Phạm Nguyên Trường dịch
Nói một cách công khai quan điểm của mình – mà
lại là quan điểm không phải ai cũng ưa – đòi hỏi phải có lòng dũng cảm. Điều đó không chỉ phụ thuộc vào hoàn cảnh cụ
thể mà còn phụ thuộc vào địa vị của người nói nữa. Người nổi tiếng, thần tượng của xã hội dĩ
nhiên là cần ít lòng dũng cảm hơn là ban nhạc toàn chị em phụ nữ (ý nói ban nhạc
Pussy Riot) hay người dân thường.
Andrey Makarevich và ban nhạc rock “Cỗ máy thời
gian” của ông chắc chắn là thần tượng của nước Nga rồi. Nhưng dù sao, khi viết cho tổng thống Putin bức
thư ngỏ nói về hiện tình đất nước, Makarevich vẫn phải mạo hiểm. Không, ông không sợ bị khủng bố. Nhưng ông đã gặp phải những lời phê phán của
một số đồng nghiệp và những nhà nghiên cứu chính trị. Các đồng nghiệp này ngờ rằng đây là cú PR rẻ
tiền. Trong trường hợp này Makarevich
đúng là một chuyên viên PR tồi vì ông vừa trở về từ một vòng lưu diễn. Còn những nhà nghiên cứu chính trị, thí dụ
như ông Viatreslav Smirnov, viện trưởng Viện xã hội học chính trị, thì trách
móc rằng ông phê phán nạn tham nhũng (nhà nước hoặc là chấp nhận nó hoặc là chẳng
thể làm được gì) trong khi lại tổ chức những buổi biểu diễn bằng tiền của bộ
máy quản lí của tổng thống.
Từ
quan điểm xã hội học, cả hai phản ứng này đều khá tiêu biểu và rất đặc trưng
cho môi trường Slav. Từ mong muốn tìm thấy
ở người khác khiếm khuyết, ý đồ xấu hay trục lợi, những người phê phán không
nhìn thấy bản chất của vấn đề: nạn tham nhũng đã tạo ra di căn trong những bánh
răng đã mòn vẹt của bộ máy nhà nước và những lĩnh vực có liên quan tới nhà nước.
Xin nói rõ thêm: Sáu năm trước, tức là sau khi
Putin cầm quyền được 6 năm, lại quả trung bình là 30% đơn hàng. Hiện nay người ta nói rằng phải trả đến
70%! Theo lời Makarevich thì mọi người đều
biết nhưng họ im lặng. Đưa ta tòa cũng
chẳng được tích sự gì vì tòa án chỉ là cỗ máy nhằm trừng phạt những người mà họ
không ưa hoặc là moi những khoản đút lót mới.
Với 30% còn lại làm sao củng cố được quốc phòng, xây dựng đường xá, nền
công nghiệp, giáo dục và tổ chức thế vận hội?
– tuy nhiên, nhạc sĩ hi vọng rằng vị tổng thống của mình không quay lưng
lại với cái đất nước đã bầu ông ta .
Có lẽ, lời cảnh báo về thảm họa trong bức thư
ngỏ dựa trên cơ sở là nạn tham nhũng cho nên Putin đã trả lời Makarevich. Ngay trong ngày hôm đó. Nhưng trả lời thế nào? Ông ta bảo rằng cả người đưa hối lộ lẫn người
nhận hối lộ đều phải chịu trách nhiệm hình sự.
Cho nên tốt hơn hết, Makarevich hãy liên hệ với những doanh nhân không
chịu chống lại tệ tham nhũng. Ngoài ra,
chẳng có ai biết cách trị nạn tham nhũng, nghĩa là tham nhũng, dưới dạng này
hay dạng khác, hiện diện trong tất cả các nền kinh tế chuyển đổi. Người đứng đầu nhà nước đã loại bỏ vấn đề
nóng bỏng ra khỏi chương trình nghị sự như thế đấy.
Trong một bài hát có tính châm biếm, người đứng
đầu ban nhạc “Cỗ máy thời gian” đã gọi vấn đề tham nhũng là “Kholuievo” (âm hưởng
gọi đến một từ tục tĩu trong tiếng Nga – ND), chính Putin cũng đến xem buổi biểu
diễn đó. Trong năm nay, nhằm phản đối việc
luân chuyển các vị trí (ý nói giữa Putin và Medvedev – ND) nhạc sĩ này đã gắn
bó với chiến dịch tranh cử của một người đối lập ôn hòa là ông Mikhail
Prokhorov. Vừa mới đây, cùng với những
người khác, Makarevich đã kí vào thư ngỏ nhằm bảo vệ ban nhạc Pussy Riot. Việc thành viên của băng nhạc này bị đưa ra
tòa đã là bằng chứng hùng hồn về tình trạng của hệ thống tòa án của Cộng hòa
liên bang Nga.
Mặc
dù một trong những lãnh tụ của phong trào đối lập nằm ngoài hệ thống, ông
Aleksey Navalnyi, đã khẳng định rằng nói đến mức lại quả trung bình cũng chẳng
khác gì việc đo nhiệt độ trung bình trong bệnh viện, nhưng ở các công ty nhà nước
như Transneft hay Gazprom, lại quả 70% có thể là đúng.
Theo số liệu của tổ chức Minh bạch quốc tế
(Transparency International), Nga chiếm vị trí 143 trong số 182 nước được tổ chức
này xếp hạng. Các nươc còn lại đều là những
nước đang phát triển, rất nghèo hoặc các nước độc tài. Trung Quốc xếp thứ 75, Ấn Độ - 95. Putin tin rằng phải thay đổi não trạng của
người dân thì mới cải thiện được tình hình.
Nhưng dĩ nhiên là ông ta không nói thay đổi như thế nào. Đấy là nói nếu không coi lời cam đoan của ông
ta rằng phát triển dân chủ, xã hội công dân và tự do báo chí cũng không giúp
ích gì cho cuộc đấu tranh chống nạn tham nhũng là một ám chỉ hùng hồn. Điều đó làm cho người ta càng thêm nghi ngờ rằng
ở cái nước Nga trộm cắp này việc chính quyền đứng được hay không phụ thuộc vào
thái độ khoan dung của người đứng đầu đối với tệ tham nhũng của những người và
những nhóm người ủng hộ chính quyền đó.
Nếu hiện nay những nhóm người này quyết định rằng họ sẽ được lợi nếu tiếp
tục hạn chế dân chủ thì đây là một tin xấu.
Mà trước hết là đối với Putin vì ông ta sẽ đánh mất niềm tin của đa số
hiện vẫn trung thành với ông ta.
Mặc
dù có những lời phê phán, nhưng phần lớn – trong đó có cả những người chỉ trích
– đều biết rằng Makarevich nói đúng, lại quả ít hơn 5-10% không phải là điều
quan trọng. Vấn đề là người nhạc sĩ đã
mô tả tình trạng hối lộ và tòa án mà mọi người đều biết. Theo nghĩa rộng hơn – ông đã đưa ra yêu cầu đối
với toàn thể xã hội Nga. Vì vậy mà phản ứng
của người nhận là cực kì quan trọng, Putin
trả lời ngay lập tức, chứng tỏ rằng ông ta hiểu vấn đề. Makarevich tin rằng ông nói với người có đủ sức
thay đổi một cái gì đó. Putin là hiện
thân của nước Nga thời nay và cũng là hiện thân của những điều làm đất nước này
đau khổ.
Tuy vậy, việc tổng thống dễ dàng vứt bỏ đề tài
này có thể chứng tỏ không phải là ông ta không muốn làm một cái gì đó mà là ông
ta không thể. Đây đúng là một tin không
tốt đối với tầng lớp trí thức và những nhà hoạt động văn hóa không nắm quyền. Các chính quyền đã tìm mọi cách xóa sổ tầng lớp
này, nhưng bao giờ cũng lại xuất hiện giới tinh hoa mới. Mất niềm tin của giới này hiện nay có thể phải
trả giá nhiều hơn là 70% lại quả cho những kẻ bảo trợ.