoàng. Nơi mà vào mùa hè như hôm tháng trước
tôi sang, trời không bao giờ tối hẳn mặc dù đồng hồ đã báo 2 giờ sáng.
Thế nhưng đối với riêng tôi, Na Uy là
nơi đã để lại cho tôi nhiều kỷ niệm nhất về sự chân thành và lòng tử tế. Của những
người như Lars Rise, Diễm Kiều, Hekki Holmas, những anh chị em trong nhóm tỵ nạn
Palawan như Tú, Trường, Lộc, Nhân, vợ chồng Yến Hòa, vv…và những người bạn mà
tôi vừa mới quen. Hải và Mi Vân. Vợ chồng Hải chủ tiệm ăn Xích Lô nằm sát cạnh
quốc hội. Và hàng chục, hàng trăm tấm lòng khác. Nếu không có các bạn, chắc chắn
tôi sẽ chẳng làm được gì.
Cảm ơn các bạn thật nhiều. Rất nhiều. Cảm
ơn đất nước Na Uy đã một lần nữa cho tôi cảm nhận được niềm hạnh phúc lớn lao
khi chúng ta cùng làm việc thiện.