Chủ Nhật, 11 tháng 9, 2011

CÂU HỎI HỌC HỎI THƯ CHUNG HẬU ĐẠI HỘI DÂN CHÚA 2010



Chương I:
 Hiện trạng xã hội Việt Nam dưới ánh sáng đức tin

Vì chưa chuẩn bị để bước vào tiến trình toàn cầu hoá, nên Việt Nam gặp nhiều thách đố: lạm phát, tham nhũng, thiếu trách nhiệm với tài nguyên, phân cách giàu nghèo, mức sống nhiều người vẫn chưa hợp với nhân phẩm … Do đó, vấn đề không chỉ là kinh tế mà còn là đạo đức và xã hội.

1.         Hiện trạng xã hội Việt Nam đã kéo theo những thay đổi nào trong đời sống gia đình và giáo xứ?
2.         Chủ nghĩa tương đối và hưởng thụ, tình trạng giáo dục bất cập, lối sống thực dụng đã ảnh hưởng thế nào đến giới trẻ trong giáo xứ?
3.         Nền giáo dục Việt Nam đang cần đến một triết lý giáo dục nhân bản, đích thực và toàn diện (số 7). Trong Thư mục vụ năm 2008 của Hội đồng Giám mục Việt Nam, số 12, đã nhận thấy rõ thách thức bối cảnh của nền giáo dục Việt Nam hiện nay và nêu đích danh là “một nền giáo dục còn nhiều khiếm khuyết” khi nhận định rằng: “Một nền giáo dục chỉ lo đến bằng cấp, chỉ phấn đấu để được điểm thi đua mà không chăm lo đến “tiên học lễ, hậu học văn” sẽ tạo ra một thế hệ thiếu trung thực và bất tài. Các gia đình trong giáo xứ đã có những phương cách nào để bổ sung cho nền giáo dục Việt Nam còn nhiều khiếm khuyết này?
4.         Sự thăng tiến con người toàn diện và sự phát triển bền vững của xã hội phải được đặt nền trên những giá trị đạo đức và tôn giáo. Làm thế nào có thể thi hành sứ mệnh yêu thương và phục vụ của Đức Kitô giữa những thay đổi không ngừng của xã hội? (số 9)

Chương II:
Mầu nhiệm Giáo Hội

Giáo Hội là thực sự là gia đình của Thiên Chúa, có Thiên Chúa là Cha, Đức Kitô là Trưởng Tử, Chúa Thánh Thần là tình yêu hiệp thông. Hình ảnh Giáo Hội-Gia đình gần gũi với tâm thức, kinh nghiệm và suy nghĩ của tín hữu Việt Nam: một cộng đoàn hợp nhất yêu thương, liên đới, chung tay làm việc chứ không nặng cơ cấu và luật lệ. Trên nền tảng thần học đó, các mục tử cần phải xây dựng những kế hoạch mục vụ “Giáo xứ là gia đình của các gia đình” (số 10).

1.         Ngoài các hình thức sống Lời Chúa qua những việc đạo đức truyền thống như Đàng Thánh Giá, Kinh Mân Côi, cầu nguyện sớm tối… Giáo xứ làm thế nào để phát động chương trình “mỗi gia đình một cuốn Kinh Thánh được đặt nơi xứng hợp, cổ võ đọc và cầu nguyện với Lời Chúa”, khuyến khích học thuộc lòng những đoạn Kinh Thánh cốt yếu  (số 12)?
2.         Lectio Divina là phương pháp cầu nguyện dựa trên Lời Chúa, gồm bốn bước: đọc, suy niệm, chiêm ngắm, thực hành (Verbum Domini, số 86-87). Theo lời kêu gọi của HĐGMVN, giáo xứ đã thực tập phương pháp đọc và cầu nguyện này chưa?
3.         Giáo xứ đã làm thế nào để thúc đẩy và canh tân việc sùng bái Thánh Thể, vốn đã từng nổi bật trong truyền thống Giáo Hội tại Việt Nam? (số 12)
4.         Giáo dân Việt Nam vẫn giữ được truyền thống tốt đẹp là trung thành với việc dâng lễ mỗi Chúa nhật. Tuy nhiên, phải làm thế nào để hướng dẫn các cộng đoàn cử hành Thánh Thể cách ý thức, tích cực và sống động hơn? (số 12; Tài liệu làm việc Đại Hội Dân Chúa, Đề nghị mục vụ số 1)
5.         Hội nhập văn hoá và tính bản địa là đòi hỏi nội tại của đức tin Kitô giáo. Giáo dân trong giáo xứ đã làm thế nào để đem tinh thần Phúc Âm vào các sinh hoạt văn hoá, cụ thể như các dịp lễ tết và ma chay cưới hỏi? (số 15)


Chương III:
Hiệp thông trong gia đình của Thiên Chúa

Mầu nhiệm hiệp thông của Thiên Chúa Ba Ngôi là suối nguồn, mẫu mực và cùng đích của hiệp thông trong Giáo Hội. Sự hiệp thông trong yêu thương giữa các tín hữu là hoa quả của Chúa Thánh Thần (Rm 14, 17; Gl 5, 22-23) và là dấu chỉ hữu hình của sự hiệp thông với Thiên Chúa.

1.         Một Giáo Hội hiệp thông và tham gia là mối quan tâm mục vụ hàng đầu của Giáo Hội tại Việt Nam trong những năm sắp tới. Giáo xứ đã làm thế nào để củng cố sự hiệp thông và tham gia vào đời sống Giáo Hội ở mọi cấp bậc, tạo điều kiện để mọi thành phần Dân Chúa tích cực tham gia vào đời sống và sứ vụ của Giáo Hội? Và ở mức độ nào (số 23)?
2.         “Quy chế Hội Đồng Giáo Xứ” của Giáo phận Qui Nhơn vừa được Đức Giám Mục Giáp phận ban hành thử nghiệm ngày 29/6/2011 đã có những đóng góp quan trọng nào? Có giúp giáo dân có cơ hội thực thi những quyền chính đáng và trách nhiệm của mình trong Giáo Hội? Còn thiếu sót ở những điểm nào? (số 27)
3.         Nữ giới đã và đang góp phần tuy âm thầm nhưng rất quan trọng trong việc xây dựng Dân Chúa. Tuy nhiên, quan niệm “Trọng nam khinh nữ” ít nhiều vẫn tồn tại. Giáo xứ đã đề cao vai trò của phụ nữ và tạo điều kiện giúp họ thăng tiến, tích cực tham gia các sinh hoạt của giáo xứ, giáo phận? Ở mức độ nào? (số 28).
4.         Giáo xứ có khuyến khích giới trẻ tham gia vào các hội đoàn và những sinh hoạt cộng đồng, để ngày càng có thêm nhiều người trẻ quảng đại và can đảm, sống đức tin cách sinh động và trưởng thành? Giới trẻ trong giáo xứ đã làm thế nào để góp phần tích cực và bền vững vào việc lành mạnh hoá xã hội? (số 29)


Chương IV:
Loan báo Tin Mừng trong hoàn cảnh hiện nay

Giáo Hội Việt Nam nhận thức được nhiệm vụ loan báo Tin Mừng này vì chính mình cũng là những người được đón nhận Tin Mừng. Thay vì coi truyền giáo chỉ như một trong những hoạt động của Giáo Hội, thì nay cần nhìn sứ mệnh truyền giáo như nắm men thấm nhập, khơi dậy và chi phối mọi khía cạnh đời sống Giáo Hội. Do đó, cần dành mọi nỗ lực và hoạt động, từ vật chất đến thiêng liêng và mục vụ, cho mục tiêu này. Đây là sứ vụ duy nhất và toàn diện. Duy nhất vì xuất phát từ Đức Giêsu, toàn diện vì bao gồm mọi hoạt động. Chính vì thế mà trong bối cảnh xã hội hiện nay, Giáo Hội tại Việt Nam xác tín rằng Dân Chúa cần tích cực cộng tác với mọi người thiện chí, cùng nhau bồi đắp nền văn minh tình thương và sự sống. Đó là phương thế cụ thể để thi hành sứ vụ duy nhất và toàn diện của Đức Kitô trên đất nước này.

1.        Sứ vụ là hoạt động mang tính chiêm niệm và là chiêm niệm mang tính hoạt động. Có mối tương quan sâu xa giữa đời sống chiêm niệm và hoạt động tông đồ. Những người hoạt động tông đồ trong giáo xứ có cảnh giác trước cám dỗ đề cao hoạt động mà không quan tâm đến việc vun trồng đời sống nội tâm? Làm thế nào để tránh nguy cơ này? (số 35)
2.        Giáo dục học đường là chìa khoá cho tương lai tươi sáng của đất nước. Giáo xứ đã làm thế nào để thể hiện sự quan tâm đến giáo dục, hổ trợ học sinh nghèo, nâng cao trình độ học vấn của giới trẻ, dạy nghề cho giới trẻ miền quê, đồng hành với giới giáo chức Công giáo? (số 37)
3.        Khi thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng trong bối cảnh xã hội Việt Nam hiện nay, giáo xứ có những hoạt động nào nhằm đối thoại với các tôn giáo (số 40)? Với người nghèo (số 41)? Và với anh chị em không tôn giáo (số 42)?  
4.        Nền văn minh vật chất ngày nay đã gây ra nhiều tác động xấu trên gia đình truyền thống. Nhiều gia đình công giáo cũng bị chi phối (như ly dị, phá thai, sống thử nơi giới trẻ, làm mẹ một mình). Ngoài các lớp giáo lý hôn nhân, giáo xứ đã có những chương trình mục vụ tiền hôn nhân cũng như hậu hôn nhân, để đồng hành với các bạn trẻ bước vào đời sống hôn nhân cũng như hiện diện với họ trong những lúc gặp khó khăn, thử thách, mời gọi mọi thành viên thánh hóa cuộc sống gia đình qua việc nâng cao những giá trị đạo đức? (số 43)
5.        Hiện tượng di dân đã ảnh hưởng thế nào trong sinh hoạt của giáo xứ? Đã có những mục vụ thích hợp cho các người trẻ di dân? (số 45)
6.        Bảo vệ môi sinh không chỉ là vấn đề kỹ thuật mà còn là bổn phận luân lý liên hệ đến phẩm giá và sự sống con người trong hiện tại cũng như tương lai. Giáo xứ đã ý thức vấn đề này chưa? Đã có những hoạt động cụ thể nào để hướng dẫn gìn giữ và bảo vệ môi trường sinh sống của người dân địa phương? (số 46)


TOÀ GIÁM MỤC QUI NHƠN