Ứng xử có văn hóa nơi công cộng là nếp sống văn minh cần
được mọi người coi trọng. Tuy nhiện, hiện đang tồn tại một bộ phận không nhỏ
trong giới trẻ có cách hành xử thiếu văn hóa. Mà không cần nói đâu xa, chỉ cần bước chân ra đường,
hòa vào dòng người tham gia giao thông sẽ thấy rõ nhất ứng xử văn hóa của người
Việt đang ở ngưỡng nào
1. Có một sự thực là ở bất cứ nơi công cộng nào chúng ta cũng
dễ dàng nhận ra những hình ảnh thiếu văn minh của các bạn trẻ. Đó là cảnh chen lấn, xô đẩy khi mua vé tàu, vé xe; vứt rác
bừa bãi nơi công viên; văng tục, chửi thề trên đường phố; hút thuốc nơi công
cộng; thờ ơ khi gặp người bị nạn… Tệ hại hơn, không ít bạn trẻ cho rằng đây là
những chuyện bình thường, chẳng có gì phải ngạc nhiên.
Những người nước ngoài mà chúng tôi từng gặp luôn tỏ ra rất
ngạc nhiên trước những gì họ thấy trong cung cách cư xử của người Việt. Cách đây không lâu, sinh viên Yoon Sun
Ae (người Hàn Quốc) đang theo học tại trường ĐH KHXH&NV, Đại học Quốc gia
Hà Nội, sau 4 năm ở Việt Nam đã chia sẻ thế này: "Điều khiến tôi cũng như
nhiều người nước ngoài khác hết sức ngỡ ngàng và cảm thấy tiếc là nhiều người
Việt Nam không có thói quen xếp hàng”. Ông Mark Lowerson - một giảng viên người
Australia, cho biết: "Tôi sống và làm việc ở Việt Nam đã gần 10 năm. Tôi đã quen nhìn
thấy người ta chen nhau khi vào siêu thị, mua vé xem phim, làm thủ tục ngân
hàng, lên máy bay… Thói quen vứt rác bừa bãi nơi công cộng, việc lạng lách, cẩu
thả khi tham gia giao thông của nhiều người vẫn làm tôi khó chịu chút ít. Nhưng điều
làm tôi ghê sợ hơn cả là thói quen khạc nhổ của nhiều bạn trẻ ở nơi công cộng”.
2. Bàn về văn hóa ứng xử, hay nói thẳng ra là tình trạng thiếu
văn hóa trong khi tham gia giao thông, GS.TS Phạm Đức Dương - Chủ tịch Hội
Nghiên cứu Đông Nam Á học Việt Nam cho rằng: mặc dù đã ở vào giai đoạn công
nghiêp hóa, hiện đại hóa nhưng chúng ta vẫn nặng tâm lý tiểu nông, mà một biểu
hiện rất cụ thể là chen lấn.
Rộng cũng chen mà chật cũng chen, làm cho đường xá đã chật càng thêm chật chội.
Tuy nhiên, văn hóa giao
thông (VHGT) còn thể hiện ở rất nhiều mặt đáng trách khác.
Ở Việt Nam
hiện nay, trong rất nhiều trường hợp người ta vô tư vi phạm Luật Giao thông
đường bộ. Cho dù đã "kêu gào”
hết sức, nhưng ngay tại các đường phố trung tâm Hà Nội, người ta vẫn vượt đèn
đỏ ào ào, không đếm xỉa gì đến VHGT. Việc không đội mũ bảo hiểm là không hiếm,
nhất là với giới trẻ. Đã thế khi vi phạm luật còn thản nhiên chống lại người
thi hành công vụ. Tưởng chỉ những thanh niên bia rượu "biêng biêng”, không
phân biệt phải trái, hoặc sai lè cũng cố làm liều; mà ngay cả những thiếu nữ ăn
mặc hợp thời trang, đi xe xịn lại càng cố tỏ ra sành điệu khi lao vào tấn công
cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ… Tàn nhẫn và vô lương tâm hơn, không ít
tài xế gây tai nạn, thương vong cho người đi đường lại bỏ trốn.
Rõ ràng, thiếu hụt năng lực VHGT ở đây đồng nghĩa với vi phạm luật, coi thường
luật, coi rẻ tính mạng con người. Đó là thứ văn hóa ích kỉ.
Cũng ở Hà Nội, lâu nay người ta vẫn nói: ra đường là ra...
chiến trường, bởi phải chen lấn, chịu cảnh ùn tắc liên miên, buộc phải hít khói
bụi độc hại và chịu đựng tiếng ồn, đồng thời cũng không biết tai nạn giáng
xuống đầu mình lúc nào.
"Đầu thì bẹp dúm, mũ còn nguyên” - câu nói cửa miệng này là để chỉ cái
cảnh khi bị xe đâm, cho dù có mũ bảo hiểm thì vẫn... vỡ đầu. Vì sao vậy? Không
có con số thống kê chính thức nhưng có thể nói không dưới 70% số mũ bảo hiểm
đang được sử dụng là mũ rởm, chất lượng rất thấp. Nếu GS Phạm Đức Dương rất bực
vì tâm lý tiểu nông thông qua chuyện chen lấn, thì ở đây là tâm lý lừa dối, lừa
dối chính quyền, lừa dối cơ quan chức năng ở cả người sản xuất mũ bảo hiểm,
người bán và người sử dụng. Văn hóa không thể là sự dối lừa, nhưng sự dối lừa đã
nghiễm nhiên được chấp nhận.
3. GS Phạm Đức Dương khẳng định: nhìn vào cách ứng xử ở nơi
công cộng có thể thấy được trình độ văn minh của một dân tộc cũng như trình độ
dân trí của dân tộc đó. Những người có đầy đủ lòng tự
trọng không bao giờ có những ứng xử vô văn hóa như các hiện tượng được nêu trên
đây. Đáng tiếc là cách ứng xử phản văn hóa đó lại được thể hiện một
cách "hồn nhiên” trong giới trẻ ở nơi công cộng.
Văn hóa không thể cho lên bàn để cân, cũng không thể đem ra
đong đếm. Văn hóa ứng xử không hẳn tỉ
lệ thuận với trình độ học vấn của con người.
Thích tự do thể hiện chính mình đó là cá tính của giới trẻ. Nhưng đôi khi, những người trẻ đã quên mất chính mình. Đấy là điều "ngộ nhận” thật
đáng tiếc, chủ yếu là do trình độ nhận thức và không được sự quan tâm hướng
dẫn, giáo dục của những người trong gia đình, của các thầy cô giáo ở nhà
trường. Và phải thẳng thắn thừa nhận rằng: ý thức công dân của một bộ không nhỏ
thế hệ @ đang là một vấn đề báo động.