Thứ Sáu, 30 tháng 9, 2011

TIN GIÁO PHẬN QUI NHƠN THÁNG 9

Ø  CHỦNG SINH THỰC TẬP MỤC VỤ
Từ ngày 25 đến 27/08/2011 Chủng viện Qui Nhơn tổ chức cuộc tĩnh tâm cho quý thầy chuẩn bị đi thực tập mục vụ. Cha Gioan Võ Đình Đệ phụ trách giảng tĩnh tâm cho quý thầy với những đề tài thiết thực trong thực tập mục vụ.
Bên cạnh những đề tài chính do cha giảng phòng đưa ra, quý thầy còn được nghe trao đổi một số vấn đề thực tế trong việc giúp xứ, chẳng hạn như tương giao với cha sở, với giáo dân, đời sống đạo đức - nhân bản và trí thức trong thời gian thực tập mục vụ, về chính công việc mục vụ,… Những đề tài thực tế sống động nầy do một số cha chia sẻ như cha Tổng Đại Diện Phêrô Hoàng Kym, cha hạt trưởng Bình Định Giuse Lê Kim Ánh, cha Giám đốc chủng viện Qui Nhơn Giuse Huỳnh Văn Sỹ, cha Phêrô Võ Tá Khánh.
Thực tập mục vụ là thời gian nối dài của việc huấn luyện. Việc huấn luyện linh mục cần có sự cộng tác của nhiều người mà đặc biệt là nơi các cha sở. Các cha sở trực tiếp đón nhận và hướng dẫn quý thầy trong tình huynh đệ như người anh đi trước hướng dẫn cho đàn em.
Các thầy mãn triết học sẽ có thời gian thực tập mục vụ một năm. Sau đó quý thầy sẽ trở lại Đại Chủng Viện để tiếp tục chương trình thần học. Còn quý thầy mãn thần học, sau thời gian thực tập sẽ chờ quyết định của Giám Mục giáo phận về việc chịu chức phó tế, linh mục và bổ nhiệm trong tương lai.
Danh sách cụ thể quý thầy thực tập mục vụ tại các giáo xứ như sau.

Quý thầy mãn Thần học
      Tên thánh, họ và tên            Sinh     Nguyên quán   Giáo xứ TT
1.   Carôlô Ng. Phan Huy Dũng   1981    Mằng Lăng      Tuy Hòa
2.   Gioakim Nguyễn Tấn Đạt   1981    Phú Hữu          Kiên Ngãi
3.   Phêrô Nguyễn Ngọc Đức    1979    Hòa Ninh        Hòa Ninh
4.   Matthia Võ Nhân Thọ         1979    Nam Bình        Phú Thạnh
5.   Antôn P. Ng Xuân Thuyên 1982    Nha Trang       Đông Mỹ
6.   Simon Nguyễn Thanh Tú    1979    Gò Thị              Sông Cạn
7.   Phêrô Lê Hoàng Vinh         1982    Đa Lộc            Đồng Tre
8.   Phêrô Lê Nguyễn Hoàng Vũ   1976    Nha Trang       Chính Tòa

Quý thầy mãn Triết học
      Tên thánh, họ và tên            Sinh     Nguyên quán   Giáo xứ TT
1.   Đaminh Đỗ Nhị Anh           1983    Tịnh Sơn         Tịnh Sơn
2.   Philipphê Phan Quốc Dũng 1972    Chính Tòa       Hội Lôc
3.   Giuse Nguyễn Minh Đạt     1984    Gò Thị             Lục Lễ
4.   Tôma Nguyễn Văn Điền     1983    Đại Bình          Chính Tòa
5.   Phêrô Phạm Tiến Phi           1983    Tân Dinh         Cây Rỏi
6.   Phaolô Nguyễn Anh Quốc  1981    Gò Thị                Gò Thị
7.   Simon Phêrô Võ Hoàng Sâm   1983    Phú Hữu          Phú Hữu
8.   Giuse Trần Hoàng Thiện     1985    Tân Dinh         Sông Cầu

Ø ĐÓN ĐỨC TỔNG GIÁM MỤC LEOPOLDO GIRELLI, ĐẠI DIỆN KHÔNG THƯỜNG TRÚ CỦA TÒA THÁNH TẠI VIỆT NAM
Lúc 15 giờ ngày 6 tháng 8, Đức Cha phó Matthêô hướng dẫn phái đoàn giáo phận Qui Nhơn đi đón Đức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli, Đại Diện không thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam đến thăm giáo phận Qui Nhơn. Phái đoàn gồm có Đức Cha Matthêô làm trưởng đoàn, cha Phaolô Trịnh Duy Ri, cha Giuse Võ Tuấn, cha Gioakim Bùi Văn Ninh, Sr Maria Võ Thị Tuyết, phó Tổng Phụ Trách Dòng MTG/QN và Sr Magarita Nguyễn Thị Ngọc Thiền, Tổng Thư Ký, Sr Phanxicô Assidi Hồ Thị Kim Nhận, phụ trách cộng đoàn Dòng Thánh Phaolô tại Qui Nhơn, Sr Luxia Hoàng Thị Mỹ Dung, phụ trách cộng đoàn Dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ tại Qui Hòa.
Sau khi nghỉ đêm tại nhà xứ Quảng Ngãi, sáng ngày 7/9, phái đoàn lên đường đi Tam Kỳ, giáo phận Đà Nẵng. Lúc 9 giờ 30, phái đoàn đón Đức Tổng Giám Mục và cha thư ký Andrea về dùng cơm trưa tại nhà xứ Quảng Ngãi, cùng với cha hạt trưởng Phêrô Đặng Son, quí soeurs Dòng MTG/QN đang phục vụ tại Quảng Ngãi và Phú Hòa, các chức việc. Trước khi dùng cơm, cha hạt trưởng có đôi lời chào mừng Đức Tổng. Ngay sau cơm trưa, đoàn khởi hành về Qui Nhơn cho kịp giờ đã định.
4 g chiều, phái đoàn đã về đến TGM Qui Nhơn. Đức cha Phêrô và linh mục đoàn giáo phận Qui Nhơn đã tập trung tại phòng khách TGM để chào đón Đức Tổng Giám Mục. Sau nghi thức đón tiếp ngắn ngủi, mọi người chuẩn bị để dâng thánh lễ đồng tế trọng thể tại Nhà thờ Chính Toà vào lúc 4g30.
Trước khi cử hành thánh lễ, Đức Cha Phêrô đã chào mừng Đức Tổng bằng những lời thật chân tình: “Đức Tổng hiện diện nơi đây với tư cách là đại diện của Đức Thánh Cha thân yêu. Điều nầy biểu lộ rõ rệt lòng ưu ái và truyền thống của Mẹ Giáo Hội đối với những người con tại miền đất truyền giáo xa xôi nầy. Hơn nữa, Đức tổng đến đây còn với tư cách cá nhân cùng tấm lòng yêu thương chúng con. Chúng con biết Đức Tổng không những là Đại diện Tòa Thánh không thường trú tại Việt Nam mà còn đang đảm nhiệm những chức vụ quan trọng khác tại vùng Đông Nam Á. Công việc thật bề bộn, nhưng Đức Tổng đã ưu ái dành thời gian thăm viếng mục vụ 26 giáo phận cả nước Việt Nam. Do đó, chúng con không còn thấy sự xa cách hay ngăn trở vì sự “không thường trú”, mà cảm nhận sự hiện diện gần gũi “thường trú” của Đức Tổng bên cạnh. Và cho dù hoàn cảnh hiện nay không cho phép Đức Tổng hiện diện thường xuyên trên đất nước nầy đi nữa, nhưng chúng con tin rằng con tim Đức Tổng vẫn “thường trú” tại Việt Nam với chúng con”. Sau đó, các chị em dòng MTG Qui Nhơn đã múa vũ khúc chào mừng Đức Tổng Giám Mục nhằm giới thiệu nét riêng của vùng đất Bình Định là những điệu võ Tây Sơn hùng tráng và vũ khúc dâng rượu Bàu Đá, một thổ sản góp phần tạo nên hào khí Tây Sơn. Đức Cha phó Matthêô sau đó cũng đã phác hoạ đôi nét về lịch sử Giáo phận Qui Nhơn.
Chương trình ngày 8/9 gồm những chuyến thăm viếng các địa điểm hành hương trong giáo phận. Địa điểm đầu tiên là Đền thánh Stêphanô ở Vĩnh Thạnh, nơi ẩn náu cuối cùng của Thánh Giám Mục Stêphanô Thể, và Đài kỷ niệm Nước Mặn vừa mới được hoàn thành, nơi đặt cơ sở truyền giáo đầu tiên của Đàng Trong vào năm 1618. Phái đoàn sau đó đã viếng thăm nhà thờ Gò Thị, một giáo xứ kỳ cựu trong giáo phận, và dùng cơm trưa tại Dòng Mến Thánh Giá Gò Thị. Buổi chiều, nhằm ngày lễ Sinh Nhật Đức Trinh Nữ Maria, Đức Tổng đã đi thăm nhà thờ Mằng Lăng và dâng thánh lễ tại đây, quê hương của Á Thánh Anrê Phú Yên.
    Chuyến viếng thăm của Đức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli tại Giáo phận Qui Nhơn đã kết thúc vào lúc 4g45 sáng ngày 09/09/2011.
Ø  KHOÁ THƯỜNG HUẤN LINH MỤC 2011
Kết hợp với chương trình chào đón Đức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli tại Giáo phận Qui Nhơn, khoá Thường huấn linh mục 2011 đã được tổ chức từ ngày 05/9 đến 09/9/2011, với chủ đề “Truyền giáo: từ Missio Dei đến Missio Ecclesiae” .
Trong buổi sáng ngày 05/9, các linh mục trong ba giáo hạt đã lần lượt tề tựu về Toà Giám Mục để kịp chào hai Đức cha trước giờ cơm trưa. Cha Tổng đại diện đã thay mặt linh mục đoàn nói lên lời tri ân khi được tham dự khoá thường huấn này: “Các bậc túc nho thường nói “Nhân bất học bất tri lý”. Vì thế mỗi chúng con cần tự thường huấn. Khi anh em cùng học, rồi lúc có thầy để thụ huấn thì chắc việc học sẽ phong phú chất liệu và quý báu. Giáo Hội nhắc đến thường huấn trong Pastores dabo vobis. Còn nếu nhìn vào Kinh Thánh thì động từ discere được lặp lại rất nhiều lần. Tỉ như Dnl 5, 1: “Israel, discite ea, et opere complete” (Hỡi Israel, hãy học cho biết những điều ấy rồi đem ra thực hành) hay Mt 11, 29 “Discite a me …” (Hãy học cùng ta …). Hôm nay chính hai Đức cha đã ưu ái ban cho anh em linh mục chúng con được hưởng nhờ ân huệ những ngày thường huấn này. Kính xin hai Đức cha cầu nguyện và nâng đỡ chúng con để tuần thường huấn này đem lại nhiều kết quả tốt”.
Khoá thường huấn được bắt đầu vào lúc 2 giờ chiều với bài Huấn từ khai mạc của Đức Cha Phêrô: “Những năm gần đây tôi rất vui mừng vì có nhiều cha nhất là các cha sở và Ban Loan Báo Tin Mừng của Giáo phận rất nhiệt thành và có nhiều sáng kiến hữu ích trong việc truyền giáo. Tôi vừa cảm ơn vừa cảm phục trước những hy sinh âm thầm của nhiều Cha cho công cuộc truyền giáo trong Giáo phận. Năm nay chúng ta lại có thêm một dấu chỉ đầy hy vọng cho công cuộc loan báo Tin Mừng nữa, đó là Ban Thường Huấn linh mục Giáo phận chọn chủ đề truyền giáo. Việc thường huấn linh mục rất quan trọng vì các linh mục là những cộng tác viên nòng cốt của Giám Mục trong các sứ vụ giảng dạy, thánh hóa và cai quản Giáo phận”.
Và trong những ngày kế tiếp, chủ đề “Truyền giáo” được các thuyết trình viên trình bày dưới nhiều khía cạnh khác nhau: Truyền giáo: nền tảng Kinh Thánh và Thần Học (Cha Phaolô Nguyễn Minh Chính); Luân lý và Truyền giáo theo Thông điệp Veritatis Splendor của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II (Đức Cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi); Hoạt động truyền giáo theo quy định của Giáo Luật (Cha Giuse Huỳnh Văn Sỹ); Học hỏi sắc lệnh về Truyền giáo của Giáo Hội Ad Gentes (Cha Phaolô Trịnh Duy Ri); Phương pháp truyền giáo của Đức cha Cuénot Thể (Cha Gioan Võ Đình Đệ) và Tân Phúc Âm hoá (Cha Giuse Lê Kim Ánh). Sau mỗi bài thuyết trình là phần hội thảo của các linh mục được chia làm 4 tổ, chia sẻ và đóng góp ý kiến về nội dung bài thuyết trình vừa được trình bày.
Trưa ngày 09/9, kết thúc khoá thường huấn. Cha Tổng đại diện cũng thay mặt anh em linh mục kính chào hai Đức cha và tổng kết hiệu quả của những gì vừa mới được thâu nhận: “Sau tuần lễ được dạy, hôm nay chúng con no đầy lương thực chất lượng bài học “truyền giáo”… Thế nên, giờ này, phần chúng con, khi đã được tiếp dưỡng sinh chất, chúng con phải tiêu hoá để trở nên cường tráng, dồi dào sinh lực, thành hiện hữu mới trong truyền giáo mới. Thực vậy chúng con được học biết rằng duy chỉ từ nguồn một Đức Kitô truyền giáo mà sản sinh một Marcô với mission itinérante, một Matthêô với mission enseignante, một Luca với mission du témoignage, một Gioan với mission transformante, và xuất hiện một Phaolô, nhà thầy truyền giáo tuyệt vời. Thì, thân lạy Đức cha, anh em học viên tại khoá, nhiệt tình và chân tình, hic et nunc, ở Qui Nhơn đây và thế hệ này, theo môt hình logic đó, với kiểu thức đã nắm bắt, Chúa cho sẽ đâm mầm và mọc lên linh mục A có mission … rồi linh mục B với mission …. Thế là góp gió muôn phương, tung hoa muôn hướng. Một mùa bội thu dân Chúa – nối tiếp truyền thống cha ông – tiếp tục và phát triển khổ công tiền nhân gieo vãi. Ghi nhớ 400 năm Tin Mừng đến với Giáo phận – Ước mong thay!”.
Mọi người trở về nhiệm sở mình với một tinh thần truyền giáo mới đã được khơi nguồn, chỉ cần đem ra thực hành với một lòng nhiệt thành như trong lời huấn dụ của Đức cha Phêrô: “Chúng ta cần cảm nghiệm và đem ra thực hành trong đời linh mục của mình rằng «Tin mừng không phải là một thiện ích dành riêng cho người lãnh nhận, nhưng là một hồng ân cần phải được chia sẻ, một tin vui cần phải thông truyền. Hồng ân - nghĩa vụ này được ủy thác không phải chỉ cho vài người, nhưng cho tất cả các tín hữu đã chịu phép rửa, họ là “giòng dõi được tuyển chọn... là những người thánh thiện, là dân mà Thiên Chúa đã thủ đắc cho mình” (1 Pr 2, 9), để công bố những kỳ công của Chúa» (Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, Sứ điệp truyền giáo năm 2011)”.
Ø ĐỨC CHA PHÓ MATTHÊÔ ĐI DỰ HỘI THẢO VỀ THÁNH STÊPHANÔ CUÉNOT TẠI BÉLIEU (PHÁP)
Nhân kỷ niệm 150 năm cuộc tử đạo của thánh giám mục Stêphanô Cuénot Thể, Đức Cha André Lacrampe, Tổng giám mục Tổng giáo phận Besançon (Pháp) gửi thư mời Đức Cha Matthêô và Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh (Kontum) đến dự cuộc hội thảo về thánh giám mục Stêphanô tại Bélieu vào ngày 17 và 18 tháng 9 năm 2011.
Lúc 22 giờ 30 ngày 15/9, Đức Cha Matthêô cùng với Đức Cha Micae bay sang Pháp, nghỉ tại nhà MEP ở Paris. Hôm sau hai Đức Cha cùng với cha cựu bề trên G.B. Etcharren và một số linh mục Việt Nam đang du học tại Paris đi xe lửa TGV đến thành phố Besançon cách Paris hơn 500 km. Đức Cha André Lacrampe tiếp đoàn vào tòa tổng giám mục và viếng thăm nhà thờ chính tòa ngay bên cạnh. Sau khi dùng cơm trưa, đoàn lên đường hướng về Bélieu, quê hương của thánh Stêphanô, cách Besançon độ 60 km. Vào thời thánh Stêphanô, Bélieu là nhà thờ giáo xứ, nhưng nay vì thiếu linh mục nên chỉ còn là một nhà thờ nhánh thuộc giáo xứ Russey.
Khi đến nơi, vừa đúng 15 giờ, cuộc hội thảo bắt đầu ngay trong nhà thờ, với sự hiện diện của khoảng 300 người, trong đó có một thượng nghị sĩ, một dân biểu quốc hội và một thị trưởng. Cuộc hội thảo diễn tiến với 3 đề tài do ban tổ chức đưa ra. Trước hết là bài thuyết trình của một sử gia tên là JM Blanchot, trình bày bối cảnh xã hội vào thời thánh Stêphanô tại Besançon, đặc biệt ở Bélieu. Tiếp đến, Đức Cha Matthêô trình bày đôi nét về nơi thánh giám mục Stêphanô đã sống, tức là Gò Thị từ thời thánh Stêphanô đến nay. Cuối cùng Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh trình bày về công cuộc truyền giáo tại Tây Nguyên từ thời thánh Stêphanô đến nay, đặc biệt là trường đào tạo các giáo phu. Mỗi bài thuyết trình kéo dài độ 45 phút. Vào lúc 18 giờ thánh lễ đồng tế được cử hành để kính thánh Stêphanô. Sau thánh lễ mọi người quây quần xung quanh tượng thánh Stêphanô trước nhà thờ để cầu nguyện và dâng hoa. Vì có một số linh mục và giáo dân Việt Nam tham dự nên có nhiều bài thánh ca Việt Nam được hát xen kẽ với những bài thánh ca bằng tiếng Pháp. Sau đó mọi người về dùng cơm tối tại nhà mẹ các soeurs Dòng Retraite chrétienne và nghỉ đêm tại đó.
Sáng hôm sau, mọi người đi đến nhà thờ giáo xứ Russey. Chương trình mở đầu bằng giờ kinh sáng, tiếp đến cha G.B. Etcharren, cựu bề trên Hội Thừa Sai Paris có bài nói chuyện về ý nghĩa của mối dây liên hệ và hiệp thông giữa các Giáo Hội, trong đó ngài nêu lên những đóng góp của các linh mục, tu sĩ và giáo dân Việt Nam tại Âu châu và Mỹ châu. Sau đó là thánh lễ đồng tế theo phụng vụ ngày Chúa nhật XXV thường niên. Hai ngày hội thảo và gặp gỡ đã diễn ra tốt đẹp, để lại dấu ấn sâu đậm nơi mọi người tham dự, đặc biệt là cộng đoàn dân Chúa tại tổng giáo phận Besançon. Ngoài cuộc hội thảo và thánh lễ đồng tế tại Bélieu và tại Russey, Đức Cha André Lacrampe còn đưa mọi người đến thăm một số cơ sở khác của giáo phận. Sau đó ngài tiễn đưa hai đức cha và các cha ra ga để trở về Paris.
Ngày 19/9, Đức Cha tranh thủ sang Na Uy để thăm cha FX Huỳnh Tấn Hải, cha Phaolô Phạm Hữu Ý, các soeurs MTG/QN và một số người thân quen, đặc biệt để chia vui với cha F.X. Huỳnh Tấn Hải vừa được Đức Giám Mục giáo phận Oslo bổ nhiệm làm Tổng đại diện. Nhờ sự sắp xếp của cha Hải, Đức Cha chủ sự lễ thánh Matthêô quan thầy cùng với cộng đoàn giáo dân Việt Nam tại Lillestrøm và sau đó tại cộng đoàn MTG/QN ở Elkelie (Hosle). Đức Cha trở về Việt Nam vào chiều ngày 23/9.

Ø  ĐỨC CHA PHÓ MATTHÊÔ ĐI DỰ HỘI THẢO VỀ NGHỆ THUẬT THÁNH
Trước khi đi dự hội thảo về thánh Stêphanô tại Pháp, ngày 13 tháng 9 Đức Cha Matthêô đi vào Sài Gòn cùng với cha Giuse Võ Tuấn để chủ sự cuộc hội thảo của Ủy ban giám mục về Nghệ Thuật Thánh. Cuộc hội thảo được tổ chức tại Trung tâm mục vụ của Tổng giáo phận Sài Gòn vào ngày 14 tháng 9, với sự tham dự của Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm, Giám đốc Trung tâm mục vụ, (tham dự phần khai mạc và bữa ăn trưa), 9 thành viên của Ủy ban nghệ thuật thánh, các linh mục đặc trách nghệ thuật thánh tại 21 giáo phận trên toàn quốc và 4 vị khách mời.
Ngoài những tham luận của Đức Cha Matthêô và nhà phê bình nghệ thuật Nguyễn Hưng, các đại biểu còn trao đổi ý kiến về một số hoạt động của Ủy ban nghệ thuật thánh. Đặc biệt Ủy ban lên chương trình mở website về nghệ thuật công giáo để giúp mọi người tìm kiếm các hình ảnh và tài liệu liên quan đến lãnh vực này, nhằm phát huy sự hiểu biết và áp dụng nghệ thuật thánh và nghệ thuật công giáo vào các lãnh vực phụng vụ, xây cất thánh đường, trang hoàng các nơi thờ tự, v.v., với tên miền:
http://www.nghethuatconggiao.org
http://www.nghethuatconggiao.net 
http://www.nghethuatconggiao.com
http://www.nghethuatconggiao.info
Sau khi từ Pháp trở về Việt Nam, vào lúc 9 giờ ngày 24 tháng 9, Đức Cha tham dự cuộc họp mặt của khoảng 400 người, gồm một số văn nghệ sĩ công giáo và nhiều nghệ nhân chế tác các tranh ảnh tượng và đồ mỹ nghệ công giáo tại Sài Gòn, do cha Vincentê Phạm Trung Thành, bề trên giám tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế tổ chức tại hội trường của trụ sở Dòng ở Kỳ Đồng. Cuộc họp mặt nhằm tạo cơ hội cho Đức Cha làm quen với giới văn nghệ sĩ và các nghệ nhân, để Đức Cha bày tỏ sự quan tâm đối với những người góp phần vào lãnh vực nghệ thuật thánh.
Ø PHÁI ĐOÀN GIÁO PHẬN QUI NHƠN ĐI DỰ LỄ AN TÁNG ĐỨC CHA GIUSE TRỊNH CHÍNH TRỰC
Được tin Đức Cha Giuse Trịnh Chính Trực, nguyên giám mục giáo phận Ban Mê Thuột vừa từ trần vào ngày 23/9, Đức Cha phó Matthêô, cha hạt trưởng Bình Định cùng với thầy Phêrô Nguyễn Lê Hoàng Vũ, lên đường đi Buôn Ma Thuột vào lúc 13 giờ ngày 26/9. Tại giáo hạt Phú Yên có cha Giuse Lê Thu Thâu từ Tịnh Sơn lên trước. Thánh lễ an táng được cử hành tại khuôn viên Tòa giám mục vào lúc 8 giờ sáng ngày 27/9. Hôm ấy cũng là ngày lễ thánh Vinh Sơn Phaolô, bổn mạng của Đức Cha Nguyễn Văn Bản. Một ngày buồn vui lẫn lộn! Đức Cha Vinh Sơn chủ sự thánh lễ cùng với 8 giám mục đến từ 6 giáo phận, khoảng 150 linh mục, đông đảo tu sĩ nam nữ và giáo dân. Vì thời tiết xấu nên có 6 giám mục đã mua vé máy bay nhưng chuyến bay bị hủy, nên không thể đến được. Mấy hôm trước trời mưa nhiều, nhưng sáng hôm ấy trời không mưa, nên buổi lễ diễn ra trong trật tự và sốt sắng.
Ø  TIN BAN MỤC VỤ GIA ĐÌNH GIÁO PHẬN
Hội nghị Ủy Ban Mục Vụ Gia Đình thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam lần thứ II, được tổ chức tại Trung Tâm Mục Vụ Tổng Giáo Phận Thành Phố Hồ Chí Minh, và Đền Thánh Đức Mẹ Bãi Dâu, giáo phận Bà Rịa, từ ngày 21-23/09/2011. Tổng số tham dự viên là 78: 1 Giám mục, 27 linh mục, 2 nữ tu, 48 giáo dân là thành viên ủy ban mục vụ gia đình của 21/26 giáo phận, Ban chấp hành các đoàn thể và các phong trào gia đình, cùng một số chuyên viên và khách mời. Đại diện Ban MVGĐ/Gp Qui Nhơn tham dự Hội nghị: Cha Antôn Nguyễn Huy Điệp, Trưởng Ban; ông Giuse Nguyễn Cho (Giáo hạt Bình Định) và bà Anê Huỳnh Thị Kiều Oanh (Giáo hạt Quảng Ngãi).
Dưới sự chủ tọa của Đức Cha Giuse Châu Ngọc Tri, Giám mục giáo phận Đà Nẵng, Chủ tịch Ủy Ban Mục Vụ gia đình. Hội nghị bàn thảo về các hoạt động mục vụ gia đình tại các giáo phận, lắng nghe những thao thức, và đưa ra định hướng những hoạt động trong thời gian tới. Hội nghị cũng thảo luận việc xây dựng đội ngũ cộng tác viên mục vụ Hôn Nhân và Gia đình các cấp.
Sau ba ngày làm việc, hội nghị thảo luận, biểu quyết và đưa ra một số định hướng cho mục vụ hôn nhân và gia đình như sau:
- Xây dựng một thủ bản hướng dẫn tổng quát cho mục vụ hôn nhân và gia đình cho Giáo hội tại Việt Nam.
- Hội nghị đã nhất trí sử dụng cuốn “Hướng dẫn mục vụ gia đình” của cha Augustinô Nguyễn Văn Dụ biên soạn và phát hành năm 2006 làm khung nền.
- Đào tạo các ứng viên mục vụ hôn nhân và gia đình tại các giáo phận.
- Thành lập Ban Nghiên Huấn (nghiên cứu và giảng huấn) trực thuộc VP/TTK Ủy ban Mục vụ gia đình do cha Augustino Nguyễn Văn Dụ làm Trưởng ban.
Sau khi kết thúc hội nghị chính thức tại TTMV tổng Giáo phận TPHCM, các đại biểu tham gia chuyến hành hương Đức Mẹ Bãi Dâu từ 15h30 chiều ngày 22/9, viếng thăm Đức cha Tôma Nguyễn Văn Trâm, giám mục giáo phận Bà Rịa, tham quan thành phố Vũng Tàu. Trong cuộc hội thảo bổ sung tại Đền Thánh Đức Mẹ Bãi Dâu vào sáng ngày 23/09/2011, Hội nghị đã tiếp tục thảo luận, và biểu quyết thông qua việc tổ chức một cuộc hội thảo về Tông Huấn Gia Đình nhân kỷ niệm 30 năm công bố (22/11/1981). Giáo phận Đà Nẵng là trung tâm điểm được chọn để tổ chức hội nghị, dự kiến hội nghị sẽ được tổ chức từ ngày 17-18/11/2011, do Văn phòng TTK và Ban mục vụ gia đình giáo phận Đà Nẵng nhận trách nhiệm tổ chức. Hội nghị kết thúc vào lúc 15g00 ngày 23/09/2011.
Ø  SINH HOẠT GIÁO HẠT QUẢNG NGÃI.
- Trại truyền thống 02/9 hằng năm tại giáo xứ Châu Ổ. Hơn 400 bạn trẻ đến từ các giáo xứ trong giáo hạt Quảng Ngãi, đặc biệt có 02 bạn trẻ đến từ hạt Bình Định. Hội trại bắt đầu từ 7g30 và kết thúc lúc 21g30. Ngoài trò chơi lớn mang tính giáo dục và những hình thức thi đua thường lệ, các bạn trẻ được học hỏi và thảo luận sứ điệp của ĐGH gửi Đại hội giới trẻ thế giới năm nay, cùng hiệp dâng thánh lễ, và đặc biệt, lần đầu tiên có giờ sám hối và xưng tội. Nhờ kinh nghiệm từ những năm trước, cuộc trại năm nay có phần phong phú hơn. Hội trại này đã khởi sự từ trên 15 năm nay, dần dần mở rộng ra đến toàn giáo hạt, thỉnh thoảng đã có các bạn trẻ đến từ một số giáo xứ thuộc giáo phận Đà Nẵng. Đây là điểm hẹn hằng năm của các bạn trẻ giáo hạt Quảng Ngãi.
- Thánh lễ Tết Trung thu. Như lịch phụng vụ đã ghi, các giáo xứ đều cử hành thánh lễ Trung thu và tổ chức mừng lễ cho các cháu thiếu nhi, như phát quà, múa lân. Đặc biệt giáo xứ Châu Ổ có cuộc thi đố vui, và thi lồng đèn do phụ huynh tự làm cho các con, và kiệu rước Chúa Hài Đồng. Dịp này giáo xứ cũng tổ chức thăm viếng và tặng quà các cụ già từ 70 tuổi trở lên tại 02 giáo họ của giáo xứ. Giáo xứ hải đảo Lý Sơn tổ chức rước đèn, múa lân, tham gia ẩm thực mừng Trung thu và đố vui có thưởng, có cả các em bên lương đến tham dự.
- Lễ khai giảng năm học giáo lý tại giáo xứ Lý Sơn. Chúa nhật XXIV TN. 11/9, Cha Sở Giuse Nguyễn Quốc Việt đã khai giảng năm học giáo lý trước sự hiện diện của các chức việc, các giáo lý viên và con em trong giáo xứ hải đảo. Cha Sở nhắn nhủ các em phải lấy Chúa Giêsu làm mẫu mực cuộc sống, giữ Mười điều răn Đức Chúa Trời và sống trọn vẹn với Tám mối phúc thật, mà muốn được như thế thì phải học giáo lý. Sau đó Cha Sở công bố chương trình giáo lý các cấp và những sinh hoạt liên quan sẽ kéo dài đến lễ Mình và Máu Chúa năm 2012. 
Chúa nhật tuần trước đó, giáo xứ cũng đã hiệp dâng thánh lễ cầu cho các cháu học sinh bước vào năm học mới. Sau thánh lễ, cha sở phát thưởng khuyến học cho học sinh đạt danh hiệu giỏi và tiên tiến ở các cấp.
- Cộng đoàn DCCT Châu Ổ mừng kỷ niệm 100 thành lập Tỉnh dòng DCCT thánh Anna. Chiều Chúa nhật 25/9, cộng đoàn DCCT Châu Ổ đã cử hành thánh lễ đồng tế đặc biệt cầu nguyện cho Tỉnh dòng Mẹ - Sainte Anne de Beaupré, Canada. Nhà thờ được trang hoàng bằng các panô và một số hình ảnh đặc biệt liên quan đến Tình dòng Mẹ. Hầu hết các thành viên trong cộng đoàn đang phục vụ tại giáo xứ Châu Ổ và các giáo điểm đều có mặt. Dù trời mưa lớn, nhưng đông đảo giáo dân về tham dự. Giáo điểm Bình Hải đã thuê 7 xe 16 chỗ cho bà con về dự lễ. Qua chia sẻ của Cha G.B. Nguyễn Thế Thiệp trong thánh lễ, mọi người có được dịp hiểu biết về lịch sử và những đóng góp rất lớn của Tỉnh dòng Mẹ đối với Tỉnh dòng Việt Nam. Hiện nay cộng đoàn DCCT Châu Ổ phụ trách các giáo xứ Châu Ổ, Lý Sơn và các giáo điểm Bình Hải, Bình Thạnh. Được biết Châu Ổ là trung tâm truyền giáo thứ hai theo thứ tự thành lập (1963) của Tỉnh dòng Việt Nam.
TIN HỘI DÒNG MTG QUI NHƠN
- Chào đón Đức TGM Leopoldo Girelli  Đúng 11g00 ngày 08.09.2011, Đức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli đến thăm Tu viện Mến Thánh Giá Qui Nhơn tại Gò Thị. Tháp tùng với ngài có Đức Cha Phó Matthêô Nguyễn Văn Khôi, cha Anrê – thư ký riêng của Đức Tổng và quý cha, quý thầy trong Giáo phận.
Niềm vui rộn lên trong tiếng pháo tay không ngớt, khi chiếc xe của Đức Tổng dừng lại trước cổng Tu viện, chị em khấn sinh, tập sinh, tiền tập và thanh tuyển đứng xếp thành hai hàng danh dự, với chiếc nón duyên dáng Việt Nam trên tay vẫy đón đưa đoàn khách quý vào Nhà Khách Tu viện.
Sau băng reo và bài hát vui nhộn, chị Tổng Phụ trách Anne Marilyne Phạm Thị Bích Hường dâng lời chào mừng và giới thiệu sơ lược về lịch sử của Hội dòng. Sau cái bắt tay thân thiện và trân trọng, Đức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli chuyển lời thăm của Đức Thánh Cha Bênêdictô XVI đến Hội dòng và ban huấn từ. Ngài nêu lên những thao thức về công việc truyền giáo của Giáo Hội đặc biệt mời gọi Hội dòng tiếp tục noi gương Đức Cha Lambert, đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa, trung thành và chu toàn sứ mạng của mình trong ơn gọi Thánh Hiến. Chấp nhận những khó khăn trong xã hội và nhiệt tâm đem Tin Mừng đến cho những người chưa nhận biết Chúa. Ngài nói, Đức Cha Lambert de la Motte đã chọn biểu tượng Thánh Giá đơn sơ nhưng đầy ý nghĩa. Ngài khuyên mỗi chị em hãy sống linh đạo Mến Thánh Giá, theo sát căn tính của Dòng.
Trưa hôm ấy, Hội dòng hân hạnh được Đức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli, Đức cha Phó Mathêô, quý cha và quý thầy cùng chia sẻ bữa cơm trưa thân mật với Hội dòng tại phòng cơm của Tu viện.
- Thánh lễ Suy Tôn Thánh Giá - khai giảng lớp học viện.
Vào lúc 09g00 ngày 14.9.2011,  tại Nhà nguyện cộng đoàn Hưu dưỡng Ghềnh Ráng, Đức Cha Phêrô Nguyễn Soạn – Giám mục Giáo phận đã chủ tế Thánh Lễ Suy Tôn Thánh Giá – mừng kính Tước hiệu Hội dòng và khai giảng lớp Học viện Mến Thánh Giá Qui Nhơn khóa I: 2011 – 2014.
 Cùng đồng tế với Ngài có Cha Giuse Lê Kim Ánh – Hạt trưởng hạt Bình Định, Cha Giuse Phạm Thanh – Linh hướng Hội dòng và 23 Linh mục trong Giáo phận. Hiệp dâng Thánh lễ còn có quý Thầy đang phục vụ tại các Giáo xứ trong Giáo phận, đại diện quý nữ tu 2 cộng đoàn Phan Sinh Qui Hòa và Phaolô Qui Nhơn, đông đủ chị em trong các cộng đoàn Nhà Mẹ, Ghềnh Ráng, Bình Định, Qui Nhơn và đặc biệt là 26 khấn sinh tạm được về học lớp thần học cơ bản 3 năm nói trên.
Được biết, việc tổ chức lớp thần học đào tạo các nữ tu trẻ tại Giáo phận là gợi ý với nhiều thao thức và ước mong cho việc đào tạo nhân sự trong Giáo phận có nhiều hiệu quả tích cực. Quý Đức Cha, quý cha Giáo phận và chị em trong Dòng đảm nhận việc giảng dạy.
Mở đầu Thánh lễ, Đức Cha ngỏ lời chúc mừng Hội dòng và quan tâm đặc biệt đến việc khai mở lớp Học viện. Ngài nói:  “ …Hôm nay cũng là ngày đặc biệt vì đánh dấu sự khai sinh Học viện của Hội dòng. Học viện này là một nỗ lực rất đáng quý và đáng khen của quý chị em, nhất là của ban lãnh đạo Hội dòng. Đó cũng là mơ ước tôi từng ấp ủ từ lâu và thường chia sẻ với chị em. Sau bao trăn trở và chuẩn bị, hôm nay Học viện của Hội dòng đã ra đời. Mơ ước của chúng ta giờ  đây trở thành hiện thực. Nhiều cha trong Giáo phận và nhiều chị đã được gởi đi du học một phần nhằm mục đích phục vụ cho Học viện. Trước khi có Học viện này, nhiều chị em được gởi đi học xa nơi này nơi khác. Đi học xa cũng có nhiều cái hay nhưng cũng có lắm cái khó. Khó vì sẽ khó đủ tiền bạc và thời gian cho chị em đi học xa. Khó vì khó có được đầy đủ các chị em đi học. Khó vì sẽ khó hội nhập trở lại môi trường cũ khi chị em học xong. Khó vì “xa mặt cách lòng”. Chị em đi xa có nguy cơ dần xa lạ với đất tổ Gò Thị, với Nhà Mẹ và cả với Giáo phận. Còn học tại nhà cũng có nhiều cái hay. Hay vì Học viện Mến Thánh Giá Qui Nhơn ra đời hôm nay là một ơn Chúa ban với nỗ lực cộng tác của nhiều người. Hay vì Học viện đặt tại Giáo phận có nhiều ưu thế. Hay vì đã vượt qua những cái khó nói trên. Hay vì phần lớn cha giáo, chị giáo là “cây nhà lá vườn”. Hay còn là vì “ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn. Cái hơn muốn nói ở đây không phải là về tri thức mà là “cái tâm” của cha giáo, chị giáo “người nhà” và “cái tình” của học viên ngày ngày trao cho nhau tại cái nôi Giáo phận mẹ và tại quê mẹ của Hội dòng. “Cái tâm, cái tình” đó mới làm cho tri thức thủ đắc được trở nên hữu ích hơn. Như thế, chúng ta không vui mừng sao được ngày khai sinh Học viện Mến Thánh Giá Qui Nhơn. Chúng ta cùng tạ ơn Chúa và chúc mừng Hội dòng.Cầu chúc Hội dòng ngày càng thăng tiến, mến chúc chị em học viện được sức khỏe và khôn ngoan để càng thêm tri thức thì càng thêm đạo đức hầu phục vụ Chúa và Hội thánh đắc lực hơn”. 
Trong bài giảng lễ, Cha Giuse Huỳnh Văn Sỹ - Giám đốc Chủng viện Qui Nhơn đã nêu lên sự cao quý của Thập Giá đối với người Kitô hữu, Thập giá là đỉnh cao của mạc khải tình yêu và vinh quang của Thiên Chúa. Thập giá Đức Kitô trở nên đối tượng duy nhất của lòng trí của chúng ta. 
 Cha Giuse nói: “Hôm nay lễ kính Thánh giá Chúa, tước hiệu của dòng chị em Mến Thánh Giá. Chị em có thể thoáng buồn khi nghe nói: “Tên Mến Thánh Giá với chiếc áo dòng đen chẳng có gì hấp dẫn người thời nay”. Đối với một số người,tên Mến Thánh Giá có thể chẳng gợi lên điều gì dịu dàng dễ thương, dễ chấp nhận. Nhưng thực tế, hầu như giáo phận nào cũng có Dòng Mến Thánh Giá. Giáo phận nào chưa có đều ước mong cho có. Số nữ tu dòng Mến Thánh giá hàng năm cũng tăng lên không ngừng. Hơn nữa, sự hấp dẫn của Hội dòng đâu phải bởi cái tên mà là do linh đạo, do lối sống đặt nền tảng trên tình yêu say mê thập giá Đức Kitô đến độ trở thành đối tượng duy nhất của lòng trí mình. Yêu Đức Kitô là yêu thập giá. Ai say mê Đức Kitô thì cũng phải hiểu ý nghĩa và chấp nhận thập giá Đức Kitô trong đời mình.
Vậy chị em hãy hãnh diện vì mình được mang tên là dòng Mến Thánh Giá và phải mến Thánh giá thực sự. Muốn không chưa đủ, phải yêu Thánh giá nữa và phải thể hiện ra trong đời sống hàng ngày. Thiếu tình yêu, Dòng Mến Thánh Giá có nguy cơ biến thành dòng “khiếp Thánh giá”, hay dòng “chán Thánh giá”; và tệ hơn nếu trở nên dòng “ghét thánh giá” hay “kinh thánh giá” thay vì kính Thánh giá. Thiếu tình yêu thập giá có thể khiến chị em nào đó rời dòng Mến Thánh giá và chuyển hướng sang dòng “Mến Thánh Gia”, lúc nào không biết. Thánh Anrê giám mục Crêta nói rằng «Có được thánh giá là điều lớn lao biết mấy! Ai có thánh giá là có một kho tàng... đó là của tốt nhất và đẹp nhất trong mọi của cải».Vậy chúng ta hãy giữ gìn, trân trọng và yêu thập giá Đức Kitô”.
Nhân ngày khai sinh Học viện, Cha đã khích lệ các khấn sinh trẻ: “Chị em về đây để được huấn luyện về mặt thiêng liêng và nhân bản, tri thức và mục vụ. Chương trình ba năm thần học tính sơ sơ có 57 môn học và chẵn 1900 tiết học. Nhiều môn nhiều tiết, chưa học mà có người đã thấy choáng thấy ngợp. Nhưng sẽ chẳng có gì phải choáng ngợp vì xét cho cùng, tất cả các môn học đều đồng qui nơi Kitô. Đó là học biết Đức Kitô, yêu Đức Kitô, bước theo Đức Kitô, sống như Đức Kitô. Nói như Thánh Phaolô «Tôi đã không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh vào thập giá» (1Cr 2,2). Do vậy Học viện Mến Thánh Giá có thể được định nghĩa: đó là “Học việc Mến Thánh Giá”. Có ngày khai giảng Học viện rồi sẽ có ngày bế giảng, nhưng “học việc Mến Thánh Giá” sẽ không có ngày bế giảng. “Học việc Mến Thánh Giá” là việc suốt đời. Trường học tình yêu Đức Kitô không có ngày ra trường bởi lẽ tình yêu đó không thể bị đóng khung và cho điểm. Tình yêu không đo bằng những con số mà bằng sâu thẳm tâm hồn đong đầy những hy sinh và sự từ bỏ cái tôi của mình”.
Mượn lời của Thánh Thoma Aquinô, Cha Giuse kết thúc bài giảng: “Thánh Thoma Aquinô có lần hỏi Thánh Bonaventura rằng làm thế nào mà ngài có được sự thông thái thần học sâu sắc hiện đầy trên các trang viết đến như thế. Thánh Bonaventura chỉ lên Thánh giá và nói rằng: ngài đã học biết tất cả nhờ chiêm ngắm Thánh giá. Hôm nay mừng lễ suy tôn Thánh Giá, chúng ta cầu nguyện cho nhau để thực sự có lòng yêu mến Thánh giá Chúa và coi đó là đối tượng duy nhất của lòng mình để chiêm ngắm mỗi ngày trong cuộc sống”.
Sau Thánh lễ, tại nhà cơm của Cộng đoàn, chị em Học viện chia sẻ niềm vui và biết ơn quý Đức Cha, quý Cha, quý chị em trong Hội dòng đã ưu ái quan tâm qua tâm tình bài hát Mùa xuân đầu tiên. Sau bữa cơm trưa thân tình, chị em tiễn mọi người ra về, trả lại bầu khí yên lắng, trầm tĩnh cho nhà hưu dưỡng Ghềnh Ráng.