Chủ Nhật, 16 tháng 9, 2012

VIỆT NAM LÀ MỘT PHẦN CỦA CUỘC ĐỜI TÔI

Philipp Rösler

 

Roland NellesSeverin Weiland
Phan Ba dịch 

Là một đứa trẻ bị bỏ rơi và được đặt nằm trước một trại mồ côi, bây giờ Philipp Rösler viếng thăm lần đầu tiên như là bộ trưởng đất nước mà ông ấy đã sinh ra ở đấy. Trong phỏng vấn, ông Phó Thủ tướng và lãnh đạo Đảng Tự do Dân chủ Đức nói về quá khứ của ông ấy, về việc đi tìm cội nguồn của mình và về liên hệ của ông ấy với đất nước châu Á đó.
Là người trưởng thành, Philipp Rösler chỉ sang Việt Nam mới có một lần. Cá nhân. Vào ngày thứ Hai tới đây, người đàn ông 39 tuổi này, như là Phó Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Kinh tế, sẽ thăm viếng chính thức đất nước mà ông ấy đã sinh ra ở đấy.
 
Đối với ông ấy, đó không phải là một chuyến viếng thăm như bất kỳ một chuyến viếng thăm nào khác. Là một đứa bé bị bỏ rơi, ông ấy đã được các bà xơ nuôi dưỡng ở đấy trong thời gian của cuộc Chiến tranh Việt Nam. Thế nên bây giờ sự quan tâm cũng lớn tương xứng. Một đoàn truyền thông sẽ tháp tùng Rösler, cả ở Việt Nam người ta cũng quan tâm theo dõi chuyến thăm viếng này.

Nhưng ông Bộ trưởng nghĩ gì về đất nước mà ông ấy đã sinh ra ở đó? “Nước Đức là quê hương của tôi, Việt Nam là một phần của cuộc đời tôi, phần mà tôi không nhớ lại được. Tôi lớn lên trong nước Đức, tôi có gia đình tôi, cha tôi, bạn bè tôi ở đây”, ông ấy nói. Và ông ấy cũng nói rõ: “Tôi đi thăm Việt Nam như là Bộ trưởng Bộ Kinh tế, như là luật sư của nền kinh tế Đức. Tôi không đi tìm dấu vết trong chuyện cá nhân của mình.”

SPIEGEL ONLINE: Ông Rösler, ông đến thăm Việt Nam, đến đất nước mà ông đã sinh ra ở đấy. Ông chờ đợi những gì từ chuyến viếng thăm này?

Rösler: Tôi mong là nền kinh tế Đức sẽ hưởng lợi từ chuyến viếng thăm của tôi. Vì Việt Nam là một đất nước đang đi lên và vì vậy là một thị trường lôi cuốn cho các doanh nghiệp của chúng ta. Trong những năm vừa qua đã có nhiều diễn tiến ở đấy, đặc biệt là trong việc mở cửa hướng đến nhiều tự do trong kinh tế hơn. Mặc dù vậy vẫn còn nhiều thách thức, ví dụ như tại các câu hỏi về nhà nước pháp quyền.

SPIEGEL ONLINE: Chuyến đi của ông được quan tâm theo dõi. Cuối cùng thì câu chuyện về ông được đan kết với lịch sử mới đây của đất nước này. Trong thời của Chiến tranh Việt Nam, ông là một đứa bé bị bỏ rơi. Ông còn biết gì về thời gian này?

Rösler: Tôi đã ở trong một trại mồ côi Công giáo ở Khánh Hưng, Sóc Trăng ngày nay, trong những tháng đầu tiên trong đời tôi. Đó là năm 1973. Tất nhiên là tôi không có ký ức cá nhân. Sau này, trước đây một vài năm, có người lưu ý tôi về một bài viết của Cordt Schnibben trên SPIEGEL. Câu chuyện của trại mồ côi được mô tả ở trong đó. Tròn 3000 trẻ em đã sống ở đấy trong tất cả những năm đó, các xơ Công giáo đã chăm sóc cho chúng. Họ cũng quyết định tên họ và ngày tháng năm sinh, để những thủ tục nhận con nuôi có thể được giải quyết một cách nhanh chóng.

SPIEGEL ONLINE: Hai xơ Công giáo – Mary Marthe và Sylvie Marthe – đã chăm sóc ông ở Khánh Hưng trong những tháng đầu đời. Rồi trong tháng 11 năm 1973, ông sang Đức, được nhận làm con nuôi. Nhà báo Michael Bröcker viết trong quyển tiểu sử về ông, rằng Mary Marthe vẫn còn sống ở Việt Nam. Ông có liên lạc với bà ấy không?

Rösler: Chúng tôi có liên lạc với nhau, sau khi tôi trở thành Bộ trưởng Bộ Y tế trong mùa Thu năm 2009. Phóng viên đã sang Việt Nam, đã chụp hình Mary Marthe với một bức ảnh của tôi. Sau đó bà ấy đã liên lạc với tôi thông qua một xơ khác, người có thể truy cập được thư điện tử. Tôi rất cảm động.

SPIEGEL ONLINE: Bà ấy đã viết gì cho ông?

Rösler: Rằng bà ấy rất hãnh diện với những gì mà tôi đã đạt được.

SPIEGEL ONLINE: Ông có biết thêm về hoàn cảnh mà ông đã được giao ra trước trại mồ côi hay không?

Rösler: Không, Tôi cũng chưa từng bao giờ tìm kiếm.

SPIEGEL ONLINE: Tại sao?

Rösler: Ai tìm một cái gì đấy đều gây ấn tượng là thiếu một cái gì đấy. Tôi chưa bao giờ thiếu thứ gì cả.

SPIEGEL ONLINE: Ông chưa từng bao giờ cảm thấy bị thúc giục phải biết nhiều hơn nữa sao?

Rösler: Không, trong bất cứ thời điểm nào cũng không. Nước Đức là quê hương của tôi, Việt Nam là một phần của cuộc đời tôi, phần mà tôi không nhớ lại được. Tôi lớn lên trong nước Đức, tôi có gia đình tôi, cha tôi, bạn bè tôi ở đây.

SPIEGEL ONLINE: Trước đây sáu năm, trong chuyến thăm Việt Nam cho tới nay là đầu tiên với vợ ông, ông đã không đến thăm nơi có trại mồ côi. Đó có phải là một quyết định cố tình hay không?

Rösler: Cho tới năm 2006, chúng tôi nói chung là không hề biết nơi đó nằm chính xác ở đâu. Tôi thường tìm Khánh Hưng trên bản đồ, nhưng không bao giờ tìm thấy. Mãi ở Sài Gòn, trong dinh tổng thống Nam Việt Nam trước đây, câu đố đấy mới có được lời giải. Trong phần bên dưới của bảo tàng ngày nay vẫn còn trung tâm lưu trữ cũ của Hoa Kỳ, tôi đã khám phá ra nơi đấy trên một tấm bản đồ cũ của Mỹ. Cái mà tôi không biết và thông dịch của chúng tôi nói rõ cho tôi biết: Khánh Hưng, cũng như nhiều địa điểm khác, đã được nhà cầm quyền mới đổi tên năm 1975, sau khi Bắc và Nam Việt Nam tái thống nhất.

SPIEGEL ONLINE: Rồi tại sao ông không đến thăm nơi đó?

Rösler: Tôi là một người du lịch hết sức bình thường ở Việt Nam. Vợ tôi và tôi cũng có đi thăm đồng bằng sông Cửu Long. Tuy vậy, hai chúng tôi đã đi đến quyết định rằng Sóc Trăng, như nơi đó bây giờ có tên là vậy, hẳn là không khác gì những nơi mà chúng tôi đã đến thăm cho tới lúc đó.

SPIEGEL ONLINE: Ông không định thêm vào chương trình thăm viếng của ông một chuyến đi đến đó sao?

Rösler: Tôi đi thăm Việt Nam như là Bộ trưởng Bộ Kinh tế, như là luật sư của nền kinh tế Đức. Tôi không đi tìm dấu vết trong chuyện cá nhân của mình.

SPIEGEL ONLINE: Ông có ý định sau này sẽ đến thăm nơi đó không?

Rösler: Không, chúng tôi không có kế hoạch cho việc đó. Đối với tôi, nó không có một ý nghĩa nào sâu hơn cả.

SPIEGEL ONLINE: Có những người con nuôi xử lý việc đấy khác đi, những người tích cực tìm kiếm quá khứ của họ. Ông có hiểu việc đấy không?

Rösler: Tôi có thể hiểu được việc đấy, nhưng có lẽ là khác nhau tùy theo từng trường hợp. Trong gia đình tôi, tôi chưa từng thiếu điều gì, vì thế mà tôi không đặt ra câu hỏi đấy cho tôi.

SPIEGEL ONLINE: Ông có thường nói với cha ông, người đã một mình nuôi ông khôn lớn ở Niedersachsen sau khi ly dị vợ – lúc đấy ông bốn tuổi – về Việt Nam hay không?

Rösler: Không. Việt Nam không đóng một vai trò lớn trong những câu chuyện của chúng tôi. Khi tôi lớn lên, cha tôi đã đặt tôi đứng trước gương và giải thích tại sao tôi lại trông khác với những đứa trẻ con khác.

SPIEGEL ONLINE: Cha ông có giải thích cho ông biết tại sao ông ấy và người vợ vào lúc đấy của ông ấy ở Đức lại quyết định nhận con nuôi không?

Rösler: Khi là người lính của quân đội Đức, cha tôi đã quen biết với đồng nghiệp Nam Việt Nam trong thời gian được đào tạo thành phi công trực thăng vào đầu những năm bảy mươi ở Hoa Kỳ. Và qua họ, ông ấy biết về những nỗi đau khổ của chiến tranh, về những đứa bé mồ côi. Vì thế mà ông đã quyết định nhận con nuôi.

SPIEGEL ONLINE: Ông có thỉnh thoảng khám phá được một mặt Á châu ở mình không?

Rösler: Hình dáng bề ngoài của tôi là một dấu hiệu rõ ràng. Nhưng tôi không biết võ châu Á và cũng không ăn thường xuyên món ăn Á.

SPIEGEL ONLINE: Khi ông ra nước ngoài thì thế nào? Ông có được hỏi về xuất xứ của ông không?

Rösler: Có đôi lúc. Khi tôi với Angela Merkel ở Hoa Kỳ trong năm rồi, hai bộ trưởng gốc Á ở đó đã hỏi tôi về con đường đời của tôi, cả Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama nữa. Nhưng ông ấy ít ngạc nhiên hơn khi so với những người đại diện chính phủ trong những nước khác, cuối cùng thì Hoa Kỳ cũng mang ảnh hưởng của sự nhập cư rất nhiều.

SPIEGEL ONLINE: Chuyến viếng thăm của ông cũng được phía Việt Nam theo dõi đặc biệt. Khi ông tiến bước vào chính phủ, có một tờ báo ở đấy đã viết rằng: “Ông ấy là một người của chúng ta”. Ông đối xử với việc đó như thế nào?

Rösler: Các anh hãy tưởng tượng trường hợp ngược lại, một đứa trẻ người Đức, được nhận làm con nuôi trong một nước khác, nhận được một chức vụ cao trong chính phủ. Sự quan tâm ở đây có lẽ cũng sẽ lớn!

SPIEGEL ONLINE: Ông không muốn được thu nhận về?

Rösler: Nước Đức là quê hương của tôi. Đó là một nét vinh dự cho đất nước của chúng ta, rằng cả những người với một tiểu sử không thông thường vẫn có cơ hội để tiến lên. Điều kiện tiên quyết cho việc đấy là sự khoan dung. Hệ thống dân chủ của chúng ta và thành công của chúng ta không chỉ dựa trên nền kinh tế thị trường mang tính xã hội mà trước hết là trên một xã hội tự do. Tôi cũng sẽ nhấn mạnh đến điều đấy ở Việt Nam. Về lâu dài, một nền kinh tế thị trường không thể phát triển mà không có tự do.

SPIEGEL ONLINE: Một đề tài cho nhiều người con nuôi châu Á trong nước Đức là sự phân biệt chủng tộc, công khai hay bí mật. Ông có gặp phải nó không?

Rösler: Không, trong cư xử bình thường hàng ngày với nhau thì không.

SPIEGEL ONLINE: Ở Việt Nam, những người Cộng sản vẫn còn thống trị với một hệ thống độc đảng. Trong chuyến đi này của ông, tôn trọng quyền con người cũng có là một đề tài không?

Rösler: Tôi hoạt động trong Ủy ban Trung ương của Công giáo, vì thế mà quan trọng đối với tôi cũng là việc mời các đại diện của nhà thờ Công giáo đến dự một buổi tiệc chiêu đãi trong Đại sứ quán Đức ở Hà Nội. Người Công giáo trước sau vẫn còn gặp khó khăn ở Việt Nam. Đấy là một tuyên bố rõ ràng ở phía tôi.

SPIEGEL ONLINE: Mãi đến năm 2000 ông mới rửa tội. Quyết định này có liên quan gì đến việc các xơ Công giáo đã cứu vớt ông không?

Rösler: Đó không phải là lý do quyết định. Nhưng nếu ai biết được các xơ đã hoạt động dưới những nguy hiểm và thiếu thốn nào vì các em mồ côi trong Chiến tranh Việt Nam thì người đấy giữ mãi điều đấy trong tâm trí.

SPIEGEL ONLINE: Ông không biết tiếng Việt. Ông có chuẩn bị một vài từ cho chuyến viếng thăm của ông không?

Rösler: Thế thì không phải là thật. Để nói rõ thêm một lần nữa – tất nhiên là một phần của cuộc đời tôi gắn liền với đất nước đó, nhưng tôi đến thăm Việt Nam như là Bộ trưởng Bộ Kinh tế Đức.