Thứ Hai, 18 tháng 6, 2012

NHÀ VIẾT TUỒNG ĐÀO TẤN, VÀ CÁI NHÌN TIẾN BỘ VỀ PHỤ NỮ...




Trần Minh Nguyệt



Đào Tấn sinh ngày 27/2 Ất Tỵ (Thiệu Trị thứ 2- 1845), chánh quán thôn Tùng Giản, xã Phước Vân- huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Ông có tự là Chỉ Thúc, hiệu là Tô Giang và Mộng Mai, biệt hiệu là Tiểu Linh Phong Mai Tăng hoặc Mai Tăng - là một nhà soạn tuồng nổi tiếng Việt Nam. Ông được coi là Tổ của bộ môn hát bội.

Ông thi đỗ Cử Nhân năm Tự Đức 20 (1867), trải qua hơn ba mươi năm nhậm chức dưới các triều vua nhà Nguyễn, đã từng là Tham Tri, Phủ Doãn, Tổng Đốc, Thượng Thơ (cả bốn bộ), Hiệp Tá Đại học sĩ (1898). Cơ Mật Viện đại thần… Đào Tấn đã viết (và nhuận sắc) hơn 20 vở tuồng ; sáng tác gần 1000 bài thơ, từ, tản văn, liễn đối trong các tập: “Mộng Mai Ngâm Thảo”, “Mộng Mai Thi Tồn”, “Mộng Mai Từ Lục” và “Mộng Mai Văn Sao”… Ông mất vào ngày rằm tháng 7 năm 1907, phần mộ được an táng tại núi Hoàng Mai, gần quê nhà- đúng theo sở nguyện của ông đã định trước ; hưởng thọ 63 tuổi (1).

Thuở nhỏ ông học với Cụ Tú Nguyễn Diêu. Năm 23 tuổi ông đỗ cử nhân khoa đinh mão ( 1867) tại trường thi Bình Định dưới triều Tự Đức.

Năm 1871 ông được bổ làm Hiệu thư ở nội các. Năm 1874 ông được bổ nhiệm làm tri phủ Quảng Trạch sau thăng chức phủ doãn Thừa Thiên. Ông làm quan ba triều: Tự Đức, Đồng khánh, Thành Thái. Đào Tấn đã từng giữ các chức vụ Tham biện, Phủ doãn, Tổng đốc, Thượng thư, hàm nhất phẩm, và được phong Hiệp biện Đại học sĩ, tước Vinh Quang tử. Ông là một vị quan thanh liêm, cương trực được giới sĩ phu rất trọng nể và được nhân dân yêu quý. Ông còn là một nhà trí thức yêu nước, không chịu cúi đầu khuát phục trước quân xâm lược Pháp. Vụ án Bồi Ba là một minh chứng cho nghĩa khí của Ông. (Bồi Ba là một tên tay sai thân cận với tòa khâm sứ Pháp, nhưng khi hắn phạm tội ông vẫn định tội chém đầu mặc cho Tòa khâm sứ Pháp can thiệp như thế nào đi nữa. Lời khẳng quyết sau đây đã là một bằng chứng hùng hồn cho tấm lòng trung kiên yêu nước của ông:

“Hắn làm việc cho bảo hộ nhưng hắn vẫn là người Việt Nam, sống ở đất Việt Nam, gây tội với dân Việt Nam thì sao quan Việt Nam không xử hắn mà phải hội thương với Bảo hộ?”)

Dấn thân vào chốn quan trường, hàng ngày Đào Tấn nhìn thấy những thãm trạng bất công, những thân phận bất hạnh “thấp cổ bé miệng” đau xót của kiếp người, nên dã rất thấu hiểu và có mối đồng cảm sâu sắc. Tuy vậy, sức người và hoàn cảnh giới hạn, Ông không thể làm hết được những gì đang khát khao mong ước cho họ - Ông đành gởi tâm sự của mình vào những bài thơ, từ khúc và đặc biệt hơn cả là trong các tuồng tích của bộ môn hát bội - một phương tiện hữu hiệu nhất để bày tỏ thái độ, quan niệm và tình cảm sâu kín của lòng mình.

Với những vỡ tuồng được ông trước tác ( hay nhuận sắc) lời văn rất trau chuốt, giàu tính phổ quát, tư tưởng uyên bác và nghiêm ngặt trong từng câu, từng ý - đã phản ánh bối cảnh của đất nước thời bấy giờ. Các nhân vật trong tuồng rất sống động, gần gũi với đời sống, phù hợp với thị hiếu thẩm mĩ của đa số quần chúng nhân dân. Ông đã thổi hồn vào các nhân vật xưa cũ, tạo thành những hình tượng biểu trưng bất hủ sống mãi với thời gian. Ngày nay nếu có dịp nhắc đến hát bội, ai cũng nhớ đến các nhân vật như Tiết Cương, Kỉ Lan Anh, Đào Phi Phụng, Hoàng Phi Hổ. Đắc kỉ, Tạ ngọc Lân, Phương Cơ (…) đã in đậm ấn tượng khó quên trong các tuồng Trầm Hương Các, Hoàng Phi Hổ quá giới bài quan, Hộ sanh Đàn, Đào Phi Phụng kết râu (…).

Là một người con của quê hương Tuy Phước - Bình Định, cái nôi của hát bội, ngay từ thưở nhỏ, tiếng trống tuồng đã ăn sâu vào tiềm thức tôi. Và may mắn hơn, tôi đã được xem rất nhiều vỡ tuồng của ông được lưu diễn tại quê nhà trong các ngày lễ hội, ngày Tết. Điều đặc biệt gây ấn tượng nhất đối tôi là cái nhìn thiện cảm của ông dành cho người phụ nữ đã được hình thành qua các nhân vật của ông từ hơn một thê kỷ nay .

Thời phong kiến - cái nhìn rất khắc khe dành cho người phụ nữ đã giam hãm thân phận họ trong một giới hạn rất nhỏ bé: Họ chỉ được quanh quẩn ở nhà, phục vụ cho chồng ( và gia đình nhà chồng) vô điều kiện, làm tốt thiên chức làm mẹ, lo toan quán xuyến công việc nội trợ trong gia đình mà thôi. Với Đào Tấn thì không thể như vậy. Ông đã có cái nhìn rất bình đẳng dành cho người phụ nữ: Họ không chỉ là những người con ngoan, vợ hiền, dâu thảo mà họ cũng là những người trung quân, ái quốc, tài trí, nghĩa dũng không kém gì các đấng mày râu.

Trong tuồng “ Tam Nữ Đồ Vương”: Khi nước nhà có bọn phản loạn âm mưu cướp ngôi vua, giết hại hoàng triều, nhũng nhiều dân lành - thì một tì nữ Bích Hà chân yếu tay mềm đã sáng suốt và dũng cảm đổi áo giả làm chánh hậu để rồi nhận lấy cái chết thay:

“Cô dốc lòng trả nghĩa quân vương
Thời con sẵn dạ đáp tình chủ bộc.”

Một Xuân Hương tài trí liều thân mình để cứu Hoàng phi thoát nạn. Và đặc biệt là Tạ Phương Cơ – nàng là hiện thân của chữ trung, dũng, trí. Nàng mỏng manh yếu đuối nhưng ý chí chẳng hề thua kém các bậc nam nhi:

“Ngang mây lăm chí cả hộc hồng
Lướt sóng quyết xua tan kình ngạc.”

Nàng đã mưu trí giả điên, không ngại hiểm nguy - giúp cha dò xét, thám thính tình hình chổ ở của anh là Tạ Kim Hùng.

“Đường sương tuyết chi nài thân liễu yếu
Việc nắng mưa riêng sợ nỗi thung già”

Xuân Hương rất xứng danh là một tôi trung trong thời loạn. Nàng vô cùng yêu thương anh mình, nhưng tình cảm gia đình riêng tư, nhỏ bé đã bị chính tư tưởng trung quân yêu nước kiên cường khuất phục.

Trong tuồng “Hộ sanh Đàn”, vẻ đẹp của Kỉ Lan Anh sắt son, tài trí, thủy chung là chỗ dựa vững chắc cho chồng an lòng để “ gánh non sông”. Hình ảnh nàng vừa sinh xong, một tay bồng con, một tay ẳm cháu, vẫn trèo non vượt thác đi tìm chồng với lòng thủy chung và ý chí sắt son:

“ Vì vương mang gánh nghĩa gánh tình
Nên phải lịu địu tay bồng, tay ẳm”

Và Kỉ Lan Anh cũng đã tỏ ra là người phụ nữ rất sáng suốt, thông mịnh, bình tỉnh trong mọi tình huống gian nan , khi nàng và Tiết Cương bị lạc giữa rừng sâu núi thẳm, giữa nguy hiểm trùng trùng. Nàng đã khuyên chồng:

“Thưa phu quân! Miễn đặng đoàn viên một hội/ lo chi tuấn hiểm ngàn trùng/ nay chúng ta gặp lại nhau đây/ dẫu phiêu trôi đi nữa cũng có vợ có chồng/ ta đi đường này không được thì ta đi đường khác/ hãy lần lõi mà tìm đường tìm sá/ chớ can chi mà phu quân buồn đó nào”.

Đào Tấn tài tình xây dựng rất thành công nhân vật Hồ Nô - một nhân vật nữ là người dân tộc thiểu số đầu tiên của thế kỷ với đầy đủ các phẩm chất tốt đẹp như: Trung thành, tài trí, thông minh và am hiểu sâu sắc lẽ đời.

Hồ Nô xuất thân từ rừng núi như lời tự kể của nàng:

“Cái thuở ông bà chưa nuôi tôi, tôi đi ăn bụi, ăn nu, ăn cao su, cánh kiến, tôi ở trên rú trên ri, tháng ni qua tháng khác” Nhưng người hoang dã ở rừng đó đã ẳm Tiết Giao, bế Tiết Quỳ - giúp chủ vượt qua bao khó khăn. Hồ Nô ru Tiết Quỳ bằng những lời ru văn hoa đậm tình và đầy triết lí:

“Tai nghe văng vẳng thảo trùng là trùng thảo trùng
Nhớ người quân tử thưong hại thương xót rưng rưng hai hàng
Kìa ai ngựa thếp đen vàng
Núy quan bắt chén thương hại thưong xót giải phiền làm khuây
Ông ông ơi
Tình lang vắng vẻ, vắng vẻ chốn này
Ngậm ngùi lòng thiếp ngồi đêm ngày thở than
Nước đà chảy xuống nhân gian là nhân gian
Hoa trôi động khẩu xê xang một mình”

Hồ Nô còn là một người am hiểu sâu sắc tình đời:

“Lúc bà ở nhà nhiều tiền, nhiều bạc, hắn đến hắn nịnh, hắn dạ, xin kiếm, chớ chừ bà chạy giặc chạy giã cực khổ, hắn theo hắn ăn chi?”.

Cám cảnh cho cuộc đời chìm nổi truân chuyên của vợ chồng Tiết Cương, Hồ Nô có một câu hát đầy triết lý mà người xem tuồng ai ai cũng say mê - thuộc nằm lòng:

“Mịt mù khói tỏa mây giăng
những người trung hiếu cam phần gian nan”.

Hay các câu:

Sụt sùi lụy nhỏ thấm bầu
hạt cơm tấm áo dễ nào quên ơn”,
“ngày ngày lặn suối, trèo non
bao giờ cho đặng vuông tròn như xưa”.

Tiêu biểu cho người phụ nữ dám vượt qua lễ giáo khe khắt, gia phong hình thức “tam tòng, tứ đức” để bảo vệ cái nhân, cái nghĩa cần thiết ở đời - đó là nhân vật Tú Hà. Nàng chỉ xuất hiện vài màn thôi nhưng hình tượng của Tú Hà để lại trong lòng người xem một nỗi xót thương vô hạn.

Nàng có chồng làm quan, được sống trong giàu sang nhung gấm, nhưng tâm hồn và lương tri của nàng không bị đồng tiền làm hoen ố. Khi biết hành động phản trắc của Tiết Nghĩa – chồng nàng, nàng âm thầm tìm cách cứu ân nhân Tiết Cương và rồi sau đó, tự vẫn để không mang tiếng nhơ là giết chồng. Nàng nói:

“Chồng là tên độc ác, ở đời làm sao được, núi sông lay rụng hết, thà chết chịu lặng thinh... Mảnh gương phút đã tan tành, màn xuân gió lạnh thu đình trăng trong".

Đào Tấn là một nho sĩ, sống trong thời đại phong kiến - chịu ảnh hưởng sâu đậm của tư tưởng Khổng – Mạnh, nhưng ông đã sáng suốt và tiến bộ - có cái nhìn rất tích cực về hình tượng của người phụ nữ. Qua nhiều tác phẩm – Ông đã thừa nhận khả năng và sự cống hiến của họ cho quê hương không thua kém gì các bậc mày râu. Ngoài thiên chức làm mẹ, làm vợ - họ còn là những công dân trung quân, ái quốc, tài trí, thông minh hơn người. Và qua thời gian, phụ nữ đã chứng minh rõ ràng và đầy đủ được các phẩm chất cao quý ấy…



(1) Gia phả họ Đào, làng Vinh Thạnh, tổng Nhơn Ân, phủ Tuy Phước- Bình Định