Thứ Năm, 16 tháng 8, 2012

NHỮNG ĐỊA DANH BẮT ĐẦU BẰNG CHỮ ‘LA’ TRONG VƯƠNG QUỐC CHĂM PA XƯA


Lm. Gioan Võ Đình Đệ



I. LÃNH THỔ VƯƠNG CHĂM PA TRONG LỊCH SỬ:

Trải qua những cuộc thăng trầm, Vương quốc Chăm Pa trong lịch sử bao gồm bốn địa khu với tên gọi, vị trí và lãnh thổ của các khu vực này như sau:

1. Amaravati: Địa khu này có hai trung tâm là thành phố Indrapura nằm ở khu vực Đồng Dương, thuộc địa phận huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam và thành phố Simhapura nằm ở Trà Kiệu huyện Duy Xuyên, Quảng Nam ngày nay. Và thánh địa Mỹ Sơn nằm ở cách Trà Kiệu khoảng 25km về hướng tây nam, nơi vẫn còn nhiều di tích đền tháp của người Chăm. Địa khu này lúc mở rộng nhất bao gồm các tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Quảng Bình, Quảng Trị, và Thừa Thiên–Huế ngày nay.

2. Vijaya: Thủ phủ cũng là thành phố cùng tên Vijaya mà trong sách sử của người Việt gọi là Chà Bàn (thời Lê) hay Đồ Bàn thuộc tỉnh Bình Định ngày nay. Địa khu này là toàn bộ khu vực tỉnh Bình Định ngày nay.

3. Kauthara: Thủ phủ là thành phố Kauthara, nay là Nha Trang thuộc tỉnh Khánh Hòa. Địa khu này bao gồm hai tỉnh mà ngày nay là Khánh Hòa và Phú Yên

4. Panduranga: Thủ phủ là thành phố Panduranga ngày nay là thành phố Phan Rang – Tháp Chàm thuộc tỉnh Ninh Thuận. Địa khu này bao gồm hai tỉnh mà ngày nay là Ninh Thuận và Bình Thuận. Panduranga là lãnh thổ Chăm Pa cuối cùng bị Đại Việt sáp nhập. Dưới thời các chúa Nguyễn cũng như đầu thời Nguyễn được gọi là Thuận Thành.

II. NHỮNG ĐỊA DANH BẮT ĐẦU BẰNG “LA”

Căn cứ vào lãnh thổ của Vương quốc Chăm Pa xưa, ngày nay là vùng đất từ Quảng Bình cho đến Bình Thuận, chúng ta có thể tìm thấy những địa danh bắt đầu bằng chữ La. Ngoài phần lãnh thổ nầy, hiếm thấy có địa danh nào như thế. Phải chăng các địa danh bắt đầu bằng chữ La là những địa danh có gốc gác từ Chăm Pa ?

1. Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế :

- La Ngà ( một hồ lớn thuộc xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị. Hồ La Ngà tọa tạc phía Bắc sông Bến Hải. Hồ nầy thông với Sông Bến Hải ở đoạn gần Cửa Tùng ).

- La Vang ( thuộc thôn Phú Long, xã Hải Phú, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị )

- La Hồ ( thuộc huyện Nam Đông, Thừa Thiên-Huế ). 

2. Quảng Nam – Đà Nẵng :

-     Trước đây gồm có liên danh Ngũ La : La Nang, La Huân, La Thọ, La Châu La Bông thuộc phủ Điện Bàn. Ngày nay trong liên danh nầy còn có La Châu thuộc huyện Hoà Vang, Đà Nẵng. Có Giáo xứ La Nang và Giáo xứ La Tháp. Tên gọi La Tháp có thể do ghép từ La Châu và Cổ Tháp, Cổ Tháp là tên gọi xã cũ, nay là xã Duy Châu, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam.

3. Quảng Ngãi :

-         La Vân ( thuộc xã Phổ Thanh , huyện Đức Phổ ).
-         La Hà  ( thị trấn La Hà , huyện Tư Nghĩa ). 

4. Bình Định :

-         La Tinh ( tên dòng sông phát nguồn từ huyện Vĩnh Thạnh, chảy qua huyện Phù Cát, huyện Phù Mỹ rồi ra đầm Nước Ngọt.
-         La Vuông (Hoài Sơn, Hoài Nhơn, Bình Định) 

5. Phú Yên :
-         La Hai  ( thị trấn La Hai, huyện Đồng Xuân ) 

6. Ninh Thuận :
-         La Chữ ( thuộc huyện Ninh Phước )

7. Bình Thuận :

-         La Gi ( thị trấn ven biển bên cửa sông Dinh, huyện Hàm Tân )
-         La Dạ ( xã La Dạ, huyện Hàm Thuận Bắc )
-         La Ngâu ( xã La Ngâu, huyện Tánh Linh )
-         La Gan ( mũi đất nhô ra biển, huyện Tuy Phong )
-         La Ngà ( tên một dòng sông thuộc nhánh bên trái của sông Đồng Nai, chảy qua các huyện Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Tánh Linh, Đức Linh.Và cũng là tên của một thị trấn thuộc huyện Định Quán, tỉnh Đồng nai. Thị trấn La Ngà có cầu bắc qua sông La Ngà, km 101, quốc lộ 20, Sài Gòn đi Đà lạt )


III. ĐỊA DANH LA VANG TRONG SỬ KÝ VƯƠNG QUỐC CHĂM PA 

“Dấu bia đá tìm thấy ở Mỹ Sơn cho biết: “Nhà vua Juan (Đại Việt) vì được biết vua Cam-Bốt gây nhiều khó khăn cho Jaya Harrivarman nên đã phong cho một người xứ Chàm là Vamçarâja lên làm vua và còn giúp nhiều “senâpati yuan” với đoàn quân thiện chiến vào lối một trăm ngàn người. Đoàn quân nầy kéo đến tận miền đồng bằng Dalvâ[1] Lavang. Tức thì Jaya Harrivarman đem quân từ Vijaya ra nghinh chiến. Hai bên đánh ghê gớm và sau cùng Jaya Harrivarman đã đánh bại Vamçarâja; quân lính bị chết rất nhiều”. [2]
Cuộc chiến lịch sử nầy được Đại Việt Sử Ký Toàn Thư ghi lại vào Năm Nhâm Thân, [Đại Định] năm thứ 13 [1152], (Tống Thiệu Hưng năm thứ 22)[3]: “Người nước Chiêm Thành là Ung Minh Ta Điệp[4] đến cửa khuyết xin mệnh cho làm vua nước ấy. Xuống chiếu cho Thượng chế Lý Mông đem hơn 5.000 người ở phủ Thanh Hoá và châu Nghệ An sang Chiêm Thành lập Ung Minh Ta Điệp làm vua. Mông đến Chiêm Thành bị vua nước ấy là Chế Bì La Bút [5] chống cự, bọn Ung Minh Ta Điệp và [Lý] Mông đều chết” [6].
 

GHI CHÚ:

1.     Theo thống kê của các học giả người Pháp vào năm 1923, số bia ký Chăm đã được biết là 170, tất cả các bia ký Chăm đều được khắc lên đá thành những tấm bia to và đẹp và một số bia ký khác được khắc lên tường của các tháp Chăm. Các văn bia cổ Chăm Pa là những văn bản gần như duy nhất thể hiện ý tưởng của các vị vua và triều đình. Theo thống kê nầy, Bia Mỹ Sơn được ký hiệu C101 và bia Da Ne (Patau Tablah) được ký hiệu C17. Bia C101 ở Quảng Nam và bia C17 ở Ninh Thuận. Hai bia nầy đều nói về chiến tích của vua Jaya Harivarman I ).

2.     Theo lời kể mà con trai vua Jaya Rudravarman IV ghi lại trong bia ký tìm thấy ở phía nam Champa và ở Mĩ Sơn cho rằng quốc vương này băng hà vào năm 1147, mang thánh hiệu là Paramabrahmaloka. Sau đó, các quan chức Champa đang lánh nạn tại tiểu vương quốc Panduranga tôn người con trai của ông lên nối ngôi lấy danh hiệu là Jaya Harivarman I. Sau đó Jaya Harivarman I tự xưng là vua Champa vào 1149 và cũng là năm kết thúc cuộc chiến giữa Champa và Campuchia (L. Finot, «Les inscriptions de Mĩ-sơn XXI», trong BEFEO IV, 1904, trg. 964-965).

3.     Mặc dù đã thành công đánh đuổi quân Campphuchia, Jaya Harivarman I phải đương đầu với một người anh rễ tìm cách tranh quyền chiếm ngôi, bằng cách kêu gọi dân tộc Cao Nguyên vùng dậy chống lại ông ta. Bị đánh bại vào năm 1150, anh rể của vua Jaya Harivarman I phải chạy sang Ðại Việt để xin cầu cứu. Mặc dù có sự giúp quân của Ðại Việt, anh rể này vẫn bị đánh bại và biến mất trên bàn cờ chính trị. Sau biến cố này, vua Jaya Harivarman I xua quân chinh phạt tiểu vương quốc Amaravati về tội vùng dậy chống lại uy quyền của ông ta vào năm 1151, sau đó trở lại miền nam để dẹp những cuộc nổi loạn ở Panduranga. Mãi cho đến năm 1160, tiểu vương quốc Panduranga mới chấp nhận phục tùng uy quyền của Jaya Harivarman I như một vị lãnh tụ tối cao của liêng bang Champa. Jaya Harivarman I là vị vua dũng cảm và cũng là nhân vật đã thực hiện nhiều công trình xây dựng đền đài tại Mĩ Sơn và tại Po Nagar ở Nha Trang. Có thể băng hà vào những năm 1162-1166.

4.     Vamçarâja được đề cập trong bia Mỹ Sơn là người anh rể đối nghịch với Jaya Harivarman I.


[1] Dalvâ ( Đông Hà ngày nay )
[2] Dohamide và Dorohiem, Dân Tộc Chàm Lược Sử, in lần thứ nhất, nhà in Lê Văn Phước 72, Phát Diệm, Sài Gòn, năm 1965, trang 59-60.
* Hai tác giả nầy trích tài liệu từ : L. Finot, Inscription de Mi Son, BEFEO, IV, tr. 965
[3]  Thời Vua Lý Anh Tông ( 1138-1175 )
[4]  Đại Việt sử lược chép là Ung Minh Điệp ( ĐVSL3,5a ), tức ông Vangsaraja. ( theo chú giải của Đại Việt Sử Ký Toàn Thư ) 
[5] Chế Bì La Bút: tức Jaya Harivarman I (ở ngôi: 1145-1170). (theo chú giải của Đại Việt Sử Ký Toàn Thư)
[6] Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên, v.v... , Dịch giả: Viện Khoa Học Xã Hội Việt Nam 1985-1992, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư 1697- Bản Kỷ - Quyển IV. Nhà xuất bản: Khoa Học Xã Hội - Hà Nội 1993, trang 142.