Lm. Antôn Bùi Kim Phong
Metanoia trong từ ngữ của thần học Tân Ước - trong Cựu Ước với
động từ shuv: trở về, quay về, hay nacham: thống hối - diễn tả một hành trình hồi tâm, thống hối và hoán cải
tận căn. Trong ý nghĩa thời gian, đó là sự dứt khoát với quá khứ, thay đổi
trong hiện tại để hướng về một tương lai khác biệt. Nói về tiến trình, đó là một
tiến trình vượt qua chính mình, vượt qua lối sống, lối hiểu, cách nghĩ của con
người hiện tại về chính mình, về người khác, về thế giới và về chính Thiên Chúa,
để có được một phân định mới, xác quyết mới và từ đó có được một dấn thân mới.
Tất cả tiến trình nội tâm này đưa con người tới một mục tiêu là sống trọn vẹn hơn
và mật thiết hơn trong tình yêu với chính Đức Kitô, và qua đó đổi mới cách nhìn,
cách hiểu, cách cư xử với chính mình và với thế giới chung quanh, tương hợp với
cái nhìn của Đức Kitô. Đối với những người được gọi vào thánh chức linh mục,
người mục tử của đoàn dân được Chúa trao phó, tiến trình hoán cải (metanoia) đưa đến một dấn thân mới, một
sự mật thiết mới trong mối tương quan với vị Mục Tử tốt lành trên hết các vị mục
tử là Đức Kitô, là mục tiêu của đời sống mục vụ và thiêng liêng của linh mục. Bài
suy niệm này muốn phác họa tiến trình hoán cải ‘thứ hai’[1]
của thánh Phêrô - dựa trên những chiêm niệm lectio divina - để gửi đến các cha
trong khoá thường huấn 2012 như là chứng
từ của tiến trình hoán cải của người mục tử[2].
Hai lời giáo đầu
-
Đầu tiên, trước khi đi vào phần suy niệm, chúng ta dừng lại một chút ở hai từ
“hoán cải và “ơn gọi’, không phải để định nghĩa, nhưng để làm rõ nghĩa hơn.
Chúng ta gọi là ơn
gọi những lôi cuốn, hấp dẫn mà Chúa Thánh Thần tác động, dù trong những trạng
huống khác nhau, khi sáng sủa rỏ ràng, lúc mù mờ tăm tối, để chúng ta hiểu được
sứ vụ mà Thiên Chúa muốn chúng ta thực hiện trên trần gian này. Sứ vụ đó luôn là một cách bắt chước Chúa Giêsu,
một cách thể hiện sự hiện hữu của Chúa Giêsu trong một khoảnh khắc hay hoàn cảnh
nào đó trong lịch sử. Nhưng ơn gọi cũng bao gồm sự lớn lên, sự phát triển thiêng
liêng, cho đến khi đạt đến sự trưởng thành Kitô giáo, đạt đến khả năng sống,
suy nghĩ, và hành động như Chúa Giêsu, trong một hoàn cảnh cụ thể. Vì thế, ơn gọi
luôn mang ý nghĩa kiến tạo và tinh luyện. Ơn gọi luôn kêu mời chúng ta từ bỏ những
gì bất ổn và không chân thực, để tiến bước trong hành trình của trật tự và sự
thật. Vì thế ơn gọi có một liên hệ mật thiết với hoán cải.
Chúng ta hiểu chữ hoán cải (metanoia),
theo nghĩa rộng, là những thay đổi tâm hồn có ý nghĩa và hiệu lực. Sự hoán cải
có thể được hiểu theo hai ý nghĩa: hoán cải thiêng liêng và hoán cải đời sống
luân lý.
Hoán cải thiêng liêng hệ tại ở việc đặt
Thiên Chúa và tình yêu của ngài vào vị trí cao nhất. Việc hoán cải này có thể bắt
đầu từ một quan đìểm hay trạng thái thiêng liêng trước đây, là một tình trạng
không hoàn toàn thành tâm hay chân thực, không đặt Thiên Chúa và tình yêu của
ngài vào vị trí cao nhất, nhưng thay vào đó có thể là truyền thống, thói quen,
cách phục vụ, vv… Cho nên cũng cần có việc hoán cải trong phạm vi đời sống thiêng
liêng dự định sống theo Tin Mừng; dự định không chưa đủ, cần hoán cải tâm hồn
theo gương Chúa Giêsu.
Việc hoán cải luân lý luôn đi liền với
việc hoán cải thiêng liêng, nó hệ tại ở việc luôn đặt sự thật và sự thiện vào vị
trí cao nhất, và đặt những lợi ích riêng tư, những đìều hữu ích, và những bù trừ,
vào hàng thứ yếu. Việc hoán cải thiêng liêng, việc đặt Thiên Chúa vào vị trí
cao nhất, luôn giả định sự hoán cải luân lý và mọi hoán cải luân lý đều kêu mời
chúng ta thanh luyện tâm hồn hướng về sự hoán cải thiêng liêng chân chính. Vì vậy,
luôn có liên hệ hỗ tương giữa hai thực tại này.
Qua đó, chúng ta cũng thấy việc hoán cải
và ơn gọi cũng hỗ tương với nhau chặc chẻ: qua ơn gọi chúng ta biết phương thế
cụ thể của mỗi người để bắt chước Đức Kitô trong hoàn cảnh lịch sử hiện tại, và
qua việc hoán cải biến đổi tâm hồn để có thể tự do bắt chước Đức Kitô và tuân
theo những linh hứng của ngài.
Chúng ta thường xuyên dùng những từ ngữ này để
phác họa hành trình ơn gọi và hoán cải của thánh Phêrô, một hành trình ơn gọi đưa
đến việc hoán cải nội tâm đích thực: đưa đến việc bước ra khỏi, vượt khỏi những
lợi ích riêng tư, những cách thế riêng tư để nhìn sự vật, để có thể tuân theo và
tương hợp với những lợi ích của Thiên Chúa; và dẫn đến việc nhận thức đúng đắn
hơn về ý muốn của ngài.
-
Tiếp đến là lời giáo đầu thứ hai. Trong khi dõi theo hành trình của Phêrô, bài
suy niệm này dừng lại ở điều chúng ta có thể gọi là ‘ơn gọi lần thứ hai’. Hay có
thể gọi là ‘sự hoán cải lần thứ hai’. Những lời dạy của thánh tông đồ thật hữu ích
cho chúng ta, vì có lẽ đối với ngài những giai đoạn này là đau khổ và thương tổn
hơn, và vì thế nó trở nên dấu hiệu, biểu tượng, kiểu mẫu, để chúng ta nhớ lại
khi những hoàn cảnh tương tự xảy đến cho chúng ta.
Mỗi người muốn trở thành môn đệ đích thực
và kiên trì trên con đường đi theo Chúa, mỗi ơn gọi, một cách nào đó đều cảm
nghiệm trong đời sống mình những bước ngoặc, là bước khai mở những chân trời mới
và thường là qua những giai đoạn khủng hoảng - nói theo khoa tâm lý học, có thể
được ví như giai đoạn được gọi là khủng hoảng của tuổi bốn mươi -. Và rồi sự biến
đổi đến trong ta, nó có thể được gọi dưới nhiều tên: sư hoán cải lần thứ hai, ơn
gọi lần thứ hai, hay những tên khác. Chắc chắn có một giai đoạn như thế -dù dưới
tên gọi nào - và chúng ta cùng suy niệm giai đoạn này của thánh Phêrô.
Câu hỏi của chúng ta là ơn gọi hay việc
hoán cải lần thứ hai của thánh Phêrô xảy ra cho ngài thế nào? Ngài sẽ trả lời
cho chúng ta qua hai bước tiếp nhau: qua hai
lần cảnh báo, hai lần xây dựng và một kết
luận. Chúng ta trải nghiệm những khoảnh khắc này qua việc đọc (lectio) và
suy niệm (meditatio) để tự hỏi xem ơn gọi lần thứ hai là gì, có xãy ra tương tự
như thế cho chúng ta không, và chúng ta rút ra từ đó những kết quả nào?
Một đức tin mỏng giòn
Chúng ta bắt đầu với hai lần cảnh báo làm
cho Phêrô thức tỉnh.
- Lần cảnh báo thứ nhất xảy ra khi Phêrô đã quyết định theo Thầy, và
đã sống đời môn đệ. Chúng ta đọc trình thuật này ở Tin Mừng Mát-thêu chương 14.
Sau phép lạ hoá bánh ra nhiều, Chúa đi lên núi một mình để cầu nguyện, trong
khi các môn đệ lên thuyền để sang bờ bên kia trước. “Còn chiếc thuyền đã ra biển
được vài dặm, bị sóng đánh ngược gió. Vào khoảng canh tư, Ngài đi trên mặt biển
mà đến với họ. Thấy Ngài đi trên mặt biển, các ông hoảng hốt bảo nhau: “Ma đấy”,
và sợ hãi la lên. Đức Giê-su liền bảo các ông: "Cứ yên tâm, chính Thầy
đây, đừng sợ!" Ông Phê-rô liền thưa với Người: "Thưa Ngài, nếu quả là
Ngài, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Ngài." Đức Giê-su
bảo ông: "Cứ đến! " Ông Phê-rô từ thuyền bước xuống, đi trên mặt nước,
và đến với Đức Giê-su. Nhưng thấy gió thổi thì ông đâm sợ, và khi bắt đầu chìm,
ông la lên: "Thưa Ngài, xin cứu con với! "Đức Giê-su liền đưa tay nắm
lấy ông và nói: "Người đâu mà kém tin vậy! Sao lại hoài nghi? "Khi thầy
trò đã lên thuyền, thì gió lặng ngay (cc. 24-32).
“Người đâu mà kém tin”, những
từ ngữ quá nặng, vì Phêrô sẽ là nền tảng đức tin cho Giáo hội, cho chính niềm
tin của chúng ta.
Ông bị trách móc vì kém tin, để nhắc nhớ ông về thực tại là ông
không tin, rụt rè, hoài nghi, kinh hãi và khiếp sợ. Cũng như tất cả chúng ta,
Phêrô phải học biết là đức tin là một ân huệ của Thiên Chúa, không phải một sở
đắc của chúng ta.
- Lần cảnh báo thứ hai được trình thuật trong Tin Mừng Luca, chương
22, và cũng được thuật lại trong các Tin
Mừng nhất lãm và cả Tin Mừng Gioan (13, 38-38). Ở đây chúng ta đọc trình thuật
của Luca.
Trước
hết Phêrô, cũng như thường lệ, được ca tụng, và lần này cùng với các tông đồ khác:
"Còn anh em, anh em vẫn một lòng gắn bó với Thầy,
giữa những lúc Thầy gặp thử thách gian nan” (c. 28); vì họ là những người trung
thành và chung thủy. Nhưng quay sang Simon Phêrô, Ngài thêm: “Si-môn, Si-môn
ơi, kìa Xa-tan đã tìm để sàng anh em như
người ta sàng gạo. Nhưng Thầy đã cầu nguyện cho anh để anh khỏi mất lòng tin.
Phần anh, một khi đã trở lại, hãy làm cho anh em của anh nên vững mạnh"
(cc 31-32).
Phêrô như muốn nói: con hài
lòng vì những lời Thầy nói, và những lời đó làm cho con yên lòng, nhưng, cũng
như mọi khi, con muốn thêm: "Lạy
Chúa, dầu có phải vào tù hay phải chết với Chúa đi nữa, con cũng sẵn
sàng". Một sự chung thủy tuyệt đối và trọn vẹn. Phêrô hết sức thành tâm
khi nói thế. Nhưng Chúa Giêsu trả lời: “Này anh Phê-rô, Thầy bảo cho anh biết,
hôm nay gà chưa kịp gáy, thì đã ba lần anh chối là không biết Thầy"( c. 34).
Vị tông đồ phải chấp nhận lời
cảnh báo mạnh mẽ này, lời này làm cho ông hiểu sự chân thực của ước muốn đi
theo Chúa Giêsu của ông, dù đã biểu lộ, nhưng vẫn còn rất mềm yếu, mỏng giòn,
chưa thực thâm sâu.
Chúng ta sẽ xét đến việc Phêrô
chối ba lần sau khi suy tư về trình thuật chúng ta gọi là lần xây dựng đầu tiên
trong tiến trình hoán cải lần hai của thánh Phêrô.
“Các con bảo Thầy là ai?”
Ở đây chúng ta nói về một lần quở trách trở thành bước ngoặc quyết định
trong cuộc đời của Phêrô. Câu chuyện xảy ra trong cuộc hành trình về Cêsarê
Philíphê, khi thầy trò bỏ Galilêa, hướng về phía bắc, đến tận chân núi Hermon.
Đây là một nơi đầy nước, đầy suối, đầy những ao hồ nhỏ, đầy những hang động,
nhưng cũng đầy những truyền thống bí nhiệm của dân ngoại. Thầy Giêsu chỉ đi với
các môn đệ, và muốn lay chuyển, khích động và làm cho họ tạo cho mình một bước
nhảy vọt trong hành trình nội tâm.
Dĩ nhiên, cũng như những lần khác, chính Phêrô là người được thử nghiệm, là
người Chúa chọn để kích thích những người khác. Tất cả bắt đầu với một câu hỏi
của Chúa Giêsu: “Người ta bảo thầy là ai?”. Câu hỏi này không phải mới, nó đã
được hỏi nhiều lần rồi. Các môn đệ đã nghe từ những phép lạ đầu tiên, từ những
lần chữa lành đầu tiên. Tin mừng theo thánh Mát-cô đã ghi chú, sau trình thuật
về việc làm cho sóng gió im lặng, các môn đệ sợ hãi, kinh khiếp, và bảo nhau rằng:
"Vậy người này là ai, mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh?" (4,41).
Dân chúng luôn thắc mắc và đặt câu hỏi, nhưng đến giờ các môn đệ vẫn chưa
thoả thuận với nhau về câu trả lời. Có người nói Thầy là một ngôn sứ, một ngôn
sứ vĩ đại; như một người được Thiên Chúa sai đến, hay có thể là Đấng được sai đến
sau cùng, Đấng Thiên Sai.
Cho dù có những chuẩn bị này rồi,
nhưng đến khi chính Chúa Giêsu đặt câu hỏi này, các môn đệ giật mình ngạc
nhiên, hay mắc cở không dám phát biểu, sợ rằng câu trả lời của mình không được
Thầy đồng ý. Các môn đệ vẫn còn sợ hãi khi đối diện với sự thật. Tất cả các ông đều sợ sệt và do dự.
Phêrô thì sao? Ông được linh hứng nội tâm thúc bách nói lên thay cho anh
em, nói lên những lời mà các thánh sử ghi lại mỗi người một cách hơi khác nhau.
Thánh Mát-thêu diễn tả phong phú hơn, có thể hơi vượt quá một chút những gì
Phêrô đã nói lúc đó (Mc 8,27-30).
Phêrô chắc rằng Chúa Giêsu là Đấng Kitô, nên đã mạnh mẽ phát biểu. Có lẽ trong
suy nghĩ Phêrô cảm thấy Thầy mình có cái gì đó hơn cả Đấng Thiên Sai, là người
có mối tương quan mầu nhiệm và rất mật thiết với Thiên Chúa, nên Phêrô cũng muốn
nói lên điều đó, cho dù ông có thể không hiểu thấu đáo những lời mình muốn nói.
Sau khi nói xong, chắc Phêrô lặng đi và run rẩy, vì không biết mình nói có đúng
không, vì những lời đó rất nghiêm trọng đối với người giữ đạo và luật Do Thái
thuần thành.
Có
lẽ lúc đó Chúa Giêsu đã nhìn thâm trầm vào mắt Phêrô, như lần đầu gặp nhau, im
lặng hồi lâu rồi mới nói lên tiếng: “Này anh Si-môn con ông Giô-na, anh thật là
người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của
Thầy, Đấng ngự trên trời” (Mt 16, 17).
Phêrô thật hả hê, phấn khởi và mãn nguyện đến tột đỉnh, như thể ở chín tầng
mây. Thầy không những công nhận những lời của ông là đúng, mà còn nhấn mạnh là
ông đã được Thiên Chúa mạc khải. Điều đó
vượt quá lòng mong ước của Phêrô. Khi nghe Chúa nói thế, ông tràn ngập hạnh
phúc: Thiên Chúa thật đáng cho tôi xưng tụng, Ngài đặt Thần Khí của Ngài trong
lòng tôi, Ngài dùng tôi để tỏ bày những bí nhiệm của Ngài.
Đó là điều ngoài sức tưởng tượng của Phêrô. Cả các môn đệ khác cũng nhìn
Phêrô đầy kinh ngạc về điều kỳ diệu chưa từng nghe thấy này. Và cũng có thể với
một chút ganh tị, họ tự hỏi: Làm thế nào mà Phêrô có thể thẩm thấu những điều
bí nhiệm của Chúa đến vậy?
Hoán cải để khiêm nhường
Nhưng câu chuyện không dừng ở đây, mà tiếp tục với những diễn biến không lường
trước được, với lời quở mắng của Chúa Giêsu. Lời quở mắng chắc đã làm Phêrô run
lên vì khiếp hãi.
Trong
khi Phêrô tin rằng mình đã hiểu biết sâu xa về kế hoạch của Thiên Chúa, ông ta
nghe Chúa Giêsu nói về cuộc khổ nạn và cái chết, một ấn tượng về tương lai xem
ra thất bại. Lòng vẫn còn đầy cảm xúc huy hoàng vừa qua, Phêrô bạo dạn và không
do dự kéo Thầy ra để phản đối và can gián: điều này không được, không thể xảy
ra, không chấp nhận được và chúng con không bao giờ cho phép xảy ra.
Nghe thế, Chúa Giêsu đổi sắc mặt, ngài giận dữ và quát mắng: "Sa-tan,
lui lại đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư
tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người" (Mt 16, 23).
Lời trách mắng thật nặng nề, khủng khiếp. Phêrô kinh hãi, vừa được tán
dương và phấn khích, giờ đây tất cả sụp đổ. Tất cả hình ảnh mà ông tạo nên cho
mình, lâu đài mà ông đã xây dựng qua ơn gọi và sự ưu ái đặc biệt của Thầy mình,
đã sụp đổ. Ông được gọi đầu tiên lên núi và điều đó đã làm ông phấn khởi, ông
đã cảm nhận Thầy đã xem mình như người tín cẩn, như cánh tay phải, nhưng bây giờ
lại bị đối xử thậm tệ, bị ném như giẻ rách, bị coi như Satan quỷ dữ. Chưa bao
giờ ông nghĩ có thể bị trách mắng kinh khủng và tàn mạt đến thế. Ông đã tin rằng
mình hiểu con đường Chúa muốn cho Thầy Giêsu, nhưng ông lại bị mắng nhiếc như
là người chẳng biết chút gì về kế hoạch của Thiên Chúa, và chỉ phán đoán theo
suy nghĩ nhân loại.
Chợt hiện lên trong đầu Phêrô lời phát biểu rất mạnh của tiên tri Isaia:
“Tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi, đường lối của các người
không phải là đường lối của Ta” (55, 8). Ông thấy mình đã bị sửa sai, bị xô
ngã, và trở lại trạng thái mất tự tin mà ông thường bị. Ông thấy trở lại trong
mình những cảm xúc thiếu thốn, không tương xứng, thường xảy ra trong đời. Nhưng
quan trọng hơn hết là ông có ấn tượng là giữa ông và Thầy Giêsu dường như đã chấm
dứt, Ngài đã bỏ rơi ông, Ngài đã loại ông. Ông cho rằng sau những gì ông đã nói
chẵng còn ai nghe ông nữa; thậm chí những môn đệ khác còn trêu ghẹo, còn coi
ông thiếu nghiêm chỉnh và không đáng tin.
Ông trải qua những giây phút hoãng loạn, và cả một chút giận dữ. Ông cắn
môi và không dám trả lời.
Nhưng Chúa Giêsu tiếp tục kiên nhẫn
và can đảm chỉ dạy các môn đệ, hầu như không quan tâm đến sai trái và tự phụ của
Phêrô, Ngài tiếp tục nói về tách biệt, từ bỏ chính mình, về sự cần thiết phải
nói không với chính mình, cần phải sống đời sống mình thế nào: “Rồi Đức Giê-su
nói với các môn đệ: "Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập
giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều
mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy” (Mt 16, 24-25).
Lúc này Phêrô nhận ra điều gì đằng sau lời quở mắng này. Nó như là một lời
mời gọi mới, nó làm cho ông đối diện với một sự thúc bách phải hoán cải; không
vỏ đoán về chính mình về sức mạnh của mình nữa; không tự lừa dối mình nữa, vì một
vài an ủi hay soi sáng nội tâm, để tự đưa mình đến một nơi vô định, nhưng phải
khiêm tốn, thận trọng, thinh lặng.
Đó là những điều nghịch với cá tính của Phêrô, ông không hi vọng đạt được.
Nhưng Thầy Giêsu mạnh mẽ hơn chính ông, ông cảm nhận được ở Thầy sự tín nhiệm
không đầu hàng trước những kháng cự của ông, tiếp tục lay chuyển, cho tới khi
đưa ông tới được mức độ đúng đắn trong việc đánh giá về chính mình và về người
khác.
Phêrô nhận ra biến cố này đúng là do Chúa quan phòng. Ông nhận ra mình bị
khuất phục hoàn toàn. Một lần quở trách quý giá khiến ông bắt đầu việc cải đổi
chính mình. Công việc khó khăn này của Phêrô đạt đến cực điểm trong những ngày
sau hết của cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, khi ông chối Thầy, và kết quả cuối
cùng là ông nhận được sự ủy nhiệm Chúa Giêsu tín cẩn trao cho, mà ông không bao
giờ dám mơ.
Ba lần chối Thầy
Chúng ta bước sang trình thuật xây dựng thứ hai trong hành trình hoán cải của
Phêrô, trong đó vị tông đồ bộc lộ một lần nữa tất cả sự mỏng giòn của mình. Đó
là trình thuật về ba lần chối Thầy, được thuật lại trong ba Tin Mừng nhất lãm
cũng như trong trình thuật xử án của Tin Mừng thứ tư. Ở đây chúng ta suy niệm
tin mừng Gioan 18, 1-8, 25-27.
“Ông Si-môn Phê-rô và một môn đệ khác đi theo Đức Giê-su. Người môn đệ này
quen biết vị thượng tế, nên cùng với Đức Giê-su vào sân trong của tư dinh vị
thượng tế. Còn ông Phê-rô đứng ở phía ngoài, gần cổng. Người môn đệ kia quen biết
vị thượng tế ra nói với chị giữ cổng, rồi dẫn ông Phê-rô vào. Người tớ gái giữ
cổng nói với ông Phê-rô: "Cả bác nữa, bác không thuộc nhóm môn đệ của người
ấy sao?" Ông liền đáp: "Đâu phải". Vì trời lạnh, các đầy tớ và
thuộc hạ đốt than và đứng sưởi ở đó; ông Phê-rô cũng đứng sưởi với họ”.
“Còn ông Si-môn Phê-rô thì vẫn đứng sưởi ở đó. Người ta nói với ông:
"Cả bác nữa, bác không thuộc nhóm môn đệ của ông ấy sao?" Ông liền chối:
"Đâu phải". Một trong các đầy tớ của vị thượng tế, có họ với người bị
ông Phê-rô chém đứt tai, lên tiếng hỏi: "Tôi đã chẳng thấy bác ở trong vườn
với ông ấy sao?" Một lần nữa ông Phê-rô lại chối, và ngay lúc ấy gà liền
gáy”.
Chúng
ta thấy duờng như Phêrô bị thử thách này mà ông không nhận biết. Khi Chúa Giêsu
bị bắt, bị trói, bị điệu đi, sau khi Ngài bảo Phêrô hãy xỏ gươm vào vỏ (x.
Gioan 18, 1-12), ông bắt đầu càng mù mờ khó hiểu về Thầy mình hơn: tại sao
không tự vệ? Tại sao không chấp nhận ít ra là hành vi tự vệ của tôi? tại sao
không vũ trang? Nhưng ông cứ đi theo Chúa, không biết rõ tại sao, càng không có
quyết định can thiệp để bênh vực ngài trong khi bị xét xử; có lẽ ông hi vọng,
nhưng không biết phải làm gì cho Ngài. Nhờ môn đệ thầy yêu can thiệp, ông được
vào sân dinh thượng tế. Ngay khi bước vào, ông bị hỏi: “Cả bác nữa, bác không
thuộc nhóm môn đệ của người ấy sao?”
Phêrô thú nhận: tôi đã trả lời: “đâu phải”, mà không biết tại sao tôi làm vậy.
Rồi tôi đứng ở đó cu rú như trời trồng, sưởi ấm, và thấy mình như rơi vào một
trạng thái siêu thực, không còn ý niệm gì về việc mình đang làm. Và lần thứ hai
họ hỏi tôi: “Cả bác nữa, bác không thuộc nhóm môn đệ của ông ấy sao?”, tôi lại
chối lần nữa và đáp: “Đâu phải”. Kế đến, tôi lại bị một đầy tớ khác chất vấn,
người này có bà con với người bị tôi chém đứt tai trong vườn Cây Dầu, anh hỏi:
"Tôi đã chẳng thấy bác ở trong vườn với ông ấy sao? " Và tôi lại chối.
Tại sao lại chối?
Chắc chắn là vì sợ, nhưng cũng rất có thể là vì tôi quá hoảng loạn. Khi nhận
là không biết Ngài, tôi cũng tỏ ra cho thấy một chút về những gì tôi có trong
lòng lúc đó. Câu trả lời của tôi cũng chứa đựng một sự thật nào đó, vì tôi
không thể là môn đệ của một người bị làm nhục đến thế, người để mình bị đối xử
tàn tệ đến vậy. Tôi đã thất vọng, tôi không còn hiểu nữa, một cách nào đó tôi
có thể nói là không biết Ngài. Trong thâm tâm tôi đã không chấp nhận việc Thầy
Giêsu chịu đau khổ và nhục nhã, nên tôi cũng không thể chấp nhận ý muốn của
Thiên Chúa được bày tỏ trong sự nhục nhã như thế, cũng không thể chấp nhận một
Thiên Chúa dính dáng đến con người đến độ để mình bị tiêu diệt trong con người
thầyGiêsu. Điều này đòi tôi một sự vượt quá những gì mà tôi có thể.
Và chỉ cái nhìn của Chúa Giêsu - Phêrô nói tiếp - đã tác động đến tận đáy
tâm hồn tôi, làm cho tôi hiểu ra tôi đang ở đâu, làm gì: “Ông Phê-rô trả lời:
"Này anh, tôi không biết anh nói gì!" Ngay lúc ông còn đang nói, thì
gà gáy. Chúa quay lại nhìn ông” (Lc
22, 61a) - cũng với động từ «emblébo»
trong lần gặp gở đầu tiên[3]- với cái
nhìn đầy cảm thương, thông cảm, và tha thứ. Và tôi nhớ lại lời Thầy đã nói truớc:
“"Hôm nay, gà chưa kịp gáy, thì anh đã chối Thầy ba lần" (c.61b).
“Và ông ra ngoài, khóc lóc thảm thiết” (Lc 22, 62). Chúng ta có thể nhận ra
chính ở đây lần hoán cải thứ hai của Phêrô, khi ông ta hiểu được rằng phải chấp
nhận Chúa Giêsu như chính ngài, cần phải chấp nhận ý muốn của Thiên Chúa được tỏ
bày nơi Đấng chịu đóng đinh trên thập giá,
nhục nhã, bị tra tấn, và bị giết. Đây chính là con đường của Chúa.
Con đường tình yêu
Chúng ta tìm thấy con đường được xác định trong phần cuối cùng mà chúng ta
gọi là kết luận của ơn gọi hay hoán cải
lần thứ hai của Phêrô. Chương 21 của Tin Mừng Gioan thuật lại: “Sau đó, Đức
Giê-su lại tỏ mình ra cho các môn đệ ở Biển Hồ Ti-bê-ri-a. Người tỏ mình ra như thế này. Ông Si-môn
Phê-rô, ông Tô-ma gọi là Đi-đy-mô, ông Na-tha-na-en người Ca-na miền Ga-li-lê,
các người con ông Dê-bê-đê và hai môn đệ khác nữa, tất cả đang ở với nhau. Ông
Si-môn Phê-rô nói với các ông: "Tôi đi đánh cá đây." Các ông đáp:
"Chúng tôi cùng đi với anh." Rồi mọi người ra đi, lên thuyền, nhưng
đêm ấy họ không bắt được gì cả.
Khi trời đã sáng, Đức Giê-su
đứng trên bãi biển, nhưng các môn đệ không nhận ra đó chính là Đức Giê-su. Người
nói với các ông: "Này các chú, không có gì ăn ư?" Các ông trả lời:
"Thưa không." Người bảo các ông: "Cứ thả lưới xuống bên phải mạn
thuyền đi, thì sẽ bắt được cá." Các ông thả lưới xuống, nhưng không sao
kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá. Người môn đệ được Đức Giê-su thương mến nói
với ông Phê-rô: "Chúa đó! " Vừa nghe nói "Chúa đó! ", ông
Si-môn Phê-rô vội khoác áo vào vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển. Các môn đệ
khác chèo thuyền vào bờ kéo theo lưới đầy cá, vì các ông không xa bờ lắm, chỉ
cách vào khoảng gần một trăm thước.
Bước lên bờ, các ông nhìn thấy
có sẵn than hồng với cá đặt ở trên, và có cả bánh nữa. Đức Giê-su bảo các ông:
"Đem ít cá mới bắt được tới đây! " Ông Si-môn Phê-rô lên thuyền, rồi
kéo lưới vào bờ. Lưới đầy những cá lớn, đếm được một trăm năm mươi ba con. Cá
nhiều như vậy mà lưới không bị rách. Đức Giê-su nói: "Anh em đến mà ăn!
" Không ai trong các môn đệ dám hỏi "Ông là ai?”, vì các ông biết rằng
đó là Chúa. Đức Giê-su đến, cầm lấy bánh trao cho các ông; rồi cá, Người cũng
làm như vậy. Đó là lần thứ ba Đức Giê-su tỏ mình ra cho các môn đệ, sau khi trỗi
dậy từ cõi chết.
Khi các môn đệ ăn xong, Đức Giê-su hỏi ông Si-môn Phê-rô:
"Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có mến Thầy hơn các anh em này không?
" Ông đáp: "Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy." Đức
Giê-su nói với ông: "Hãy chăm sóc chiên con của Thầy." Người lại hỏi:
"Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có mến Thầy không? " Ông đáp:
"Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy." Người nói: "Hãy chăn
dắt chiên của Thầy." Người hỏi lần thứ ba: "Này anh Si-môn, con ông
Gio-an, anh có yêu mến Thầy không? " Ông Phê-rô buồn vì Người hỏi tới ba lần:
"Anh có yêu mến Thầy không? " Ông đáp: "Thưa Thầy, Thầy biết rõ
mọi sự; Thầy biết con yêu mến Thầy." Đức Giê-su bảo: "Hãy chăm sóc
chiên của Thầy. Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: lúc còn trẻ, anh tự mình thắt
lưng lấy, và đi đâu tuỳ ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người
khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn." Người nói vậy, có ý ám
chỉ ông sẽ phải chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa. Thế rồi, Người bảo ông:
"Hãy theo Thầy" (cc.1-19).
Chúng ta thấy Phêrô đã lấy lại vai trò thủ lãnh trước khi
Chúa hiện ra trên bờ hồ, ông đã được khôi phục lại từ cái nhìn của Chúa Giêsu và
việc ông than khóc, hối cải, ăn năn vì
những điều đáng hổ thẹn của mình, và như thế ông có thể củng cố anh em.
Nhưng phần cuối của trình thuật xác định là Phêrô đã hoán cải lần thứ hai, và lần
hoán cải này cho phép ông nhắm vào bản chất,
về cốt yếu. Thực ra ba câu hỏi về
tình yêu Chúa Giêsu hỏi và vị tông đồ
đã khiêm tốn trả lời là câu hỏi về chính bản chất, cốt lõi của mọi hoạt động, mọi
công trình.
Ông ta được hỏi về tình yêu
chứ không về đức tin, có lẽ vì trong giai đoạn cuối này tình yêu là căn nguyên.
Dĩ nhiên đức tin là nguyên lý cho ơn cứu rỗi và việc công chính hóa, là chính
con mắt của tình yêu. Trước tiên Thiên Chúa tuôn đổ tình yêu trong lòng chúng
ta, và chính tình yêu này làm cho chúng ta tin, trao ban và phó thác chính mình.
Vì thế, Phêrô đã hoàn tất hành
trình của mình khi ông nhận ra mình mỏng giòn – và ông ta nói rõ điều đó trong
câu trả lời: Lạy Chúa, Chúa biết mọi sự, con không muốn xác quyết gì hết về chính
mình, con không muốn mạo muội suy đoán gì hết – và khi Phêrô nghe câu hỏi về cốt
lõi, về bản chất, tức là về tình yêu, là điều phải trở nên điểm quy chiếu của tất
cả mọi hoạt động mục tử của ông, là nền tảng của tất cả những gì ông sống sau ơn gọi hay lần hoán cải thứ
hai.
Sau khi đã lược qua cách ngắn
gọn những giai đoạn của cuộc hoán cải của Phêrô, và ghi nhớ những đoạn Tin Mừng
nền tảng, giờ đây chúng ta bước qua phần suy niệm (meditatio).
Đâu là kết quả của lần hoán cải thứ hai?
Ơn gọi hay hoán cải lần thứ
hai gồm tóm trong điều gì? Bước ngoặc này của cuộc sống bao hàm trong điều gì và
đâu là kết quả của nó? Chúng ta sẽ cố gắng đưa ra một vài kết quả. Sau khi nghe
những lời của Phêrô, chúng ta cũng tự hỏi mình là có thể xảy đến trong chúng ta
một lời mời gọi mới hay một cuộc hoán cải mới, hay có lúc nào đó chúng ta có những
cảm nghiệm giống như thế?
-
Kết quả đầu tiên là chúng ta nhận thức được chính sự mỏng giòn của
mình, mà chúng ta không bao giờ đào sâu cho đủ. Thông thường từ khi còn trẻ chúng
ta thường tự đánh lừa, chúng ta thường hứa hẹn, thai nghén nhiều kế hoạch; nhưng
rồi chúng ta nhận ra mình quá mỏng giòn.
Dĩ nhiên là khó chấp nhận điều đó, và khi dự tính làm điều gì chúng ta muốn trở
lại sự trong trắng ban đầu, một chút giống như khi còn nhỏ, muốn thoát khỏi mọi
sự và trở lại thời mà mọi cái còn như tờ giấy trắng. Chúng ta luôn ước muốn như thế; nhưng đến một lúc chúng ta
phải chấp nhận là mình mềm yếu, mỏng giòn. Điều này tốt cho chúng ta, vì đặt chúng
ta với trọn vẹn sự thật về mình trước mặt Chúa.
Điều này xảy ra cho mỗi người
mỗi khác. Nó đã xảy ra với Phêrô qua một hình thức đầy thương đau, và có lúc cũng
xảy ra tương tự một cách lạ kỳ cho những linh mục hay tu sĩ, với những kinh
nghiệm bị dằn vặt hay bị tấn công tơi tả. Nhưng cũng có lúc dưới một hình thức
nhẹ nhàng hay mờ nhạt hơn. Nhưng nói chung, đó là một giai đoạn phải xảy ra. Đây
là yếu tố đầu tiên của ơn gọi hay sự hoán cải lần thứ hai.
- Một
kết quả khác là việc ý thức rằng mình được tha thứ, và vì được tha thứ, chúng
ta có thể thứ tha. Điểm lợi thế là trở nên một người chữa lành bị thương – nói
theo H. Nowen- một người được tha thứ thứ tha, một người tội lỗi giúp cho những
tội nhân khác nhận biết Chúa. Trong cuốn Bàn
về việc sám hối ăn năn (Trattato sulla penitenza), thánh Ambrosio viết lời
cầu xin: “mỗi lần đối diện với tội lỗi của một người sa ngã, xin cho con tỏ cho họ lòng thương cảm, đừng cao ngạo quở
mắng, nhưng than van khóc lóc, để khi than khóc người khác, con than khóc chính
con”.
Có
thể chúng ta không có được cảm xúc đó, nhưng phải ý thức rằng trước hết chúng
ta đã được tha thứ, và việc chúng ta cần được tha thứ đưa chúng ta đến lòng thương
xót, đến một sự thông cảm luôn tăng triển trong chúng ta; và đó là đường lối của
Giáo Hội, cả trong tương lai, khi Giáo hội vẫn còn lữ hành.
- Kết
quả thứ ba là sự xác tín chúng ta không hiểu biết Chúa, Thiên Chúa luôn nhiệm mầu,
vượt quá những gì chúng ta có thể tưởng tượng về Ngài, - nói như K. Rahner - là
một chân trời mà hành động, suy nghĩ và quyết định của chúng ta vô phương đạt
thấu. Chúng ta luôn hướng về Ngài, xử sự theo Ngài, mà không bao giờ hiểu biết
Ngài trực tiếp, chỉ trong khoảnh khắc chúng ta thấy Ngài như chính Ngài, chúng
ta sẽ hiểu biết Ngài như chúng ta được cho hiểu: “Anh em thân mến, hiện giờ
chúng ta là con Thiên Chúa; nhưng chúng ta sẽ như thế nào, điều ấy chưa được
bày tỏ. Chúng ta biết rằng khi Đức Ki-tô xuất hiện, chúng ta sẽ nên giống như
Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy” (1Gioan 3,2); “Bây giờ
chúng ta thấy lờ mờ như trong một tấm gương, mai sau sẽ được mặt giáp mặt. Bây
giờ tôi biết chỉ có ngần có hạn, mai sau tôi sẽ được biết hết, như Thiên Chúa
biết tôi” (1Cor 13,12).
Bởi vậy, chúng ta chỉ hiểu
biết một phần nào đó về Thiên Chúa, trước hết là qua Chúa Giêsu, qua cách Ngài
hành động, thực hiện, suy nghĩ hay quyết định.
- Một
kết quả nữa do những biến cố đáng tiếc, đau khổ, hay đen tối mà chúng ta có thể
đã trải qua, là ý thức về lòng nhân từ và thương xót của Chúa cho chúng ta, vì
dù gì đi nữa Ngài cũng không bỏ rơi chúng ta, nhưng luôn ở kề bên và tiếp tục
phục vụ cũng như lay động thức tỉnh chúng ta. Chúng ta được mời gọi khám phá những
lời dạy Chúa ban cho trong những lúc khó khăn, khi dường như đã mất tất cả hay
như đang đi vào tăm tối.
Có lúc
quá khô khan trong cầu nguyện, lại làm phục hồi lại trong ta sự thật là cầu
nguyện là ân huệ của Thiên Chúa, trong khi chúng ta lại tìm cách tổ chức lại thật
chi tiết theo ý muốn của chúng ta, theo sự chế ngự của óc tưởng tượng. Có khi bệnh
hoạn thân xác, hay được báo tin bị bệnh nặng, là một dịp để thực hiện một bước
ngoặc hay nhận ra mình bất lực và cần một sự chấp nhận mới ý định của Thiên Chúa.
Thánh
Phêrô dạy cho chúng ta rằng những khoảnh khắc đã qua, mà chúng ta còn có thể rút
ra bài học và sự nâng đỡ cho tương lai, có lẽ là những khoảnh khắc quý giá nhất
trong đời. Cũng như đối với Phêrô những thời khắc nản lòng và tăm tối lại là những
bước quyết định trong hành trình hoán cải và trưởng thành nội tâm của mình, từ đó
cứ tiến mãi, không quay trở lại.
- Cuối
cùng, những giai đoạn như thế mang lại hoa trái vì làm cho chúng ta cảm nghiệm
được lời mời gọi đến sự mật thiết mới và luôn sâu đậm hơn với Chúa Giêsu, tin
tưởng phó thác vào Ngài, để Ngài sống và hành động trong chúng ta.
Chúng
ta cám ơn thánh Phêrô vì đã thuật cho chúng ta những cảm nghiệm để nhận ra lời
mời gọi của Chúa; đã giúp cho chúng ta nhận ra những cảm nghiệm đó trong đời sống,
để trải qua và để vượt qua nó.
Xem
ra ý niệm về hoán cải hay ơn gọi lần thứ hai được tìm hiểu quá giới hạn trong
những thời điểm cụ thể; nhưng thực ra đây là một cảm nghiệm lan toả trong cuộc
sống. Điều quan trọng là biết rằng nó hiện hữu, rằng chúng ta không hiểu biết đủ
về đường lối của Thiên Chúa, rằng chúng ta mỏng giòn, yếu đuối và phải tha thứ
cho người khác, phải học biết trước tiên tha thứ cho chính mình, để có thể thực
thi lòng thương xót như chúng ta đã lãnh nhận. Như thánh Phao lô đã diễn tả cách
tuyệt vời: “Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta.
Người là Cha giàu lòng từ bi lân ái, và là Thiên Chúa hằng sẵn sàng nâng đỡ ủi
an. Người luôn nâng đỡ ủi an chúng ta trong mọi cơn gian nan thử thách, để sau
khi đã được Thiên Chúa nâng đỡ, chính chúng ta cũng biết an ủi những ai lâm cảnh
gian nan khốn khó” (2Cor 1,3-4).
Tất nhiên đây là con đường của người môn đệ.
Con đường của hoán cải tận căn. Chúng ta không trưởng thành, không đạt đến sự
khôn ngoan trong tâm hồn, nếu không trải qua những cảm nghiệm như thánh Phêrô đã
bày tỏ cho chúng ta. Đó là con đường của người muốn thực sự theo Chúa Giêsu đến
tận cùng.
[2] Bài suy niệm này phỏng theo bài
lectio divina của Đức Hồng Y Carlo Maria Martini, dòng Tên, có tựa đề “La chiama alla nuova intimità con Gesù –
Pietro, come sei diventato pastore?” trong cuộc tĩnh tâm cho các linh mục
năm 2007. Bài này được thu tập cùng các bài suy niệm khác trong cuộc tĩnh tâm
và in thành sách có tựa đề Il coraggio
della passione – L’uomo contemporaneo e il dilemma della scelta, Milano:
Piemme, 2010, tt. 71-90. Ngài vừa qua đời vào ngày 31/8/2012, từng là Giám Đốc
Học Viện Thánh Kinh Roma và Đại Học Grêgôriô trước khi làm Tổng Giám Mục Milan
vào năm 1979 và Hồng Y vào năm 1983.
[3] “Đức Giê-su nhìn ông Si-môn và nói: "Anh là Si-môn, con ông Gio-an, anh sẽ
được gọi là Kê-pha" (tức là Phê-rô)” (Ga 1, 42b).