Thứ Sáu, 15 tháng 6, 2012

TẠI SAO ANH EM NHÀ TÂY SƠN "NỒI DA XÁO THỊT"?


 Bảo tàng Quang Trung ở Bình Định


(ĐVO) Ba anh em nhà Tây Sơn, từ nhỏ đến lớn, đối với nhau trọn niềm thương yêu. Vậy, nguyên nhân nào khiến Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ rạn nứt tình cảm?

Kỳ 1: Tây Sơn tam kiệt
"Tây Sơn tam kiệt" là tên gọi dành cho ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ và Nguyễn Huệ. Theo sử sách, tổ tiên nhà Tây Sơn vốn họ Hồ (sách Hoàng Lê nhất thống chí cho rằng, nhà Tây Sơn thuộc dòng dõi Hồ Quý Ly) ở làng Hương Cái, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Tổ quán ở dưới chân hòn Thái Sơn, một hòn núi nhỏ đứng bên cạnh hòn Ðại Hải, một danh sơn tỉnh Nghệ An.
PGS.TS sử học Đỗ Bang viết trong cuốn Những khám phá về Hoàng đế Quang Trung: Đến đời ông Hồ Phi Phúc, người sinh thành ra anh em Tây Sơn vẫn là họ Hồ. Vậy, tại sao các con ông đều mang họ Nguyễn? Theo truyền miệng của người dân Bình Định, có một thuở, dân ở đây sinh con lấy họ mẹ là phổ biến để cắt nghĩa việc đổi thành họ Nguyễn của các anh em Tây Sơn cùng họ với thân mẫu là Nguyễn Thị Đồng.
Tuy nhiên, cũng có nguồn tài liệu sưu tầm ở địa phương và đã có lần được biên chép cho rằng: Thuở nhỏ, anh em Tây Sơn có học với một thầy giáo xứ Huế là Giáo Hiến. Do bị Trương Thúc Loan trù dập, hăm diệt, Giáo Hiến trốn vào phủ Quy Nhơn, mở trường dạy học ở đất An Thái. Giáo Hiến mang hoài bão, ý chí của mình truyền lại cho lớp môn sinh. Ông đã khám phá ra tài năng khác thường của anh em Tây Sơn nên hết lòng đầu tư cho sự nghiệp lớn về sau.
Chưa kể, vì quá tin vào lời sấm truyền: Tây khởi nghĩa, Bắc thu công/ Phụ nguyên phục thống, Giáo Hiến đã nói với anh em Nguyễn Huệ: “Các con là người của đất Tây Sơn, Tây Sơn khởi nghĩa sẽ lập nên sự nghiệp lớn ở miền Bắc và hết lòng giúp chúa Nguyễn để phục hồi nền nhất thống.... Các con nên đổi thành họ Nguyễn để có danh nghĩa lập công”. Từ đó, anh em Tây Sơn từ họ Hồ đổi ra họ Nguyễn.
Mọi tài liệu đều cho thấy, trong Tây Sơn tam kiệt, Nguyễn Nhạc là anh cả, nhưng Nguyễn Lữ và Nguyễn Huệ ai là anh thì các tài liệu không thống nhất với nhau. Các sử sách của nhà Nguyễn và biên chép dưới thời Nguyễn cũng khác nhau. Các sách Đại Nam thực lục tiền biên, Đại Nam chính biên liệt truyện, Tây Sơn thuỷ mạt khảo... đều thống nhất ngôi thứ trong ba anh em Tây Sơn và khẳng định: “Con trưởng là Nhạc, kế là Lữ, kế nữa là Huệ”, trong khi đó Khâm Định việt sử thông giám cương mục thì xếp theo thứ tự Nhạc - Huệ - Lữ.
Dân phủ Quy Nhơn xưa lưu truyền rằng, Nguyễn Nhạc thuở đi buôn trầu nên gọi là anh Hai Trầu, Nguyễn Huệ gọi là chú Ba Thơm và Nguyễn Lữ gọi là thầy tư Lữ, vì có thuở Lữ đi tu theo đạo Hồi Bani (Islam Bani). Thế nhưng, trong sách Tây Sơn tiềm long lục, Nguyễn Bá Huân lại ghi: xét công trạng của Nguyễn Huệ ngay từ những ngày đầu khởi nghĩa thì Huệ phải là em kế Nguyễn Nhạc.
Các giáo sĩ phương Tây đương thời có mặt trên đất nước ta như Labartette chép: Anh cả là Thoi Đức (tức Thái Đức - Nguyễn Nhạc), còn hai ông hoàng là Đức ông Bai (Đức ông Bảy - Nguyễn Huệ) và Đức ông Tám (Nguyễn Lữ).
Lê Trọng Hàm trong sách Minh đô sử lại cho rằng, Hồ Phi Phúc sinh "Nhạc, Lữ đến hai cô con gái, rồi mới tới Huệ". Củng cố minh chứng này, Đại Nam chính biên liệt truyện viết: Một trong hai chị gái của Nguyễn Huệ được sách sử tiết lộ vào năm 1792. Khi hay tin vua Quang Trung chết, một đoàn gia nhân và quan lại hơn 300 người do Nguyễn Nhạc cầm đầu từ Quy Nhơn ra Phú Xuân để dự lễ quốc tang, đều bị quan quân Cảnh Thịnh chặn lại trên đất Quảng Ngãi, chỉ trừ một mình cô em gái Nguyễn Nhạc được phép ra Phú Xuân.
Theo một tài liệu được công bố tại Hội thảo về Tây Sơn, gia đình Nguyễn Nhạc có ít nhất 4 anh em trai, anh đầu là Nguyễn Quang Hoa. Quang Hoa có thể do bị chết sớm hoặc vì lý do nào đó không tham gia lãnh đạo phong trào Tây Sơn, nên không được sử sách ghi lại. Trong những năm đầu tiên, Nguyễn Nhạc đóng vai trò quan trọng nhất. Ông phất cờ nổi dậy vào năm 1771, lấy danh nghĩa chống lại Quốc phó Trương Phúc Loan, ủng hộ hoàng tôn Nguyễn Phúc Dương - cháu đích tôn của Vũ vương Nguyễn Phúc Khoát...
Sách Võ nhân Bình Định nêu rõ, trong thời gian chuẩn bị cho đại sự, Nguyễn Nhạc đã tỏ ra là một nhà lãnh đạo tài ba, đã biết phát triển kinh tế làm cơ sở; đoàn kết các sắc tộc làm liên minh và nhất là đối với các đồng chí rất có tình có nghĩa. Ông luôn tỏ rõ thái độ nhưng hòa, xử sự có tình nhưng không bỏ lý, nên mọi người rất mực tôn kính. Nhờ vậy mà chỉ trong một thời gian ngắn, nhà Tây Sơn đã lập nên cơ sở vững chắc.
Kỳ 2: Huynh đệ tương tàn
Theo sách Nhà Tây Sơn, từ ngày cha tạ thế, Nguyễn Nhạc lo vẹn đạo làm anh. Ðối với hai em, chẳng những yêu thương vì ruột thịt, mà còn quý trọng đức tài. Còn Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ thì yêu kính anh như cha, nhất nhất đều tuân theo mệnh lệnh.
Thế nhưng, "cha mẹ sinh con, trời sinh tính", Nguyễn Lữ lấy việc sửa mình thương người làm gốc, còn giàu sang, thua được là chuyện ngoài thân. Nguyễn Nhạc tuy thiệp thế đa mưu, song có phần bảo thủ, cầu an. Khi chưa có thì xông Nam đột Bắc, đến khi có rồi thì bao nhiêu bo bo giữ bấy nhiêu và chấp vào những gì mình đã có. Trong khi đó, Nguyễn Huệ tài trí vượt hẳn anh; khi còn ở dưới quyền anh thì triệt để phục tùng. Khi con chim đã nuôi đủ sức gió để quạt cánh lên chín tầng mây thì không còn ai có thể kiềm chế...

Như vậy, sách Nhà Tây Sơn đã chỉ rõ, tính cách của Nguyễn Nhạc là "tĩnh", còn Nguyễn Huệ là "động". Và đó là nguyên nhân gây ra cảnh "huynh đệ tương tàn". Cụ thể, sự rạn nứt bắt đầu từ ngày Tây Sơn chiếm được Phú Xuân, rồi đánh ra Thăng Long. Vào thời điểm đó, sau khi dẹp yên Gia Ðịnh, Nguyễn Huệ đề nghị đem quân đánh Phú Xuân. Vì không rõ quân chúa Trịnh mạnh yếu thế nào, nên Nguyễn Nhạc không ứng thuận. Sau Nguyễn Hữu Chỉnh cho biết rõ tình hình, Nguyễn Nhạc mới cho xuất chinh. Lấy được Phú Xuân, Nguyễn Huệ tự tiện đem quân ra đánh Bắc Hà. Nguyễn Nhạc không bằng lòng, song không lấy cớ gì để bắt tội em được, nên chỉ gọi em về.
Lại nói Nguyễn Huệ, về Phú Xuân, ông cho chở tất cả chiến lợi phẩm thu được ở Bắc Hà tới Quy Nhơn, còn mình thì lấy cớ Thuận Hóa mới lấy được, cần củng cố nhân tâm và sửa sang chính sự, nên xin ở lại Phú Xuân. Nguyễn Nhạc đành phải chấp nhận, tuy không lấy làm vừa lòng. Ðến khi Nguyễn Huệ được phong Bắc Bình Vương, nắm quyền quản thủ đất Thuận Hóa, thì tự ý sửa sang thành quách, phong thưởng võ tướng văn quan, mà không tấu trình theo phép nước. Chưa kể, nhiều lần, Nguyễn Nhạc gọi Huệ vào Quy Nhơn, nhưng ông luôn luôn tìm cớ thoái thác.
Vì nhận thấy quyền làm anh đối với em, quyền làm vua đối với bề tôi đã bị xem khinh, Nguyễn Nhạc cử binh ra Phú Xuân hỏi tội. Nghe tin, ông Huệ vỗ án nói: "Tội gì mà hỏi? Ðánh Nam dẹp Bắc để giữ vững ngôi báu cho anh, đó là tội à? Còn đất Thuận Hóa này là của ta lấy nơi tay Chúa Trịnh. Ta thọ phong chẳng qua vì tình anh em đó thôi. Chớ đâu phải anh ta cắt đất của mình phong cho ta, mà bắt ta nhất nhất phải tuân theo mệnh lệnh? Công có lại quên, tội không có lại buộc! Sao lại bất công thế. Ta không chịu nổi". Và rồi Nguyễn Huệ thân hành đem quân ra chống cự.
Nguyễn Nhạc thấy em ra mặt bất phục tùng, càng nổi giận thêm. Không một lời phân trần, hai bên giáp chiến. Ðánh nhau kịch liệt. Lần lần Nguyễn Nhạc đuối sức phải rút lui. Nguyễn Huệ truy kích. Nguyễn Nhạc rút quân vào thành Quy Nhơn, cố thủ. Nguyễn Huệ công vi cả tháng mà không hạ nổi thành, bèn đánh chiếm núi Long Cốt, rồi kê súng đại bác trên núi bắn vào thành. Những nơi hiểm yếu trong thành bị phá. Nguyễn Nhạc liệu không giữ mãi được, bèn lên mặt thành kêu Nguyễn Huệ mà khóc: "Bì oa chử nhục, đệ tâm hà nhẫn".
Nghe tiếng gọi của anh, Nguyễn Huệ òa lên khóc, rồi bãi binh. Nguyễn Huệ nhận chức Bắc Bình vương của vua anh phong. Hai anh em lấy Bản Tân làm ranh giới, từ Thăng Hoa, Điện Bàn ra Bắc thuộc Nguyễn Huệ, từ Quảng Ngãi trở vào thuộc vua Thái Đức. Còn Nguyễn Lữ làm Đông Định Vương, cai quản vùng đất Gia Định.
Bàn về nguyên nhân xích mích giữa hai anh em nhà Tây Sơn, nhiều nhà làm sử nói rằng: Nguyễn Nhạc thông gian với vợ của Nguyễn Huệ và giữ hết những của cải lấy được ở Thăng Long, nên Huệ giận... Song, sử liệu ghi rõ, Nguyễn Huệ có ba bà vợ chính thức: bà họ Phạm ở Phú Phong, mẹ ông Nguyễn Quang Thùy; bà họ Bùi ở Xuân Hòa, mẹ ông Nguyễn Quang Toản và bà Ngọc Hân công chúa con gái Vua Lê. Lúc ông Huệ trấn thủ Thuận Hóa thì bà họ Phạm qua đời đã lâu, bà họ Bùi theo chồng ra Phú Xuân, còn bà Ngọc Hân thì còn ở Thăng Long. Do đó, Nguyễn Nhạc thông gian với bà nào? Hơn nữa, của cải lấy được ở Thăng Long, thì có thấm vào đâu so với đất đai từ Phú Yên đến Hà Tiên Phú Quốc. Ðất kia còn để cho anh cho em không chút tiếc, nên giải thuyết trên là hoàn toàn sai.
Có người lại bảo: Nguyễn Phúc Ánh muốn chia rẽ hai anh em nhà Tây Sơn, bèn lập kế ly gián. Nguyễn Phúc Ánh dùng kế mỹ nhân, tìm một thiếu nữ châu Âu tuyệt đẹp đem dâng cho Nguyễn Huệ và tin cho Huệ biết trước, nhưng lại đem dâng cho Nguyễn Nhạc, rồi báo cho Huệ biết rằng đi ngang qua Quy Nhơn, bị Nhạc chận cướp. Huệ đã giận kéo quân vào đánh anh. Nhưng xét việc bất hòa của anh em nhà Tây Sơn xảy ra vào năm Ðinh Mùi (1787) và lúc ấy Nguyễn Phúc Ánh còn ở Xiêm La, đất Gia định nằm trong tay nhà Tây Sơn, do Nguyễn Lữ trấn thủ. Nguyễn Ánh về nước mùa thu năm Ðinh Mùi, bị tướng sĩ Nguyễn Lữ đánh liên tiếp mãi đến năm Kỷ Dậu (1789) mới lấy được Gia Ðịnh. Nguyễn Phúc Ánh lo chống cự với Nguyễn Lữ chưa xong thì làm gì còn tâm trí bày mưu ly gián Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ... Giả thuyết này cũng không thuyết phục.
Vậy, tại sao Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ "nồi da xáo thịt"? Các nhà nghiên cứu hiện nay cho rằng, không có gì khác hơn là lòng tự ái. Anh cậy quyền làm lớn, em cậy có công to. Vì nhất thời nóng nảy, nên mới sinh chuyện. Song, một giọt máu đào hơn ao nước lã, họ vốn tình nghĩa nên không thể chia cắt...