Thứ Ba, 7 tháng 8, 2012

CHÚA GIÊSU VÀ MƯỜI ĐIỀU RĂN



Môisen và Mười Điều Răn
Tranh của Philippe de Champaigne (26/5/1602 – 12/8/1674)
Bảo tàng Hermitage


Jack Mahoney SJ 

“Mười điều răn” là đoạn Kinh Thánh nổi tiếng nhất. Được trình bày trong Sách Thánh của người Do Thái rằng chính Thiên Chúa đã trực tiếp mạc khải cho họ, mười điều răn sau đó đã được Kitô giáo đồng hóa và chiếm một vị trí quan trọng trong suy tư luân lý Kitô giáo và quảng đại quần chúng trong nhiều thế kỷ[1]. Có hai bản mười điều răn trong Cựu Ước: bản cũ hơn được viết trong sách Xuất Hành chương 20, nằm trong bối cảnh lịch sử sơ thời của dân Do Thái; bản khác mới hơn ở sách Đệ Nhị Luật chương 5, được trình bày dưới hình thức nhắc lại lịch sử trong lời di ngôn của ông Môisen.
Độc giả ngày nay khi đọc Mười Điều Răn có thể nhầm lẫn nếu họ không nhận ra hai bản được đánh số khác nhau. Cách dễ nhất để nhận ra sự khác nhau này là bắt đầu từ phần cuối. Truyền thống Hy Lạp, phái Calvin, Cải Cách và các truyền thống Anh giáo theo bản cũ hơn, bản Xuất Hành (Xh 20, 2-17), kết thúc chỉ với một điều răn (câu 17), ngăn cấm ước muốn gia sản của người khác, gồm cả vợ của họ, và như vậy buộc phải làm tròn tổng số là mười bằng cách chia điều răn đầu tiên cấm thờ lạy thần thánh ngoại giáo thành hai, biến việc cấm thờ lạy ngẫu tượng thành điều răn thứ hai. Trái lại, Thánh Augustinô, các truyền thống Công giáo và Tin Lành Luther theo bản sau này trong sách Đệ Nhị Luật (Đnl 5, 6-21), kết thúc với hai điều cấm “ước muốn” khác nhau: trước hết là vợ hàng xóm và kế đến là tài sản của ông ta. Bản này mở đầu bằng một điều răn duy nhất cấm thờ thần ngoại lai cũng như các hình tượng tạc (của Thiên Chúa). Cách đánh số khác nhau này giải thích tại sao Giáo hội Công giáo Roma ngày nay gán những vấn đề luân lý tính dục vào điều răn thứ sáu, trong khi Anh giáo cho đó là điều răn thứ bảy. Tiện thể, điều này mở đầu cho việc nhìn nhận phẩm giá của người phụ nữ Do Thái, mặc dù vẫn còn dưới hình thức sơ khai là phân biệt người phụ nữ với tài sản của người chồng và cho người phụ nữ một giới răn riêng biệt. Điều này nói lên sự phát triển theo dòng lịch sử của Mười Điều Răn trong sách Xuất Hành và Đệ Nhị Luật.
Nội dung của Mười Điều Răn chia thành hai nhóm lệnh luân lý nền tảng và những bổn phận do Thiên Chúa quy định: nhóm đầu ngắn gọn dành riêng cho việc thờ phượng Thiên Chúa cách tuyệt đối, tôn kính Thánh Danh Thiên Chúa, giữ ngày Sabát, ngày của Chúa; nhóm thứ hai bao quát hơn nhằm đến những bổn phận phải tôn trọng những người thân cận, trước hết là cha mẹ già nua tuổi tác, cấm sát nhân, ngoại tình, bắt cóc (sau này được khái quát hóa là trộm cắp), vu khống, ước muốn và chiếm đoạt vợ và tài sản của người khác (trong sách Xuất Hành thì cả hai được gộp chung thành một). Những luật điều cá nhân được khai triển và áp dụng thay đổi tùy theo hiện trạng, trong phụng vụ ngày lễ và qua giáo huấn của các ngôn sứ[2]. Ngày nay, Mười Điều Răn được xem như những điều luật bảo vệ các giá trị cơ bản của con người, ít tính lịch sử và nhiều tính lý thuyết hơn như: những giá trị về tôn giáo, sự sống, hôn nhân, tự do, thanh danh và tài sản. Lúc đầu, Mười Điều Răn chẳng liên hệ gì đến nhân quyền – đây chỉ là một triển khai triết lý về sau này – nhưng cũng đã hình thành một nền tảng để biện luận cho một lý thuyết về nhân quyền[3].
Ban đầu, Mười Điều Răn không có thẩm quyền luân lý do bất kỳ một sức mạnh đạo đức nội tại nào, nhưng chỉ do ý muốn của Thiên Chúa như là một luật lệ, có Thiên Chúa đóng vai trò tác nhân chính trong “giao ước”, hay hòa ước, mà Ngài tự do ký kết với dân Do Thái mới, được thành lập sau khi chạy thoát khỏi Ai Cập. Về phía người Do Thái, bằng lời thề trọng thể, họ cam kết tuân giữ “những lời của giao ước, mười điều răn” (Xh 34, 28). Người ta chú giải rằng cam kết này được rập khuôn theo những hòa ước chính trị cổ xưa giữa các bậc đế vương và những quốc gia chư hầu: trước hết là lời mở đầu và bản liệt kê những ân huệ trong quá khứ (‘Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đã đưa ngươi ra khỏi đất Ai Cập, khỏi cảnh nô lệ…’ [Xh 20, 2]); tiếp đến là các điều kiện cơ bản (Mười Điều Răn); và kết thúc với lời chúc lành hay chúc dữ nếu tuân giữ hay vi phạm (Đnl 11), bản văn phải được gìn giữ cẩn thận trong thánh điện (hòm bia giao ước, Xh 25, 16). Tất cả mọi sự được tóm tắt trong Xh 19, 3-6:
Ông Môsê lên gặp Thiên Chúa. Từ trên núi, Đức Chúa gọi ông và phán: "Ngươi sẽ nói với nhà Giacóp, sẽ thông báo cho con cái Israel thế này: Các ngươi thấy Ta đã xử với Ai Cập thế nào, và đã mang các ngươi như trên cánh chim bằng, mà đem đến với Ta. Vậy giờ đây, nếu các ngươi thực sự nghe tiếng Ta và giữ giao ước của Ta, thì giữa hết mọi dân, các ngươi sẽ là sở hữu riêng của Ta. Vì toàn cõi đất đều là của Ta. Ta sẽ coi các ngươi là một vương quốc tư tế, một dân thánh. Đó là những lời ngươi sẽ nói với con cái Israel

Chúa Giêsu và Mười Điều Răn
Là người Do Thái đạo đức, Chúa Giêsu thông thạo Sách Thánh của người Do Thái (Cựu Ước), và các Kitô hữu sơ thời quan tâm sâu sắc đến những giáo huấn của Chúa Giêsu có liên quan thế nào với giáo huấn truyền thống của dân Do Thái, điều mà các đối thủ đã cáo buộc Ngài có ý miệt thị. Các Kitô hữu gốc Do Thái đặc biệt quan tâm đến điều này. Nhu cầu và sự quan tâm này thật sự có ý nghĩa đối với tác giả Tin Mừng Matthêô. Trong bài giảng trên núi, Chúa Giêsu không bãi bỏ Mười Điều Răn của người Do Thái, Ngài nhấn mạnh đến sự vẹn toàn và thích đáng của chúng, cố gợi lên ý nghĩa thâm sâu của chúng và áp dụng cho các môn đệ của Ngài (Mt 5, 17-48). Hơn nữa, các Tin Mừng nhất lãm đều ghi lại cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và anh thanh niên giàu có muốn được sự sống đời đời, Ngài chỉ nói “Hãy tuân giữ các điều răn” (Mc 10, 17-22; Mt 19, 16-30; Lc 18, 18-30). Theo Thánh Marcô, Chúa Giêsu nêu lên những điều luật như cấm sát nhân, ngoại tình, trộm cắp, làm chứng gian, lừa đảo và thảo kính cha mẹ, nhưng nói thêm rằng anh thanh niên chỉ còn thiếu một việc là “đi theo” Chúa Giêsu. Bản văn sau này của Thánh Luca trung thành với bản văn của Thánh Marcô, nhưng bản của Thánh Matthêô kèm theo như một điều răn là “Hãy yêu tha nhân như chính mình”, và rồi có lẽ do ảnh hưởng của Bài giảng trên núi (Mt 5:48), Thánh Matthêô thêm rằng nếu anh thanh niên muốn nên “trọn lành” thì anh ta phải “theo” Chúa Giêsu (Mt 19, 19-21).
Mười Điều Răn mở màn cho giáo huấn của Chúa Giêsu trong một cuộc đối thoại khác giữa Ngài và một luật sĩ Do Thái được Thánh Marcô và Matthêô ghi lại. Được cho là có thẩm quyền tuyệt đối trên cả Mười Điều Răn cũng như vô số những điều luật chi tiết của người Do Thái, một câu hỏi trước đây được nêu lên giữa những người Do Thái và bây giờ được đặt ra cho Chúa Giêsu là: có sự ưu tiên nào trong số đó không, nếu có, “điều răn nào đứng đầu” theo như Thánh Marcô đã viết (Mc 12, 28), hoặc “điều răn trọng nhất” theo như Thánh Matthêô (Mt 22, 34)? Không dính dáng gì đến Mười Điều Răn, Chúa Giêsu trả lời chắc nịch rằng “giới răn đầu tiên và trọng nhất” là yêu Thiên Chúa hết mình (Mc 12, 30; Mt 22, 37-38; xem Đnl 6, 5). Và rồi theo Thánh Marcô, để phụ thêm vào như vẫn thường hay làm, Chúa Giêsu nói tiếp: “Điều răn thứ hai là: ‘Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình”’ (Mc 12, 31), còn Thánh Matthêô thì ghi “Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình”’ (Mt 22, 39).
Câu hỏi về điều răn trọng nhất trong lề luật Môisen đã bị loại bỏ trong Tin Mừng Thánh Luca được viết cho dân ngoại ở Roma. Song điều thú vị là Thánh Luca thấy câu trả lời của Chúa Giêsu rất giá trị nên đã ghi lại trong cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và người luật sĩ (Lc 10, 25-28) đã hỏi Ngài: “Tôi phải làm gì để được sự sống đời đời?”. Câu hỏi này trùng khớp với lời của anh thanh niên sau này trong Tin Mừng Luca mà chúng ta thấy ở trên  (Lc 18, 18-30), khi Chúa Giêsu trả lời bằng cách trưng dẫn các điều răn và rồi khuyên anh đi theo Ngài; thế nhưng câu trả lời lần này lại khác. Chúa Giêsu hỏi người luật sĩ chính điều anh ta suy nghĩ trong lề luật Môisen, và cũng chính người luật sĩ trưng ra bổn phận phải yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự yêu tha nhân như chính mình (Lc 10, 25-27), đó là đường dẫn đến sự sống đời đời, điều mà Chúa Giêsu rất tán thành. Trong các tác giả Tin Mừng, chỉ có Thánh Luca giới thiệu dụ ngôn Người Samaritanô nhân hậu như câu trả lời đáng ghi nhớ cho câu hỏi tiếp theo của người luật sĩ: “Nhưng ai là người thân cận của tôi?” (Lc 10, 28-37).

Yêu là câu hỏi hay câu trả lời?
Lệnh truyền phải yêu người thân cận như chính mình được tìm thấy trong Cựu Ước, sách Lêvi chương 19 câu 18, và như chúng ta thấy, Chúa Giêsu đã trích dẫn nó cùng với lệnh truyền phải yêu Chúa trong sách Đệ Nhị Luật chương 6 câu 5 để trả lời cho câu hỏi về điều răn trọng đại nhất của Lề Luật. Viviano chú thích rằng “sự kết hợp hai lệnh truyền này rõ ràng không được chứng thực trước thời Chúa Giêsu và như thế đánh dấu một bước tiến quan trọng về luân lý[4]. Yêu Thiên Chúa dẫn đến yêu người thân cận vì họ cũng là người được Thiên Chúa yêu thương. Lại nữa, Chúa Giêsu nêu lên nhận xét rằng: “Tất cả Luật Môisen và các sách ngôn sứ đều tuỳ thuộc vào hai điều răn ấy” (Mt 22, 40), một câu khẳng định chỉ có trong Tin Mừng Matthêô. Đối với các độc giả là Kitô hữu gốc Do Thái của Thánh Matthêô, “Đại Giới Răn” tổng hợp này tóm kết toàn bộ Lề Luật Môisen. Đồng thời nó cũng là tiêu đề theo truyền thống cho hai tiểu nhóm trong Mười Điều Răn: yêu Chúa là tiêu đề cho tiểu nhóm thứ nhất và yêu tha nhân là tiêu đề cho tiểu nhóm thứ hai.
Tuy nhiên, Đại Giới Răn kép đôi này ít nhất đặt ra hai câu hỏi: “như chính mình” có nghĩa là gì? Và giới răn yêu thương có thay thế cho Mười Điều Răn không?  Giới răn yêu thương người thân cận như chính mình thường được hiểu rằng ta phải yêu không ít hơn cái cách thức và mức độ mà chúng ta yêu chính mình – mà nhiều người còn hiểu vặn vẹo rằng như vậy Kinh Thánh gián tiếp biện minh cho việc yêu mình. Hoặc rõ hơn hết là ta nên nhìn giới răn yêu thương người thân cận như chính mình là tự xem người thân cận như chính ta, là một phần của chúng ta, là người đồng bào Do Thái như trong nguyên bản của sách Lêvi.
Sự cần thiết của việc yêu tha nhân đã được Tân Ước nhìn nhận, đặc biệt là trong các thư của Thánh Phaolô, nơi mà sự liên kết giữa giới răn yêu tha nhân và Mười Điều Răn bổ túc cho nhau. Trong một đoạn văn dồi dào ý nghĩa, Thánh Phaolô viết cho người Roma (Rm 13, 8-10):
Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái; vì ai yêu người, thì đã chu toàn Lề Luật. Thật thế, các điều răn như: Ngươi không được ngoại tình, không được giết người, không được trộm cắp, không được ham muốn, cũng như các điều răn khác, đều tóm lại trong lời này: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Đã yêu thương thì không làm hại người đồng loại; yêu thương là chu toàn Lề Luật vậy.
Trong thư gởi cho giáo đoàn Galát (Gl 5, 13-14), Thánh Phaolô cũng nhận xét tương tự: “Quả thế, thưa anh em, anh em đã được gọi để hưởng tự do. Có điều là đừng lợi dụng tự do để sống theo tính xác thịt, nhưng hãy lấy đức mến mà phục vụ lẫn nhau. Vì tất cả Lề Luật được tóm kết [dịch sát nghĩa là “được nên trọn”] trong điều răn duy nhất này là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình”.
Nói cách khác, giới răn yêu thương người thân cận không thay thế Mười Điều Răn. Nó chỉ tóm kết, giữ nguyên ý và giải thích mục đích của Mười Điều Răn: đây là những cách diễn tả tình yêu dành cho tha nhân. “Đạo đức học hoàn cảnh” (situation ethics) của Joseph Fletcher, một thời rất thịnh hành nhưng nay đã lỗi thời, đã giản lược tất cả luân lý vào việc thi hành “điều yêu thương”, mà lại không thể xác định được điều yêu thương gì phải được thi hành trong những hoàn cảnh khác nhau[5]. Điều Thánh Phaolô muốn nói ở đây là nếu ai biết cách nào để yêu thương tha nhân tốt nhất, thì đã đến rất gần với đòi hỏi không được làm hại họ, nhưng tôn trọng sự sống của họ, sự tự do, danh giá, hôn nhân và tài sản của họ; hay nói cách khác, như Chúa Giêsu đã nói với anh thanh niên: “Hãy giữ các giới răn”. Nói theo Thánh Tôma sau này là yêu thương tha nhân là muốn làm điều tốt đẹp cho họ[6]. Hoặc như Thánh Giacôbê đã diễn tả: “Anh em làm điều tốt, nếu anh em chu toàn luật Kinh Thánh đưa lên hàng đầu: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình” (Gc 2, 8).
Giáo huấn luân lý của Chúa Giêsu không kết thúc với việc xác định Đại Giới Răn như là điều mà “trọn lề luật các các ngôn sứ” phải dựa vào (Mt 22, 40). Trong Tin Mừng Thánh Gioan, Ngài còn đi xa hơn khi ban cho các môn đệ một điều răn “mới”. Tại sao Ngài làm thế và điều đó có ý nghĩa gì? Đây sẽ là đề tài cho một bài khác. 

chuyển ngữ
Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính


[1] Xem J. J. Stamm & M. E. Andrews, The Ten Commandments in Recent Research (London: SCM, 1967).
[2] Xem Xh 20-23; Đnl 12-26.
[3] Xem J. Mahoney, The Challenge of Human Rights. Origin, Development, and Significance (Oxford: Blackwell, 2007), 3-5.
[4] B. T. Viviano, The Gospel According to Matthew, New Jerome Biblical Commentary, 42:133.
[5] J. Fletcher, Situation ethics: the new morality (Philadelphia: Westminster Press, 1966).
[6] St. Thomas Aquinas, Summa Theologiae, I-II, 26, 4