Thứ Sáu, 2 tháng 9, 2011

HÌNH TƯỢNG ĐÁ TRONG VĂN HỌC DÂN GIAN VÀ ĐƯƠNG ĐẠI

Núi Đá Bia, Phú Yên

NGUYỄN HOÀI SƠN

Sống hàng ngàn đời ở xứ sở có nhiều đá, vui chơi giải trí bằng những nhạc cụ đá và đến khi chết cũng nằm trong đá (mộ đá), có phải vì thế mà người dân Phú Yên có cách nghĩ, cách ứng xử, cách hành động thích nghi với môi trường sống. Chính môi trường, cảnh quan thiên nhiên xung quanh con người ở nơi đây đã thẩm thấu vào tâm tư tình cảm của họ tự khi nào không rõ, để rồi mỗi khi đi xa họ lại nhớ đến quê nhà.
 Trong sâu thẳm của tâm hồn và khi cảm xúc dâng trào, ai đó cũng có thể tạo nên những vần thơ, lời ca điệu múa hoặc những chuyện kể dân gian. Năm tháng trôi qua, những sáng tạo đó được các thế hệ kế tiếp nhau gọt giũa, sàng lọc để rồi trở thành những sáng tạo chung. Đó là những di sản văn hóa phi vật thể phong phú, đa dạng…
Trong kho tàng văn học từ truyền thống đến đương đại ở Phú Yên có không ít câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ, hò vè …đề cập đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội được thông qua hình ảnh đá. Đó là những địa danh núi, sông, đầm vịnh; hoặc là những kinh nghiệm để nhận biết thời tiết, kinh nghiệm miền sông nước, cũng có khi là những lời răn dạy cách đối nhân xử thế...
Văn hóa là lối sống, thế ứng xử với môi trường tự nhiên và môi sinh xã hội. Có thể dẫn chứng một số nội dung thuộc thể loại văn học dân gian địa phương còn được lưu truyền đến nay và những sáng tạo văn học nghệ thuật đương đại, để minh họa những sáng tạo lấy cảm xúc sáng tác từ những di sản đá tự nhiên hoặc những cảnh quan thiên nhiên đẹp, hùng vĩ.
+ Nội dung liên quan đến địa danh (núi, sông, gành, bãi, hòn…):
Anh hỏi em cột phướn ai trồng?
Đá Bia ai dựng, gành Rồng ai xây?
Hay
Mũi nạy có hòn Đá Bia / Bãi Nồm nằm trước dựa kề Vũng Rô.
Qua một câu ca dao cũng có thể giúp người ta hiểu được về nguồn gốc của địa danh và những tình cảm chứa đựng trong lời trêu cợt nhau:
Gành đá ăn cá bỏ đầu
Xóm Bầu thấy vậy xỏ xâu đem về…
Những lời trên nghe qua tưởng chừng họ chê bai, hạ thấp nhau, nhưng không phải vậy, đây là những lời tâm sự của những người thâm tình. Xóm Bàu và xóm gành Đá ngày trước đều thuộc thôn Mỹ Hòa, xã Hòa Thắng. Mương dẫn thủy và tỉnh lộ đã chia gành Đá, xóm Bàu ra làm hai xóm. Nhưng không vì thế mà chia cách tình cảm trai gái trong làng, họ chơi với nhau rất thân, từ chỗ thân tình mới có những câu ca dao chan chứa nỗi đồng cảm như vậy.
Sáng tác văn học dân gian còn phản ánh những hình ảnh rất đẹp của làng quê Phú Yên. Trong đó yếu tố núi, sông luôn hòa quyện, đan xen vào nhau, tạo nên bức tranh phong cảnh sơn thủy hữu tình làm đắm say lòng người. Ở đây cảnh quan thiên nhiên trở thành đối tượng phản ánh của văn học nghệ thuật với bao nỗi vương vấn trong tình cảm nhớ thương khôn nguôi:
Sông Bàn Thạch quanh co uốn khúc
Núi Đá Bia cao vút tầng mây
Sông kia núi nọ còn đây
Mà người non nước giờ đây phương nào
Ở một góc nhìn khác, dòng sông là tấm gương phản chiếu hiện thực, nhưng không bao giờ tách rời những hình ảnh thân quen đã trở thành biểu tượng của thiên nhiên, của văn hóa một vùng đất:
Sông Cầu, sông Cái, sông Ba
Vào sông Bàn Thạch lộng tòa Đá Bia.
Sự đối đáp khôn ngoan lanh lợi của người phụ nữ làm cho họ luôn ở thế chủ động:
 Mất chồng ta chẳng có lo,
Sợ anh mất vợ nằm co một mình.
Hay
Bước chân lên đèo Cả
Trông sang Vạn Giã, ngó lại Tu Bông
Biết rằng cha mẹ có đành không
Mà anh chờ em đợi uổng công đôi đàng
 + Nội dung liên quan đến tình yêu quê hương đất nước
Phải chăng di tích Đá Bia vừa có ý nghĩa văn hóa, vừa mang nhiều dấu vết lịch sử cả truyền thuyết lẫn hiện thực và phảng phất màu huyền thoại nên làm say đắm nghệ nhân dân gian và thi sĩ đương đại. Bên cạnh những sáng tác dân gian giãi bày tâm sự cá nhân, ngợi ca cảnh đẹp quê hương đất nước; còn có không ít sáng tác của các tác giả đương đại in đậm dấu ấn lịch sử trong tiến trình phát triển của dân tộc, để rồi lớp lớp hậu thế mỗi khi nhìn vào di tích, di sản đó vẫn thấy được công ơn của tổ tiên, từ đó ra sức gìn giữ giang sơn gấm vóc mà thế hệ cha anh đổ bao máu xương gây dựng. Tiêu biểu hơn cả là sáng tác của tiến sĩ Phan Thanh Giản trên đường thiên lý qua Thạch Bi Sơn, xúc động trước giang sơn cẩm tú, núi non hùng vĩ, có cảm tác bài thơ:
Nhất phiến sơn đầu thạch
Cao quyền xuất bích tiêu
Phân cương Hán lập trụ
Trú tất Đường bình lưu
Cổ triện bạch vân ám
Thần công thanh sử phiêu
Lặc bia nhãn hà khí
Hành khách tứ thiều thiều

Năm 1943, báo Tiếng Dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng đã dịch như sau (Việt Ngâm dịch):
Mảnh đá đầu non dựng
Tầng cao ngất một phương
Chia bờ nêu trụ Hán
Đuổi giặc trú xe Đường
Chữ triện mây lu nét
Công thần sử rọi gương
Chạm bia người đã vắng
Hành khách chạnh lòng thương.
 Năm 1939, trong chuyến đi từ Huế vào Nha Trang thi sĩ Quách Tấn có bài thơ Đường luật vịnh cảnh Phú Yên. Trong đó Đá Bia vẫn là tâm điểm của cảm xúc – Hai câu phá, thừa:
 Từ đảnh Cù Mông đến Vũng Rô
Con đường thiên lý chạy quanh co…
Và hai câu kết
Đá Bia tích cũ mây dù lấp
Qua lại còn nghe khách chuyện trò…

Năm 1946, nhà thơ Hữu Loan có bài thơ ghi lại hình ảnh các chiến sĩ trấn giữ nơi này vào những ngày đầu toàn quốc kháng chiến:
Đèo Cả!
Đèo Cả!
Núi cao ngất !
Mây trời ai lao
Sầu đại dương !
Dặm về heo hút
Đá Bia mù sương…
Dưới cây bên suối độc
Cheo leo chòi canh
Như biên cương…
 Sự phong phú và đa dạng của các loại hình sáng tác cũng chưa đặc tả hết sự hùng vĩ và vẻ đẹp của Đá Bia. Điển hình sinh động về Đá Bia qua những vần thơ không thể không đề cập đến sáng tác của Nguyễn Đình Tư - tác giả công trình biên khảo nổi tiếng: Non nước Phú Yên, bài thơ là lời từ bạch của tác giả khi nghĩ tới công lao của tổ tiên ngày xưa đã tốn biết bao xương máu, mở rộng bờ cõi về phương Nam cho con cháu ngày nay an hưởng. Bài thơ đọng lại bao tình cảm sâu lắng cho lớp lớp đọc giả:
Sừng sững vươn cao đá một hòn
Trải bao mưa nắng vẫn không sờn
Quanh co sườn núi đường lên xuống
Trắng xóa chân non sóng dập dờn
Sự nghiệp ngàn năm Bia Đá tạo
Biên cương một thuở cột đồng xây
Công lao tiên tổ còn lưu đó
Ai nỡ lòng nào phụ nước non.1
 Trên cơ sở nhận thức về di sản văn hóa nói chung và Di sản văn hóa đá ở Phú Yên nói riêng, bước đầu hiểu về giá trị của đá, của một loại hình di sản văn hóa riêng biệt, độc đáo mà các công trình nghiên cứu trước chưa đề cập nhiều. Từ trong thiên nhiên, đá đã tạo nên những giá trị vừa mang tính lịch sử vừa mang tính nghệ thuật, đem lại cho con người những di sản văn hóa trường tồn với thời gian. Đá Bia được biết như nhất trụ kình thiên, Đá Đĩa - một di sản văn hóa độc đáo của quốc gia, một không gian văn hóa, du lịch nổi tiếng ở khu vực Nam Trung Bộ. Những công cụ đá thô sơ đến tinh xảo ở thời kỳ khai nguyên đất nước đến những tác phẩm điêu khắc đá nghệ thuật cổ kính điêu luyện, tất cả thể hiện tâm hồn, cuộc sống của con người hòa quyện vào tự nhiên tạo nên những di sản đá đặc sắc.


Những Di sản văn hóa đá ở Phú Yên thể hiện tính thống nhất, hữu cơ trong cuộc sống của con người. Họ không chỉ sử dụng đá trong thiên nhiên để xây dựng nhà cửa, đường đi mà còn tôn thờ đá như một vật linh thiêng, kính ngưỡng. Con người vừa sử dụng đá trong chế tác thẩm mỹ hiện đại, trong đấu tranh bảo vệ quê hương, vừa thổi hồn vào đá tạo những âm thanh vang vọng như đưa con người về với quá khứ xa xăm và những tác phẩm văn học dân gian như lời thơ của đá thể hiện sức sống mạnh mẽ của con người xưa và nay.


(1) Nguyễn Đình Tư (1964),
Non nước Phú Yên, Nxb Tiền Giang Tr.120