Thứ Tư, 7 tháng 9, 2011

HOẠT ĐỘNG TRUYỀN GIÁO THEO QUI ĐỊNH CỦA GIÁO LUẬT


Lm. Giuse Huỳnh Văn Sỹ



DẪN NHẬP

Giáo luật dành riêng 12 điều (từ điều 781 đến 792) bàn về hoạt động truyền giáo. Đó là những nguyên tắc về đạo lý và qui định cơ bản. Giáo luật dành riêng cho những người có thẩm quyền có thể ra những ấn định phù hợp với hoàn cảnh từng nơi.

Giáo phận chúng ta đã áp dụng một số qui định về truyền giáo qua những định hướng cụ thể.

I. NGHĨA VỤ TRUYỀN GIÁO

1. Nghĩa vụ truyền giáo nói chung của mọi tín hữu

Giáo luật điều 781 xác định việc truyền giáo phải được coi là một bổn phận căn bản của dân Chúa, cho nên mọi Kitô hữu ý thức được trách nhiệm riêng của mình phải tham gia vào công cuộc truyền giáo.

Bổn phận truyền giáo của người kitô hữu bắt nguồn từ bản chất truyền giáo của Giáo Hội.

2. Nghĩa vụ của Đức Giáo Hoàng và Giám Mục đoàn

Theo điều 782§1, việc chỉ đạo tối cao cũng như việc phối trí các sáng kiến và các hoạt động truyền giáo thuộc thẩm quyền của Đức Giáo Hoàng và Giám Mục đoàn.

Giáo Hội tại Việt Nam hiện nay thuộc quyền của Bộ Phúc âm hóa các dân tộc.

3. Nghĩa vụ của mỗi Giám Mục

Theo điều 782§2, Giám Mục phải đặc biệt quan tâm đến công cuộc truyền giáo, nhất là bằng cách phát động, cổ vũ và nâng đỡ các sáng kiến truyền giáo trong Giáo Hội địa phương của mình.

Giáo luật không đề cập nhiều đến vai trò Hội đồng Giám Mục về truyền giáo vì tôn trọng quyền bẩm sinh mỗi Giám Mục giáo phận.

4. Nghĩa vụ của các tu sĩ

Điều 783 qui định rằng các thành viên của các tu hội thánh hiến buộc phải hoạt động cách đặc biệt cho công cuộc truyền giáo, theo thể thức riêng của hội dòng.

II. NHÂN SỰ

1. Thừa sai - nhà truyền giáo

Theo điều 784 các vị thừa sai, là những người được nhà chức trách có thẩm quyền của Giáo Hội sai đi để thực hiện công cuộc truyền giáo, có thể được tuyển chọn từ những người bản xứ hay không, hoặc là những giáo sĩ triều, hoặc là những thành viên của các tu hội thánh hiến hay của các tu đoàn tông đồ, hoặc là những giáo dân khác.

Việc “sai đi” theo nghĩa hẹp và có tính pháp lý hệ tại trong việc ủy thác một sứ vụ công thực hiện nhân danh Giáo Hội. Việc sai đi nầy phải do người có thẩm quyền của Giáo Hội thực hiện.

2. Giảng viên giáo lý truyền giáo (thầy giảng)

Các giảng viên giáo lý làm việc trong vùng truyền giáo theo một danh nghĩa đặc biệt là “Thầy giảng”. Họ phải hoạt động nhân danh và hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội, lệ thuộc và vâng phục Giáo Hội tức là những chủ chăn của họ.

Giảng viên giáo lý phải được đáng hưởng một khoản thù lao xứng đáng.

 3. Đào tạo nhân sự truyền giáo

a. Đào tạo các chủng sinh có tinh thần thừa sai

Giáo luật chú trọng việc đào tạo cho các ứng sinh linh mục tương lai được thấm nhuần tinh thần truyền giáo.

Chủng sinh cần được hướng dẫn để có tinh thần hiệp thông với Giáo Hội hoàn vũ.

b. Chuẩn bị cho các linh mục đi truyền giáo

Điều 257§2 cho biết Giám Mục giáo phận phải lo liệu cho các giáo sĩ có ý định rời Giáo Hội địa phương của họ để tới một Giáo Hội địa phương thuộc miền khác được chuẩn bị thích đáng để thi hành thừa tác vụ thánh tại đó.

c. Đào tạo giảng viên giáo lý truyền giáo (thầy giảng )

Đấng Bản Quyền địa phương phải liệu sao cho các thầy giảng được chuẩn bị kỹ càng để chu toàn nhiệm vụ của mình.

Các thầy giảng cần được huấn luyện trong các trường giáo phận hay của dòng tu về đạo lý công giáo, đặc biệt về Thánh Kinh và phụng vụ, phương pháp dạy giáo lý và thực tiễn mục vụ.

III. ĐỐI TƯỢNG

1. Mục tiêu truyền giáo: thiết lập Giáo Hội địa phương toàn vẹn

Theo điều 786 mục tiêu truyền giáo là thiết lập Giáo Hội địa phương toàn vẹn tự lập.

Mục tiêu truyền giáo của Giáo Hội chính là nhằm đến đối tượng là những người chưa tin và Đức Kitô hay những người chưa chịu bí tích rửa tội, những người không phải là kitô hữu.

2. Cách thế Tin Mừng Hóa

Hai cách thế căn bản là hội nhập văn hóa và đối thoại.

a. Hội nhập văn hóa

Hội nhập văn hóa là đem Lời Chúa và cách sống Kitô hữu đến và làm cho “thích ứng hoàn cảnh” trong những nền văn hóa khác nhau và trong các dân tộc khác nhau[1].

b. Đối thoại truyền giáo

Giáo luật muốn nói đến ở đây là việc đối thoại được thực hiện trên bình diện giữa các cá nhân hay giữa nhiều cá nhân với nhau theo nhiều cách khác nhau[2].

3. Diễn tiến việc thu nhận người muốn nhập đạo

- Giai đoạn tiền tự tòng (praecatechumenatus): khi bắt đầu muốn tìm hiểu đạo.

- Giai đoạn dự tòng (catechumenatus): bắt đầu với một lễ nghi phụng vụ. Người dự tòng được ghi vào sổ riêng, và bước vào một chặng mới.

- Sau khi đã lãnh phép rửa tội, các tân tòng (neophyti) sẽ được huấn luyện để hiểu biết sâu xa hơn về các chân lý Phúc Âm, cũng như về các nghĩa vụ do bí tích rửa tội.


1. Phối hợp các tổ chức và sáng kiến truyền giáo

Điều 790 chỉ rõ các Giám Mục giáo phận trong các miền truyền giáo cần cổ vũ, điều khiển và phối trí các sáng kiến và công việc liên quan đến sinh hoạt truyền giáo.

Tất cả các thừa sai, kể các tu sĩ, đang sống dưới quyền tài phán của Giám Mục giáo phận, phải tuân theo các quy định do ngài ban hành.

2. Người đặc trách và đóng góp vật chất truyền giáo

Để cổ vũ việc cộng tác truyền giáo, điều 791 qui định mỗi giáo phận phải cử một linh mục chịu trách nhiệm cổ vũ cách hữu hiệu những công cuộc truyền giáo.

3. Hội Đồng Giám Mục và vấn đề truyền giáo

Điều 792 ấn định «các Hội Đồng Giám Mục phải thành lập và khuyến khích những tổ chức, nhờ đó những người từ các miền truyền giáo đến địa hạt của mình để làm việc hay để học hành được tiếp đón trong tình huynh đệ và được nâng đỡ một cách thích đáng về phương diện mục vụ».

V. ÁP DỤNG QUI ĐỊNH GIÁO LUẬT VỀ TRUYỀN GIÁO TẠI GIÁO PHẬN QUI NHƠN

1. Đào tạo nhân sự truyền giáo trong giáo phận

Đức Cha Phêrô giáo phận chúng ta đã nhắc nhở cụ thể việc lập ban truyền giáo.

Các chủng sinh Qui Nhơn đang được hướng dẫn đi theo định hướng truyền giáo.

Đào tạo giảng viên giáo lý truyền giáo tức giảng viên giáo lý truyền giáo chuyên biệt.

2. Định hướng và chỉ dẫn truyền giáo trong giáo phận

Cha Phêrô: «cho dù có những khó khăn chồng chất, truyền giáo vẫn là nhiệm vụ ưu tiên và khẩn cấp của tất cả chúng ta»[3].

Một trong những điểm cũng hết sức lưu ý là việc truyền giáo cần phải làm đồng bộ.

a. Thư về truyền giáo của Đức Giám Mục giáo phận[4] có thể coi là những chỉ dẫn truyền giáo hết sức cụ thể và hữu ích cho chúng ta, cách riêng là đối với các cha sở:

- Dành thời giờ cầu nguyện và tổ chức cầu nguyện chung, nhất là vào mỗi Chúa Nhật cho công cuộc truyền giáo của giáo phận.

- Từng người hãy sống gương mẫu đạo đức, giúp đỡ lẫn nhau vô vị lợi không phân biệt đối xử, để ai cũng thấy người công giáo thật dễ thương dễ mến và giàu tinh thần phục vụ, nhất là đối với bà con lối xóm.

- Mỗi gia đình chúng ta phải trở nên điểm truyền giáo cơ bản. Cách riêng, mỗi người hãy quan tâm việc dạy giáo lý cho con cái, đọc kinh chung gia đình; yêu thương và làm việc bác ái trong gia đình, với xóm làng và xã hội.

- Về mặt nhân sự, mỗi giáo hạt, giáo xứ nên lập ban truyền giáo. Ở cấp giáo hạt liệu tổ chức đào tạo nhân sự truyền giáo cho từng giáo xứ của mình. Giáo xứ nên tổ chức, phân công cụ thể cho từng giới, từng đoàn thể.

- Mỗi giáo xứ ưu tiên xây dựng vật lực cho việc truyền giáo. Mỗi người tùy theo khả năng của mình, quảng đại đóng góp vật chất cho công cuộc truyền giáo của giáo phận.

b. Nhiệm vụ Ban Loan báo Tin Mừng nhằm góp phần truyền giáo và tái truyền giáo[5]:

- Khuyến khích các tín hữu tham gia công tác tìm và đưa người bỏ đạo trở về Giáo Hội;

- Hướng dẫn các giáo xứ tổ chức và củng cố các đoàn thể tông đồ như Legio Mariae;

- Tổ chức các khóa tập huấn cho những người tham gia công tác tông đồ giáo dân;

- Tổ chức các sinh hoạt làm phương thức tiếp cận tiền loan báo Tin Mừng như dạy nghề, cơ sở khám bệnh, nhà trẻ…

- Phổ biến các sách báo đạo cho gia đình lương dân;

- Tổ chức các khánh nhật truyền giáo hàng năm trên qui mô giáo phận hay giáo hạt.

3. Lập quỹ truyền giáo và thù lao cho giáo dân

Giáo phận và giáo xứ cũng nên lập quỹ truyền giáo.

Giáo dân nào làm việc toàn phần cho giáo phận hay giáo xứ trong việc truyền giáo cần được  trả công tương xứng.

4. Ủng hộ tích cực các sáng kiến

Những sáng kiến muốn nói ở đây không phải chỉ là của giáo quyền mà của cả giáo dân.

a. Các cha trong giáo phận đã có nhiều sáng kiến hay và thực tế trong công cuộc truyền giáo.

b. Việc truyền giáo trong tổ chức tang lễ và hôn phối.

c. Ban loan Báo Tin Mừng giáo phận có những hoạt động tích cực hơn lo việc truyền giáo.

d. Du lịch tôn giáo.

KẾT LUẬN

Tìm hiểu những qui định của Giáo luật về truyền giáo giúp ta hiểu rõ hơn mặt thần học-pháp lý của việc truyền giáo.

Giáo luật đề ra những nguyên tắc chung và dành quyền rộng rãi cho thẩm quyền Giáo Hội địa phương theo đó để đưa ra những qui định cụ thể thích hợp với hoàn cảnh của mình. Trong giáo phận chúng ta đã có định hướng và chỉ dẫn cụ thể về truyền giáo. Chúng ta hy vọng sắp tới sẽ có những hướng dẫn mới mẻ hơn.

Trước khó khăn chúng ta không phê bình lẫn nhau, không bi quan và cũng không “án binh bất động”. Chúng ta vui mừng và hy vọng vì giáo phận có nhiều kinh nghiệm thực tế quý báu trong quá khứ và hiện tại; có những hướng dẫn sáng suốt kịp thời về việc truyền giáo của các vị hữu trách.

Chúng ta, như người gieo giống, cứ quảng đại tung gieo hạt giống Lời Chúa và có thể người đi sau chúng ta sẽ gặt hái.

Trước mắt, nếu mỗi người chúng ta và nhất là những ai có trách nhiệm triển khai cách bài bản và khoa học những định hướng và chỉ dẫn của Đấng Bản quyền giáo phận, chắc chắc công cuộc truyền giáo trong giáo phận sẽ hứa hẹn sớm được mùa gặt bội thu.

ĐỀ TÀI THẢO LUẬN

1. Theo qui định Giáo luật, Bản quyền giáo phận chúng ta đã có những hướng dẫn cụ thể về truyền giáo. Cho biết tính khả thi và việc áp dụng hướng dẫn nầy trong thực tiễn giáo xứ của cha hiện nay.

2. Những sáng kiến hay hoạt động truyền giáo nào được coi là hữu hiệu nhất tại giáo xứ của cha. Những ảnh hưởng tiêu cực và tích cực đến việc truyền giáo trong tổ chức tang lễ và hôn phối của người công giáo?






[1] X. Dimitrios Salachas, Il magistero e l’evangelizzazione dei popoli nei codici latino e orientale, sđd., 132.


[2] X. Garcia Martin, L’azione missionaria della Chiesa nella legislazione canonica, Roma 1993, tr. 118-119.


[3] Nguyễn Soạn, “Thư gởi các linh mục, tu sĩ, chủng sinh và anh chị em tín hữu giáo phận Qui Nhơn nhân ngày truyền giáo thế giới 19/10/2008”, Bản Thông Tin Giáo phận Qui Nhơn, số 126,tháng 10/2008, tr. 634.


[4] Mời xem nội dung thư nầy trong Bản Thông Tin Giáo phận Qui Nhơn, số 126,tháng 10/2008, tr. 633-635.


[5] Nguyễn Văn Khôi, “Tổ chức mục vụ giáo phận”, trong Phụ Bản Bản Thông Tin Giáo phận Qui Nhơn, số 131, 3/2009, tr. 5-14.