Thứ Sáu, 31 tháng 8, 2012

SÀIGÒN - ĂN




Lê Ký Thương  

Sài Gòn – ăn suốt ngày suốt đêm, ăn tận hang cùng ngõ hẻm đến các nhà hàng sang trọng. Vì Sài Gòn là thành phố không bao giờ ngủ.
Người ta ăn do nhu cầu bao tử - ăn để lấy sức làm việc, ăn do giao tế và... một lý do thời thượng là ăn do công việc làm ăn. Vì thế dịch vụ ăn (uống) không ngừng phát triển và luôn luôn đổi mới trong thế cạnh tranh hết sức sinh động.
Xưa nay, Sài Gòn được xem là “đất lành chim đậu”, người tứ xứ - Tây có, ta có - đổ về tìm cơ hội làm ăn sinh sống, tham quan du lịch, nên có nhiều tiệm ăn, nhà hàng chuyên kinh doanh đặc sản nổi tiếng từng vùng, từng miền trong nước như: các món ăn Huế, mì Quãng, nem Ninh Hòa, gỏi cá Cam Ranh, bánh tráng phơi sương Trảng Bàng, hủ tiếu Nam Vang, chả cá Lã Vọng, v.v... đồng hành với những nhà hàng chuyên kinh doanh các món ăn (uống) Pháp, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Brazil, Tây Ban Nha, Mexico, Mỹ, Úc... Bên cạnh đó là những tiệm ăn và nhà hàng chay dành cho Phật tử và những người thỉnh thoảng chán chê thịt cá. Có thể nói Sài Gòn bây giờ là một “hiệp chủng quốc” ăn (uống). So với xưa kia, Sài Gòn  chỉ biết cà ri Ấn Độ hay sang trọng hơn là “ăn cơm Tàu, ở nhà Tây, lấy vợ Nhật”.
Bước chân ra khỏi nhà là đụng ngay chuyện ăn. Gánh hàng rong, xe phở, xe hủ tiếu, v.v... ngay đầu hẻm. Đi khắp các nẻo đường trong thành phố, kể cả các huyện ngoại thành, không nơi nào là không thấy ăn. Ăn ngày, ăn đêm. Một người bạn ở nước ngoài về Sài Gòn, lần đầu tiên đi tìm địa chỉ người bạn mới quen trên internet, tìm mãi nhà nàng không ra mà chỉ thấy toàn nhà... hàng, bèn thốt ra thơ: “Đi đâu cũng thấy nhà hàng/Đi hoài chẳng thấy nhà nàng ở đâu!” Anh bạn cho biết ở nước ngoài người ta không ăn như ở Sài Gòn của mình và Sài Gòn trước kia không ăn như Sài Gòn bây giờ.
Do cạnh tranh, nhiều tiệm ăn, nhà hàng có những chiêu tiếp thị hết sức “ấn tượng”, nhất là những nơi bán bê thui. Nửa buổi sáng, nhìn thấy xác một con bê bị chặt đầu lột da, xiêng qua chiếc dùi sắt trên lò nướng, đặt ngay trên lề đường trước cửa nhà hàng thì mới thấm được chân lý “con người thông minh hơn con vật”!
Nhiều nhà hàng bán thịt thú rừng trưng biển ngay trên tường rào quảng cáo đủ loại thú rừng. Một hôm, anh bạn từ Tây nguyên – nơi rừng còn có chỗ cho thú sinh sống qua ngày – xuống Sài Gòn dạo chơi một vòng, thấy những tấm bảng to đùng liệt kê cả nhím, trút, heo rừng... bèn thốt: “Dân Sài Gòn giỏi  thiệt, bây giờ nuôi được cả  thú rừng quí hiếm này để kinh doanh. Tay thợ săn tài ba ở địa phương tôi, hú họa lắm mới bẫy được một con heo rừng”. Còn nhớ năm nào, trong một số tiệm ăn, nhà hàng có dán tờ bích chương của tổ chức bảo vệ đời sống hoang dã với nội dung: “Bắt nó trong rừng/là vi phạm luật/bán nó cho nhà hàng/là vi phạm luật/giết nó/là vi phạm luật/ăn thịt nó/cũng là vi phạm luật”, bây giờ không còn những câu khẩu hiệu như vậy nữa. Nhưng những quán bán thịt rừng vẫn tồn tại và khách thích thịt rừng (dù thịt giả) vẫn thản nhiên ăn.
Bước vào chốn ăn (uống), tôi thích nhìn... cách ăn, chứ không phải “nhìn miệng”, của người khác. Có người sung sướng khi được ăn và cũng có người vì một lý do nào đó chẳng sung sướng gì khi phải ăn, nên chỉ ăn lấy lệ. Ở những nhà hàng thì thấy rõ cách ăn nhất. Nhiều bàn “ăn vô tội vạ”, nghĩa là họ kêu thức ăn (uống) tràn lan, ăn (uống) không hết vẫn phải thanh toán tiền, biết thế nhưng họ vẫn (và luôn luôn) xem là “chuyện thường ngày ở huyện”, trong khi toàn xã hội vẫn còn rất nhiều gia đình thuộc diện “xóa đói giảm nghèo”. Người phương Tây trong chuyện ăn (uống) kỵ nhất là “con mắt to hơn cái bụng”. Nếu lỡ ăn không hết thì mang về chứ không bao giờ để thức ăn thừa lại bàn, đối với họ như thế là mất lịch sự, không tôn trọng nhà hàng mà cụ thể là đầu bếp và những người phục vụ. (Trừ thói quen lịch sự của dân Pháp, khi uống lúc nào cũng chừa một tí ở  đáy ly mới là “lady”,  “gentlement”). Còn ta thì vì ”sĩ diện” hoặc vì đâu phải tiền túi mình bỏ ra mà tiếc.
Nhưng đâu phải riêng gì người phương Tây, dân tộc ta cũng có truyền thống văn hóa trong ăn (uống) từ ngàn xưa. Điều này thể hiện qua câu tục ngữ “ăn coi nồi, ngồi coi hướng”. Khi ăn thì phải nghĩ đến cái bụng của người khác trước khi lo cho cái bụng của mình. Những nước văn minh  nông nghiệp quan niệm hạt gạo là hạt ngọc trời ban, nên từ đời này sang đời khác cha mẹ dạy con cái từ khi biết cầm muổng, cầm đũa phải vét sạch trơn chén cơm khi ăn xong, giống như người phương Tây phải dùng miếng bánh mì vét sạch dĩa thức ăn.
Nói thêm về cách ăn của một số người Sài Gòn bây giờ ở những bữa buffet – một loại hình ăn uống từ phương Tây du nhập vào nước ta và đang nở rộ, có cả buffet chay. Ăn buffet là ăn theo sở thích và tùy sức, ăn hết những gì mình lấy trên đĩa. Nhưng có người, có gia đình cố ăn cho “đáng đồng tiền bát gạo” bỏ ra nên có cảnh ăn xong rồi xoa bụng than quá no, đứng dậy không nổi hoặc bỏ mứa thức ăn đầy bàn! Thường những bữa buffet có nhiều người phương Tây dự, không hiểu khi thấy cách ăn như thế họ nghĩ gì?
Ông bà ta dạy: “Học ăn, học nói...”, còn người phương Tây thì có câu: “Anh hãy cho tôi biết anh ăn ra sao thì tôi sẽ nói anh là người thế nào”. Nhưng thiết nghĩ, cách ăn xét về mặt xã hội không đáng lo  bằng mục đích ăn. Nếu ăn theo kiểu “sống để ăn” hay  ăn “để công việc làm ăn được trơn tru”– một hiện tượng đang tồn tại và liên tục phát triển giữa một thành phố đang quyết tâm phấn đấu trở thành thành phố văn minh hiện đại, thì  e rằng xã hội ta sẽ ngày càng nhiều hơn những con người... “quá khổ”!