Trần Văn Chánh
Theo tạp chí Nghiên cứu
và Phát triển
Tác giả bài viết bàn
chung vấn đề quan điểm, phương pháp và thái độ nghiên cứu sử học trên cơ sở cho
rằng công việc nghiên cứu lịch sử cũng như viết sử trước tiên đòi hỏi phải có
tính độc lập khách quan và tôn trọng sự thật lịch sử.
Những
năm gần đây, nhiều vấn đề lịch sử nói chung hay nhân vật lịch sử nói riêng đã
được giới nghiên cứu sử học xem xét lại, nhờ vậy vấn đề triều Nguyễn hay một
vài nhân vật lịch sử nổi bật như vua Gia Long, các cụ Lê Văn Duyệt, Phan Thanh
Giản, Nguyễn Trường Tộ, Trương Vĩnh Ký, Phạm Quỳnh... cũng đã được đánh giá lại
trong một tinh thần thông thoáng cởi mở hơn xưa rất nhiều, và việc làm này được
nhiều người hoan nghênh tán đồng.
Có
lẽ từ giờ trở đi, nhân dân Việt Nam khỏi phải mất công tranh cãi nhau dài dòng
về tư cách tốt xấu của cụ Lê Văn Duyệt hay cụ Phan Thanh Giản nữa. Nghe tin cụ
Lê Văn Duyệt được dựng tượng đồng, cụ Phan Thanh Giản được đánh giá tốt lại như
thế, chắc không ai mừng gì riêng cho cá nhân các cụ, vì dù sao các cụ cũng đã
ra người thiên cổ từ lâu, nhưng mừng cho nhân dân địa phương tại những nơi quê
hương xứ sở của các cụ có được những tấm gương sáng rạch ròi để mà hãnh diện và
noi theo. Và ở một đằng khác, mừng cho giới sử học ngày nay đã thoát ra được
thời kỳ dài bị sự chi phối của chủ nghĩa giáo điều để có được những nhận thức
sáng suốt đúng đắn hơn về một số vấn đề liên quan đến lịch sử và nhân vật lịch
sử, nhờ thế đã xác nhận lại lần nữa cho chắc nịch những điều mà toàn dân thật
ra đã có nhận thức từ lâu. Những sự đánh giá lại như thế mặc dù rất đáng hoan
nghênh, nhưng nếu xem xét bằng thái độ khiêm tốn khách quan, người ta có lẽ
không nên hào hứng hiểu theo nghĩa các cụ vừa được những kẻ hậu sinh “xá tội”,
mà phải hiểu theo chiều khác là việc buộc tội hồ đồ của một số người đánh giá
sai trước đây đã được bỏ qua, không cần nhắc lại để trách cứ, vì ở đây, với
tinh thần sử học chân chính, không nên nhấn mạnh đến sự hơn thua, hay dở hoặc tìm
cách phô trương uy tín cho phe nhóm trong những cuộc tranh luận liên quan vấn
đề quan điểm nhận thức, mà cần nhất một thái độ trung thực và quảng đại hướng
tới tương lai, bởi có cả một thời kỳ khá dài, vì những lý do cũng thuộc lịch
sử, khái niệm về tự do trong nghiên cứu học thuật nói chung và sử học nói riêng
là một điều nếu không xa lạ thì vẫn còn rất mù mờ. Trong một hoàn cảnh sinh
hoạt như thế, tư duy về mọi vấn đề liên quan đến học thuật tư tưởng của các văn
nhân-học giả tất nhiên đã phải chịu những hạn buộc khắt khe mà bây giờ lần lần
họ mới nói ra, như trường hợp GS sử học Phan Huy Lê mãi mấy năm gần đây mới
khai thật (trên tạp chí Xưa và Nay) nhân vật Lê Văn Tám chỉ là do người
tiền bối bậc thầy ông là cố GS Trần Huy Liệu sáng tác ra để động viên phong
trào kháng chiến…
Trong tinh thần sử học như
thế, mặc nhiên chúng ta cũng chấp nhận mọi sự tranh luận tự do để tìm ra các sự
thật truyền lại cho thế hệ sau. Sự thật là một lẽ, còn bao biếm khen chê là một
lẽ, nhưng khi đánh giá một nhân vật hay sự kiện lịch sử thì cũng phải dựa trên
sự thật. Không phải vì yêu thương cụ Phan Thanh Giản mà nói cụ cái gì cũng tốt,
cũng như không phải vì ghét ông Hoàng Cao Khải vì lý do ông hợp tác với thực
dân Pháp mà cho ông cái gì cũng xấu. Đã có thời gian, trong giới nghiên cứu
văn-sử học, tức trong cái môi trường tiêu biểu nhất của nền văn hóa một dân tộc,
phàm hễ ai bị đặt vào cái thế “phản diện” thì đều bị gọi bằng “y”, bằng “hắn”,
như vua Gia Long khi chưa được nghiên cứu kỹ cũng bị nhà nghiên cứu văn-sử học
nổi tiếng TC gọi là “hắn” trong một bài dẫn nhập cho tập thơ chữ Hán Nguyễn Du.
Tương tự như thế, về phương diện sự kiện lịch sử, cái cách viết sử “ta thắng, địch
thua”, hoặc cho cuộc nổi dậy nào cũng là phong trào của nông dân mang tính cách
mạng tiến bộ chống lại triều đình phong kiến, vốn được khuôn định trong quan điểm
về đấu tranh giai cấp, cũng là một lối viết sử thiếu tinh thần khách quan cần
được xem xét lại.
Quan điểm về đấu tranh giai
cấp, đáng được coi là một phát hiện quan trọng của phương pháp luận sử học, và
cho vài khoa học xã hội khác nữa, thay vì được sử dụng một cách hợp lý-có chọn
lọc theo đúng giá trị thật của nó, và như ước vọng của những người phát hiện ra
nó, góp phần vào việc soi sáng bức tranh lịch sử, đã có thời kỳ dài được coi là
công cụ độc tôn duy nhất đúng để giải thích mọi hiện tượng lịch sử. Sự đề cao
quan điểm độc tôn này rõ ràng là không phù hợp với phương pháp sử học đích thực,
vì nếu như vậy mà cho là phù hợp thì tất cả những nhà sử học lỗi lạc thời xưa
như Tư Mã Thiên và thời cận-hiện đại như Arnold Toynbee (1852-1883), Will
Durant (1885-1981)… chắc là họ đã trình bày và diễn giải lịch sử trật lất hết,
còn sách giáo khoa về môn lịch sử ở các nước Anh, Pháp, Mỹ, Ấn Độ… không theo
quan điểm đấu tranh giai cấp có lẽ cũng đều lệch lạc và không xài được tất!
Chúng ta chấp nhận mọi sự
tranh luận với nhiều ý kiến khác nhau, nhưng cũng chỉ nhắm vào mục đích tôn trọng
sự thật lịch sử. Nếu có kèm thêm mục đích giáo dục quần chúng thì cũng không
nên để thoát khỏi cơ sở tôn trọng sự thật, bởi trong thực tế lịch sử của một
dân tộc vốn đã có biết bao tấm gương tốt để noi, gương xấu để tránh, bài học lịch
sử thành công hoặc thất bại để rút tỉa, thì không cần gì phải thêu dệt, như đã
thêu dệt chuyện Mai Thúc Loan khởi nghĩa năm 722 vì “nạn cống vải” sang nhà Đường
Trung Quốc (xem tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 2 (67). 2008),
chuyện Lê Văn Tám chống Pháp tẩm xăng làm đuốc nhảy vào kho xăng Thị Nghè năm
1946 (xem tạp chí Xưa và Nay, tháng 10/2009)… Nếu vì một lý do quá đặc
biệt và bất đắc dĩ phải thêu dệt, vì quyền lợi công chúng, cũng thuộc vấn đề lịch
sử, thì sau khi giai đoạn lịch sử đặc biệt đó đã qua rồi, cũng phải trả cho sự
thật được trở về… Nếu vì lý do tuyên truyền giáo dục quần chúng, có thể viết
thêm các thể loại dã sử, giai thoại về nhân vật lịch sử (như kiểu viết trong
các tác phẩm Tang thương ngẫu lục, Lĩnh Nam dật sử, Tây Sơn thuật lược, Việt
sử giai thoại…), mà không cần đưa những nội dung có tính huyền thoại vào
sách giáo khoa dạy cho học trò vì yếu tính của sách giáo khoa là sự thật khoa học.
Chỉ cần phán đoán theo lương
tri thông thường không phải thông qua nghiên cứu sâu xa như Viện Sử học, ai
cũng biết những người như cụ Lê Văn Duyệt được nhân dân trân trọng thờ phụng,
như cụ Phan Thanh Giản từ bỏ cả mạng sống (cái quý nhất ở cá nhân con người)
khi vì tình thế bức bách khách quan phải giao thành cho giặc để tránh cho sinh
linh đỡ bị tàn sát, như học giả Trương Vĩnh Ký trong và ngoài nước đều kính trọng
dựng tượng thờ... thì không thể là những người tồi tệ phản dân hại nước cho được.
Do vậy, nếu có những sự đánh giá cẩu thả, sai lạc về các cụ trong một thời của
một số người nào đó trong giới sử học hoặc chính quyền (chứ không phải của cả
giới sử học hoặc của tất cả mọi người trong chính quyền) thì điều này gợi ý cần
phải coi lại triệt để phương pháp và thái độ nghiên cứu lịch sử, từ đó rút ra
những bài học kinh nghiệm cần thiết trong tương lai khi cần áp dụng kiến thức
và tư duy lịch sử soi xét, đánh giá những vấn đề hoặc nhân vật lịch sử khác. Điều
quan trọng là những người đưa ra các đánh giá phải không được xuất phát từ bất
kỳ một quan điểm giáo điều nào, cũng như ít nhất họ phải dựa trên cơ sở sử liệu
đầy đủ đã được thẩm tra kỹ, và một mặt khác đôi khi họ cũng phải có tư
cách-nhân cách tương đương hoặc cao hơn các đối tượng nhận sự đánh giá của họ. Một
người viết được vài ba bài viết trên mặt báo hoặc tập tiểu luận nhỏ về sử học,
khi nhận xét về cụ Phan Thanh Giản chẳng hạn, ít nhất cũng phải biết để cân nhắc
cụ là một người ăn học đàng hoàng, văn hay chữ tốt, đỗ tiến sĩ đầu tiên ở Nam Bộ,
và từng giữ chức Tổng tài Quốc Sử Quán, tổ chức biên soạn bộ Khâm định Việt sử
thông giám cương mục (gồm 53 quyển) vốn được coi là một bộ sử Việt biên soạn cẩn
thận và đồ sộ nhất từ trước đến giờ.
Một vấn đề được nói nhiều nhất
có lẽ trong các giới nghiên cứu văn học và lịch sử, nhưng lại luôn bị áp dụng một
cách lúng túng sai lạc do ảnh hưởng nặng nề của tệ giáo điều, đó là chủ nghĩa
duy vật lịch sử mà về mặt áp dụng để nghiên cứu văn học-sử học thì quen gọi bằng
cụm từ “quan điểm lịch sử cụ thể”. Karl Marx nói rằng không ai được chọn thời để
sinh ra cũng như không ai được quyền lựa chọn lực lượng sản xuất cho mình, nói
nôm na là khi người ta sinh ra thì nhiều cái đã có trước, không tùy thuộc vào ý
muốn chủ quan của bất kỳ ai. Đó cũng là một khía cạnh quan trọng của cái gọi là
bối cảnh hay hoàn cảnh lịch sử mà con người hầu như không thể thoát ra được. Ở
một chỗ khác, ông viết: “Quan điểm của tôi cho rằng sự phát triển của hình
thái kinh tế của xã hội có thể coi như quá trình của tự nhiên và lịch sử của tự
nhiên. Cho nên so với mọi quan điểm khác, quan điểm của tôi có thể ít quy trách
nhiệm cho cá nhân hơn về những quan hệ mà xét theo nghĩa xã hội, cá nhân đó trước
sau vẫn là sản vật, dù cho về mặt chủ quan cá nhân đó có thoát khỏi những quan
hệ ấy như thế nào chăng nữa” (Về những quy luật kinh tế trong chủ nghĩa xã hội,
Nxb Sự thật, Hà Nội, 1975, tr. 12). Marx cũng nhận định thật tài tình “Lịch sử
chẳng qua chỉ là hoạt động của con người theo đuổi mục đích của bản thân mình”
(C. Mác và Ph. Ăngghen, Gia đình thần thánh hay là phê phán sự phê phán có
tính chất phê phán, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1971, tr. 163).
Nếu xét theo quan điểm đại
loại như trên thì triều Nguyễn được dựng nên ứng vào thời kỳ sung mãn nhất của
cuộc cách mạng khoa học-kỹ thuật thế kỷ 19. Việc phát minh ra chiếc máy hơi nước
giải phóng sức sản xuất cùng với việc khám phá thêm các đường hàng hải mới đã dẫn
đến sự bành trướng của chủ nghĩa thực dân lúc đó đang cần rất nhiều nguyên liệu,
nhân công và thị trường tiêu thụ. Đây là sự diễn biến tất yếu khách quan trong
quá trình phát triển của lịch sử chủ nghĩa tư bản thế giới. Nếu Pháp không dòm
ngó Việt Nam trong lúc này thì cũng sẽ có một nước Bồ Đào Nha hay Y Pha Nho nào
khác. Rủi thay, thực dân Pháp đã đặt tầm ngắm một cách thuận tiện vào Việt Nam
giữa lúc trong nước còn đang chiến loạn nhiễu nhương, hai thế lực Nguyễn Ánh và
nhà Tây Sơn quần thảo nhau kịch liệt một mất một còn. Trong lúc núng thế, gặp
được một số đoàn truyền giáo khi đó cũng đang muốn triển khai việc mở đạo ở Việt
Nam hứa giúp, lẽ tất nhiên Nguyễn Ánh phải xem đây là một cơ hội, dù có thể là
“một cái xấu cần thiết”. Những đoàn truyền giáo này ngược lại đang cần tranh thủ
sự ủng hộ vừa của chính quốc vừa của những ông chúa tể bản xứ, trong khi chủ
nghĩa tư bản phương Tây cũng cần dựa vào những thế lực này để mở rộng các thị
trường thuộc địa, Nguyễn Ánh thì cần súng ống, tàu chiến đánh Tây Sơn, thế là một
sự kết hợp nhuần nhuyễn trúng khía đã xảy ra một cách khách quan để thỏa mãn
nhu cầu của tất cả các bên liên quan. Việc đầu tiên và cấp bách Nguyễn Ánh cần
làm là diệt được quân Tây Sơn trước đã bằng bất kỳ phương tiện nào, bởi mối thù
“chỉ non Tây thề chẳng đội trời chung”. Khía cạnh ngẫu nhiên của hoàn cảnh còn
nằm ở chỗ ông là người theo tổ tiên vào lập nghiệp ở miền Nam trước nên có nhiều
cơ hội tiếp xúc nhiều hơn với các nhà truyền giáo lúc đó đang cần liên lạc,
tranh thủ sự che chở của ông để truyền đạo. Diệt được Tây Sơn rồi mọi việc sẽ
tính sau, đó là mục tiêu cấp thời mang tính sách lược tình huống của vị vua
sáng lập triều Nguyễn, chứ hoàn toàn không cố ý muốn cầu thân với Pháp. Cũng
như vậy, cho rằng giáo sĩ Alexandre de Rhodes hay Giám mục Bá Đa Lộc làm môi giới
giữa Pháp với triều Nguyễn là những tên thực dân phản động lại càng sai lầm hơn
về mặt quan điểm lịch sử. Bằng cớ là sang thời Minh Mạng (từ năm 1820), Thiệu
Trị, các vị vua con, vua cháu này chẳng những không hợp tác với Tây mà còn thực
hiện chính sách giết đạo tàn khốc (chứng tỏ không thân Pháp) để giải quyết cái
di sản trớ trêu của lịch sử, và cũng chỉ trong khoảng thời gian đó các nhà vua
mới có thể dám làm như vậy (dù không phải là việc làm đúng, tốt), do mối ân
tình giữa vua cha (Nguyễn Ánh) với Bá Đa Lộc cùng một số tướng tá người Pháp
coi như đã “sạch nợ giang hồ”.
Có thể mượn cách diễn đạt
khá tinh tế về cách nhìn thực tế lịch sử của một dân tộc hay một cộng đồng xã hội
của ông Trần Bạch Đằng trong Lời giới thiệu cuốn sách Lê Văn Duyệt với vùng
đất Nam Bộ (Bán nguyệt san Xưa & Nay và Nxb Trẻ, 2002): “Người
viết sử có thể phân chia diễn biến của quá khứ thành nhiều chương, hồi, theo một
chủ điểm yêu ghét nào đó, có khi còn được gọi là chính thống; nhưng bản thân lịch
sử thì nó triển khai đan xen với vô số mâu thuẫn và cách xử lý mâu thuẫn, không
từ trong một kịch bản có sẵn nào cả”.
Trong chiều hướng “giải hoặc”
và “xét lại” phổ biến hiện nay để loại bỏ dần những cách đánh giá chính thống
nhưng cực đoan và trái quan điểm lịch sử vì thiếu tính toàn diện, một số nhân vật
cận đại ở Trung Quốc như Tăng Quốc Phiên, Tưởng Giới Thạch... có thời kỳ bị lên
án cực độ ở lục địa, nay đã được người Trung Quốc nhìn nhận lại theo chiều hướng
cởi mở hơn, và tư tưởng-tác phẩm của họ cũng đã được phổ biến khá nhiều trên
các kệ sách ở mọi nơi.
Ngày nay, ở Trung Quốc không
ai còn viết truyện hay làm phim để lên án Tần Thủy Hoàng là tàn bạo (mặc dù tàn
bạo thật), Tào Tháo là gian hùng (mặc dù gian hùng thật)... làm gì nữa, vì như
thế cũng vô ích. Ngược lại, một số đạo diễn có tài đã cố gắng dựng lên những bộ
phim hay mô tả toàn diện tính cách của một số nhân vật, đặt họ đúng vào bối cảnh
cụ thể của một thời kỳ lịch sử nhất định, tương ứng với những phong tục tập
quán cùng lề lối tư duy-hành động phản ánh cách hành xử của con người trong cả
một giai đoạn lịch sử nhất định nào đó, do vậy mà Tần Thủy Hoàng hoặc Tào Tháo
cũng có được những nét dễ thương đầy nhân tính song song với tính cách tàn bạo
hoặc gian hùng không ai chối cãi của họ. Bộ phim Công tử Bạc Liêu được
dàn dựng ở Việt Nam khoảng hơn 10 năm trước sở dĩ không thành công là vì những
người thực hiện mải lo phản ánh khía cạnh tiêu cực của vị công tử này nhắm vào
chủ đề chống phong kiến nhiều hơn là nhìn “công tử” ở góc độ khách quan là một
con người có gốc đại địa chủ thích ăn chơi nhưng tính tình hào sảng khả ái của
vùng đất mới Nam Bộ.
Đánh giá nhân vật lịch sử vì
thế rất cần có sự cân nhắc thận trọng về nhiều mặt trong tất cả mọi trường hợp.
Ở Việt Nam, các nhân vật lịch sử lớn như Lê Văn Duyệt, Phan Thanh Giản, Nguyễn
Trường Tộ, Trương Vĩnh Ký, Phạm Quỳnh... có thời gian khá dài cũng bị kết án
oan về một số mặt cơ bản, khiến cho những con đường hay trường học mang tên họ
đều bị xóa bỏ đi hết, và học sinh hoặc không biết gì về họ hoặc phải học hai
môn văn học và lịch sử với những quan điểm và cách trình bày cực kỳ phiến diện.
Việc viết sử nói chung phải
thận trọng giống như đánh giá nhân vật lịch sử. Ngoài nguyên tắc phải tôn trọng
sự thật lịch sử trên cơ sở thu thập-phân tích-khảo chứng tư liệu và tôn trọng
phương pháp sử học thuần túy, không để bị chi phối bởi bất kỳ giáo điều chính
trị nào, người viết sử còn phải vận dụng chính xác cái gọi là “quan điểm lịch sử
cụ thể” như đoạn trên của bài viết này đã cố gắng diễn giải. Ngoài ra họ còn phải
hiểu đời một cách sâu sắc, thông đạt chính trị và nhân tình, hiểu được lý do
các hoạt động của loài người, có tầm nhìn bao quát về tâm lý cuộc sống v.v..,
và tất cả những điều đó phải được thể hiện với một lương tri hay trực giác bén
nhạy tối thiểu. Xét về các phương diện này, cho đến nay chúng ta vẫn có thể tạm
coi bộ Việt Nam sử lược của cụ Trần Trọng Kim là một bộ “tín sử” hay
nhất trong những bộ sử hiện có, bởi nó đã được cụ Trần căn cứ trên nhiều tài liệu
rồi viết ra theo kiểu thấy sao nói vậy bằng cách nghĩ cách diễn đạt thận trọng
của riêng mình với một lương tâm khá trong sáng, trong đó cụ không hề có một lời
khen ai hoặc mạt sát ai quá đáng, tuy rằng nó vẫn chưa đạt tiêu chuẩn khoa học
đầy đủ của một bộ thông sử có tính toàn quốc. Như khi bình luận về tư cách của
Phan Thanh Giản, tác giả nói rất gọn mà thấm thía: “Bấy giờ ông đã già, đã
ngoài 74 tuổi, làm quan thật là thanh liêm, nhưng chẳng may gặp phải khi nước
có biến, biết thế mình không làm gì được, đem tấm lòng son sắt mà báo đền ơn nước
cho hết bổn phận người làm tôi”. Phải công tâm thừa nhận có một thời học
sinh rất thích học môn lịch sử một phần là nhờ bộ Việt Nam sử lược, với
cách trình bày các sự kiện lịch sử vừa ngắn gọn mạch lạc vừa hấp dẫn, lời lẽ ôn
nhu khiêm tốn, bình phẩm có mức độ, đọc hay như một bộ tiểu thuyết trường thiên
của dân tộc. Còn hiện nay, người ta than rằng học sinh không thích học môn lịch
sử, dốt sử, thì cũng là một điều dễ hiểu và nên xem lại cách viết sử như là một
hướng tiếp cận để nghiên cứu giải quyết vấn đề.
Tuy nhiên, lịch sử vốn thường
là những diễn biến được mô tả lại bằng ngôn ngữ của kẻ chiến thắng, nên trong
những cuộc “cải triều hoán đại”, nó rất khó giữ được tính trung thực khách quan
hoàn toàn. Chẳng hạn, trong những bộ chính sử do Quốc Sử Quán triều Nguyễn biên
soạn khó thể tìm được chỗ nói tốt cho triều Tây Sơn Nguyễn Huệ, cũng tương tự
như lịch sử do các cơ quan chính thức của nhà nước Trung Quốc viết ra thì hầu
như việc gì của lực lượng Quốc Dân Đảng làm trong giai đoạn Tưởng Giới Thạch cầm
quyền cũng đều tệ hại, phản động tất tần tật. Trong suốt thời kỳ Mao Trạch Đông
cầm quyền, việc gì của Mao làm cũng được ca tụng, thành công gì trong các hoạt
động khoa học, chính trị, văn hóa... cũng đều được quy công cho sự lãnh đạo anh
minh của Mao. Các sách khoa học tự nhiên thời đó từ địa chất học cho đến thực vật
học đều phải tôn Mao làm minh chủ. Phải đợi cho đến khi Mao Trạch Đông qua đời
năm 1976 nhiều sự thật lịch sử mới được phơi bày ra ánh sáng, hàng ngàn người bị
kết án oan đưa đi lao động khổ sai trong thời kỳ Cách mạng văn hóa được trả tự
do, phục hồi danh dự; bản thân Mao cũng được đánh giá lại. Thực tế khó chối cãi
này đặt ra một vấn đề hết sức tế nhị, là liệu có thể có được những bộ sử trung
thực ở đâu đó trong những nước có hoàn cảnh tương tự như Trung Quốc, trong khi
cái gọi là “chính sử” đều do các nhà đương cuộc tổ chức biên soạn bằng kinh phí
nhà nước, còn tư nhân thì hầu như chắc chắn không ai được tài trợ để làm công
việc này cả? Trong chiều hướng thực tế nói chung như thế, chúng ta có thể khẳng
định một cách tương đối rằng, lịch sử thành văn khá trung thực thường chỉ có thể
có được trong hai điều kiện: hoặc thời kỳ lịch sử đang nói phải ở thời gian
cách xa với nhà cầm quyền đương đại, hoặc việc viết sử là do tư nhân độc lập đảm
trách một cách tự nguyện như trường hợp của Tư Mã Thiên đối với bộ Sử ký
có một không hai trong lịch sử sử học của nhân loại.