Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính
“Giáo hội đang kiếm cách đáp ứng những thay đổi
thường xuyên của cộng đồng nhân loại toàn cầu nằm bên dưới tiến trình toàn cầu
hóa trong bầu khí tục hóa về luân lý và văn hóa cũng như chủ thuyết vô tri. Những
thách đố này đòi hỏi những ngôn ngữ mới, những phương pháp mới và trên hết là
những chứng nhân đáng tin cậy để truyền bá đức tin cho những thế hệ mới, trong
những bối cảnh xã hội mới. Trong khi vẫn ý thức về bổn phận rao giảng Tin Mừng,
Giáo hội cần phải thi hành metanoia để
có thể tự giới thiệu mình như là thầy dạy và là nhân chứng cho những người kiếm
tìm Thiên Chúa, bởi vì khi loan báo Tin Mừng là Giáo Hội loan báo sự sám hối và
ơn tha tội”[1]. Xem
ra “metanoia” là bài tập không thể
thiếu trước khi loan báo Tin Mừng cho thời đại mới. Vì thế, thật cần thiết khi
tìm hiểu Kinh Thánh nói gì về “metanoia”.
I. TỪ NGỮ
1. Tiếng Việt (Hán-Nôm)
“Metanoia”
được dịch sang tiếng Việt là “sám hối” hay “hoán cải”. Tuy nhiên, đây không phải
là hai từ thuần Việt.
2. Tiếng Do
Thái
1.1 nacham [נָחַם,] – “thở dài” (vì buồn sầu)
1.2. shuv [שׁוּב] –
“quay trở lại”, “trở về”
Từ shuv [שׁוּב] trong tiếng
Do Thái có nghĩa là “quay trở lại”, “trở về”, thường được dùng để diễn tả ý tưởng
sám hối trong Kinh Thánh. Các ngôn sứ thường dùng từ này để nói về thái độ thay
đổi tận căn, một sự dứt khoát về luân lý và có ý thức, một quyết định cá nhân từ
bỏ tội lỗi và quay về với Chúa (Đnl 4, 30; Nkm 1, 9; Tv 7, 12; Gr 3,
14), một sự thay đổi thiêng liêng do Thiên Chúa tác động (Tv 85, 4). Từ đấy
phát sinh ra danh từ teshuva có nghĩa
là “sự quay trở lại” hay “sự sám hối”.
3. Tiếng Hy lạp
Có hai từ tiếng Hy Lạp được chuyển ý là sám hối, ăn năn..
3.1. Metanoia
Theo cách sử dụng thông thường, meta có nghĩa là “thay đổi” và noia
có nghĩa là “tâm trí”, như vậy, metanoia
có nghĩa là thay đổi tâm trí của bạn. Nhưng với một nền tảng lịch sử ý nghĩa
phong phú, bạn có thể hiểu được thay đổi căn bản nào mà nó muốn nói lên. Bạn
không chỉ thay đổi tâm trí; bạn phải đi từ con nhộng đến con bướm. Bạn phải trải
qua một quá trình metamorphosis triệt
để. Bạn sống trong một thế giới khác”[2]
3.2. Metamelomai
Một động từ khác là μεταμέλομαι (metamelomai)
có nghĩa là hối hận, tiếc nuối, luôn có một cảm giác buồn sầu đi kèm.
II. SÁM HỐI TRONG CỰU ƯỚC
1. Bối cảnh Do Thái
và Hy Lạp của “metanoia”
Kitô giáo phát sinh
ở đất nước Palestine, nơi dân tộc Do Thái, giữa tư tưởng và văn hóa của người
Do Thái, nhưng từ rất sớm, tôn giáo này đã lan tràn sang thế giới Hy Lạp, ở Tiểu
Á, Hy Lạp, Ai Cập và Roma. Vì thế, để đánh giá giáo huấn của Tân Ước cách tương
xứng thì phải xem xét đến môi trường Palestin và Hy Lạp của Kitô giáo sơ thời.
2. Ý niệm sám hối trong Do Thái giáo
Dầu đối tượng chính
của chúng ta là nghiên cứu quan niệm sám hối của người Do Thái thời Tân Ước,
nhưng cũng nên dành một ít thời gian để nói về các ý niệm tôn giáo của người Do
Thái trong Cựu Ước, bởi vì những ý niệm tôn giáo của Tân Ước đều dựa vào Cựu Ước.
Trước hết là quan niệm về tội, bởi vì dù sao, tội và sám hối là những ý niệm có
liên hệ với nhau.
2.1. Quan niệm về tội
Ngày nay người ta
tranh cãi rằng trong Cựu Ước không có ý thức về tội lỗi cá nhân, không có ý niệm
về tội cá nhân mà chỉ là một ý tưởng mơ hồ nào đó về tội tập thể. Cả dân tộc chứ
không phải một cá thể được nghĩ là có tội hay mắc tội. “Nếu những lý thuyết
này, quan niệm về tội trong Cựu Ước sơ thời này mà đúng thì hẳn nhiên chúng ta
không hy vọng gì tìm thấy bất cứ điều gì ngoại trừ một ý tưởng mơ hồ và bất toàn về sự sám hối, bởi vì quan niệm về
sám hối dựa vào quan niệm về tội”[3].
2.2. Tội và sám hối cá nhân
Tuy nhiên, những lý
thuyết này đều sai lầm vì người Israel nhìn nhận Giavê như người canh giữ luân
lý và trực tiếp xúc phạm Ngài là một tội. Thật vậy, chúng ta thấy Cựu Ước có
quan niệm về tội lỗi cá nhân bởi vì, theo người Sêmít nói chung, tôn giáo là có
tính cách cá nhân. Như vậy trái với điều chúng ta thường nghĩ, dân Israel sơ thời
đã có ý niệm về tội cá nhân và sự sám hối là điều kiện cần thiết để được hòa giải
với Thiên Chúa.
2.3. Các ý tưởng
và hành động sám hối
Cựu Ước chỉ có ý tưởng
chứ không có một từ nào để nói về sự sám hối. Và ý tưởng về sám hối thì rất đa
dạng. Sám hối là “tìm kiếm Thiên Chúa” (Đnl 4, 29; 2 V 12, 16), là “hướng thẳng
về với trái tim của Thiên Chúa” (1 V 7, 3), là quay về tuân phục Thiên Chúa
(Đnl 30, 2; 1 V 3). Như thế, tội là quay
đi khỏi Giavê và sám hối là quay về với
Giavê, một sự quay trở lại. Vì thế cho nên, từ shuv thường được sử dụng để chuyển tải ý nghĩa này.
Trở về với Thiên
Chúa cả tâm hồn lẫn linh hồn bao hàm sự
thay đổi và xưng thú tội là phần
chính yếu của sự quay trở về, hoặc sám hối (St 4, 9; 38, 26; Lv 26, 40, Ds 19,
40; Gs 7, 19; 1 Sm 15, 24; 2 Sm 12, 13; 24, 10). Vậy thì có những công việc đi liền với việc sám hối trong Cựu Ước. Mục đích
của những công việc sám hối này trước hết là nói lên bằng hình thức bề ngoài sự
thay đổi của tâm hồn là điều chính yếu của việc sám hối.
3. Sám hối trong
các sách ngôn sứ
3.1. Yếu tố nội tâm
Sự nhấn mạnh trên yếu
tố nội tâm trong mối liên hệ với Thiên Chúa là đặc điểm trong giáo huấn của các
ngôn sứ về sự sám hối. Họ đòi hỏi sự thay đổi tâm hồn.
3.2. Yếu tố con người…
Các ngôn sứ họ không loại bỏ yếu tố con người trong việc
sám hối. Sau hành động của con người là phần việc của Thiên Chúa. Những cây
vả tốt tươi trong Gr 24, 4 ám chỉ những người đã sám hối sẽ được Chúa chúc
phúc.
3.3. Và ân huệ của Thiên Chúa
Một phát triển khác là các ngôn sứ nhấn mạnh đến phần của Thiên Chúa trong sự sám hối, sám hối là ân huệ của Thiên Chúa đồng thời
cũng là công việc của con người.
3.4. Các đặc
điểm của sám hối
Đặc điểm nổi bật trong giáo huấn của các ngôn sứ về
sám hối là sự quyết định dứt khoát. Yếu
tính của sám hối là sự ăn năn vì tội
lỗi. Xưng thú tội lỗi là một phần của
sám hối thật sự. Các ngôn sứ cũng nhấn mạnh nhu cầu cần phải sửa đổi.
4. Sám hối trong các
Thánh Vịnh
Giáo huấn của Thánh Vịnh về sự sám hối cũng rất gần với
các ngôn sứ.
5. Kết luận về sám hối trong Cựu Ước
Đặc biệt sám hối trong Cựu Ước là vấn đề nội tâm nhưng
vẫn cần có những yếu tố bên ngoài. Trong khi sự ân hận của tâm hồn là điều
chính yếu thì những yếu tố bên ngoài hoàn hoàn cần phải có. Con người gồm cả hồn
lẫn xác. Vì thế, sự ăn năn bên trong hay sám hối phải được biểu lộ ra bên ngoài
a) qua sự xưng thú tội lỗi. b) sự cải thiện, sửa đổi đời sống và c) đền tội qua
các việc làm như cầu nguyện, khóc lóc và ăn chay.
III. SÁM HỐI TRONG TÂN ƯỚC
1. Giáo huấn của Gioan Tẩy Giả: “Metanoia-Teshuva”
Metanoia không chỉ là giáo huấn quan trọng và cơ bản của Tân Ước
mà có thể nói giáo huấn của Gioan Tẩy Giả được tóm gọn lại trong từ metanoia, mặc dù dĩ nhiên Gioan không
rao giảng bằng tiếng Hy Lạp. Gioan chỉ kêu gọi “Hãy sám hối” mà không cần giải
thích ý nghĩa. Các thính giả của ông gồm những người Do Thái thuộc mọi tầng lớp
cũng đã hiểu đầy đủ mà không cần lời giải thích gì thêm. Vì thế metanoia mà Gioan rao giảng là metanoia-teshuva mà người Do Thái khá
quen thuộc từ trong Sách Thánh mà họ đọc hằng ngày trong hội đường, nếu không
thì Gioan đã có lời giải thích.
2. Lời rao giảng của Chúa Giêsu
Chúa Giêsu cũng không rao giảng gì khác với giáo huấn
đương thời của Do Thái giáo về sự sám hối. Ta có thể nói như thế nhờ hai sự kiện.
Trước hết là Chúa Giêsu không phân biệt giáo huấn của mình với sứ điệp của
Gioan. Thứ đến, giống như Gioan, Chúa Giêsu liên kết lời kêu gọi metanoia của Ngài với sự xuất hiện gần của
Nước Trời. Lời kêu gọi của Chúa Giêsu: “Hãy
sám hối vì Nước Trời đến gần” (Mt 4, 17; Mc 1, 15) lập tức được người dân
hiểu metanoia của Ngài như là sự sám
hối chuẩn bị cần thiết cho Nước Trời sắp đến. Chính vì thế, ta có thể lập lại
phương trình trên một lần nữa: Metanoia
= Teshuva.
3. Đức Kitô sám hối
Thật ý nghĩa khi bắt đầu sứ vụ, Chúa Giêsu cũng dành
40 ngày thống hối như Môisen (Xh 34, 28) và Êlia (1 V 19, 4-8), và Ngài cũng đã
giữ chay như tất cả những người đạo đức khác. Tân Ước hoàn tất Cựu Ước và không
chối từ những gì đã là tinh thần thống hối đã được nhìn nhận trong Cựu Ước. Như
thế, các thực hành vẫn còn đấy nhưng một tinh thần mới được thổi vào. Niềm vui
Tin Mừng chiếu tỏa nơi những ai tham dự vào đời sống sám hối cùng với Đức Kitô.
Như vậy, truyền thống mới không khác với truyền thống Do Thái qua các thực hành
bề ngoài nhưng khác là do ý nghĩa của sám hối.[4]
4. Giáo huấn của các tông đồ
Các
tông đồ cũng rao giảng cùng một metanoia.
Nếu chúng ta nhận thấy Chúa Giêsu đã minh nhiên ủy nhiệm cho các tông đồ rao giảng
metanoia, và nếu theo lý luận tự
nhiên chúng ta cho rằng các tông đồ phải dạy và rao giảng những gì mà người thầy
đã dạy họ, thì chúng ta cũng không nghi ngờ gì về metanoia mà các tông đồ rao giảng.
5. Tác giả thật sự của metanoia
Thế nhưng nhờ đâu có được sự thay đổi này? Nhờ nỗ lực
của con người nhằm hoán cải hay đúng hơn là sự đáp trả của con người trước sáng
kiến nhưng không của Chủ Chăn nhân lành muốn tập họp những con chiên lạc mất
(Lc 15, 4 tt). Như thế, chính Thiên Chúa chính là tác giả của sự sám hối thật sự,
Ngài hành động trên tâm hồn được đổi mới bằng cách giúp họ nhận ra chân lý.
6. Kết luận về sám hối trong Tân Ước
“Ý tưởng sám hối và hoán cải rất
quen thuộc với các thính giả của Chúa Giêsu và các tông đồ khi họ rao giảng ở
Giêrusalem. Các ngôn sứ, và cuối cùng là Gioan Tẩy Giả, chẳng phải đã liên tục
kêu gọi dân tuyển chọn phải hối cải sao? Chẳng phải các lời kinh của Israel đề
cập nhiều đến sám hối sao? Chúa Giêsu không “ bãi bỏ” nhưng kiện toàn tất cả
những mạc khải đã có trước này bằng cách dần dần đào sâu ý nghĩa của tội lỗi,
trách nhiệm cá nhân và ân sủng bên trong”[5]
IV. BÀI HỌC SÁM HỐI CỦA PHÊRÔ
Trong câu chuyện khổ nạn của Chúa Giêsu, có hai người ân hận về những hành vi của mình là Thánh Phêrô và ông Giuđa. “Tội lỗi của Giuđa chỉ làm cho ông hối hận (metamelomai); còn tội lỗi của Phêrô làm cho ông sám hối (metanoeo). Cội rễ của sự khác nhau nơi hai người này là tính chất đối nghịch và khác biệt của mỗi người. Tuy nhiên, nguyên tắc của Giuđa là yêu mình còn Phêrô là yêu Chúa. Sự hoán cải là điều có thể đối với người này nhưng lại là điều không thể đối với người kia”.
1. Chối Chúa như Phêrô
Cả bốn Tin Mừng đều ghi lại ba lần chối Chúa của Thánh
Phêrô (Mt 26, 69-75; Mc 14, 66-72; Lc 22, 54-62; Ga 18, 15-27).
Trong suốt dòng lịch sử cứu độ, Thiên Chúa đã dùng những
con người tầm thường cho mục đích ngoại thường của Ngài. Và khi họ lỗi phạm,
Ngài ban cho họ ơn tha thứ. Như chính Phêrô nói trong sách Công Vụ Thánh Phêrô 7, 20: ‘Đấng đã bảo vệ tôi khi tôi lỗi phạm và
ban sức mạnh cho tôi, chính Ngài cũng sẽ an ủi bạn để bạn yêu mến Ngài”.
2. Sám hối như Phêrô
“Cả Mt và Lc đều thêm trạng từ “thảm thiết” vào câu
“Phêrô khóc”. Lỗi lầm của Tảng Đá trong nhóm tông đồ được ghi nhớ vì nó nói lên
sự yếu hèn thường tình của con người; đồng thời cũng đáng ghi nhớ vì Phêrô
không che dấu hay lấp liếm lỗi lầm của mình. Lỗi lầm như thế thì không có thuốc
chữa trị nào ngoài sự sám hối”[6]
3. Cái nhìn tích cực
Việc Phêrô chối Chúa đem lại nhiều suy tư. Các nhà chú
giải nhìn sự kiện này dưới khía cạnh tích cực hơn là tiêu cực. Như vậy Thiên
Chúa cho phép Phêrô vấp ngã để chính hàng giáo sĩ một khi chính mình kinh nghiệm
được sự tha thứ sẽ tỏ lòng nhân hậu với những người thuộc quyền mình[7].
4. Bài học “có bản quyền” của Thiên Chúa
Thánh Phêrô đã nên người và nên thánh nhờ học được bài
học của Thiên Chúa, một bài học không cần phải “update” theo thời gian mà vẫn
luôn có giá trị cho bao thế hệ học trò mãi cho đến ngàn năm sau nữa: bài học đến
từ Thiên Chúa và “có bản quyền” của Thiên Chúa!
KẾT LUẬN
“Hãy sám hối!”,
đây không phải lời mời gọi thay đổi suy nghĩ mà là bước khởi đầu đưa đến hành động.
Hành động là một phần không thể thiếu của sám hối. “Nhưng sau đó, nó hối hận,
nên nó đi” (Mt 21, 29). Nếu người con
cả trong dụ ngôn hai người con đi làm vườn nho chỉ thay đổi quan điểm và rồi cảm
thấy hối lỗi vì những gì đã nói với cha, nhưng rồi cứ ngồi lỳ đấy với bạn bè
thì anh ta chưa thật sự sám hối. Đó chỉ là một sự ân hận đơn thuần. Phần quan
trọng của tiến trình sám hối chính là chúng ta làm điều mà trước đó chúng ta từ chối không làm. Vậy thì, Converte nos Domine ad te et convertemur![8]
[1] Thông tri của phiên họp lần
VI của “Hội đồng thường trực Thượng hội đồng Giám mục”, xem tại http://visnews-en.blogspot.com/2011/12/church-is-in-need-of-metanoia.html
[3] ALOYS H. DIRKSEN, The New
Testament concept of Metanoia, The Catholic University of America, 1932,
tr. 115.
[6]
Xem RAYMOND E. BROWN, JOSEPH A. FITZMYER, ROLAND MURPHY, The New Jerome
Biblical commentary, 1989.
[7] LUDOLF of SAXONY, Vita 60.21
= 49: “Prelatus Ecclesiae debet esse talis, qui infirmitatibus subditorum
compati sciat.”
[8]
Lạy Chúa, xin hướng con về phía Ngài để chúng con trở về (Ac 5, 21)