Thứ Ba, 28 tháng 8, 2012

PHẢI CHĂNG CHÚNG TA ĐANG NGÀY CÀNG THIẾU VĂN HÓA?


 

Erwan Desplanques
NGUYỄN DUY BÌNH dịch
 
(VHNA): Thời gian qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng nước ta đã dấy lên những cuộc tranh luận về sự xuống cấp văn hóa, thể hiện rõ nhất ở sự thụt lùi của văn hóa đọc, sự sa sút của các môn khoa học xã hội và nhân văn, trình độ tiếng Việt nghèo nàn của giới trẻ… Nhưng Việt Nam có phải là một ngoại lệ? Để bạn đọc có cái nhìn đối sánh, Tạp chí Văn hóa Nghệ An xin giới thiệu bài viết sau đây của Erwan Desplanques về các cách nhìn nhận khác nhau về trình độ văn hóa của người Pháp hiện nay.
Trình độ văn hóa của người Pháp không được xuất sắc cho lắm. Sự ám ảnh tinh hoa chủ nghĩa này của người Pháp phải chăng đã trở nên lỗi thời? Hay là đầu óc của chúng ta dù ít kiến thức hơn, nhưng tư duy tốt hơn?
Mười bảy tuổi mà không biết Rimbaud là ai. Có lẽ trong chúng ta, số người có văn hóa như lá mùa thu, như xương rồng trên vỏ băng địa cực. Một cái đầu trống rỗng. Đó là điều mà mới đây Trường Khoa học chính trị đã cho chúng ta biết để biện minh cho việc bỏ môn thi luận về văn hóa tổng quát ở kỳ thi đại học. Tháng giêng năm 2012, trường đại học danh tiếng của Paris đã đóng gói môn thi này - “Ai có thể tự cho mình là có văn hóa tổng quát ở tuổi 17?”, Richard Descoings, nguyên hiệu trưởng trường đặt vấn đề - ông cho rằng môn thi đó không hữu ích (với những bài văn quá yếu) và mang tính phân biệt (đối với các em học sinh cấp 3 khó khăn về mặt xã hội).
Kết quả của quyết định phí phạm này: trên báo chí, rất nhiều diễn đàn đồng loạt tỏ ý phẫn nộ, như thể người ta vừa đặt lại vấn đề về sự tồn tại của Descartes hay Aristote. Một sự lựa chọn “chết người” theo Régis Debray, Philippe Sollers hay Erik Orsenna. Dấu hiệu của “tình trạng xuống cấp của văn hóa hiện nay, đáng quan ngại hơn cả việc đánh mất bộ tam A(1)” (Ivan Rioufol, Le Figaro). Bằng chứng cho thấy các trí thức tinh hoa của chúng ta ít nhất cũng đã giữ được tinh thần bi kịch!
Đằng sau cuộc tranh luận xung quanh Trường Khoa học chính trị là sự lo âu đặc trưng Pháp về sự xuống cấp của văn hóa. Sự sợ hãi về sự chai lì của bộ não càng trở nên sâu sắc hơn trong bối cảnh Pháp (Quận chúa Clèves bị cựu nguyên thủ quốc gia chê bai, môn lịch sử-địa lý trở thành môn chọn ở kỳ thi tốt nghiệp tú tài ban khoa học, các khoa văn vắng bóng người học, v.v…). Thế hệ trẻ dường như không biết các tác phẩm cổ điển và hớn hở song hành cùng sự thiếu hiểu biết của mình mà không cảm thấy có “nhu cầu đọc Balzac để học cách sống” (Pierre Nora).
Đâu đâu người ta cũng than vãn: giáo viên thì phàn nàn về sự xuống cấp văn hoá tràn lan, còn các chủ doanh nghiệp Pháp thì nhận thấy trình độ văn hóa của các nhân viên trẻ mới được tuyển dụng càng ngày càng thấp (Theo điều tra của Les Echos - Viện doanh nghiệp, năm 2006). Thậm chí hội đồng tuyển sinh trường ENA (Trường Hành chính quốc gia) cũng ghi nhận “trình độ kiến thức thấp kém” của các thí sinh trong bản báo cáo mới nhất (2010). Vậy là, nền tảng của cả dân tộc đang bị đe dọa (như thế để nói rằng ngày tận thế không còn xa nữa).
Chắc hẳn sẽ khủng khiếp hơn nữa nếu những lo lắng này được xác minh bằng một nghiên cứu khoa học. Song, không có gì cho phép xác định được những lo ngại đó: đã từ lâu, trình độ văn hóa tổng quát của người dân là một “điểm mù” theo nhà nghiên cứu khoa học thông tin Bertrand Labasse (Trường Đại học Ottawa). Nói chung, chúng ta không hề biết là người dân biết hay không biết điều gì. Theo điều tra của Ủy ban châu Âu, một phần tư người Pháp còn tin là mặt trời xoay quanh trái đất. Những cuộc thăm dò khác chỉ ra rằng chỉ có 36% người Pháp biết tên Chủ tịch Quốc hội và chưa đến 16% có thể kể tên một nhà văn lớn người Ý. Những kết quả này nói lên điều gì? Gần như không gì cả.
Ngay bản thân khái niệm văn hóa tổng quát là một “cụm từ bất ổn và hoang tưởng”, cũng theo Bertrand Labasse. Trong giáo dục, “đó không phải là một chuyên ngành, đó chỉ là một từ vạn năng để chỉ những môn thi khác nhau”, Eric Cobast, một giáo sư dạy lớp dự bị đại học nhận xét: Ở Trường Khoa học chính trị người ta gọi đó là triết học light(2); trong các trường khác (thương mại, y khoa, báo chí, v.v...) thì đó là sự pha trộn của lịch sử, thời sự và suy nghĩ cá nhân.
Rộng hơn, người ta thường nói là văn hoá tổng quát không được định nghĩa, nếu không phải một cách tiêu cực, như là “những gì còn lại sau khi đã quên hết” (Theo câu nói nổi tiếng của Edouard Herriot). Một số ngày tháng quan trọng hay những câu trích dẫn nổi tiếng. Thêm vào đó là một ít véc ni đánh bóng rẻ tiền nữa (xem hàng loạt cuốn sách về chủ đề này thì biết: từ cuốn Văn hóa tổng quát cho những người mù tịt, đã bán được 450 000 bản, đến Văn hoá tổng quát trong vòng 8 ngày, xuất bản năm ngoái ở NXB Ellipses!)
Chưa hẳn đã đúng hoàn toàn: những kiến thức được xem là cơ bản để trau dồi vốn văn hoá của mình không phải được chọn lựa một cách tình cờ - học bách khoa toàn thư cũng vô ích thôi. Những kiến thức đó luôn tương ứng với một “khối kiến thức hợp lệ” và đáp ứng “chuẩn mực xã hội”, Bertrand Labasse nhấn mạnh. “Cách đây vài thập kỷ chẳng hạn, ai mà không biết các tỉnh trong nước thì có nguy cơ bị xem là một kẻ dốt nát, nhưng giờ người ta khoan dung hơn nếu ai đó nhầm lẫn địa điểm của Bar-le-Duc hay La Roche-sur-Yon.” Kiến thức tối thiểu mà xã hội thượng lưu đòi hỏi thay đổi theo thời gian. Hay theo vùng miền. Với một nền tảng luôn luôn thiêng liêng ở xứ sở của Montaigne: cổ văn (văn chương, lịch sử, triết học).
Ở Pháp, cổ văn luôn được xem là cốt lõi, cốt tủy của nền giáo dục. Cho đến cuối thế kỷ 19, học sinh dành ba phần tư thời lượng để học các môn đó. Họ phải tiếp cận các tác giả lớn, thử sức với những kiệt tác trong quá khứ để rèn luyện tư duy và trau dồi tâm hồn. Kỳ thi thạc sĩ (agrégation) đầu tiên (năm 1766) thi về văn phạm và văn chương.”, Claude Lelièvre, nhà nghiên cứu lịch sử giáo dục Trường Đại học Paris-Descartes giải thích. Đó là sự kế thừa nghệ thuật hùng biện của người Hy Lạp. Và phát triển hơn với các thầy tu dòng Tên (các nhà truyền giáo đã rất ấn tượng với các vị quan Trung Hoa, có khả năng leo lên bậc thang quyền lực nhờ vào kiến thức sách vở).
Các chuyên gia giáo dục công nhận rằng đó là một quan niệm về tri thức vừa thanh cao vừa võ đoán. Thậm chí hẹp hòi. Nền văn hóa cổ điển đó đâu có làm cho trí tuệ thăng hoa - và đâu được xã hội trọng vọng - nền văn hóa đó bỏ quên một phần lớn các kiến thức cập nhật. “Ngày nay, trình độ về hóa học và sinh học của người dân cao hơn cách đây một trăm năm nhưng chẳng ai để tâm đến điều đó”, Claude Lelièvre nhận xét. Trong vòng một trăm năm, phạm vi tri thức đã bùng nổ (khám phá khoa học, sự ra đời của xã hội học, nhân học và điện ảnh…). Chúng ta giải quyết những lĩnh vực rộng lớn hơn gấp 10 lần. “Nếu chúng ta quan tâm đến tổng thể kiến thức của từng người thì có thể nói chưa bao giờ chúng ta thông thái đến thế”, Bertrand Labasse đánh giá. Hơn nữa, thời nay có nhiều người được đến trường hơn. Và nếu có thể từng cá nhân chúng ta ít chữ nghĩa hơn “con người quân tử” (honnête homme) thế kỷ 17 nhưng tập thể chúng ta có kiến thức văn hóa lớn hơn nhiều so với nước Pháp thời đó.
“Về đại cục, người dân được giáo dục chu đáo hơn, khác với các trí thức tiêu biểu của chúng ta, một phụ trách công vụ tại Bộ Văn hóa phát biểu. Cách đây 50 năm, một ông chủ ngân hàng phải có vốn văn hóa cổ điển. Thời đó đã xa rồi: số cán bộ cao cấp đọc hơn 20 cuốn sách mỗi năm ít hơn hai lần so với cách đây 30 năm. Ngày nay, cán bộ quản lý không nói chuyện với nhau về giải Goncourt mới nhất nữa mà trao đổi cho nhau những địa chỉ khách sạn năm sao ở quần đảo Maldives.
Trong khi đó, những người dân còn lại phát triển khả năng tri nhận của mình (ba năm chúng ta lại đạt thêm ba điểm trắc nghiệm tâm lý - kỹ thuật, kiểu IQ). Như vậy, hẳn chúng ta thông minh hơn, với một phạm vi văn hóa rộng mở. Thêm vào đó, kiến thức được phổ biến không những ở trường học mà còn ở ngoài trường học. Qua bạn bè, qua các phương tiện thông tin đại chúng. Và dĩ nhiên là qua Internet.
Michel Serres vừa viết một tiểu luận ngắn, cô đọng và dễ hiểu về vấn đề này. Trong tiểu luận có tên Petite Poucette (Ngón tay cái tí hon) đó, Serres cảm thấy rất ấn tượng trước việc lớp trẻ bây giờ sử dụng ngón tay cái khéo léo đến mức nào với máy điện thoại di động. Ông so sánh thời nay với thời kỳ Phục Hưng. Với một sự đảo lộn tri thức cơ bản. “Kỷ nguyên tri thức đã đến hồi kết”, viện sĩ này khẳng định. Không cần phải nhồi nhét kiến thức bởi kiến thức sẵn có ở mọi lúc, mọi nơi, chỉ cần một cú nhấp chuột. Có lẽ chỉ cần biết “tương đối” thôi. Không nhất thiết phải nhớ tên các thi sĩ Tao đàn (Pléiade(3)) hay học vội học vàng những ngày tháng quan trọng của Cộng hòa thứ 4, máy vi tính lo hết cho chúng ta. Theo Michel Serres, Internet bớt gánh nặng cho trí nhớ của chúng ta và làm cho bộ não của chúng ta có khả năng “nhạy bén, sáng tạo và hoạt” hơn.
Giờ chúng ta không thể đánh giá một học sinh về khả năng tích lũy kiến thức nữa, nhà kinh tế học Dominique Meurs, cộng tác viên nghiên cứu tại Viện nghiên cứu dân số quốc gia, nói thêm. Ngày nay, có học thức là biết chuyển từ bộ ghi nhớ này sang bộ ghi nhớ khác, từ một tác phẩm triết học đến phim truyền hình nhiều tập, có khả năng giải mã nhiều mật mã, đánh giá đúng giá trị của thông tin và có khả năng kết nối thông tin đó với các thông tin khác.” Những cái đầu ít kiến thức hơn, nhưng tư duy tốt hơn. Giáo viên phải thích ứng điều đó. Bằng cách chú trọng năng lực hơn là sự chuyển tải tri thức - mà năng lực cao nhất là năng lực “học cách học” (biết tự định hướng trong tri thức, đào bới trong đó những gì đang tìm kiếm).
Sự lạc quan sư phạm này tất yếu khiến nhiều người sẽ mỉa mai cay độc. “Ta thấy là Michel Serres không lên lớp giảng dạy, một cô giáo thuộc nhóm Cứu lấy văn chương nói. Những gì tìm thấy trên internet không phải là tri thức mà chỉ là thông tin. Nếu không có kiến thức cơ bản, học sinh sẽ như nhau cả thôi: họ chỉ cần gặp một lỗi in trên Wikipédia để xếp ngay Napoléon sau Thế chiến thứ nhất.” “Chỉ có học sinh giỏi mới biết sử dụng internet, Agnès Joste, giáo viên dạy tiếng Latinh - Hy Lạp ở Trường cấp 3 Claude-Monet (Le Havre) khẳng định. Những học sinh khác thì bị chìm nghỉm trong biển cả thông tin, không tài nào mà chọn lọc được. Sự bất lực này làm họ thất vọng. Không có tri thức thì không có kỹ năng. Chính trí nhớ làm nên chất lượng của việc đánh giá.
Song song với điều đó, giáo viên lo lắng về trình độ chính tả kém cỏi của học sinh. Một sự xuống cấp diễn ra từ những năm 1950 (năm 2005, trình độ viết chính tả của học sinh lớp 7 tương ứng với trình độ của các em học lớp 5 năm 1987. Nếu như phạm vi kiến thức đã được mở rộng rất nhiều thì khả năng diễn đạt viết đã giảm sút đáng kể. Vấn đề hiểu biết từ vựng, những bài văn thiếu mạch lạc. Làm sao có thể lĩnh hội văn hóa và kiến tạo tư duy khi không làm chủ được ngôn ngữ một cách cơ bản?
Giờ đây, nhiều giáo viên đã lên tiếng đấu tranh để tái phát huy những bộ môn như từ nguyên học, văn phạm, lịch sử. Để rèn luyện tư duy hơn là để bảo vệ thánh địa của riêng mình. Được xuất bản vào tháng 4 năm 2012, cuốn sách viết chung: Không tiếng La tinh (NXB. Nghìn lẻ một đêm) làm sống dậy ngôn ngữ của Cicéron(4) trước một “nền văn hóa lạnh lùng, đầy ám ảnh kỹ thuật.” Suy cho cùng, người ta lên án quan điểm “vị lợi chủ nghĩa” của trường học.”Người ta không yêu cầu chúng tôi rèn luyện đầu óc phê phán cho học sinh mà bảo đảm cho học sinh khả năng kiếm được việc làm là được”, Agnès Joste kết luận. Bằng cách dạy kỹ năng làm việc theo nhóm, dạy tin học, tiếng Anh thương mại. Sự việc diễn ra ở Trường Khoa học chính trị chỉ là một giọt độc làm tràn li. Như thể động tác thăng bằng của con lắc đã quá lạc nhịp. Từ việc thống trị của cổ học đến việc nó dần biến khỏi phạm vi tri thức. Nguy cơ ư? Đào tạo những kỹ thuật viên lành nghề nhưng không có cái nhìn tổng thể cũng không có trí nhớ. Nói tóm lại, đó là khoa học không có ý thức… Thể nào chúng ta cũng trở về với cái cổ điển mà thôi.
Nguồn: Télérama số 3255
----------------------
(1) AAA, mức cao nhất trong xếp hạng tín dụng. Tất cả các chú thích đều của người dịch.
(2) “Philosophie light” có thể được hiểu là triết học cho sẵn, thứ triết học không cần động não cũng hiểu.
(3) Nhóm 7 bảy nhà thơ Pháp thời phục hưng trong đó có Pierre de Ronsard và Joachim Du Bellay là những nhà thơ rất nổi tiếng ở Pháp.
(4) Cicéron là một nhà hùng biện lỗi lạc người La Mã, một tác giả viết bằng tiếng La tinh sinh năm 106 trước Công nguyên.