CẨM HÀ
TTCT - Khi biết tôi cho con tham gia chương trình Học kỳ quân đội, nhiều
người quen ủng hộ nhưng cũng nhiều người nói rằng không bao giờ nỡ quăng con
mình vào môi trường kham khổ như vậy.
Đúng là sau một tuần dầm mưa dãi nắng, ăn cơm bộ đội, mất ngủ vì nóng,
con tôi sút mấy ký, mặt xanh xao, người đầy nốt muỗi đốt... Nhưng tôi vẫn mừng
vì cháu đã có thêm một trải nghiệm mới mẻ.
Bước đường thành công của mỗi người phần lớn gắn với hành trình trải
nghiệm vì hầu như ai cũng công nhận những kiến thức học ở trường chỉ là nền tảng.
Nhưng đi nhiều và tiếp xúc nhiều tôi mới phát hiện cách thức trải nghiệm cuộc sống
của thanh niên ta và Tây (những người mà tôi biết) có nhiều điểm khác nhau.
Đi chưa hẳn là trải nghiệm
Phong trào đi du học, đi du lịch, đi “phượt” trong nước, nước ngoài giờ
không còn xa lạ với giới trẻ Việt Nam. Nhưng tôi đồ rằng nó chưa chắc tỉ lệ thuận
với việc mở rộng nhân sinh quan, thế giới quan của lớp trẻ. Rất nhiều sinh viên
Việt Nam đi du học ở nơi cách Việt Nam mười mấy ngàn cây số nhưng chỉ kiên quyết
ăn mỗi cơm hoặc mì ăn liền vì “không thể chịu nổi thức ăn của chúng nó”. Họ từ
chối các cơ hội giao lưu, đi bảo tàng, đi nhà hát, đi công viên nướng BBQ với bạn
cùng lớp, tự thỏa mãn với việc đóng cửa phòng suốt ngày nghe đĩa của Mỹ Tâm,
Đàm Vĩnh Hưng và chat chit với các bạn ở quê nhà.
Thế là sau một hai năm hoặc thậm chí nhiều năm du học, họ không có thêm
nổi một người bạn nào, một mối quan hệ xã hội nào ở nước sở tại, không biết
thêm chút nào về văn hóa, bản sắc địa phương. Họ có đủ lý do để biện minh cho
việc mù mờ văn hóa xứ người dù Tây du, Đông du đủ cả. Nào là bận học, nào là
người nước ngoài lạnh lùng, khó gần. Và họ luôn tự hào một cách rất AQ rằng “dù
trong dù đục ao nhà vẫn hơn”. Để tới khi phải hoặc được làm việc trong môi trường
đa quốc tịch, đa quốc gia, nhiều người đã ngã ngửa vì những cú sốc văn hóa...
Đơn giản bởi các bạn chưa được trang bị những kỹ năng giao tiếp đa văn
hóa (intercultural communication), mà đáng lẽ các bạn đã có cơ hội đúc kết nếu
biết dấn thân và quăng mình vào cuộc sống phong phú nơi xứ người lúc còn đi học.
Nghĩ cho kỹ, điều này có nhiều phần trách nhiệm của các bậc cha mẹ.
Trong khi giới trẻ quốc tế luôn được cha mẹ khuyến khích trải nghiệm càng nhiều
càng tốt, tự lập càng nhiều càng tốt, tham gia hoạt động cộng đồng, câu lạc bộ
càng nhiều càng tốt thì các bậc cha mẹ Việt Nam chỉ cảm thấy yên tâm khi con học
điểm cao, đỗ đạt, có vị trí trong xã hội.
Một vị cựu đại sứ Anh ở Việt Nam khi hết nhiệm kỳ đã rất ủng hộ quyết định
của cậu con trai vào ở ký túc xá một trường đại học tại Hà Nội để học thêm tiếng
Việt. Liệu có nhiều bậc phụ huynh Việt sẵn sàng nâng đỡ những ước mơ của con
mình như vậy hay không hay luôn cật lực chạy đôn chạy đáo xin việc cho con khi
con vừa tốt nghiệp? Và có nhiều bạn trẻ sẵn sàng từ chối những cơ hội tốt đẹp
do người khác sắp đặt để thưởng thức cuộc sống theo cách riêng của mình?
Khi khoe lý lịch xin việc, các bạn trẻ Việt Nam phần nhiều chưa chú trọng
đề cao những hoạt động từ thiện, xã hội mà mình đã tham gia, trong khi những
“gap years” (thời gian tạm nghỉ học/nghỉ làm để đi đây đi đó, làm các việc
ngoài chuyên môn của mình) lại được coi là niềm tự hào của các bạn trẻ quốc tế.
Từ trải nghiệm tới trân trọng sự khác biệt
Tôi vẫn nhớ lời nói nhẹ nhàng của một thầy giáo đáng kính (rất quen thuộc
với các nhà báo Việt Nam theo học báo chí ở Đức) khi tôi phàn nàn cách phát âm
của các bạn học châu Phi quá khó nghe. Thầy bảo: “Người châu Á cũng có cách
phát âm riêng mà”. Thầy vốn dễ mến, rất quý học sinh nên tôi chắc thầy phải thấy
tôi “chướng” lắm mới nhắc nhở nhẹ tôi như vậy. Đó là một trong những bài học đầu
tiên của tôi về việc tôn trọng sự khác biệt khi đi ra với thế giới.
Tôi nhớ những cái bếp ăn tập thể dành cho sinh viên đủ mọi quốc tịch
lúc nào cũng đông đúc mà tôi từng trải qua. Trong khi không ai tỏ vẻ đặc biệt
khó chịu với mùi nước mắm từ hộp cơm của các sinh viên Việt thì hộp cơm đầy màu
sắc cùng mùi đặc trưng của các bạn Ấn Độ, châu Phi thường bị một số sinh viên
Việt chỉ trỏ bình phẩm, nhăn mặt. Cô bạn cùng phòng còn xanh mắt khi tôi nếm thử
thức ăn của mọi người và khen ngon. Tôi biết nhiều sinh viên Việt Nam hãnh diện
vì món phở và nem luôn nhận được nhiều lời khen ngợi từ các sinh viên nước bạn.
Vậy đã lần nào bạn tự hỏi mình đã từng khen (thật lòng và lịch sự) món ăn xa lạ
của một nước khác chưa?
Học hỏi về sự khác biệt, học cách chấp nhận sự khác biệt rồi tôn trọng
sự khác biệt là cả một quá trình đòi hỏi sự giáo dục kỹ lưỡng. Tôi thấy điều
này thanh niên Tây có vẻ thấm nhuần hơn thanh niên ta. Các chương trình chống
phân biệt đối xử với các nhóm người đặc biệt (đồng tính, khuyết tật, người thiểu
số...) được lồng ghép vào chương trình học và cả trong sổ tay nhân viên các nơi
công sở. Nếu bạn biết tôn trọng người khác dù họ khác màu da, tuổi tác, sở
thích, đức tin tôn giáo, trình độ văn hóa... thì bạn sẽ nhận được sự tôn trọng
ngược lại.
Và xa hơn nữa, bạn sẽ biết chấp nhận những ý kiến khác biệt, những tư
tưởng phản biện. Đó chính là chìa khóa để thế giới này trở nên bao dung hơn, để
cho những trải nghiệm thời trẻ của bạn trở thành một vốn sống vô giá giúp bạn
thành công trên bước đường tương lai.