Thứ Tư, 13 tháng 6, 2012

ĐỪNG ĂN CÁI BÁNH DO MAY MẮN MANG LẠI



Michael Lewis

Vietnamnet



Tất cả các bạn đã được cho cái bánh thừa. Tất cả các bạn sẽ còn gặp nhiều cái bánh thừa nữa.... Nhưng bạn sẽ hạnh phúc hơn, và thế giới sẽ tốt đẹp hơn, nếu ít nhất bạn làm ra vẻ là bạn không xứng đáng.



Xem video trọn bài diễn văn "Don't Eat Fortune's Cookie"

Bài diễn văn nhân lễ tốt nghiệp của sinh viên Đại học Princeton tháng 6/2012, của cây bút Michael Lewis, tựa đề “Don’t Eat Fortune’s Cookie”, Trương Huân dịch
Tuần Việt Nam xin đăng dưới đây để quý bạn đọc cùng chia sẻ, suy ngẫm về quan niệm giáo dục và các thang giá trị của tuổi trẻ nước Mỹ.

Ngày 3 Tháng Sáu, 2012
Xin cảm ơn. Cảm ơn hiệu trưởng Tilghman. Cảm ơn các thành viên hội đồng tín nhiệm và các thân hữu của trường. Cảm ơn các phụ huynh khóa 2012.
Trên hết, xin cảm ơn các bạn sinh viên Princeton khóa 2012. Xin các bạn tự thưởng cho mình một tràng pháo tay.
Cú hích đầu tiên...
Ba mươi năm trước tôi ngồi chỗ các bạn ngồi. Tôi chắc hẳn đã nghe một người già hơn kể chuyện đời mình. Nhưng tôi chẳng nhớ từ nào cả. Tôi cũng chẳng nhớ ai đã nói. Cái mà tôi nhớ, một cách sống động nhất, là việc tôi tốt nghiệp.
Tôi đã được dạy là tôi phải cảm thấy hứng thú, có phần cảm giác nhẹ nhõm, và có thể là toàn thể các bạn cũng được dạy như thế. Tôi chẳng cảm thấy gì trong số đó. ...Tôi đã đến và hiến cho nơi đây bốn năm đẹp nhất cuộc đời và đây là cách mà nơi đây nói lời cảm ơn với tôi. Bằng cách... đá tôi ra.
Lúc đó tôi chỉ chắc có mỗi một việc: Tôi chẳng thể có giá trị gì cho thế giới bên ngoài hết. Điều trước tiên cần nói, tôi học lịch sử mỹ thuật. Ngay cả thời đó thì theo học ngành này đã được coi là điên.
Tôi gần như chắc chắn là được chuẩn bị ít hơn cho thị trường so với hầu hết các bạn. Thế mà thế nào tôi lại trở nên giàu có và nổi tiếng. Thật ra, chỉ gần như là thế. Tôi sẽ giải thích ngắn gọn cho các bạn, điều đó đã xảy ra như thế nào.
Tôi muốn các bạn nhận ra con đường sự nghiệp có thể lắt léo đến mức nào, trước khi các bạn rời khỏi ghế nhà trường và đi trên con đường này.
Tôi tốt nghiệp từ Princeton mà chưa bao giờ xuất bản được bất cứ một con chữ nào, bất cứ ở đâu. Tôi không viết cho Prince**, hay cho bất cứ đơn vị nào.
Nhưng ở Princeton, học lịch sử mỹ thuật, tôi cảm nhận được cú hích đầu tiên từ niềm đam mê văn học của mình. Giáo sư hướng dẫn của tôi là một người rất có tài năng, ông là một nhà khảo cổ học, tên là William Childs.
Đề tài khoá luận tốt nghiệp của tôi là đề xuất một lời giải cho việc tại sao nhà điêu khắc người Ý Donatello sử dụng nền điêu khắc Hy Lạp và Roman- hoàn toàn không liên quan đến ý tưởng chính, nhưng tôi luôn muốn nói cho mọi người biết.
Không ai rõ là GS Childs nghĩ gì, nhưng ông đã làm tôi hứng thú với đề tài này. Hơn cả hứng thú, tôi bị ám ảnh. Khi tôi nộp bài thì tôi rõ điều tôi muốn làm cả đời tôi: Viết khóa luận tốt nghiệp. Hoặc, nói cách khác: Viết sách.
Rồi tôi bảo vệ đề tài tốt nghiệp. Tôi lắng nghe và chờ GS Childs lên tiếng rằng khóa luận của tôi hay đến mức nào. Ông chẳng nói gì. Và thế là sau 45 phút tôi mới hỏi, "GS nghĩ gì về bài viết của em?"
"Như thế này" ông nói. "Đừng bao giờ cố lập nghiệp bằng nghề viết."
Và tôi không cố thử, không thật sự như vậy. Tôi đã chọn việc mà tất cả mọi người không biết phải làm gì sau khi ra trường chọn làm: Học tiếp trường cao học.
Tôi viết sách ban đêm, mà không có hiệu quả lắm, lý do chính vì tôi không biết tôi cần phải viết về cái gì. Một hôm tôi được mời đến dự một bữa tối, tôi ngồi ngay cạnh bà vợ của một ông lớn ở một ngân hàng đầu tư ở Wall Street, gọi là Salomon Brothers. Bà ta nói với chồng mình cho tôi một chân làm việc.
Tôi chẳng biết tí gì về Salomon Brothers. Nhưng Salomon Brothers may mắn là nơi Wall Street được cải tổ -- thành nơi chúng ta đều biết đến và yêu mến.
Khi tôi đến đó, tôi được bổ nhiệm, gần như là ngẫu nhiên, vào một vị trí có thể quan sát được sự phát triển kinh hoàng: Họ biến tôi thành chuyên gia tại chỗ về chứng khoán phái sinh. Một năm rưỡi sau Salomon Brothers gửi cho tôi tấm séc trị giá một trăm ngàn đô la để tôi tham vấn về chứng khoán phái sinh cho những nhà đầu tư chuyên nghiệp.
Bây giờ thì tôi có cái để mà viết rồi: Salomon Brothers. Wall Street đã đảo điên đến mức nó trả một khoản tài sản nho nhỏ cho các sinh viên Princeton mới ra trường không biết tí tẹo nào về tài chính để làm ra vẻ là chuyên gia về tiền bạc. Tôi nhảy tiếp tới đề tài tốt nghiệp tiếp theo của mình.
Tôi gọi điện cho cha tôi. Tôi nói tôi sẽ bỏ việc mà lúc đó người ta hứa trả tôi hàng triệu đô la để viết một cuốn sách với số tiền ứng trước 40 ngàn đô. Đầu dây bên kia ngừng lại không nói gì một thời gian khá lâu. "Con nghĩ lại cho kỹ về việc đó nhé," cha tôi nói.
"Tại sao?"
"Ở lại Salomon Brothers 10 năm, dành dụm tiền nong, sau đó thì hẵng viết sách," ông nói.
Tôi không cần nghĩ lại nữa. Tôi biết niềm đam mê từ trí tuệ cảm giác như thế nào- vì tôi đã biết nó như thế nào ở đây, tại Princeton- và tôi muốn tìm lại cảm giác đó. Lúc đó tôi 26 tuổi. Nếu tôi mà đợi đến năm 36, tôi sẽ không bao giờ muốn làm việc này. Tôi hẳn sẽ quên cảm giác đó.
Cuốn sách tôi viết mang tên "Liar's Poker" ("Poker của kẻ nói láo"). Cuốn sách bán ra được một triệu bản. Tôi lúc đó 28 tuổi. Tôi có sự nghiệp, chút danh vọng, một khoản tài sản nho nhỏ và một câu chuyện về cuộc sống mới.
Tự dưng mọi người nói với tôi rằng tôi sinh ra là để viết sách. Việc này thật vô cùng đột ngột. Ngay cả khi tôi có thể thấy một câu chuyện khác, chân thực hơn, mà may mắn là phông nền chủ đạo.
Cơ hội để được ngồi cạnh phu nhân Salomon Brothers đó là bao nhiêu? Cơ hội để có việc làm ở một công ty Wall Street số một để viết truyện ở tuổi đó là bao nhiêu? Cơ hội để có được vị trí với tầm nhìn tốt nhất với ngành tài chính như thế là bao nhiêu?
Cơ hội để có được cha mẹ, người không từ bỏ con mà chỉ thở dài nói "nếu phải làm thì làm đi" là bao nhiêu? Cơ hội có được cái cảm giác thôi thúc đã nhen nhóm trong tôi từ một GS lịch sử mỹ thuật ở Princeton là bao nhiêu? Và trước tiên, cơ hội được nhận vào Princeton học là bao nhiêu?
"Bóng tiền" và sự định thang giá trị
Trường hợp của tôi minh họa cho việc làm sao người ta luôn lý giải thành công. Mọi người- đặc biệt là những người thành công- không muốn nghe sự thành công được giải thích bằng sự may mắn.
Khi họ già, họ thành công, người ta cảm thấy thành công là lẽ tất nhiên. Họ không muốn thừa nhận vai trò của những biến cố bất ngờ trong đời. Có một lý do cho việc này: Thế giới cũng không muốn thừa nhận sự may mắn.
Tôi viết một cuốn sách về vấn đề này, tựa đề là "Moneyball" ("Bóng tiền"). Nội dung cuốn sách có vẻ như nói về bóng chày nhưng thực chất không phải. Trong thế giới bóng chày chuyên nghiệp, có các câu lạc bộ giàu và các câu lạc bộ nghèo, và họ chi những khoản tiền rất khác nhau cho các cầu thủ của mình.
Khi tôi viết cuốn sách này, đội bóng chày chuyên nghiệp giàu nhất, New York Yankees, chi khoảng 120 triệu đô la cho 25 cầu thủ của mình. Đội nghèo nhất, Oakland A, chi 30 triệu. Nhưng kỳ lạ thay đội Oakland cũng có số trận thắng bằng đội Yankees- và hơn tất cả những đội giàu hơn còn lại.
Việc này đáng ra là không thể. Trên lý thuyết, các đội giàu đã mua các cầu thủ tốt nhất và thắng ở tất cả các trận. Nhưng đội Oakland đã phát hiện ra một điều: Các câu lạc bộ giàu có không thật sự hiểu những cầu thủ tốt nhất là ai. Các cầu thủ bị định giá sai.
Và lý do lớn duy nhất mà họ bị định giá sai là những nhà chuyên môn không chú ý đúng mức tới vai trò của sự may mắn tới sự thành công trong môn bóng chày.
Các cầu thủ được tính công trạng cho những việc họ làm mà phụ thuộc vào phong độ của những người khác: Những cầu thủ giao bóng được thưởng vì thắng trận, các cầu thủ đập bóng được thưởng vì chạy tới căn cứ trước các cầu thủ chạy...
Gác chuyện bóng chày, chuyện thể thao lại. Ở đây bạn có các nhân viên công sở, trả hàng trăm triệu đô la một năm. Họ làm đúng cái việc mà những người cùng nghề với họ đã làm hàng đời.
Trước hàng triệu người, những người đánh giá từng cử động của họ. Họ có thống kê với từng việc họ làm. Vậy mà họ vẫn bị định giá sai- vì thế giới bên ngoài không nhìn thấy sự may mắn của họ.
Điều này đã xảy ra hàng thế kỷ. Ngay trước mắt chúng ta. Và không ai để ý - cho đến khi nó giúp một câu lạc bộ nghèo nàn nhiều đến mức mà mọi người không thể không để ý. Và anh phải hỏi: nếu một cầu thủ chuyên nghiệp được trả hàng triệu đô la mà còn có thể bị định giá sai, thì ai tránh được việc này?
Nếu sự danh giá một cách tuyệt đối của thể thao chúng ta vẫn tin mà còn không thể giúp ta phân biệt được giữa vận may và tài năng, thì còn cái gì có thể làm được việc này?
Câu chuyện "Moneyball" mang các ứng dụng thực tế. Nếu bạn sử dụng số liệu tốt hơn, bạn có thể tìm được những giá trị tốt hơn; luôn tồn tại điểm yếu của thị trường có thể khai thác, vân vân.
Nhưng nó mang một thông điệp rộng hơn và ít thực tiễn hơn: Đừng có bị đánh lừa bởi thành quả của cuộc sống. Thành quả của cuộc sống, tuy là không hoàn toàn ngẫu nhiên, một phần quyết định lớn là do may mắn.
Trên hết, nhận ra là nếu bạn có thành công, thì bạn có cả may mắn nữa- và với may mắn bạn có trách nhiệm. Bạn nợ một khoản, và khoản nợ đó không chỉ của những đấng thần linh mà bạn thời phụng. Bạn nợ sự đen đủi.
Bây giờ tôi sống ở Berkeley, California. Vài năm trước, chỉ cách nhà tôi vài bước, hai nhà nghiên cứu ở phân viện nghiên cứu Tâm lý Cal (California) đã dàn dựng một thí nghiệm. Họ bắt đầu bằng cách tập hợp các sinh viên, làm chuột bạch.
Khi họ già, họ thành công, người ta cảm thấy thành công là lẽ tất nhiên. Họ không muốn thừa nhận vai trò của những biến cố bất ngờ trong đời. Có một lý do cho việc này: Thế giới cũng không muốn thừa nhận sự may mắn.
Sau đó họ chia sinh viên ra làm các nhóm, phân loại theo giới tính. Ba nam, hoặc ba nữ, mỗi nhóm. Sau đó họ cho các nhóm này vào trong một căn phòng, và ngẫu nhiên chọn một trong ba người làm nhóm trưởng.
Sau đó họ giao cho các nhóm này một số vấn đề về đạo đức nan giải: Ví dụ như phải làm gì với gian lận trong học đường, hoặc làm sao chỉnh đốn việc uống rượu trong ký túc xá.
Sau đúng 30 phút họp nhóm các nhà nghiên cứu dừng các nhóm lại. Các nhóm sinh viên được cho vào một phòng có một cái đĩa bánh. Bốn cái bánh. Các nhóm có ba người, nhưng có bốn cái bánh. Mỗi người trong nhóm dĩ nhiên là có một cái bánh, nhưng còn thừa một cái bánh thứ tư ở trên đĩa.
Như thế thì thật là nan giải. Nhưng thực tế là không. Với một sự kiên định hiếm có, người được chọn ngẫu nhiên làm trưởng nhóm sẽ lấy cái bánh thứ tư lên và ăn. Không chỉ ăn, mà thậm chí còn ăn một cách khoái trá: Miệng nhai, mồm há, nước miếng ở hai bên mép. Tàn cuộc, cái còn lại là... vụn bánh ở trên áo của người trưởng nhóm.
Người trưởng nhóm chẳng làm điều gì khác người cả. Họ chẳng có cái khả năng đặc biệt gì. Họ được chọn ngẫu nhiên, 30 phút trước. Cái danh của họ chẳng gì ngoài sự may mắn. Dù thế những người đó vẫn có cảm giác cái bánh phải là phần của họ.
Nghiên cứu này giúp giải thích những khoản hoa hồng và khoản tiền trả cho CEO ở Wall Street, và tôi chắc rằng còn giả thích được cho nhiều hành vi khác của con người. Nhưng nó cũng có liên quan tới những bạn mới tốt nghiệp Đại học Princeton.
Nói chung các bạn đã được bố trí làm người dẫn đầu. Vị trí của các bạn có thể không hoàn toàn ngẫu nhiên. Nhưng các bạn phải cảm nhận được phần ngẫu nhiên trong đó: Các bạn là một số nhỏ may mắn.
May mắn ở gia đình có điều kiện, may mắn ở đất nước có điều kiện, may mắn là một nơi như Princeton tồn tại để nhận những người may mắn, được giới thiệu với những người may mắn khác, và tăng thêm khả năng càng trở nên may mắn.
May mắn các bạn sống ở một xã hội thịnh vượng nhất thế giới, ở một thời điểm mà không ai trông đợi các bạn phải hy sinh điều các bạn thích làm để làm bất cứ việc gì khác.
Tất cả các bạn đã được cho cái bánh thừa. Tất cả các bạn sẽ còn gặp nhiều cái bánh thừa nữa. Trong lúc các bạn sẽ dễ dàng cho rằng mình xứng đáng được hưởng cái bánh đó. Với tất cả những gì tôi biết, bạn có quyền đó.
Nhưng bạn sẽ hạnh phúc hơn, và thế giới sẽ tốt đẹp hơn, nếu ít nhất bạn làm ra vẻ là bạn không xứng đáng.
Đừng quên: Phục vụ tổ quốc. Phục vụ quốc tế.***
Cảm ơn các bạn. Và chúc may mắn.

----------------

Lưu ý:
* Ở Hoa Kỳ, người ta gọi khóa học theo năm tốt nghiệp chứ không gọi theo năm vào học.
** Prince là tên ngắn gọn của The Princetonian, nội san trường Princeton.
*** "In the nation's service. In the service of all nations." Đây là khẩu hiệu chính thức của Đại học Princeton.
Truman State University, Missouri, Hoa Kỳ

Michael Lewis. Trương Huân dịch