Thứ Bảy, 30 tháng 6, 2012

BỞI VÌ ÁO LỤA




Mi An
Phunutoday

Một người chị chia sẻ với tôi: “Mừng quá em ạ, sinh nhật 17 tuổi, chị tặng con gái một chiếc áo lụa, có thế thôi mà con bé chỉ thích đồ jean bụi phủi ấy nữ tính hẳn ra, giống như chị có một cô con gái khác vậy”.

 Tại sao lại không chứ? Bởi vì lụa không chỉ là một loại vải vóc đơn thuần, lụa chứa trong nó cả một trời nữ tính và huyền thoại mê hoặc. Lụa sinh ra như một quà tặng từ trời đất, từ thiên nhiên cây cỏ, từ bàn tay cần mẫn khéo léo của người dệt vải. Sẽ thiệt thòi biết bao nếu suốt cuộc đời người phụ nữ chưa từng được khoác lên mình một tấm áo lụa.

Cầm trên tay một vuông lụa, ta biết ơn con tằm, và phải học cái hạnh đẹp đẽ của con tằm. Từ “tằm kiến” đến “tằm ăn rỗi”, vòng đời ngắn ngủi trong một mùa trăng, sống nhờ chiếc lá dâu xanh, tích những mưa nắng dãi dầu của thế gian để nhả ra sợi tơ vàng óng. Dâng tặng cho đời một món quà quý giá, rồi lặng lẽ hoàn thiện một kiếp đời vẫn không quên cái nghĩa “Con tằm đến thác vẫn còn vương tơ”.

Mang trên mình một chiếc áo lụa mỏng manh, nhưng dầy và ấm làm sao công lao của những người đã làm nên vật phẩm nặng nghĩa tình ấy. Hái dâu, chăn tằm, quay tơ, dệt lụa, những công việc tảo tần theo suốt cuộc đời một người phụ nữ nông thôn Việt Nam xưa, như trong thơ Nguyễn Bính: “Hoa đỗ ván nở mùa xuân/Lứa dâu tháng tháng, lứa cần năm năm/ Em tôi là gái mười lăm/Quét sân chạy chợ chăn tằm sớm trưa”.

Người con gái đáng yêu biết nhường nào vì “Em là con gái trong khung cửi/ Dệt lụa quanh năm với mẹ già/ Lòng trẻ còn như vuông lụa trắng/ Mẹ già chưa bán chợ làng xamà khi cất bước sang ngang, vẫn nặng lòng thủ thỉ: “Em ơi, em ở lại nhà/Vườn dâu em đốn, mẹ già em thương”.

Phụ nữ Việt không phải ngẫu nhiên mà ví đời mình với lụa, “Thân em như tấm lụa đào/Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai”. Nghe thương thương làm sao nỗi lòng của những hạt mưa sa khi mọi yêu ái, buồn khổ cứ phải nương theo tay người. Bao nhiêu thế kỷ đã qua, mà lời hát buồn của tấm lụa đào cứ còn vương vấn mãi.

Người sành sỏi xem việc dùng lụa là một thú chơi, người tinh đời là người chạm tay vào mặt vải đã phải nhận ra đâu là tơ loại thượng, loại trung, loại hạ. Ở miền Bắc, tơ mùa lạnh được chuộng hơn tờ mùa nực, bởi tằm, bởi lá dâu theo thời khí ôn hòa mà mỡ màng hơn. Sợi tơ bóng bẩy, không sùi lông, trị số tơ phải đều mới cho sợi tốt. Lạc vào thế giới của lụa, phải biết nhìn ra đâu là lụa vân, lụa hoa, lụa trơn, gấm ngũ, gấm hồng, gấm vàng, đâu là the, sa, đoạn, lĩnh, vóc, đũi, sa tanh để mà tùy y chọn vải.

Thời xưa, thứ quý giá như lụa vân trơn mướt mát tay chuyên dùng để làm cho con gái nhà quyền quý áo xống thướt tha, còn vải đũi cho con gái nhà nghèo may chiếc váy đũi, chiếc yếm sồi, chiếc quần nái đen, thô dày một chút nhưng “ăn chắc mặc bền”.

Vì lụa mà tay tiên múa khúc họa đồ, viết nhạc, vì lụa mà nhà thơ Nguyên Sa phải thốt lên: “Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát/Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông” và “Guốc cao, gót nhỏ, mây vào gót/ Áo lụa trăng mềm bay xuống thơ”. Hay trong thơ Nguyễn Tất Nhiên còn mãi một giấc mơ: “Đài các chân ngà ai bước khẽ/Quyện theo tà lụa cả phương Đông”.

Lụa mang theo mình bao nhiêu huyền bí, mang theo tích cổ về nàng công chúa Thiều Hoa con gái Hùng Vương, vì thương dân mà lặn lội vào rừng sâu tìm ngài kén trứng. Lụa khiến ta nhớ đến người con gái hái dâu ở Kinh Bắc, thấy xa giá nhà vua vẫn chỉ tựa gốc cỏ lan trông ra đã trở thành hoàng hậu rồi nhiếp chính của vương triều Lý. Người đã phát tiền ở kho nội phủ để chuộc con gái nhà nghèo bị bán do ở đợ, đem họ mà gả cho những người đàn ông góa vợ, sưởi ấm bao nhiêu cõi lạnh lùng.

Công nghệ dệt may thời nay đem đến cho con người hàng ngàn loại vải, có cả loại vải tân tiến như vải tự làm mát, vải chống nhàu, chống cháy... Con gái thời nay có thể bị cuốn hút vì đồ jean khỏe mạnh từ một đất nước xa xôi nào đó, nhưng làm sao lại không dành một góc trong lòng mình để xuyến xao cùng lụa?

Vì lụa là hồn cốt ông bà mình, vì lụa chứa trong đó bao nhiêu những vân vi của vũ trụ không cùng. Lụa đưa mình về với thiên nhiên cỏ cây hoa lá, để mang ơn đất trời đã tặng cho con người một vật phẩm tinh túy biết nhường nào. Từng sợi tơ mong manh mà vĩnh cửu như lẽ sống, như tình đời, kéo muôn lần không đứt, vò muôn lần không tan.