Chủ Nhật, 9 tháng 9, 2012

"LỜI THĂM" LÊN 19 TUỔI


 

Trích báo “Lời Thăm
Địa phận Qui Nhơn
Số ngày 1 Janvier 1937

Quang âm tự tiển, nhật nguyệt chuyển di, đông qua hạ tới, cúc nở sen tàn; từ ngày báo Lời Thăm ghé vai nhận cái nhiệm vụ nhà báo, sinh hoạt trong nghề báo, mà tiến bước đi trên con đường đời; thắm thoát đến nay đã bước vào cái niên hoa thứ mười chín; chao ôi! Một quãng thời gian khá dài dầu dãi sương thu nắng hạ, cùng núi Tản sông Hồng đến ngày nay sinh hoạt một cách đàng hoàng với vũ trụ non sông như thế; gặp buổi này một kẻ vãn sinh có chút tình riêng cùng “Lời Thăm”, há chẳng cùng “Lời Thăm” giải tấm lòng son chơn chất?
Ngày nay báo “Lời Thăm” sống vào cái tuổi này, cái nguyên ủy ấy từ đâu? Anh em chúng ta nay được một tập báo quý báu vào viếng hôm rằm, đến thăm mồng một, ân cần trò chuyện, tha thiết hỏi han, tình ngãi mặn nồng, nỉ non lời vàng tiếng ngọc, đem cái tôn chỉ “Tấn đức, khai tứ” không ngoài cái phạm vi những vấn đề đạo lý, khoa học … mục đích dìu dắt cháu con nhà Hồng Lạc mau nhẹ bước trên con đường văn minh tấn hóa, và biết “tầm nguyên chánh đạo”, biết đầu phục và kiếm tìm Đấng đầu cội rễ mọi sự, và cùng sau hết mọi loài. Trước hết kẻ văn sinh này biểu lộ một tấc lòng ngậm ngùi đa tạ và biết ơn đấng đã dày công lao khổ, dụng hết tinh thần nghị lực mà sáng lập ra báo “Lời Thăm”[1].
Từ nhỏ đến lớn, từ ngày báo “Lời Thăm” lên một mang nặng cái đầu đề phạm vi khí hẹp “Lời thăm các thầy giảng”. Hồi tưởng lại, lúc “Lời Thăm” còn non nớt chào đời, đến nay đã là mười chín cái tuổi hoa, một quãng đường khí dài, đã đóng góp cùng trời Hồng đất Việt. Cố nhiên rằng: ngày nay “Lời Thăm” sở dĩ có tên tuổi trong làng báo; cái công nghiệp ấy là của cha sáng lập, cái tài thao lược lịch lãm của vị tổng lý, cái tài nhả ngọc phun châu văn chương cẩm tú của ông chủ bút và tòa soạn “Lời Thăm”
Nhưng “Lời Thăm”  mà được thọ đến cái tuổi này. Thật là nhờ tấm lòng nghĩa khí và nhiệt thành của các ông bạn chí thân của “Lời Thăm”, tức là nhờ ở cái lòng sốt sắng nóng nảy của các nhà phụ bút và các bạn độc giả vậy. “Nhất thốn quang âm, nhất thốn kim” thế mà các ngài phụ bút chẳng quản phí tổn thời gian vàng ngọc, chẳng nề mỏi nhọt tinh thần, và quý thể, đã đen hết tâm huyết trí não của cái tài học lực sở kiến sở văn, mà bồi đắp tô điểm cho “Lời Thăm” văn chương ngày càng văn hoa phong phú, đạo lý, khoa học ngày càng dồi dào lý sự đàn văn; “Lời Thăm” bước vào năm thứ mười chín, xin cúi đầu cảm tạ các ngài, mà khắc cốt minh tâm, ơn dày nghĩa nặng.
Ngày nay, “Lời Thăm” bước vào cái tuổi thứ mười chín một cách đàng hoàng, ấy chính là nhờ tấm lòng hào khí của các vị khán quan lắm vậy. các bạn đã hiểu thấu cái nhiệm vụ tán trợ cho báo chí phải nên như thế nào. 
Từ ngày nước Việt ta nhờ được cái văn minh Âu châu truyền bá sang, vả lại nhờ được thứ văn quốc ngữ dễ đọc dễ viết; nước Nam mình cũng nhờ đó mà tiến hóa văn minh, ngày nay đang đi những bước dài trên con đường tấn bộ; nghề làm báo quốc ngữ cũng đồng thời đó mà ra đời, cái tiền đồ báo chí cũng vì đó mà tiến bộ lên cao, cũng như trăm nghề nghìn nghiệp khác  theo thời mà tiến bộ. Các ngài độc giả đã hiểu thấu việc tán trợ cho báo chí là một việc cần kíp; vì hiểu rằng; nhờ báo chí làm cơ quan mà quốc dân am hiểu được những chuyện đời, chuyện đáng cười đáng khóc, chuyện nên bắt chước học theo, chuyện nên lắc đầu cau mày nghiêm mặt, không những dưới trời Nam mà cả năm châu ngoại quốc. Nhờ báo chí làm cơ quan mà quốc dân mô tả được những phương hay thuật khéo, thâu thái được những tư tưởng chánh đáng, sáng kiến lạ lùng. Nhờ báo chí làm cơ quan mà trên đàn ngôn luận, quốc dân được nghe những lời vàng tiếng ngọc của các bậc cao minh quân tử, học thức siêu quần từ thời cổ cho đến hiện đời đương kim, nào là bàn những chuyện luân thường đạo lý, nào là giải quyết những vấn đề ích quốc lợi dân. Báo chí thiệt là cái cơ quan lợi hại để giúp việc khai hóa văn minh, mở mang dân trí.
Cái lợi ích của báo chí như thế, các ngài đọc giả đã hiểu rành rành, nên chi đã đem đồng tiền huyết mạch nước mắt mồ hôi hy sinh để tài bồi cho báo chí, nhất là thiện báo, như báo “Lời Thăm” đây; vì hiểu rằng: việc tán trợ cho thiện báolà một cái nhiệm vụ lớn của người có nghĩa khí, có thành tín, có bác ái, có nghị lực. Đối với các bạn đọc báo “Lời Thăm” ghi dạ đinh ninh, nặng lòng cảm tạ, ngày dồn tháng chứa, muôn đội ơn lòng.
Dưới đỉnh hương trầm, khói hương nghi ngút, kẻ vãn sinh này thắp đèn cầu nguyện, mong cho báo giới nước nhà được quốc dân hết lòng tán trợ hoan nghinh. Nhất là những “thiện báo”. Mong cho quốc dân biết lợi dụng báo chí mà mưu lấy sự lợi ích cho cá nhân, cho nhân quần cho xã hội về cả hai phương diện tinh thần và hình thức, có thế, nước Nam này mới có tiến bộ về những phương diện chính thức hợp thời. Như thế, nghề báo chí ở nước ta mới sinh hoạt rực rỡ, cuộc khai hóa ở nước ta mới bước được những bước dài trên con đường tiến bộ vậy.
 
Nguyễn Nhạn Hồng


[1] Số báo đầu tiên được phát hành ngày 20/9/1919. Tờ Mémorial, Mission de Quinhon, số 154, ngày 26 septembre 1919 ghi: “20/9 – Le N. 1 du “Lời thăm các thầy giảng” est envoyé aux catéchistes de la mission par leur actif directeur. Meilleurs souhaits au nouveau bulletin destiné à entretenir le zèle de nos précieux auxiliaires” (Ngày 20/9 – Số 1 của báo “Lời thăm các thầy giảng” đã được vị giám đốc năng động gởi đến các thầy giảng. Xin chúc mừng tờ báo mới có mục đích duy trì lòng nhiệt thành của các trợ tá quý giá của chúng ta. – BTT chú thích và dịch)