LAM ĐIỀN
TTCT - Cuối tuần nhận điện thoại từ ông anh ở quê. Sau một hồi kể lể sự
tình mới biết là người hàng xóm của anh trong khi vẽ sơ đồ đất (để hoàn thành
giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) đã vẽ ranh giới nhà y chính ngay bức tường
nhà mẹ anh đang ở.
Trước kia, ranh giới hai nhà cách bức tường nhà anh tới 60cm.
Cái gọi là “lừa” ở đây chính là nhân khi anh vắng nhà, người hàng xóm
tinh ranh đã đưa bản vẽ ăn gian này cho mẹ anh ký xác nhận. Không để ý chi tiết
này, có lẽ cũng không ngờ người hàng xóm tham lam, mẹ anh đã ký luôn.
“Chỉ 6 tấc đất thôi nhưng là chuyện gia viên điền thổ đấy”, anh kết
thúc cuộc gọi bằng một ý quen thuộc nghe nặng trĩu cả lòng. Nặng lòng, bởi trước
đây trong một lần nhắc chuyện ruộng đất của dân mình trong lịch sử, anh đã dùng
câu “Gia viên điền thổ, vạn cổ thâm thù”
để lý giải những “xung đột làm nên lịch sử” dạng ấy. Cho nên, câu chuyện 6 tấc
đất tuy nhỏ bé, nhưng anh dẫn câu cách ngôn ấy chứng tỏ sự thể phức tạp hơn và
mầm mống xung đột sẽ còn dai dẳng.
Đó là chuyện cỏn con trong một thôn xóm cỏn con thuộc loại vô danh tiểu
tốt. Nhưng không phải vô cớ mà người xưa xếp loại mâu thuẫn gia viên điền thổ
(ruộng đất vườn nhà) thuộc hàng vạn cổ thâm thù (thù sâu vạn đời). Bởi con người
gắn chặt đời mình với đất, trong ý niệm cổ truyền dân Việt, đất không chỉ là
tài sản quý mà còn là tài sản mang tính bền vững, chẳng thế mà tục ngữ có câu “Mua vàng thì mất, mua đất thì còn”.
Không những thế, đất gắn với con người cả ở chiều sâu tâm linh: hòn đất cất nên ông Bụt. Phải nhìn mối
quan hệ giữa người dân với đất đai như vậy mới chia sẻ được cái lý do tại sao
mâu thuẫn gia viên điền thổ có thể thành ra vạn cổ thâm thù.
Cứ như chuyện 6 tấc đất nhà anh, rồi đây anh sẽ còn phải đấu tranh đến
khướt để sửa cho được cái ranh giới “ăn gian” đó. Và chắc gì tránh được chuyện
một tay quan lại địa phương thậm thụt với người hàng xóm tinh ranh kia để hợp
thức hóa một hồ sơ đất như vậy. Mà những chuyện như thế ở cõi xứ mình bây giờ
chẳng hiếm, không cứ gì mâu thuẫn vài tấc đất giữa dân với dân đâu. Nhưng đó là
chuyện cuộc đời, còn ai học được gì từ đó lại là chuyện khác.
Tôi nói với anh: Em nhớ ngày xưa các cụ ở làng dạy rằng học là việc của
mỗi người, ai học thì người ấy được. Có điều ngày xưa các cụ nói vắn tắt quá, đến
bây giờ thì em không chắc cái được của người có học là những gì, nhưng cái được
của người có quyền, có tiền thì quá rõ, rõ nhất là được đất đai. Nên người người
nhà nhà đua nhau kiếm đất, anh thấy trong suốt chiều dài lịch sử, có thời đại
nào mà việc vinh thân phì gia trở thành tiêu chí phấn đấu phổ biến trong dân
chúng như thời nay không?
Đúng đúng, nhưng làm giàu chính đáng thì đâu phải là cái tội, hả mày.
Biết rồi, nhưng anh xem hiện nay có bao nhiêu người làm giàu chính đáng, nếu
nhà nhà người người làm giàu chính đáng thì sao mãi mà quốc gia chưa giàu, và
phúc lợi xã hội vẫn chưa hiện hình trong thực tế... Thôi thôi, mày lại hỏi anh
chuyện khó rồi!