Báo “Lời
Thăm”, Địa phận Qui Nhơn,
số 45, Thứ Năm, 20 Nov. 1941
Đặng Quyền
Vừa lược đăng, kỳ trước, một
trang thảm sử, nghe người ta nói lại, liền tiếp được một bổn ký trình thường
niên của Đức giám mục Qui Nhơn theo bổn sổ phúc trình Tòa Thánh; trong đó có
nói Thác Đá, một sở đạo gần phủ lỵ Bồng Sơn, cũng có cái lăng, giống như lăng
tử đạo Gia Hựu và kể luôn tích tử đạo nữa. Xin dịch nguyên văn khúc chuyện tử
đạo Thác Đá ra đây, hiến các bạn coi cho biết, gọi là chút dấu tích xưa.
“Thác Đá, ngày nay tách làm hai
sở, trước năm 1885, (cái năm thảm khốc, người ta kêu là năm Ất Dậu) chung có
một sở, nhơn số là 400 người, kể luôn cả 140 người ở nhà phước và nhà mồ côi.
Nhà thờ và lỵ sở ở tại Thác Đá dưới, cách phía dưới Thác Đá ngày nay không đầy
hai cây số. Cả địa sở tính được lối 1.800 linh hồn, ăn trùm chẳng những mấy địa
sở Đại Bình, Trung Yên, Trung Lương, mà cả đến Mỹ Thọ, Vạn, Tân Đức và Lò Gốm
nữa.
Năm 1885, cả thảy đều bị thiêu, bị sát hết,
không còn mảy may gì cả. Trong khoảng tháng Juillet năm ấy, Cố Barrat và Cha
Mão, làm phó xứ, thường ở trên Đồng Dài, được lịnh Đức cha Camelbecke (Đức cha
Hân) dạy chạy vô Làng Sông và Qui Nhơn, nhưng mà bổn đạo Thác Đá nghĩ là nan
phương, không lẽ gì tẩu thoát được, thành thử hai cha phúc trình Đức giám mục
hay: phận các ngài là ở giữa đoàn chiên, các ngài xin cam phận. Ngày mồng 3
Aout, giặc kéo tới vây Thác Đá. Cố Barrat, Cha Mão, nhà phước, trẻ nhỏ mồ côi
và ít bổn đạo kéo vô nhà thờ dọn mình chờ chết. Tối mồng 3 rạng ngày mồng 4,
giặc đốt nhà thờ, hai cha và bấy nhiêu người bị chết thiêu trong ấy hết. Phần
người bổn đạo ở ngoài, trong lúc cuối cùng, nhiều người trốn thoát được chạy
lên núi, giặc họ xua chó đuổi săn, giết chết gần hết, sót đâu vài mươi người.
Ngày mồng 4, mồng 5 tháng Aout đó, trong các sở khác, bổn đạo cũng bị tru diệt
như vậy”.
Đó là duyên do cái mả tử đạo ở Thác Đá. Nghĩ mà
thảm thương! Nhưng mà bổn đạo ngày xưa họ biết và tin chắc lời Chúa phán hứa:
“Bao giờ người bách hại và vu oan giá họa chúng con vì Cha, thì chúng con có
phước: chúng con hãy vui mừng hoan hỉ vì phần thưởng chúng con trọng hậu trên
thiên đàng”. Tin chắc và vững tin nên người xưa
được gan dạ đá vàng coi cái chết như không.
Đáng khâm phục và đáng người ngày nay trang
điểm lăng mồ, ghi nhớ lòng đạo đức anh hùng đã vì nghĩa Chúa mà thí mạng mình,
và để gương lại cho miêu duệ nghìn thu.