của Đức Cha Matthêô, Giám Mục giáo phận
(Chiều ngày 19/9/2012)
Kính thưa Cha Tổng Đại Diện, quí cha Hạt trưởng và toàn thể quí cha,
Hôm nay các linh mục trong giáo phận Qui Nhơn chúng ta tập trung về
đây để tham dự khóa thường huấn dành cho các linh mục diễn ra từ ngày 19 đến
ngày 21 tháng 09 năm 2012. Các khóa thường huấn hằng năm là một phần trong
chương trình đào tạo trường kỳ dành cho các linh mục thuộc mọi lứa tuổi.
Theo lời dạy của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II trong tông huấn Pastores dabo vobis, việc đào tạo trường
kỳ là một đòi hỏi của sự tăng trưởng con người nơi linh mục: cuộc đời của mỗi
người là một cuộc hành trình liên lỉ tiến tới sự trưởng thành, vì thế đòi phải
có một cuộc đào tạo không ngừng. Hơn nữa, đó còn là một đòi hỏi của thừa tác vụ
linh mục. Ngày nay không có nghề nghiệp nào, không có công việc nào, không có
con đường dấn thân nào mà lại không đòi hỏi phải cập nhật hóa liên tục, để có
thể đáp ứng với những đòi hỏi ngày càng gia tăng và khó khăn mà vẫn đạt được hiệu
năng, và để đạt được hiệu năng cao hơn. Việc đào tạo trường kỳ của các linh mục
được nhìn nhận là cần thiết mãi mãi bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, ngày nay nó càng
trở nên cấp bách hơn bao giờ hết, chẳng những do sự biến đổi mau lẹ những điều
xã hội và văn hóa của những con người và những dân tộc mà linh mục được sai đến
để thi hành thừa tác vụ, mà còn do những đòi hỏi của công cuộc tân Phúc âm hóa
(x. PDV 70).
Năm 2012 này toàn thể giáo phận Qui Nhơn chúng ta đã bước vào năm
đầu tiên của sáu năm chuẩn bị gần để cử hành Năm Thánh 2018, kỷ niệm 400 năm
giáo phận đón nhận Tin Mừng (1618-2018). Chủ đề của năm nay là “sám hối và
thanh tẩy”. Đó là việc chuẩn bị đầu tiên và quan trọng nhất để có thể bước
những bước tiếp theo. Bước tiếp theo gần nhất là năm 2013 với chủ đề “củng cố
đức tin”. Chủ để này hoàn toàn phù hợp với Năm Đức Tin sẽ bắt đầu trên qui mô
Giáo Hội toàn cầu từ ngày 11 tháng 10 năm 2012 đến ngày 24 tháng 11 năm 2013.
Trong tự sắc Porta fidei
được ban hành ngày 17 tháng 10 năm 2011 về Năm Đức Tin, Đức Thánh Cha Bênêđictô
XVI đã viết: “Chính công đồng, trong hiến chế tín lý Lumen gentium, Ánh sáng muôn dân, đã quả quyết: ‘Trong khi Chúa
Kitô ‘thánh thiện, vô tội, tinh tuyền’ (Dt 7,26), không hề phạm tội (x. 2Cr
5,21), chỉ đến để đền tội lỗi dân chúng (x. Dt 2,17), còn Giáo Hội, vì ôm ấp
những kẻ có tội trong lòng mình, nên vừa thánh thiện vừa phải luôn thanh tẩy
mình. Do đó, Giáo Hội luôn thực hiện việc sám hối và canh tân’ (LG 8)… Chính
trong viễn tượng này, Năm Đức Tin là năm mời gọi sám hối và canh tân cách chân
thực và mới mẻ, để trở về với Chúa là Đấng Cứu Độ duy nhất.” (PF 6).
Sám hối, thanh tẩy và canh tân cũng là một trong những mục tiêu của
việc đào tạo trường kỳ, như lời Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nói trong tông
huấn Pastores dabo vobis: “Các Nghị
phụ Thượng Hội Đồng đã trình bày lý do chứng tỏ sự cần thiết của việc đào tạo
trường kỳ và biểu lộ bản chất sâu xa của việc đào tạo ấy, khi các ngài đánh giá
việc đào tạo trường kỳ như là sự trung thành đối với thừa tác vụ linh mục và
như một tiến trình hoán cải liên tục.” (PDV 70).
Tiến trình hoán cải liên tục được thực hiện qua việc đào tạo trường
kỳ cũng chính là cuộc trở về với Thiên Chúa mà Năm Đức Tin nhắm đến. Vì thế
trong khi toàn giáo phận đang cùng nhau thực hiện cuộc sám hối và thanh tẩy để
chuẩn bị bước vào Năm Đức Tin, chủ đề được chọn cho khóa thường huấn năm nay là
METANOIA: HÀNH TRÌNH VỀ VỚI CHÚA. Metanoia, sám hối hay hoán cải, không chỉ là
một việc làm nhằm sửa đổi cách sống xấu xa, nhưng chủ yếu là một hành trình trở
về với Thiên Chúa là Cha, như hành trình của người con hoang đàng trở về nhà
cha trong dụ ngôn Tin Mừng (Lc 15,11-32). Đó không chỉ là một hành vi luân lý,
nhưng trước tiên là một hành vi đức tin: tin vào tình thương của Thiên Chúa.
Trong những ngày này chúng ta sẽ cùng nhau học hỏi, đào sâu, để khám
phá nền tảng Thánh Kinh và thần học của sự hoán cải, đặc biệt để tiếp cận với
những suy tư thần học của thánh Phaolô, một người đã có kinh nghiệm bản thân về
sự hoán cải. Ngoài ra chúng ta cũng sẽ được dịp tìm hiểu sự hoán cải dưới
phương diện bí tích và giáo luật. Nhờ việc học hỏi ấy, không những chúng ta sẽ
có thêm hiểu biết về sự hoán cải, mà còn có thể thực hiện sự hoán cải thường
xuyên trong cuộc đời linh mục của mình.
Nguyện xin Thiên Chúa chúc lành cho khóa thường huấn của chúng ta và
giúp mỗi người chúng ta thu tích được nhiều lợi ích cho đời sống và công việc
mục vụ, truyền giáo của mình.